Bà ra đi ở tuổi 81, các con ở xa nên Ông bơ vơ khi đang độ tuổi 80, một mình giữa ruộng vườn mênh mông và căn nhà trống hoác.

Một mình Ông với niêu cơm, năm thì mười hoạ có cháu ghé qua, thăm nom, nói vài ba câu chuyện. Rồi mọi thứ trở về với sự tĩnh lặng đến u ám.

Ngày giỗ đầu Bà, con cháu kéo về đông đủ, thấy bóng Ông tiều tuỵ, niêu cơm chỏng trơ trên chiếc bàn cũ với chén mắm, vài quả cà. Mùi ẩm mốc khắp căn nhà. Chẳng còn những ấm cúng như khi còn Bà.

Mọi thứ lại trở về tĩnh lặng ngay sau bữa giỗ, cháu con trở về nơi chúng sinh sống, Ông lại một mình một bóng. Sân, ngõ đã chớm mọc rêu. Cỏ ngoài vườn mọc cao ngang thắt lưng, mọc lan cả tới chái nhà.

Bỗng một ngày thấy Ông gọi người tới bán hết vườn cây cảnh mà Ông đã bỏ công chăm chút hàng chục năm ròng. Một bữa Ông gọi đứa cháu họ tới, giao chìa khoá nhà nhờ trông nom giúp. Ông lên ở với cậu con trai trên Hà Nội. “Vâng, Ông lên đó có con cháu trông nom, sớm ngày vui vầy chứ ở một mình cô quạnh thế cũng đáng lo ngại lắm” – người cháu thầm nghĩ, mừng cho Ông.

Những ngày đầu thật vui như hội, những bữa liên hoan, các con cháu biết Ông lên Hà Nội chạy tới thăm hỏi liên tục, rồi quà cáp, quần áo… đủ thứ, Ông vui lắm.

Ít bữa sau, Ông ở nhà một mình, con cháu đi làm và đi học cả. Ông được giao một mớ chìa khoá với những lời dặn dò kỹ lưỡng, nào là phải khoá cửa khoá cổng cẩn thận, nào là không được mở cửa cho người lạ vì toàn phường lừa đảo thôi, không thật thà như người quê đâu. Rồi thì là Ông đừng một mình ra đường, ở đây xe cộ như điên, nó xô vào thì khổ con khổ cháu… Ông nghe ù hết cả tai.

Chúng nó đi từ sáng sớm đến tối mịt mới thấy về, cơm trưa cắm sẵn với thức ăn trong tủ lạnh, Ông muốn ăn gì thì nấu. Tối chúng về thì ồn ào tắm rửa, vội vã bữa cơm… chẳng kịp hỏi Ông vài câu chiếu lệ.

Quanh quẩn trong căn nhà vài chục m2 bốn bề khoá kín, muốn bước chân ra phố thì qua 2 lần khoá cửa, 2 cái khoá cổng mà với con mắt kèm nhèm thì chẳng thể nào luồn tay qua khe cổng mà mở hay khoá được. Thành ra Ông chịu chôn chân trong căn nhà chật hẹp với bốn bức tường, kín mít.

Căn nhà nhỏ nhưng ngăn nắp, mọi thứ sạch sẽ chứ chẳng giống ở quê, cái xoong nồi cũng chẳng bám bụi, bỗng Ông thấy cái chảo đen sì treo trên móc, thôi thì rảnh việc đem cái búi chùi nồi ra đánh cho sạch. Hì hục cả buổi cũng làm cho cái chảo chống dính sáng bóng. Gớm, đau sụn cả lưng, nhưng Ông cũng nghĩ làm được chút việc giúp con. Khi con về, Ông mang cái chảo ra khoe chiến tích thì người con trai mặt như méo đi, dấu vội cái chảo vào góc chắc sợ vợ nhìn thấy. Ôi cái chảo chống dính, giờ sáng bóng chỉ để rang cơm được thôi. Có lần chẳng may hết nước uống, Ông thấy cái ấm điện liền đặt lên bếp ga nhưng loay hoay không thể bật được bếp, đành phải nhịn khát đến tối.

Ảnh minh họa.

Cô con dâu về thấy ấm điện đặt trên bếp ga thì la lối um sùm, mãi Ông mới run run nhận là đã làm việc đó. Cô con dâu mừng ra mặt vì đã khoá ga chứ không thì toi cái ấm điện.

Một bữa, cậu con út ghé thăm, Ông dặn cậu tháng tới cho Ông về làm giỗ bố.

– Gớm có cái giỗ mà Ông làm quan trọng quá, già cả đi lại khó khăn…

– Đợt này con bận quá không biết có về được không, thôi bố cứ ở lại con làm mâm cơm cúng ông, ở nhà đã có các chú cúng cũng được – người anh đỡ lời.

Ông im lặng một lát rồi cả quyết: Không được, tôi phải về cúng bố tôi, các anh muốn cúng giỗ ở đâu tuỳ các anh. Các anh không đưa về thì mai tôi đi bộ về một mình!

Cha cha, gay to! Ai mà dám để Ông đi bộ về chứ!

Ông về giỗ mà thấy Ông vui cứ như là Tết. Mấy cô cháu gái thấy Ông có vẻ gầy xanh hơn trước nhưng vẫn xã giao khen Ông béo trắng cả ra, cơm nước Hà Nội khác hẳn cơm quê Ông nhỉ! Ông im lặng cười trừ.

Xong giỗ cũng không thấy Ông đi, còn bắt con cháu mua sắm xoong nồi, vật dụng…

Mấy Ông xóm giềng sang thăm chơi, chuyện trò rôm rả. Ông bạn nối khố thì trầm ngâm bảo rằng Ông lên với con thì vui vì có con có cháu hầu hạ nhưng chúng tôi thì buồn vì vắng Ông, nhiều lúc nhìn căn nhà trống hoác mà nhớ quá!

Bỗng Ông bảo: “Thì khi nó về đón tôi lên, cũng nghĩ thế. Nhưng… Chuyến này tôi ở nhà với các ông đây”.

Mọi người ngạc nhiên, hỏi dồn. Ông chậm rãi bảo: “Ở nhà tự do muốn ăn, muốn chơi tuỳ mình, lên với chúng nó khác gì đi tù, ra chúng nó khoá, về chúng nó khoá, muốn đi đâu chẳng được, muốn làm gì chẳng xong. Mà mình có tội gì đâu?”.

Mấy cụ già ngớ ra một lúc, rồi chợt hiểu. Thì ra việc giỗ chỉ là cái cớ, cứ như là Ông vượt ngục trở về vậy.

– May mà tôi chưa bán nhà nên còn có chỗ mà về…

Duy Xuyên

Ảnh minh họa: Shutterstock

Bài đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__