Tôi và vợ quen nhau từ khi còn học Đại học, chúng tôi tiến đến hôn nhân ở độ tuổi còn rất trẻ. Sau khi kết hôn, chúng tôi đều mong rằng mình sẽ sớm được làm cha làm mẹ…

Đó là một ngày đầu tháng 8 khi vợ chồng tôi trò chuyện và bàn bạc với nhau về việc sinh đứa con đầu lòng. Chúng tôi nghĩ tới việc trang trí lại phòng khách để biến nó thành một căn phòng ngộ nghĩnh, đáng yêu và ấm cúng cho con của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ tới cả việc đặt tên cho bé và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho việc sinh nở. Ngôi nhà sẽ nhộn nhịp thế nào nếu có sự xuất hiện của một đứa trẻ và cuộc sống của chúng tôi sẽ bước sang một trang mới… Nghĩ tới viễn cảnh đó vợ chồng tôi hân hoan khó tả.

Nếu vợ tôi bắt đầu mang thai vào thời gian này thì sẽ thật tuyệt vời. Như vậy, chúng tôi có thể tận dụng kỳ nghỉ hè dành cho giáo viên của cô ấy để chăm sóc con được nhiều hơn. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch chuẩn bị, thiết lập một chế độ ăn phù hợp và hạn chế uống rượu hay caffein để mọi thứ diễn ra suôn sẻ nhất.

Một thời gian sau, như kỳ vọng của chúng tôi, khi cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm trong tay, trái tim tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Vợ tôi đã mang thai đứa con đầu lòng và thời gian dự kiến sinh nở đúng vào mùa hè. Khoảnh khắc đó tôi không bao giờ quên được, tôi hạnh phúc phát khóc nhưng không thể khóc nổi vì quá hồi hộp, trong đầu tôi có đủ các trạng thái cảm xúc xen lẫn nhau, lần đầu tiên tôi biết cảm giác được làm bố…

Chúng tôi đã không có ý định kể với ai về việc vợ tôi đang mang thai cho đến khi cô ấy vượt qua thời kỳ 3 tháng đầu. Nhưng một điều không may đã xảy ra trong thời gian đó khiến kế hoạch của chúng tôi vỡ lở.

Trước ngày chúng tôi dự định thông báo cho mọi người hai tuần, chúng tôi có một buổi tụ tập với bạn bè để xem một trận bóng đá. Mọi người bắt đầu hỏi han chúng tôi khi thấy vợ tôi không uống rượu. Trước đó vợ tôi vốn không uống nhiều rượu, nhưng việc không động đến một giọt rượu nào kể cả vang đỏ khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ và nghi ngờ. Cuối cùng, chúng tôi đành phải thông báo ‘sớm’ với mọi người về việc gia đình chúng tôi đang chờ đón một thành viên mới. Nhận lời chúc mừng từ mọi người, chúng tôi chỉ biết nở nụ cười rạng ngời và không ngừng cảm ơn. Sau đó, vợ tôi bắt đầu hơi mệt nên tôi xin phép đưa vợ về nhà sớm để nghỉ ngơi.

Khi tôi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì một sự việc khủng khiếp đã xảy ra. Vợ hét gọi tên tôi từ phòng tắm. Tôi hoảng hốt chạy ra thì thấy cô ấy mặt cắt không còn một giọt máu. Có điều gì đó thật sự không ổn, tôi nhìn thấy máu chảy ra từ người cô ấy. Vì đây là lần mang thai đầu tiên của vợ tôi, chúng tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm đối phó với những tình huống thế này. Tôi chỉ biết run rẩy ôm dìu vợ mình vào giường nghỉ ngơi và tìm kiếm số điện thoại của bác sĩ để gọi. Bác sĩ tư vấn nói chuyện này không có gì nguy hiểm và đây là việc thường xảy ra với các bà bầu. Nhưng để chắc chắn vợ tôi được an toàn, họ nói tôi nên đưa cô ấy đến bệnh viện vào ngày mai.

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm sau ấy. Hôm ấy, tôi có một cuộc phỏng vấn cho một vị trí mà tôi hằng mơ ước vào đúng khoảng thời gian mà vợ tôi có cuộc hẹn gặp với bác sỹ. Cuộc phỏng vấn của tôi thất bại ê chề vì tôi đã quá hồi hộp và lo lắng cho vợ. Trong khi đó, mẹ tôi đưa vợ tôi vào phòng khám để xét nghiệm máu và tiến hành siêu âm thai nhi. Sau khi vội vã trở về từ cuộc phỏng vấn, tôi đi thẳng tới bệnh viện để gặp các bác sỹ. Họ nói rằng họ đã nghe thấy nhịp tim của đứa bé nhưng nó rất yếu. Vợ tôi sẽ phải đến bệnh viện xét nghiệm máu vài lần nữa để theo dõi.

Một vài ngày nữa lại trôi qua, một trong những người bạn tốt của tôi sống ở khu vực khác ghé thăm, chúng tôi chia sẻ với họ về tình huống của mình, để anh ấy biết rằng chúng tôi cũng đang chờ đợi một kết quả mà chưa thể chắc chắn đó là tin tốt hay tin dữ.

Khi chúng tôi sắp kết thúc bữa tối thì nhận được cuộc gọi định mệnh ấy. Họ nói với vợ tôi rằng phần trăm cơ hội sống sót cho đứa con này của chúng tôi là rất thấp, chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần rằng vợ tôi sẽ sảy thai. Cô ấy nên dùng thuốc và để mọi chuyện sau đó diễn ra tự nhiên…

Chúng tôi gắng gượng nở nụ cười chào tạm biệt những người bạn khi mở cửa tiễn họ về… Sau khi đóng cửa, tôi chỉ thấy một màn đêm bao phủ xung quanh xen lẫn tiếng thở dài của vợ tôi… Một tuần sau đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với chúng tôi. Vợ tôi khóc rất nhiều, mắt cô ấy thường xuyên sưng húp. Có những đêm tôi giật mình tỉnh giấc quay sang bên cạnh vẫn nghe thấy tiếng nức nở của cô ấy. Tôi không biết nói gì, chỉ biết ôm vợ vào lòng. Chúng tôi cứ ngỡ sắp được làm cha làm mẹ, chúng tôi đã mong đợi đứa con này biết bao nhiêu. Nhưng giờ sinh mệnh bé nhỏ trong bụng của vợ tôi đã không còn nữa rồi…

Chúng tôi không biết phải đối mặt với điều này thế nào. Đây dường như là điều tồi tệ nhất đã từng xảy ra trong cuộc đời tôi. Tôi cố gắng trở nên mạnh mẽ để che chở cho vợ nhưng nhiều lúc tôi không thể nắm bắt được cảm xúc của cô ấy để khiến cô ấy thấy nhẹ lòng hơn. Vợ chồng tôi đã bước vào một giai đoạn khủng hoảng khi mà việc ăn và ngủ cũng trở nên khó khăn, đến cả việc làm những việc nhỏ nhặt nhất cũng trở nên gượng gạo và phiền phức. Tôi luôn cố gắng theo sát vợ mình để đảm bảo không có chuyện không may gì xảy đến với cô ấy nữa. Cô ấy đã rất suy sụp…

Vài tuần sau, bạn bè, gia đình và mục sư đã đến nhà thăm hỏi và cầu nguyện cho chúng tôi. Họ động viên chúng tôi rất nhiều và nói rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do. Chúng tôi hiểu lòng tốt của họ, nhưng vẫn không thể nào nguôi ngoai trước nỗi đau mất con. Sau này chúng tôi mới biết, việc bị sảy thai phổ biến thế nào trong xã hội ngày nay. Có từ 10 đến 20 phần trăm phụ nữ mang thai bị sảy thai trong những tháng đầu. Chúng tôi thấy mình hóa ra không phải là người duy nhất chịu đựng nỗi đau này. Và từ ngày hôm đó, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về cách phòng tránh việc sẩy thai và những thông tin cần biết khác trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là những tháng đầu. Tôi động viên vợ rất nhiều, và luôn nói với cô ấy rằng chuyện đã qua chỉ là một tai nạn, vẫn còn rất nhiều cơ hội để chúng ta làm lại ước mơ của mình, nhưng mái ấm chỉ có thể được xây dựng nếu tinh thần của người trong cuộc lạc quan và tích cực hơn. Sau cùng, vợ tôi cũng chấp nhận vượt qua mất mát và đồng ý cố gắng cùng tôi một lần nữa…

Đã hai năm kể từ khi chúng tôi rơi vào bi kịch ấy, không lâu sau đó, ông trời bất ngờ ban tặng cho chúng tôi một sinh linh bé nhỏ khác. Hiện giờ Reece, con trai tôi đã được 11 tháng tuổi. Nếu ngày ấy, chúng tôi không dũng cảm và đủ nghị lực để vượt qua nỗi đau khi mất đi đứa con đầu lòng thì Reece đã không đến với chúng tôi. Cậu bé giống như niềm vui và ánh mặt trời tươi mới trong cuộc đời của vợ chồng tôi, lấp đầy khoảng trống và mất mát mà đứa con đầu lòng chưa kịp ra đời của chúng tôi để lại. Vợ tôi nghĩ, Reece như một món quà mà Thượng đế ban thưởng cho nghị lực và sự gắn kết của chúng tôi.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, đặc biệt là những người đàn ông có vợ trải qua tình huống tương tự – tôi muốn nhắn nhủ đôi điều với họ: Là đàn ông, chúng ta thường nghĩ mình phải mạnh mẽ, không nên thể hiện phần yếu đuối ra bên ngoài, mọi cảm xúc đều nên cất giữ trong lòng vì chúng ta cần làm chỗ dựa cho người khác. Nhưng, như một người đã vượt qua khoảng thời gian tăm tối nhất trong cuộc đời, tôi muốn nói với họ rằng, nếu bạn đau khổ và tan vỡ, hãy cứ khóc đi, hãy để cho những giọt nước mắt tự do rơi xuống, và hãy để ai đó ôm bạn an ủi. Khóc không phải là yếu đuối, khóc là một hành động dũng cảm để giải tỏa cảm xúc và chân thật với nỗi đau của chính mình. Nếu chúng ta bị tổn thương và cảm thấy cuộc đời nặng nề quá sức để có thể chịu đựng thì điều đó cũng chẳng sao cả. Tất cả những khó khăn và thử thách đến đều để chúng ta mạnh mẽ hơn. Nếu không có chuyện này xảy ra, có lẽ tôi vẫn sẽ là một cậu thanh niên trẻ thiếu kinh nghiệm sống và luôn suy nghĩ mọi thứ quá đơn giản, thay vì trở thành một người đàn ông thực sự trong gia đình, cùng vợ mình đi qua những ngày đen tối nhất và mạnh mẽ dìu cô ấy vực dậy sau nỗi đau tưởng như không thể nguôi ngoai được. Kể từ sau đó, gia đình tôi gần như không còn sợ hãi khi phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào nữa, vì chúng tôi đều đã cảm thấy mình trưởng thành hơn, biết cách chia sẻ và động viên nhau hơn. Đừng ngại ngùng khi thừa nhận chúng ta đang rất đau khổ và yếu lòng với người tri kỷ của mình, bởi vì cùng nhau gục ngã, và cùng nhau vượt qua, đó là cách mà những mối quan hệ bền vững được tạo nên.

Theo Upworthy

Video xem thêm:

Thiện Phong biên dịch

Xem thêm: