Giáo dục thành công thực sự có một quy luật có thể tuân theo không? Phương pháp giáo dục “mẹ hổ” là bảo bối thành công, hay là lừa đảo? Giáo dục truyền thống là như thế nào?

Cách đây không lâu, hình ảnh rất đông thanh niên thắp hương tại chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh đã trở thành xu hướng tìm kiếm, thậm chí còn thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài, các hãng truyền thông lớn như CNN, Reuters cũng cử phóng viên đến phỏng vấn các sinh viên đến đây để thắp hương. Trong một bài báo của BBC, các sinh viên bất lực nói rằng “tìm được công việc làm ngày càng khó hơn vì mọi người đều ‘quyền’”. “Quyền” là một từ lưu hành trên Internet gần đây, chỉ một người mà mọi việc đều đạt ưu tú nhất, xuất sắc nhất, luôn hơn các bạn đồng học hoặc đồng sự bên cạnh.

Theo báo cáo, năm 2023 được coi là mùa tốt nghiệp khó khăn nhất trong lịch sử, dự kiến ​​sẽ có 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường việc làm, đây là con số cao kỷ lục trong lịch sử. Tuy nhiên, các số liệu chính thức cho thấy cứ 5 thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 thì có 1 người trong trạng thái thất nghiệp. Những thanh niên bối rối, ngoài việc cầu Thần bái Phật, họ dường như không thể tìm ra giải pháp nào tốt hơn.

Một số cư dân mạng đã để lại lời nhắn dưới video này rằng: “Mười năm sau nhìn lại, năm nay là mùa tốt nghiệp ‘rối bù’ nhất.” Nhận xét bi quan này đã nhận được rất nhiều lượt thích và trả lời, đồng thời cũng khiến mọi người bắt đầu suy ngẫm, giáo dục tinh anh lưu hành hơn 20 năm rốt cuộc sẽ mang con cháu chúng ta về đâu, thiên đường hay địa ngục?

Hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề giáo dục ‘tinh anh’, đó là câu chuyện mẹ hổ con gà.

Bé gà đầu tiên – Lưu Diệc Đình

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1999, cách đây 24 năm. Vào tháng Tư năm đó, một tin tức bùng nổ đã đẩy một học sinh trung học vô danh bỗng nổi đình nổi đám. Cô ấy là Lưu Diệc Đình, một cô gái  Thành Đô mới 18 tuổi. Nữ học sinh trung học cuối cấp này đã giành được học bổng toàn phần của Đại học Harvard ở Mỹ, học bổng nằm ngoài tầm với của nhiều sinh viên hàng đầu của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.

Khi đó, tin tức thực sự gây chấn động cả nước. Đường dây nóng của tờ “Thương báo Thành Đô” đăng tin này nhanh chóng nổ tung, thư của độc giả gửi đến rầm rập như bông tuyết rơi, xin mẹ Lưu cho lời khuyên về cách nuôi dạy con cái. Mẹ của Lưu, Lưu Vệ Hoa, từng là biên tập viên báo chí, đã ngửi thấy cơ hội kinh doanh. Năm 2000, cuốn sách “bảo bối” nuôi dạy con cái “Con gái Harvard Lưu Diệc Đình: Tài liệu bồi dưỡng tố chất” của mẹ Lưu đã được phát hành. Không hổ danh là một biên tập viên, Lưu Vệ Hoa đã trình bày rất quy củ, với bốn yếu điểm theo thứ bậc rõ ràng:

  • Con chúng ta không phải là thiên tài, là bồi dưỡng mà ra
  • Sự thành công của tôi bạn có thể sao chép
  • Tôi cung cấp các giải pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 18 tuổi.
  • Phương thức giáo dục của tôi đã vượt qua kiểm nghiệm của Harvard!

Nếu là một bậc phụ huynh, nhìn thấy cuốn sách như vậy, quý vị có bị cám dỗ không?

Quả nhiên, ngay khi ra mắt, cuốn sách đã nhanh chóng leo lên danh sách bán chạy nhất, thống trị danh sách này trong 16 tháng, và bán được 2 triệu bản trong nháy mắt. Nghe nói ngay cả “Harry Potter” nổi tiếng khắp thế giới khi đó cũng phải cam chịu xếp hạng dưới.

Kể từ đó, Trung Quốc toàn diện bước vào mô thức giáo dục “gà con”. Là trường hợp thành công đầu tiên, Lưu Diệc Đình cũng trở thành một biểu tượng giáo dục chất lượng cao. Thậm chí một phương thức huấn luyện mà các bậc cha mẹ phương Tây coi là điên cuồng, thì lại được các bậc gia trưởng Trung Quốc mô phỏng hoàn toàn, đó chính là giữ khối băng bằng tay không.

Giữ khối băng bằng tay không

Giữ khối băng bằng tay không là một bí quyết độc đoán do Trương Hân Vũ, cha dượng của Lưu Diệc Đình phát minh ra, nhằm mục đích rèn luyện ý chí cho trẻ em. Cuốn sách nói, Lưu Diệc Đình, khi mới 10 tuổi, đã cá cược với cha dượng rằng chỉ cần cô bé giữ trên tay một cục băng lớn trong 15 phút đồng hồ, ông sẽ mua cho cô một cuốn sách. Cô bé vui vẻ đồng ý. Kết quả là gì? Lưu Diệc Đình đã viết trong nhật ký của mình:

Phút đầu tiên, cảm thấy ổn, nhưng phút thứ hai, liền cảm thấy buốt đến tận xương. Cô bé vội vàng nhặt một lọ thuốc bên cạnh và đọc hướng dẫn trên đó để chuyển hướng sự chú ý của mình. Vào phút thứ ba, xương của cô bé đau đến mức cô bé phải vượt qua nó bằng cách đọc to hướng dẫn. Phút thứ tư, cô bé cảm thấy xương cốt sắp nứt ra vì lạnh, nhưng vẫn không bỏ cuộc, sau phút thứ năm, tay cô bé tê dại, rất nhanh sau đó liền không còn cảm giác gì nữa.

Khi hết thời gian, bàn tay của cô bé tím tái, chạm vào bất cứ thứ gì cũng thấy nóng ran. Nhưng Lưu Diệc Đình không quan tâm, thay vào đó cô bé nhảy cẫng lên và reo hò sung sướng: “Vạn tuế, vạn tuế, ta thắng rồi, ta thắng rồi!”

Điều đáng ngạc nhiên là với tư cách là một người mẹ, Lưu Vệ Hoa không những không đau tim, mà còn mừng cho con gái, cho rằng đứa trẻ “có dũng khí đương đầu với thử thách”. Và loại quan niệm này hầu như đã được rất nhiều bậc cha mẹ tiếp thu, bắt đầu bắt chước theo đó, bắt con cái họ giữ những khối băng trên tay. Nhiều người đều nói, người lớn cũng không thể cầm cự qua vài phút, không hiểu sao đứa trẻ 10 tuổi này lại sống sót. Và cha mẹ làm sao có thể tâm can sắt đá đến như vây?!

Nhưng cô nương họ Lưu được huấn luyện để đối mặt với thử thách đã không tiếp tục vinh quang của mình trên đất Mỹ. Trên thực tế, khoảnh khắc nổi bật trong cuộc đời cô bé chỉ dừng lại ở năm 1999. Theo thông tin trên mạng, Lưu Diệc Đình sau khi tốt nghiệp vào năm 2003 đã không chọn học thêm mà chọn ra ngoài làm việc. Thật đáng tiếc khi nơi làm việc dường như không thân thiện với cô ấy. Cô ấy đã chuyển qua vài công việc, nhưng đều không làm được lâu. Đơn xin vào Trường Kinh doanh Harvard cũng bị từ chối. Bản thân mở công ty riêng cũng không thành công, sau đó kết hôn với một bạn đồng học ở Harvard, người này là một luật sư, vì vậy cũng có thể được coi là được sống cuộc sống của tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

Vậy huyền thoại đó có thể sao chép không? Ngay từ năm 2001, Triệu Trung Tâm, giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã viết một bài báo để thuyết phục các bậc cha mẹ rằng kinh nghiệm không phải là một quy tắc, và nó không thể áp dụng cho tất cả những đứa trẻ khác, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ thất vọng nếu sao chép một cách mù quáng. Năm 2004, cuốn sách “Sự thật về  cô gái Harvard Lưu Diệc Đình” được xuất bản, tác giả Tiêu Ngu tin rằng thành công của Lưu Diệc Đình là do hệ thống chiêu sinh sinh viên Trung Quốc của Đại học Harvard tồn tại những lỗ hổng và khiếm khuyết, căn bản không phải là tổng hợp kết quả giáo dục tố chất.

Mặc dù mẹ của Lưu đã phản bác, nhưng nhiều cư dân mạng lại ủng hộ quan điểm của Tiêu Ngu. Một số người nói rằng bài trần thuật bản thân và người tiến cử rất quan trọng khi nộp đơn vào các trường danh tiếng của Mỹ. Trong trần thuật cá nhân khi nộp đơn vào Harvard năm đó, Lưu Diệc Đình bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến những người nghèo ở Trung Quốc, hy vọng rằng sau khi học thành hồi quốc, cô ấy có thể nỗ lực hết sức để cải biến cuộc sống của họ. Người ta nói rằng Đại học Harvard đã xúc động trước lời thề của một cô gái Trung Quốc, rằng “Tôi muốn làm cho Trung Quốc giàu có”. Khi đó, không có nhiều học sinh trung học Trung Quốc nộp đơn vào Harvard, và mẹ của Lưu đã tìm được một người tiến cử nặng ký, đó là luật sư người Mỹ Larry Simms, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Trung Quốc của Hiệp hội Luật sư Mỹ, người đã viết thư giới thiệu Lưu Diệc Đình. Nhờ các loại cơ duyên tương hội, mà huyền thoại về cô gái Harvard Lưu Diệc Đình được tạo ra.

Nhưng các bậc cha mẹ lúc đó đã không còn quan tâm đến việc Lưu Diệc Đình vào Harvard như thế nào nữa, điều mà mọi người quan tâm hơn là, 29 trong số 30 đứa trẻ trong lớp đều học theo Lưu Diệc Đình, còn con tôi thì sao? Không, không thể thua ngay từ vạch xuất phát, gà con nên phải bắt đầu giáo dục ngay từ trong bụng mẹ. Do đó, không có gì lạ khi trẻ em Trung Quốc nhận biết các ký tự từ năm ba tuổi, và thuộc lòng các bài thơ Đường khi bốn tuổi. Nếu có điều kiện, trường tiểu học có thể tổ chức một nhóm đi đến Nam Cực để khảo sát. Nếu con hơi thua kém người khác một chút, cha mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy lo lắng, sợ con vô tình bị người ta vượt mặt.

Bài chiến ca của mẹ hổ

Năm 2011, cuốn sách bán chạy nhất “Chiến ca của mẹ hổ” của bà mẹ người Mỹ gốc Hoa Amy Chua được xuất bản đã đẩy trào lưu mẹ hổ dạy con gà lên đến cực điểm. Cả Amy Chua và chồng đều là giáo sư tại Trường Luật Yale, và hai cô con gái của họ, Sophia và Lulu, được giáo dục rất nghiêm khắc từ nhỏ. Amy Chua đặt ra 10 điều răn cho con gái mình, trong đó có việc không được đến nhà bạn bè tụ hội, không được quyền lựa chọn các hoạt động ngoại khóa yêu thích. Không được phép có điểm học tập thấp hơn “A” trong bất kỳ bài tập về nhà nào, và phải luyện tập nhạc cụ hàng ngày, v.v. Lulu khi bảy tuổi, nếu kéo vĩ cầm không tốt, Amy sẽ đe dọa con mình không có bữa trưa và bữa tối. Khi cô con gái lớn Sophia tỏ ra không tôn trọng mẹ, Amy Chua sẽ gọi con gái mình là “rác rưởi” một cách rất khiếm nhã.

Dưới kiểu giáo dục “hổ báo” này, các cô con gái đã thể hiện rất “ưu tú”. Cô con gái lớn 18 tháng tuổi nhận biết bảng chữ cái, ba tuổi biết đọc, đồng thời bắt đầu học đàn, năm 14 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế và giành được cơ hội biểu diễn tại Carnegie Hall, nhà hát hàng đầu ở New York. Con gái út học vĩ cầm, và trở thành nghệ sĩ vĩ cầm chính của dàn nhạc trường khi còn nhỏ.

Vậy các cô con gái có thích nghi với phương thức giáo dục này không? Trên thực tế, cô con gái út bắt đầu nổi loạn ở tuổi 13. Cô bé không chịu động đến cây vĩ cầm và nhất quyết chơi gôn. Cuối cùng, Amy Chua đã thỏa hiệp. Cô con gái lớn Sophia không nổi loạn, nhưng người cha tinh tế đã tìm thấy dấu răng của con gái mình trên cây đàn dương cầm. Dù thế nào, cô con gái lớn đã trở thành luật sư, và cô con gái nhỏ đang học trường luật. Cũng tính là thành xã hội tinh anh.

Mười năm sau, Kim Wong Keltner, một người mẹ Trung Quốc được nuôi dưỡng bởi giáo dục hổ báo, đã xuất bản một cuốn sách để đáp lại phương thức giáo dục của Amy Chua. Tựa đề của cuốn sách là “Tiger Babies Strike Back” (Những đứa con hổ phản công). Theo cuốn sách, mặc dù cô ấy được nuôi dạy để trở thành một người ưu tú, nhưng những đứa con của cô ấy sẽ không được giáo dục theo cách này. Với sự giúp đỡ của tín ngưỡng, cô ấy sẽ tha thứ cho mẹ mình vì đã làm tổn thương cô ấy. Cuốn sách này cũng gây được tiếng vang đối với những hổ bối.

Đồng nghiệp của Amy Chua, Daniel Markovits, giáo sư luật chuyên nghiên cứu về giới thượng lưu, nói rằng dù một chú “gà con” có làm việc chăm chỉ đến đâu thì cũng chẳng qua là trở thành một ngườivì kiếm được nhiều tiền hơn tầng lớp trung lưu bình thường mà được gọi là “tinh anh”. Tuy nhiên, giới “tinh anh” bận rộn làm việc mỗi ngày, đến nỗi đôi khi họ không có thời gian để ăn hoặc ngủ. Vậy họ đang sống tốt chăng? Có đáng để hy sinh cả tuổi thơ?

Giáo dục truyền thống

Người ta nói rằng người Trung Quốc coi trọng giáo dục. Thật vậy, Trung Quốc từ xa xưa đã là một trong những dân tộc rất coi trọng giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục hổ báo không phải là phương thức giáo dục truyền thống của Trung Quốc. Hãy cùng xem cách Mạnh mẫu, người mẹ quyền lực nhất trong lịch sử, giáo dục con cái như thế nào.

Mọi người đều biết câu chuyện mẹ Mạnh ba lần chuyển nhà. Khi Mạnh Tử kết giao với bạn xấu, mẹ Mạnh không cấm chỉ ông kết bạn, mà chỉ lặng lẽ chuyển nhà. Mạnh Tử trốn học về nhà, mẹ Mạnh không trách mắng mà chỉ cầm dao cắt phăng tấm vải đang dệt dở. Mạnh Tử nhìn thấy thì vô cùng kinh hãi, quỳ xuống hỏi nguyên nhân, mẹ Mạnh nói rằng bỏ cuộc giữa chừng giống như một mảnh vải bị cắt, sau này sẽ trở nên vô dụng. Mạnh Tử hiểu ra, từ đó chăm chỉ học hành. Mẹ Mạnh có phải là mẹ hổ không? KHÔNG! Các con của mẹ Mạnh có được giáo dục tốt không? Quý vị cảm thấy sao?

Trên thực tế, từ thời Nghiêu Thuấn cách đây 5.000 năm cho đến thời nhà Thanh, nền giáo dục cổ đại của Trung Hoa không tập trung vào việc học “tri thức”, mà đặt trung tâm vào học “làm người”.

Ngay từ thời nhà Hạ, quốc gia này đã có các trường học chính thức theo hình thức “Tự”. Đến thời Tây Chu, có hai bậc học: đại học và tiểu học. Sau này, dù các triều đại thay đổi, nhưng phương thức giáo dục hai cấp này về cơ bản không thay đổi.

Có 5 phương diện lớn của giáo dục “tiểu học”, đó là trước tiên học cách quét nhà, ứng đối, tiến thoái, sau đó học chữ, làm toán, nhưng đặt trọng điểm vào 3 mục đầu, chính là thông qua cuộc sống hàng ngày bình thường mà huấn luyện một cá nhân “làm người” như thế nào, làm thế nào để đãi nhân tiếp vật. Học “làm người” xong rồi mới bắt đầu tiến hành học chữ, làm toán và các huấn luyện khác, đây cũng là phương diện tri thức.

Chữ “kính” có thể nói là xuyên suốt toàn bộ giáo dục tiểu học. Bởi vì người trong tâm biết kính trọng, thì đối đãi với cha mẹ, anh em, vua tôi, chồng vợ, họ sẽ tuân thủ các phép tắc, biết lễ nghĩa. Bằng cách này, toàn thể xã hội sẽ tự nhiên thuần hậu, tường hòa.

Sau khi học xong tất cả những điều cơ bản này, khi đó khoảng 15 tuổi, nếu muốn làm gì đó, thì đã có thể tiến vào xã hội. Nếu có tư chất ưu tú, thì có thể vào trường đại học để học tập, học làm một nhà lãnh đạo chính trị, quản lý quốc gia.

Sau khi vào đại học, trước tiên cần phải bồi dưỡng tấm lòng hoài bão. Đại học chính là nơi học làm đại nhân, đại nhân phải là người có hoài bão trong tâm, cần bao dung thiên hạ. Trong cuốn sách “Đại học” của “Tứ Thư Ngũ Kinh”, bốn chữ được nhấn mạnh trước tiên là “cách vật”, “chí tri”. “Cách vật” chính là cần phải có nhận thức khách quan đối với sự vật bên ngoài; “Chí tri” là dùng lời giảng của Mạnh Tử, nghĩa là cần có tâm phân biệt đúng sai, lấy đó làm xuất phát điểm; sau đó là “thành ý” – chân chính đối diện với hết thảy các vấn đề của mình, và “chính tâm” – học tập cách cân bằng quan điểm của bản thân, làm được đến không thiên vị, không ỷ cậy ai; sau đó mới là đến “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà mọi người quen thuộc. Do đó học tập đại học căn bản chính là tu tâm.

Vì vậy, trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa 5.000 năm, giáo dục chính là dạy đạo lý làm người, tu tâm là hàng đầu, tri thức không phải trọng điểm, càng không có khái niệm cạnh tranh làm người đứng nhất. Mà đây lại chính là điều khiếm khuyết nhất trong phương thức giáo dục “hổ báo”, đó là bỏ qua bồi dưỡng đạo lý làm người. Ngày nay, khi các “bé gà” bị cuốn vào đó một cách nghiêm trọng, thì ai cũng khó kiếm được việc làm, có lẽ đây là điều chúng ta nên suy ngẫm?

Hơn 20 năm đã trôi qua, những chú gà con tay giữ khối băng nay sắp lên chức bố mẹ, hoặc chuẩn bị làm bố mẹ. Nếu như trong ký ức của họ vẫn còn khắc ghi cảm giác lạnh thấu xương khi nắm khối băng lạnh, họ có muốn để cho con mình phải gánh chịu nỗi đau này, thi hành triệt để giáo dục tinh anh, hay là nguyện ý giành cho con mình một con đường sống, cho nó nếm trải hạnh phúc của tuổi thơ?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch