Khi ý thức chăm sóc khoang miệng của mọi người được nâng cao, cũng là lúc càng nhiều các sản phẩm hỗ trợ ra đời ngay, trong đó có đồ chải lưỡi.

Nhà sản xuất, kinh doanh thường khuyên cạo lưỡi mỗi ngày giúp loại bỏ cặn đồ ăn bám trên lưỡi, giúp hơi thở thơm tho. Có thực vậy không?

Trong bựa lưỡi có những gì?

Bựa lưỡi được tạo nên từ các tế bào niêm mạc tróc ra, cùng với vi khuẩn và cặn đồ ăn bám vào mặt lưỡi. Do đó khi vi khuẩn phân giải cặn đồ ăn, chúng sẽ gây ra mùi khó chịu. Như vậy, bạn có thể chắc chắn một điều là trong bựa lưỡi sẽ chứa vô số vi khuẩn. Làm sạch bựa lưỡi cũng là giúp loại bỏ một lượng lớn các vi khuẩn trong miệng, giảm bớt gánh nặng cho hệ miễn dịch.

Dùng chải bựa lưỡi là cách rất hay để loại bỏ vi khuẩn và cặn đồ ăn trong bựa lưỡi, từ đó giảm thiểu bệnh về răng miệng, đồng thời giảm bớt mùi miệng. Vì thế, sử dụng chải bựa lưỡi một cách hợp lý sẽ tốt cho sức khỏe.

Chải bựa lưỡi không đúng cách sẽ làm tổn thương chồi vị giác

Trên lưỡi có tập trung các chồi vị giác nhìn như những đốm nhỏ li ti, có nụ giống như nụ hoa, nếu dùng lực tác động mạnh sẽ làm tổn thương chúng. Do vậy, bạn cần cẩn thận khi cạo bựa lưỡi, không nên dùng lực quá mạnh, nếu không sẽ làm tổn hại đến các đầu nụ này, thậm chí còn gây tê lưỡi gây suy giảm chức năng vị giác, ăn mất ngon miệng…

Cạo lưỡi mỗi tuần một lần là đủ

Không nên chải lưỡi thường xuyên, mỗi tuần một lần là đủ. Khi chải không dùng lực quá mạnh, chỉ nên chải nhè nhẹ, đừng để gây cảm giác đau và khó chịu. Mỗi lần chải không nên quá lâu, chải từ gốc lưỡi lên đầu lưỡi khoảng 10 lần là được. Sau khi chải lưỡi, hãy dùng nước muối pha loãng súc miệng cho sạch.

Sạch bựa lưỡi nhưng không chắc hết mùi hôi miệng

Mùi khoang miệng thường do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột, bệnh dạ dày, viêm họng, tổn thương răng lợi… Không thể chỉ nhờ cạo sạch bựa lưỡi mà hết được.

Ngoài việc chải lưỡi đều đặn hàng tuần, cần kết hợp với các biện pháp vệ sinh răng miệng khác như đánh răng kỹ càng, lấy cao răng, kiểm tra sâu răng, và chú ý đến các loại thực phẩm ăn vào. Nên hạn chế bia rượu và thuốc lá.

Đoán bệnh qua bựa lưỡi

Màu sắc bựa lưỡi của người bình thường là màu hồng phấn, nếu màu bựa lưỡi chuyển sang màu trắng bệch có thể do biểu hiện của hàn chứng; nếu bựa lưỡi chuyển vàng ngả đen, có thể là biểu hiện chứng nhiệt nóng của cơ thể.

Người bựa lưỡi dày có thể bị bệnh về đường hô hấp hay hệ thống tiêu hóa có vấn đề; bựa lưỡi màu vàng hoặc xám tro có thể do bị nóng trong người, nên dùng các thực phẩm mát để hạ nhiệt; bựa lưỡi có bóng nước màu trắng có thể trong cơ thể lạnh lẽo, nên dùng thuốc tăng cường dương khí; bựa lưỡi khô có thể do khả năng hấp thu đồ ăn kém, nên dùng thuốc kiện tỳ lợi thấp.

(Hình: Bựa lưỡi biểu thị tình trạng sức khỏe, nếu thấy bất thường nên đi bác sĩ kịp thời).
(Hình: Bựa lưỡi biểu thị tình trạng sức khỏe, nếu thấy bất thường nên đi bác sĩ kịp thời).

Bựa lưỡi trắng và dày: Hãy hạn chế ăn đồ lạnh, chăm tập thể dục

Bựa lưỡi chuyển màu trắng dày, chứng tỏ cơ thể có vấn đề, đàm thấp khá nặng.

Bựa lưỡi chuyển màu trắng là cơ thể nhiễm hàn. Khi chúng ta bị thời tiết lạnh, ăn đồ lạnh, uống nước lạnh hoặc ăn trái cây rau quả để trong tủ lạnh cũng có thể khiến bựa lưỡi đều chuyển màu trắng.

Ngoài ra, nếu lưỡi to bất thường, bựa trắng dày thì có thể do cơ thể bị béo phì, hoạt động dạ dày thất thường dẫn đến bệnh phù thũng, đàm thấp.

Lời khuyên: nên hạn chế ăn đồ lạnh để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.

Ngoài ra, người thừa cân nên điều tiết việc ăn uống, ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như rau, trái cây còn tươi, củ từ, hạt bo bo, sơn tra… là liệu pháp giúp kiện tỳ hóa thấp rất tốt, ăn ít chất béo, thường xuyên tập thể dục để khống chế thể trọng.

(Hình: xem bựa lưỡi biết sức khỏe)
(Hình: xem bựa lưỡi biết sức khỏe)

Bựa lưỡi màu trắng vàng và sền sệt: Hãy ăn thanh đạm để dễ tiêu hóa

Nếu lưỡi có lớp cáu bẩn dày, màu trắng vàng, bựa lưỡi sền sệt khó cạo, trong miệng có mùi vị chua và hôi, ăn uống không thấy ngon, đại tiện khó. Đây có thể là do việc ăn uống quá độ, hoặc ăn đồ nhiều dầu mỡ, tỳ vị tiêu hóa kém hoặc bị rối loạn gây ra, gọi là “chứng tích thực” (tích thức ăn).

Lời khuyên: chú ý ăn đồ nhẹ, dễ tiêu hóa.

Nếu xảy ra tình trạng trên có thể tùy theo tình hình cụ thể mà dùng thuốc hoặc đồ ăn hỗ trợ tiêu hóa, ví dụ như cây sơn tra, nấm, củ cải. Khi đại tiện khó có thể dùng thuốc sổ hoặc các thực phẩm giúp kích thích nhu động ruột.

Bựa lưỡi màu đen: Hãy cẩn thận trị theo lời khuyên bác sĩ

Quá nóng hay quá lạnh đều dẫn đến bựa lưỡi chuyển sang màu đen, đương nhiên không tính lưỡi bị nhuộm màu đen từ một số thực phẩm, hoặc dược phẩm, những trường hợp này không tính là bệnh. Thông thường, màu bựa bị nhuộm kiểu này thường dễ cạo mất, khác với trường hợp bệnh lý khó cạo, đây là cách phân biệt để không nhìn giả thành thật mà lo lắng không đúng.

Bựa lưỡi bong từng mảng: Hãy bồi bổ khí huyết, tăng sức đề kháng

Trong quá trình bị bệnh, bựa lưỡi có thể bong từng phần hoặc toàn bộ, gọi là “tróc bựa”. Bựa lưỡi bong tróc toàn bộ khiến bề mặt lưỡi hoàn toàn sạch sẽ, gọi là “lưỡi mặt gương”; bựa lưỡi bong tróc không hết làm chỗ thì sạch trơn, chỗ còn sót bựa thì loang lổ, phân biệt rõ ràng, đây gọi là “bựa trổ hoa”.

Hiện tượng bong tróc bựa là do vị khí (dịch vị) không đủ, dạ dày khô hoặc khí huyết suy nhược khiến toàn thân yếu ớt thiếu sinh khí.

Lời khuyên: Ăn uống thanh đạm, không nên quá đà và đặc biệt dùng đồ sống nguội, khô nóng gây khó khăn tiêu hóa. Ăn nhiều đồ kiện tỳ ích vị như rau, trái cây, củ từ, hạt bo bo… Có thể dùng thuốc Kiện Tỳ hoàn, Sinh mạch tán…

Nên tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo NTDTV

Đoàn Thanh biên dịch

Xem thêm: