Với lượng rác thải lớn hơn nhiều so với diện tích sinh hoạt, Đài Loan từng được mệnh danh là “Đảo rác”. Thế nhưng, chỉ trong vài năm, điều này đã hoàn toàn thay đổi.

Rác và nhạc Beethoven

Bạn có tin không, ở Đài Loan, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng nhạc của Beethoven là người dân biết đã đến giờ… đi đổ rác.

Âm nhạc Beethoven và những bản nhạc cổ điển đã trở nên quen thuộc với mọi người, như một thứ “kẻng” báo hiệu thời điểm đổ rác tại từng khu dân cư vào buổi chiều tối. Giai điệu có thể trích từ nhạc phẩm Fur Elise (Thư gửi Elise) của Beethoven hoặc Maiden’s Prayer (Lời nguyện cầu của nàng trinh nữ) của nữ nhạc sĩ Tekla Badarzewska – Baranowska, tùy do địa phương tự chọn.

Chiếc xe vàng cam và những bản nhạc Beethoven đã trở nên quá quen thuộc với người dân mỗi khi đến giờ đổ rác. (Ảnh dẫn qua tuoitre.vn)

Tất cả các xe đổ rác ở mọi địa phương, dù do nhiều công ty tư nhân trúng thầu, đều phải đồng phục một màu vàng pha cam đặc hiệu, đều có đèn xoay nhấp nháy kiểu xe cảnh sát và có loa phát cùng một loại nhạc hiệu. Ngoài ra, các xe rác này còn phát nhạc Giáng sinh hay nhạc Tết truyền thống trong các dịp lễ để phù hợp với không khí xung quanh.

Rác thải là thực phẩm chưa nấu được cho vào thùng màu xanh dương.(Ảnh dẫn qua trithuctre)

Mục đích chính của việc làm trên làm trên là để giảm số lượng côn trùng, động vật có hại hay mùi hôi thối quanh các điểm đổ rác công cộng, bởi chính quyền địa phương cho rằng, bằng việc phát các bản nhạc yêu thích, người dân sẽ hứng thú hơn với việc mang rác từ nhà đổ trực tiếp lên xe. Tất nhiên việc thu gom rác này tuân theo những lịch trình thường xuyên nên người dân có thể chuẩn bị sẵn túi rác.

Đặc biệt, tại thành phố Đài Bắc, có khoảng hơn 4.000 điểm chở rác mà người dân có thể tra cứu bằng ứng dụng smartphone, qua đó xác định xe chở rác đã đến địa điểm nào để đổ rác.

Những loại rác thải không thể tái chế sẽ được xếp vào bên trong những chiếc túi ni lon xanh này.(Ảnh dẫn qua trithuctre)

Nỗ lực làm sạch môi trường của Đài Loan đã được bắt đầu từ cuối thập niên 90, đến nay, quốc đảo này đang dần nổi tiếng toàn cầu về tái chế rác với tỷ lệ 55% vào năm 2015 (số liệu của Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), cao hơn nhiều so với mức 5% của năm 1998. Tỷ lệ này đã đưa Đài Loan lên ngang hàng với những nơi tái chế rác thải nổi tiếng khác như Áo, Đức và Hàn Quốc, và cao hơn hẳn mức tái chế của Mỹ (35%).

Rác cũng không vứt đi

Các xe chở rác được phân loại và chỉ chở một số loại rác nhất định. Hiện Đài Loan có tới 14 loại rác tái chế được hướng dẫn cụ thể cho người dân trước khi phân loại như rác thải thực phẩm, rác nhựa, giấy, nilon hoặc các loại rác thủy tinh, kim loại, linh kiện điện tử… Nếu người dân nào không muốn phân loại phải bỏ tiền mua loại túi riêng, đồng nghĩa với việc tốn thêm tiền. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, như phân loại rác sai hoặc vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, như bị phạt tiền vào khoảng 184 USD cho mỗi lần vi phạm hoặc bị công khai chỉ trích trên các phương tiện truyền thông.

Đối với trường hợp cố tình vi phạm, như phân loại rác sai hoặc vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.(Ảnh dẫn qua trithuctre)

Từ năm 1991, Đài Loan đã xử lý chất thải rắn bằng lò đốt rác thay dần cho phương thức chôn lấp. Hiện quốc đảo này đang có 26 lò đốt  xử lý rác thành năng lượng cung cấp cho các nhà máy điện năng.

Sau khi vứt rác, người dân được cung cấp nước sạch để rửa tay.(Ảnh dẫn qua trithuctre)

Còn đối với rác thải hữu cơ như khoai đậu, rau củ chưa nấu chín… sẽ được thu gom và giải quyết thành phân bón vi sinh. Ngoài ra, đồ ăn thừa ở đây không còn là thừa nữa. Từ hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn.. chúng được chuyển về các trung tâm chế biến. Hết thảy cơm thừa, canh cặn, xương vụn, thịt dư hoặc đồ ăn quá hạn phải bỏ đi, được người ta trộn đều, nấu lên 900C trong vòng một giờ rồi sát khuẩn trước khi bán cho các hộ gia đình và các công ty chăn nuôi.Thật là nhất cử lưỡng tiện: vừa tránh lãng phí, vừa cung cấp nguồn thịt heo sạch!

Mái vòm công trình tòa nhà Taipei International Flora Exposition được làm từ 1,5 triệu chai nhựa tái chế. (Ảnh dẫn qua trithuctre)

Một yếu tố nữa góp phần làm nên thành công của ngành tái chế rác tại Đài Loan là sự tài trợ của những nhà sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm tái chế, như các công ty nước ngọt có sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế PET để đóng chai. Nguồn tài chính tài trợ này được dùng để trợ cấp cho những người nhặt rác rong hay những hộ gia đình lấy thức ăn thừa để chăn nuôi lợn.

Khi cả chính phủ và người dân đều tham gia xử lý rác

Việc chính phủ có những động thái tích cực nhằm cải thiện môi trường đã nhận được sự đồng tình cũng như giúp đỡ từ phía người dân. Các tổ chức xã hội như Tzu Chi Foundation đã tự động tổ chức hơn 4.500 trạm rác tái chế trên toàn Đài Loan và kêu gọi các cựu binh và người già tham gia lao động tình nguyện.

Tình nguyện viên của tổ chức Tzu Chi là những người đã về hưu hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi. (Ảnh dẫn qua trithuctre)

Bà Kao Ah-yeh, một phụ nữ 82 tuổi đang làm việc ở một trung tâm tái chế rác ở quận Neihu cho biết mình đã tham gia tình nguyện được 8 năm, chia sẻ:

“Tôi làm việc này là để cứu trái đất. Tôi có 5 người con và công việc này sẽ đem lại lợi ích cho chúng”.

Chỉ riêng với giấy báo cũ, phần có in mực được tách riêng trong khi phần giấy trắng được tách riêng vì giá trị của chúng cùng khả năng tái chế khác nhau.(Ảnh dẫn qua trithuctre)

Trưởng dự án môi trường của tổ chức Tzu Chi, ông Jong-Yan Leou cho biết nhóm đã thu thập và xử lý được khoảng 100.000 tấn rác thải tái chế trong năm 2015, chiếm 3% tổng số rác tái chế tại Đài Loan. Nguồn tiền thu được từ công việc này được dùng để giúp đỡ những người vô gia cư và đầu tư lại cho các trạm rác tái chế của nhóm.

Nhờ chính sách xử lý rác hợp lý mà Đài Loan giữ gìn được môi trường trong sạch. (Ảnh dẫn qua soha)

Hiện nay, nhiều khu vực dân cư tại Đài Loan đã lắp camera nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải. Những người vi phạm lần đầu sẽ được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn thì họ sẽ bị phạt. Từ năm 2012, các camera an ninh tại Đài Loan đã bắt được hơn 56.000 vụ vi phạm về xử lý rác. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác.

Hiểu Minh