Ai là người giàu nhất thế giới trong lịch sử nhân loại? Đó không phải là những cái tên như chúng ta từng biết, như Bill Gates, Warren Buffett, hay gia tộc Rothschild, mà lại là một người đến từ châu lục nghèo đói nhất – châu Phi.

Nhắc đến châu Phi là nhắc đến một “lục địa đen” với những đói nghèo và bệnh tật. Thế nhưng hơn 700 năm trước đây, giữa lúc Âu châu đang chìm trong màn đêm của chiến tranh và những đại dịch chết chóc, thì châu Phi lại nổi lên là một mảnh đất trù phú, nơi kể lại huyền thoại về một đế quốc Mali hùng cường với bậc vương gia giàu có nhất trong lịch sử nhân loại – đó chính là Mansa Musa.

Người giàu nhất thế giới trong lịch sử

Mansa Musa, còn gọi là “Musa I của Mali” hay “vua của các vị vua”, là hoàng đế thứ 10 của Đế quốc Mali rộng lớn, bao gồm Cộng hòa Mali và Cộng hòa Ghana ngày nay. Ông được biết đến là người giàu nhất mọi thời đại, vượt xa những tên tuổi mà chúng ta vẫn biết như Bill Gates, Warren Buffett, hay John D. Rockefeller. Theo đánh giá của Celebrity Net Worth vào năm 2014, Mansa Musa đứng đầu danh sách 25 người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản tương đương 400 tỉ USD (quy đổi về giá trị năm 2014), vượt xa tổng tài sản của Bill Gates, Warren Buffett, và Sam Walton cộng lại.

Hơn 700 năm đã trôi qua, nhưng chưa một tên tuổi nào có thể sánh ngang với Mansa Musa về mức độ giàu có và tầm ảnh hưởng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những yếu tố nổi bật làm nên tên tuổi của vị vua huyền thoại này.

Cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca của người giàu nhất thế giới trong lịch sử nhân loại - Mansa Musa (Ảnh minh họa trên atlantablackstar.com)
Cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca của người giàu nhất thế giới trong lịch sử nhân loại – Mansa Musa (Ảnh minh họa trên atlantablackstar.com)

Lên ngôi

Mansa Musa xuất thân từ dòng dõi vương gia, vốn là cháu họ của vua Abubakari Keita II. Ông được chỉ định làm người thay thế cho nhà vua trong thời gian vua vắng mặt triều đình. Vua Abubakari luôn ấp ủ dự định khám phá Đại Tây Dương, bởi vậy, ông đã ra lệnh cho 200 tàu thuyền khởi hành, và theo lệnh vua, họ chỉ được phép trở về khi tìm thấy bờ bên kia hoặc khi đã cạn kiệt lương thực và nước uống trên tàu. Nhiều năm trôi qua chỉ có duy nhất một con tàu trở về, họ kể rằng giữa đại dương xuất hiện một xoáy nước lớn, tất cả tàu bè đều bị nhấn chìm trong đó, và rằng họ là con tàu cuối cùng trong đoàn nên may mắn thoát nạn.

Abubakari không tin vào câu chuyện của thủy thủ đoàn, vì vậy, ông đã đích thân dẫn đầu 2000 tàu bè tiếp tục hành trình khám phá. Và cũng như đoàn thám hiểm trước đó, vua Abubakari không bao giờ trở về. Kể từ đó, Mansa Musa được thừa kế ngai vàng và nắm quyền cai trị đế quốc.

Hành hương đến Mecca

Một trong những hoạt động nổi tiếng nhất của Mansa Musa trong thời gian tại vị là chuyến hành hương về Thánh địa Mecca vào năm 1324. Là một vị vua sùng đạo, Mansa Musa tin rằng Hồi giáo là cửa ngõ để bước vào thế giới văn hóa của vùng Đông Địa Trung Hải. Bởi vậy, ông đã ra sức phát triển và mở rộng đạo Hồi trên con đường trở về miền đất Thánh.

Có thể nói, chuyến hành hương của Mansa Musa là hoành tráng và xa hoa nhất của một vị đế vương. Ông đem theo 60.000 tùy tùng, trong đó có 12.000 nô lệ, 500 sứ giả mặc áo lụa, và một hàng dài lạc đà. Tất cả đều mang theo vàng thỏi và những bao túi chứa đầy vàng. Trên đường đi, Mansa Musa phân phát vàng cho bất cứ người dân nghèo nào mà ông bắt gặp.

Cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca của Mansa Musa (Ảnh minh họa trên atlantablackstar.com)
Cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca của “người giàu nhất thế giới” Mansa Musa (Ảnh minh họa trên atlantablackstar.com)

Cuộc hành hương của Mansa Musa đã làm thức tỉnh cả thế giới về sự giàu có xa hoa của đế chế Mali. Người ta truyền tai nhau về một vị vua rộng lượng, hào phóng, và dọc các con phố dẫn tới Mecca, người ta lại đứng đợi chờ ông xuất hiện. Sử gia al-Umari kể rằng, ông từng đến thăm Cairo 12 năm sau khi Mansa Musa có mặt ở đây, và ngạc nhiên khi thấy thành phố triệu dân này vẫn đang hát những khúc ca ngợi ca vị vua vĩ đại của Đế quốc Mali.

Trong những lần dừng chân ở thành phố Cairo (Ai Cập) hay Medina (Ả-rập Saudi), Mansa Musa chi tiêu quá nhiều vàng đến mức điều đó vô tình phá hoại nền kinh tế của những khu vực đó. Quá nhiều vàng bạc tràn lan trên thị trường khiến giá cả hàng hóa tăng cao và giá trị đồng tiền sụt giảm. Lạm phát kéo dài ảnh hưởng suốt cả một thập kỷ tiếp theo đó. Để sửa chữa sai lầm của mình, Mansa Musa phải mua lại vàng từ những người cho vay nặng lãi ở Cairo. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử khi một cá nhân có thể trực tiếp kiểm soát giá cả của vàng bạc trên khắp Địa Trung Hải.

Đoạn video về Mansa Musa, vị vua được mệnh danh là người giàu nhất thế giới trong lịch sử nhân loại:

https://www.youtube.com/watch?v=aFMCI9nUGPo

Đế quốc hùng cường

Mansa Musa lên ngôi vào năm 1312 giữa lúc Mali đã là một đế quốc hùng mạnh. Mali nắm trong tay các tuyến đường thương mại về vàng và muối. Vào thời điểm đó, Mali là nơi cung cấp vàng lớn nhất thế giới, thậm chí Mali từng là nơi cung cấp hơn một nửa vàng và muối thông thương trên thế giới.

Trong thời gian Mansa Musa tại vị, các tuyến hàng giao thương qua sa mạc Sahara đều tập trung tại thành phố Timbuktu (Ảnh: africanglobe.net)
Trong thời gian Mansa Musa tại vị, các tuyến hàng giao thương qua sa mạc Sahara đều tập trung tại thành phố Timbuktu (Ảnh: africanglobe.net)

Trong thời gian Mansa Musa tại vị, các tuyến hàng giao thương qua sa mạc Sahara đều tập trung tại thành phố Timbuktu – trung tâm buôn bán của vàng, muối, ngà voi, hạt kola, và nô lệ. Đây không chỉ là trung tâm kinh tế và văn hóa trọng yếu ở châu Phi mà còn là một tâm điểm của các quốc gia theo đạo Hồi. Để mở rộng tầm ảnh hưởng của Đế quốc Mali ra khắp châu Phi, Mansa Musa đã kiểm soát thêm nhiều vùng đất, trong đó có cả Timbuktu và một phần lớn của miền Tây Sudan. Đây là một trong những kì tích lớn nhất giúp Mansa Musa trở thành một vị vua vĩ đại của lịch sử Phi châu. Dưới thời cai trị của ông, thành phố Timbuktu ngày càng phát triển, trở thành nơi gặp gỡ của các văn nhân, học giả, và nghệ sĩ của khu vực Trung Đông. Rất nhiều học giả, kiến trúc sư, và nghệ sĩ từ Ả-rập cũng theo chân Mansa Musa hồi hương.

Trở về sau chuyến hành hương từ Mecca, Mansa Musa bắt đầu xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo lớn, các thư viện khổng lồ, cung điện hoàng gia, và những trường học đạo Hồi trên khắp đế quốc mình. Mặc dù nhiều công trình không còn nữa, nhưng nhà thờ Hồi giáo Djingareyber tại Timbuktu vẫn đứng vững trước phong ba cùng tuế nguyệt cho đến ngày nay.

Nhà thờ Hồi giáo Djingareyber tại Timbuktu trên tấm bưu thiếp năm 1905-1906 (Ảnh: Edmond Fortier, Wikipedia)
Nhà thờ Hồi giáo Djingareyber tại Timbuktu trên tấm bưu thiếp năm 1905-1906 (Ảnh: Edmond Fortier, Wikipedia)

Trong chính sách cai trị của mình, Mansa Musa đã thiết lập một nền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng (mặc dù ông luôn chú trọng phát triển đạo Hồi). Giáo dục là miễn phí và được khuyến khích. Ông cũng thành lập trường đại học danh tiếng Sankore Madsarah. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để trau dồi tri thức. Khi các học giả Hồi giáo đến thăm Mali, họ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cách ăn mặc của người dân nước này: Phụ nữ không phải che mạng, và quần áo thì luôn rực rỡ sắc màu.

Mansa Musa - người giàu nhất thế giới - trên tấm bản đồ " Catalan Atlas of the known world" (1375) do Abraham Cresques of Mallorca thực hiện (Ảnh: Wikimedia Commons)
Mansa Musa – người giàu nhất thế giới – trên tấm bản đồ ” Catalan Atlas of the known world” (1375) do Abraham Cresques of Mallorca thực hiện (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tên tuổi Mansa Musa và Đế quốc Mali lan rộng khắp thế giới Ả-rập vào thế kỷ 14, thu hút sự chú ý của những người vẽ bản đồ từ châu Âu. Trong tấm bản đồ năm 1375, Mansa Musa xuất hiện với hình ảnh ngồi trên ngai vàng ở chính giữa Tây Phi, trong tay là thoi vàng tượng trưng cho sự giàu có của ông.

Người giàu nhất thế giới, vua Mansa Musa của đế quốc Mali, đứng ở vị trí chính giữa bản đồ châu Phi (Ảnh: blackpast.org)
Người giàu nhất thế giới, vua Mansa Musa của đế quốc Mali, đứng ở vị trí chính giữa bản đồ Tây Phi từ thế kỷ 14 (Ảnh: Public Domain)

Cho đến nay, Mansa Musa vẫn được coi là người giàu nhất thế giới, và có lẽ, là một trong những người quyền lực nhất trong lịch sử. Mặc dù chỉ tại vị trong 25 năm, nhưng những thành tựu mà ông đã kiến tạo cho kinh tế và văn hóa của Đế quốc Mali luôn là điểm sáng trong lịch sử Phi châu.

Hồng Liên

Xem thêm: