Sản phụ Thùy Linh (37 tuổi, Tp.HCM) mang thai lần 4, được bác sĩ chẩn đoán bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược buộc phải sinh mổ.

Theo Lao Động, Bệnh Viện Quốc Tế Hạnh Phúc (Tp.HCM) đã mổ cứu con thành công cho mẹ con sản phụ Thùy Linh.

Trước đây, sản phụ Thùy Linh đã 3 lần mang thai, nhưng đều không giữ được: Bé đầu tiên mới được 29 tuần tuổi thì mất, khi mang thai bé thứ hai thì bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Đứa con thứ ba cũng vuột mất khi chưa đầy ba ngày tuổi vì suy hô hấp.

Đến khi mang thai đứa con thứ 4, sản phụ Linh nhập viện được bác sĩ chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Nhờ phát hiện, xử lý kịp thời, đúng cách nên các bác sĩ cứu được cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Trước đó, bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển (Quảng Ninh) đã cứu sống sản phụ Đào Thị Hồng Loan (29 tuổi, Hải Dương) mang bầu tuần 37 bị vỡ tử cung do rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược hiếm gặp. Trước đó, sản phụ Loan có tiền sử đẻ mổ. May mắn, chị Loan “vượt cạn” an toàn, bé gái chào đời nặng gần 2.9 kg, hồng hào khỏe mạnh, theo Sức Khỏe & Đời Sống.

Các bác sĩ cảnh báo, càng nhiều vết mổ khi sinh (2-3 lần), nguy cơ nhau cài răng lược càng cao (trên 60%).

Rau cài răng lược là bệnh lý hiếm gặp, xảy ra khi có sự bám dính bất thường hoặc xâm lấn một phần/toàn bộ bánh rau vào lớp cơ tử cung. Tùy vào mức độ xâm lấn mà chia ra thành 3 mức độ:

– Mức độ nhẹ: Là bánh nhau bám và xâm lấn một phần lớp cơ tử cung.

– Mức độ trung bình: Bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung nhưng chưa xuyên qua các cơ quan lân cận.

– Mức độ nặng: Bánh nhau ăn xuyên hết lớp cơ, lớp thanh mạc tử cung và ăn lan đến những cơ quan lân cận như bọng đái và ruột. Phụ nữ có tiền sử mổ lấy thai, mang thai trên 35 tuổi, từng phá thai nhiều lần hay mắc bệnh lý sản khoa như u xơ tử cung dưới niêm mạc, dính buồng tử cung… có nguy cơ cao bị rau cài răng lược.

Phương Nam