Tình cờ nhìn thấy một quảng cáo tìm người tình nguyện tham gia thí nghiệm khoa học của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Iwanicki tò mò đăng ký. Thật bất ngờ, một năm sau, vào 8/2014, chỉ mới 24 tiếng đồng hồ sau khi thất nghiệp, Iwanicki đã nhận được giấy mời “nằm 70 ngày vì khoa học.”

Đó quả là định mệnh khi Andrew Iwanicki nhận được thư mời tham gia thí nghiệm của NASA. Chỉ mới một ngày trước đó, anh vừa bị đuổi khỏi vị trí quản lý nghệ thuật và chưa hề có kế hoạch dự trù cho 3 tháng tới. Ngay lập tức, Iwanicki quyết định trở thành người cuối cùng trong số 55 thành viên hiến thân vì khoa học mà anh vẫn gọi đùa là những “chú chuột bạch của NASA.” Tất nhiên, đó không phải là việc làm không công. NASA đã trao cho Iwanicki 18.000 USD tiền thưởng và một chiếc bằng khen cho những “cống hiến” của anh đối với khoa học.

Iwanicki trong những ngày đầu chuẩn bị (Ảnh: Nextshark)

Dự án của NASA yêu cầu người tham gia phải nằm trên giường liên tục trong suốt 70 ngày, kể cả với những hoạt động có phần tế nhị, như tắm rửa, và đi vệ sinh. Điều này giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của môi trường vũ trụ tới sức khỏe của các phi hành gia, vì nằm là phương pháp đơn giản để tạo nên một hiệu ứng tương tự như không trọng lực.

(Ảnh: Nextshark)
Anh phải trải qua hàng loạt bài kiểm tra của NASA (Ảnh: Nextshark)

Iwanicki đã tới bộ phận nghiên cứu bay NASA (NASA Flight Analog Research Unit) tại Houston, bang Texas để tiến hành thí nghiệm này. Trong những ngày đầu chuẩn bị, anh phải trải qua một loạt các cuộc kiểm tra sức khỏe, đáng nhớ nhất là bài kiểm tra cơ bắp. “Bộ não chỉ có thể sử dụng lớn nhất khoảng 85% sức mạnh cơ bắp, nên để đo được khả năng tối đa, họ đã gắn điện cực vào chân tôi,” Iwanicki rùng mình nghĩ đến trải nghiệm ghê rợn khi bị giật điện khoảng 20 lần.

(Ảnh: Nextshark)
Tủ để đồ dùng cá nhân của Iwanicki (Ảnh: Nextshark)

Tuy nhiên, bị điện giật vẫn chưa phải là điều khó khăn nhất. “Khổ nhất là những ngày đầu,” anh giải thích “tôi đã được báo trước rằng mình sẽ bị đau đầu và đau lưng.” Nhưng Iwanicki không tưởng tượng được rằng nó lại khó chịu đến mức không thể nào chợp mắt.

(Ảnh: Nextshark)
Làm mọi việc trong tư thế nằm (Ảnh: Nextshark)

Iwanicki cũng không giấu giếm khi hài hước ví von: “Phòng ngủ, phòng ăn, và phòng vệ sinh của tôi là một.” Anh đã phải rất chật vật để có thể vừa nằm vừa rửa ráy, hay… đi vệ sinh.

(Ảnh: Nextshark)
Những bữa ăn được NASA tính toán kỹ lưỡng (Ảnh: Nextshark)

Sau quãng thời gian buồn chán, Iwanicki hẳn đã cảm thấy nhẹ nhõm khi vượt qua ngày thử nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên, mọi thứ không hề đơn giản như anh tưởng. Lần đầu tiên sau 70 ngày gian khổ, Iwanicki mới có thể đặt chân xuống đất và bắt đầu… tập đứng vững. Đây cũng là nhiệm vụ cuối cùng của anh tại NASA: cố gắng giữ tư thế đứng trong vòng 15 phút.

Iwanicki viết: “Ngay sau khi chiếc giường được nghiêng đến vị trí dựng đứng, đôi chân tôi cảm thấy nặng nề hơn bao giờ hết. Trái tim tôi bắt đầu đập ở mức 150 nhịp/phút. Làn da của tôi trở nên ngứa ngáy, và toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Máu bắt đầu dồn xuống chân tôi, chảy vào các mạch máu… Tôi cảm giác như sắp ngất xỉu, nhưng vẫn gắng gượng để duy trì tư thế đứng… Vào khoảng phút thứ 8, nhịp tim của tôi giảm từ 150 xuống còn 70, và cơ thể tôi như sắp sụp đổ.” Iwanicki chỉ duy trì được 8 phút, và đó cũng là thử thách mà 54 người khác không thể vượt qua.

(Ảnh: Nextshark)
Chứng nhận “hy sinh vì khoa học” của Iwanicki (Ảnh: Nextshark)

Không biết bạn nghĩ sao, nhưng Iwanicki đã lại gửi đơn xin tham gia các thí nghiệm mới. Còn NASA thì tự hào tuyên bố, Iwanicki phải rất “may mắn” mới được chọn, vì họ đã nhận được đơn xin tham gia làm “chuột bạch” của những 25.000 người.

Quang Minh

Xem thêm: