Trẻ em cần chế ngự nỗi sợ hãi, hay người lớn mới phải làm điều này? Cha mẹ thường tìm cách dạy con vượt qua sợ hãi mà có thể không biết rằng vì con học theo chính mình, dần dần hình thành các quan niệm nên càng ngày càng sợ hãi. Bản chất ban đầu của trẻ là thuần khiết và thiện lương, vốn không có khái niệm “sợ”.

Câu thành ngữ “Nghé mới sinh không sợ hổ” thường được hiểu theo nghĩa bề mặt, cho rằng con nghé mới sinh không biết sợ hổ vì nó vô tri vô giác, không biết được sức mạnh của con hổ. Nói khác đi là “không biết thì không sợ”.

Tuy nhiên, nghé mới sinh không yếu kém, cũng không phải “không biết”. Sinh ra, nó đã mang theo một loại năng lực tự nhiên. Đó là tâm thuần khiết, trong sáng thuở ban đầu. Trong tâm thuần phác, không chứa đựng nỗi sợ hãi, khiến nghé một cách tự nhiên mà thành dũng cảm.

Người xưa có câu “Con người khi mới sinh ra thì bản tính là lương thiện” (nhân chi sơ, tính bản thiện). Những đứa trẻ sơ sinh vốn rất thuần khiết, lương thiện. Nội tâm của chúng bộc lộ ra bên ngoài làm cho nụ cười đáng yêu và cử chỉ ngây thơ. Làn da của trẻ cũng mịn màng, mềm mại.

Bất cứ ai nhìn thấy trẻ sơ sinh đều cảm giác yêu thương, vui vẻ, không có chút đề phòng, bởi vì trường năng lượng thuần chính bao quanh chúng. Cái ác cũng tự nhiên mà tránh xa.

Chỉ khi trẻ lớn dần lên, càng ngày càng phát sinh những quan niệm trong quá trình trưởng thành, tâm hồn mới lắng tụ nỗi sợ hãi. Những thứ mà chúng mơ ước, sở hữu, ô nhiễm từ xã hội trở thành kẻ điều khiển tâm trí chúng. Chúng bắt đầu sợ mất mát, sợ hậu quả, sợ tổn thương, sợ thua kém. Không còn cái tâm thuần khiết như thuở ban đầu cũng chính là mất dần đi chính khí.

Sở hữu càng nhiều chỉ khiến nỗi sợ hãi càng nhiều. Sở hữu tiếng tăm, sợ mất tiếng tăm. Sở hữu tài sản, sợ mất tài sản. Tham vọng quyền lực sẽ đổi lấy những ngày tháng khắc khoải không yên. Tình yêu càng lớn, càng dày vò tâm trí. Nỗi sợ hãi là kết quả tất yếu của truy cầu, dục vọng.

Một người có thể sợ hãi khi chuẩn bị làm điều xấu và biết rằng mình sẽ chịu hậu quả trầm trọng. Một người có thể sợ hãi vì ai đó mà anh ta đã gây hại trong quá khứ, nay trở lại đòi nợ. Một người có thể sợ hãi vì những vết thương cũ, lo lắng rằng bản thân tiếp tục bị tổn thương.

Nỗi sợ hãi xuất hiện bởi lòng ích kỷ và cái “tôi”. Chúng ta cảm thấy sợ hãi bởi vì chúng ta nghĩ đến điều gì đó không tốt sẽ xảy ra cho bản thân, và thậm chí xem nỗi sợ đó là một phần của chúng ta.

Nhưng hãy nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ, sống vô tư mà không hề sợ hãi. Chỉ khi nhuộm mình trong dòng chảy cuộc đời này, say đắm vẻ bên ngoài giả tướng của nó, chạy theo danh – lợi – tình, nỗi sợ hãi mới bắt đầu nhen nhóm và lớn dần qua năm tháng.

Vậy thì càng trưởng thành, càng khi rủi ro, càng trong sợ hãi con người càng nên tìm lại chính mình thuở ban sơ. Trở về như “nghé mới sinh” bằng cách gột rửa tâm hồn, trí tuệ sẽ khai thông.

Tâm trong sáng và thuần khiết thuở ban đầu là mảnh đất mà nỗi sợ hãi không thể nảy mầm. Tẩy tịnh đi những truy cầu, dục vọng, hận thù, đố kỵ, khoe khoang thì còn điều gì có thể khiến ta sợ hãi nữa đây?

***

Nhiều người cho rằng làm người phải biết sợ, sợ hãi để mà thận trọng, gọi đó là bản năng sinh tồn. Họ thậm chí còn cố tạo ra nỗi sợ cho con cái, từ người thật cho đến nhân vật giả tưởng. Điều đó có tốt không?

Cái thứ sinh tồn dựa trên nỗi sợ hãi ấy có thể biến con người trở thành nô lệ. Vì sao chúng ta im lặng trước tội ác? Vì sợ. Vì sao chúng ta trở nên giả dối? Cũng vì sợ. Sợ hãi không thể nào là ánh sáng nuôi dưỡng thiện lương mà chỉ có kẻ ác mới luôn cố gắng reo giắc nỗi sợ hãi cho nhân thế.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt có một câu nói rất nổi tiếng: “Điều duy nhất đáng sợ chính là nỗi sợ hãi”.

Người xưa giảng tích Đức, tổn Đức, chứ không khuyên con người sợ hãi. Bởi vì mọi thứ danh lợi tài phú thành công đều do Đức mà ra, Đức là tích từ đời này và nhiều kiếp trước, nếu mất Đức thì sẽ mất hết.

Những người tu Đạo, tu Phật tin tưởng rằng làm người cứ chiểu theo đạo lý Thánh hiền, đường đường chính chính mà sống, thì “trên đầu ba thước có thần linh” sẽ luôn bảo hộ. Người thiện lương có đi giữa rừng, hổ cũng thấy “vầng hào quang” trên đầu họ mà tránh ra. Vì vậy, người thiện lương, sống theo Đạo, chiểu theo Pháp thì tâm thuần chính, không chất chứa nỗi sợ hãi.

Khi đứng trước sự mất mát lớn nhất là cái chết, Socrates vẫn bình thản không sợ hãi. Ông còn yêu cầu những kẻ bức hại mình phải suy ngẫm về điều này: “Dù sống hay phải chết, một người tốt sẽ không coi gì là điềm dở, ngay cả khi những khổ nạn của anh ta không được Thần điểm hoá. Điều xảy ra với ta không phải ngẫu nhiên. Cho nên, khi người tốt đặt niềm tin vào Thần, anh ta sẽ không có gì phải sợ hãi”.

Nền tảng của “không sợ hãi” là tu dưỡng đạo đức và chính tín vào sự an bài tốt nhất của Thần, chứ tuyệt nhiên không phải là làm bừa bất chấp hậu quả.

Có lẽ người lớn cần thực sự nghĩ về điều này. Bởi vì họ luôn sợ hãi, và góp phần nuôi dưỡng nỗi sợ hãi cho con cái.

Cha mẹ muốn con trở thành một người mạnh mẽ, chân chính, hãy giúp con thiện lương như thuở ban đầu, không ngừng xóa đi những gì xấu xa. Đặc biệt, khi chúng ta có tín ngưỡng chân chính vào Thần sẽ không có chỗ cho nỗi sợ hãi trong tâm, dù hoàn cảnh biến đổi ra sao.

Video: Tôi sinh ra trong bộ máy tẩy não ở Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||9ece4d482__