Andy là cậu bé nghiện iPad rất nặng. Cậu có thể “ôm iPad” suốt cả ngày mà không cần ăn uống gì. Thậm chí, có lần Andy còn bị té gãy chân khi bước xuống cầu thang vì mải mê với cái iPad. Hãy xem, người mẹ đã dùng cách gì để “cai nghiện” cho cậu bé nhé.

Vào một ngày nghỉ hè, như thường lệ, sau khi thức dậy và ăn sáng xong, cậu bé bắt đầu đi tìm cái iPad của mình. Andy phát hiện trên iPad có một mẩu giấy nhỏ ghi:

Kể từ hôm nay, mẹ sẽ đặt mật khẩu cho iPad và thay đổi nó mỗi ngày. Con chỉ được biết mật khẩu sau khi thực hiện theo đúng trình tự và xong hết cả ba “nhiệm vụ” mà mẹ đã giao. Quy định mới này sẽ có hiệu lực trong vòng 1-2 tuần, nó sẽ được điều chỉnh, tùy thuộc vào thái độ của con. Nếu con không muốn, con có thể không làm theo quy định này và iPad sẽ được đưa cho em gái Jenny của con sử dụng. Nếu con đồng ý, thì hãy bắt tay vào công việc của mình đi nhé! Hãy nhớ kỹ, con phải làm xong công việc trước 2 giờ chiều! Nếu không con sẽ bỏ lỡ cơ hội biết mật khẩu đấy! Nhiệm vụ đầu tiên của con là hãy đi dọn dẹp bàn học của mình!

Andy trợn tròn mắt khi đọc xong mẩu giấy. Tuy rất tức giận nhưng cậu không làm gì được, vì mẹ đã đi vắng. Trong “cơn nghiện iPad”, không còn cách nào khác, cậu đành phải đi sắp xếp lại đống sách vở của mình. Sau khi thu dọn xong, cậu phát hiện một mẩu giấy khác bên cạnh bàn học: “Cũng không tệ lắm nhỉ? Con đã làm xong một công việc nhà rồi đấy! Giờ thì con hãy đi lau sàn đi nhé”!

Andy đành phải đi xách nước và mang cây lau nhà ra làm “nhiệm vụ”. Sau khi làm xong, cậu nằm rạp xuống sàn nghỉ ngơi và phát hiện ra dưới ghế sofa có một mẩu giấy khác: “Con cố lên con trai! Mẹ đã thấy những nỗ lực của con. Hãy đem rác trong nhà bếp ra ngoài vứt sẽ tìm thấy mật khẩu”.

Lúc Andy mang rác đi vứt ở thùng rác lớn bên đường, cậu bé bất chợt nhìn thấy mật mã. “Đúng là chữ của mẹ!” Chẳng trách người mẹ nói, sau 2 giờ chiều, cậu sẽ không được biết mật khẩu – vì xe sẽ đến thu gom rác vào lúc 2 giờ chiều.

Cách “cai nghiện” của mẹ Andy quả là rất đáng khen, phải không? Không chỉ giúp con trai hạn chế chơi iPad, mà còn giúp cậu bé hình thành thói quen tốt – phụ giúp việc nhà. Kỳ thực, sau một tuần áp dụng phương pháp này, Andy đã ít chú ý đến iPad hơn, cậu bắt đầu chuyển sang chơi bóng rổ…

Dẫu cho bạn có giải thích rõ ràng và rất nhiều lần hay thậm chí là cấm cản không cho con trẻ sử dụng iPad đi chăng nữa, thì kết quả thu được vẫn là thất bại. Lý do rất đơn giản, đó là vì trẻ em rất mau quên, lần sau trẻ vẫn tiếp tục chơi iPad vì chúng đã quên mất lời giải thích của bạn. Và mọi chuyện sẽ càng tệ hại hơn, nếu bạn ngăn cản không cho chúng chơi iPad. Chắc chắn rằng, con bạn sẽ khóc rống lên, đòi chơi cho bằng được. Thậm chí, điều này còn có thể khiến cho con bạn trở nên cứng đầu hơn. “Mẹ không cho con chơi, con càng muốn chơi!” Bạn phải xử trí thế nào khi gặp tình huống này đây?

1. Quy định giờ chơi, quá thời gian sẽ bị phạt!

Các nhà quản lý ở thung lũng Silicon (Mỹ) và kể cả Steve Jobs cũng rất ít khi cho con cái sử dụng các sản phẩm kỹ thuật số. Chẳng hạn như, họ chỉ cho các “thiên thần nhỏ” sử dụng các loại máy đó vào cuối tuần, nhưng thời gian cũng rất hạn chế.

Các chuyên gia giáo dục trẻ em ở tiểu bang này cho biết: dù bạn có cho trẻ sử dụng các loại máy kỹ thuật số thỏa thích hay là nghiêm cấm không cho chúng đụng vào, thì đều không phải là cách hay. Điều quan trọng nhất là phải sử dụng chúng có chừng mực. Các bậc phụ huynh có thể quy định thời gian chơi cho con.

Ví dụ như, mỗi lần chơi không được quá 30 phút. Nếu như trẻ tuân thủ tốt thì lần sau sẽ được sử dụng tiếp. Nếu không trả lại máy đúng giờ, thì trẻ sẽ không được chơi vào lần sau. Bạn hãy nhớ làm đúng theo quy định nhé! Điều này không chỉ giúp trẻ ít “nghiện game” mà còn giúp trẻ hình thành được thói quen tốt, biết giữ lời hứa.

2. Chuyển sự chú ý của trẻ sang thứ khác

Đối với những đứa trẻ nghiện trò chơi điện tử nặng, cha mẹ có thể mua một món đồ chơi khác nhằm thu hút sự chú ý của trẻ, hoặc cùng con đến khu vui chơi giải trí, kể cho con nghe những câu chuyện thú vị, hay cùng con vẽ tranh, đi tản bộ trong công viên… để chuyển sự chú ý của trẻ vào những trò vui vẻ lành mạnh hơn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc nghiện game của trẻ là do không có người chơi cùng.

Vì công việc bận rộn, nhiều cha mẹ thường hay xin lỗi con vì không thể cùng chơi với chúng. Thậm chí, có những vị còn cung cấp “bảo mẫu điện tử” – các loại máy kỹ thuật số – cho trẻ chơi.

3. Cha mẹ phải làm gương cho con cái

Khi mới sinh ra, trẻ con không hề biết đến điện thoại hay iPad là gì. Bởi vì chúng luôn có cha mẹ bên cạnh, chăm sóc và chơi cùng. Do đó, chúng cũng rất hiếu kỳ muốn biết, món đồ nào có thể hấp dẫn được cha mẹ chúng. Sau đó, trẻ sẽ bắt chước hành động của cha mẹ.

Ban đầu, có thể chỉ là nhấn vào một cái nút nào đó trên màn hình điện thoại hay iPad, nhưng dần dần chúng sẽ bị “cuốn vào” các trò chơi điện tử đó. Vì vậy, muốn trẻ ít chơi điện tử, thì cha mẹ nhất định phải làm gương cho con. Do đó, sau khi tan sở về nhà, các bậc phụ huynh nên “gạt” điện thoại và iPad sang một bên, cùng chơi đùa với trẻ. Đây mới là cách hay nhất để giúp trẻ “cai nghiện” đấy!

Theo NTDTV
Thanh Thanh biên dịch

Xem thêm: