Lý Tư là đại thần mà Tần Thuỷ Hoàng tín nhiệm nhất, dâng kế thống nhất thiên hạ, lập được rất nhiều công lao hiển hách cho nước Tần. Từ một môn khách của Lã Bất Vi thăng chức lên làm Đình uý rồi tới Thừa tướng. Nhưng âm mưu ở Sa Khâu không đảm bảo được những năm cuối đời của ông. 

Dưới sự uy hiếp dụ dỗ lợi ích của Triệu Cao, Lý Tư đã phản bội Tần Thuỷ Hoàng, trở thành đồng loã với Hồ Hợi soán vị và mưu sát công thần. Vậy thì Lý Tư có kết cục cuối đời như thế nào?

Lý Tư kiến nghị ‘Đốc Trách’ cho Tần Nhị Thế

Lý Tư là người có vinh hoa phú quý đệ nhất, chủ ý của ông giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, duy hộ chính quyền nhà Tần. Sau khi Tần Nhị Thế kế vị, Lý Tư lập tức nhận ra Hồ Hợi không giống Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng đặt thiên hạ trong tim, còn Nhị Thế chỉ lấy thiên hạ để ăn chơi hưởng lạc. Lý Tư đành phải tìm cách làm Tần Nhị Thế vui vẻ. 

Lý Tư đã viết cho Tần Nhị Thế một phong thư nói rằng: ‘Thời cổ đại có một số người làm Hoàng đế không thành công như là Nghiêu Thuấn Vũ. Vì sao không thành công? Bởi vì làm Hoàng đế phải hưởng lạc một chút, nhưng cuộc sống của họ lại vô cùng gian khổ. Thời Nghiêu Thuấn là nhà tranh vách đất, sau đó Đại Vũ trị thuỷ bị ngâm trong nước bao nhiêu năm, lông chân rụng hết. Những người đó làm Hoàng đế không thể thành công, bởi vì thiên hạ đối với họ là gông cùm, là gánh nặng. 

Nay ngài còn trẻ, nếu muốn làm Hoàng đế thành công nhất định phải làm mình tôn quý lên, hưởng thụ nhân sinh, đồng thời trước đại thần mà thể hiện được uy nghiêm của mình. Vậy phải làm sao? Chính là phải làm được Đốc Trách Chi Thuật’.

Lý Tư và ‘Đốc trách chi thuật’.

‘Đốc trách chi thuật’ chính là để Hoàng đế không ngừng giám sát và truy cứu trách nhiệm của đại thần, để họ phải làm tốt trách nhiệm của mình, hơn nữa phía sau phải có hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo uy nghiêm của Hoàng đế.

Lý Tư nói với Tần Nhị Thế: ‘Ngài chỉ cần tận sức làm Đốc Trách theo cách nói của thần, thì từ nay trở đi vui chơi hưởng lạc, kê cao gối ngủ’. Thế là Tần Nhị Thế chuyên môn dùng ‘khốc lại’ (quan lại tàn khốc), gọi họ là: ‘Thu thuế cao là sáng suốt, giết nhiều người là trung thần’. Từ đó triều chính của nhà Tần một ngày trượt cả ngàn dặm, bại hoại vô cùng nhanh chóng. 

Triệu Cao từng bước trừ khử Lý Tư

Triệu Cao suốt ngày ở bên cạnh Tần Nhị Thế, suốt ngày cổ vũ Tần Nhị Thế phải ăn chơi hưởng lạc. Triệu Cao cũng tự biết rằng những việc mình làm là nghịch đạo, giết không biết bao nhiêu huynh đệ của Tần Nhị Thế, giết không biết bao nhiêu đại thần có công, ông ta ta cũng biết đại thần không phục. Nếu đại thần không phục sẽ viết cáo trạng, nghĩ biện pháp luận tội ông ta. Do đó vì để đảm bảo an toàn của mình, Triệu Cao nghĩ một biện pháp: chỉ để một mình ông ta tiếp xúc với Tần Nhị Thế. 

Triệu Cao nói với Tần Nhị Thế rằng: ‘Hoàng thượng à, ngài xem ngài trẻ như vậy, mỗi ngày thượng triều thảo luận quốc gia đại sự nhưng cái gì cũng không biết. Nếu đại thần hỏi mà ngài không trả lời được, đại thần sẽ nghĩ: Hoàng thượng vốn dĩ cũng không hiểu, vậy thì chúng ta tự làm. Như thế là uy hiếp quyền uy của ngài. Do đó từ nay trở đi ngài không cần lên triều, hãy ở trong cung, không gặp ai cả. Đại thần nếu có vấn đề thì thông qua thần, thần sẽ tìm vài người có năng lực, sau khi thương lượng sẽ giải đáp cho ngài. Như thế ngài vừa không trả lời, đương nhiên cũng không trả lời sai’.

Tần Nhị Thế suốt ngày vui chơi, nghe thấy vậy thật tốt, cảm thấy rất cao hứng, thế là Tần Nhị Thế càng ở sâu trong cung không gặp ai, chỉ có Triệu Cao ở bên ngoài nắm giữ cục diện triều đình. Nếu Triệu Cao nắm giữ triều chính, thì chướng ngại lớn nhất là Lý Tư. Lý Tư là Thừa tướng, là Chính phủ Tổng lý, trong tay Lý Tư có rất nhiều quyền lực hành chính. Do đó Triệu Cao bắt đầu muốn hạ Lý Tư, đem quyền lực của Lý Tư lấy lại.

Triệu Cao vốn dĩ là Trung xa phủ lệnh, tương đương với cán bộ cấp cục. Sau này Tần Nhị Thế cho Triệu Cao làm Lang trung lệnh, tương đương Trưởng thị vệ bên cạnh Hoàng đế; nhưng Triệu Cao lại muốn làm Thừa tướng, cho nên ông ta nghĩ biện pháp triệt hạ Lý Tư.

Khi đó những người này (Triệu Cao, Hồ Hợi) làm những việc trái đạo đã kích khởi phẫn nộ của toàn thiên hạ. 

Sau khi Tần Nhị Thế kế vị một năm, vào tháng 7 năm Tần Nhị Thế nguyên niên, ở Đại Trạch Sơn tỉnh An Huy đã nổ ra Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản. Lúc này Triệu Cao không nghĩ đến việc bảo vệ chính quyền nhà Tần, mà vẫn còn nghĩ làm thế nào hạ được Lý Tư.

Tranh vẽ Trần Thắng – Ngô Quảng.

Triệu Cao là con người vô cùng âm hiểm, tà ác, ông ta hại người có một bộ kế hoạch vô cùng nghiêm mật, thực thi từng bước từng bước.

Một hôm ông ta đóng giả bộ dạng ưu tư lo lắng để gặp Lý Tư nói: ‘Thừa tướng à, ông xem hiện nay thiên hạ rất nhiều người tạo phản, rất nhiều địa phương đã bị mất khống chế rồi. Chính quyền quốc gia nguy hiểm như thế, nhưng Hoàng thượng chúng ta đang làm gì? Vẫn còn trưng dân lao dịch, xây dựng A Phòng Cung, dùng bọn cẩu mã vô dụng, lại còn suốt ngày hưởng lạc, sống cuộc sống quá thoải mái. Tôi cũng muốn nói một lời với Hoàng đế nhưng thân phận tôi thấp kém, chỉ là một thái giám, lời tôi nói Hoàng đế sẽ không trọng. Nhưng ông là Chính phủ Tổng lý, nếu ông không nói thì còn ai nói đây?’.

Lý Tư nói: ‘Đúng rồi, tôi cũng muốn nói việc này, nhưng tôi không thể gặp Hoàng đế, ông xem xem Hoàng đế khi nào rảnh thì bảo tôi, tôi sẽ nói một vài lời’. Triệu Cao nói: ‘Được, việc này ông cứ giao cho tôi. Hễ tôi biết Hoàng đế rảnh sẽ báo cho ông’. Thế là Lý Tư đã… dính bẫy của Triệu Cao.

Triệu Cao đã làm gì tiếp theo? Chính là khi thấy Tần Nhị Thế vui vẻ nhất như đang tấu nhạc, ăn uống, xem nhảy múa… Triệu Cao phái người đến nói Lý Tư nói: ‘Hoàng thượng hiện nay đang rảnh, ông hãy đến mau đi’. Lý Tư liền đến, Tần Nhị Thế đành phải dừng yến hội, ca vũ để tiếp Lý Tư. Kết quả mỗi lần Tần Nhị Thế cao hứng vui vẻ nhất thì Lý Tư đến.

Sau này Tần Nhị Thế rất tức giận, vốn dĩ Tần Nhị Thế rất tín nhiệm tôn kính Lý Tư nhưng lần này thì bất mãn ‘Vì sao mỗi lần ta vui chơi, Thừa tướng đều đến tìm ta, phải chăng ông ấy coi ta là trẻ con sao? Ông ấy coi thường ta’. Lúc này nhân mối quan hệ hai người rạn nứt, Triệu Cao liền nhảy vào nói: ‘Âm mưu ở Sa Khâu chỉ có 3 người biết, ngài, tôi và Lý Tư. Lý Tư là người hiểu rõ chuyện. Lý Tư cảm thấy mình lập được nhiều công lao, để ngài làm Hoàng đế, trong tâm ông ấy muốn ngài phong vương (hiện nay đang hầu tước thấp hơn vương tước). Do đó nếu chưa phong sẽ làm ông ấy bất mãn’.

Triệu Cao nói thêm: ‘Còn một sự việc nữa bệ hạ cho phép thì thần mới nói. Đó là chuyện Trần Thắng – Ngô Quảng là người nhà của Lý Tư. Lý Tư là người nước Sở, Trần Thắng – Ngô Quảng cũng là người nước Sở, hai người này ở gần nhà Lý Tư. Vì sao Trần Thắng – Ngô Quảng có thể tạo phản lớn như vậy, đó là vì họ nói họ có quan hệ với Lý Tư. Hơn nữa khi ấy quân tạo phản qua vùng Tam Xuyên (nay là Lạc Dương tỉnh Hà Nam), thì Thái thú quận là con trai của Lý Tư tên là Lý Do niệm tình gần nhà nên không đánh quân tạo phản. Cho nên Trần Thắng – Ngô Quảng mới khoa trương như thế.

Hơn nữa thần nghe nói giữa Lý Do và Trần Thắng – Ngô Quảng có liên hệ bí mật, cho nên thần nghi ngờ Lý Tư không trung thành với nước Tần và Bệ hạ’.

Khi Hồ Hợi vốn dĩ đã bất mãn với Lý Tư, nay lại nghe được những lời này nên vô cùng tức giận, bèn bảo Triệu Cao đi điều tra.

Triệu Cao hại Lý Tư thê thảm

Lời bạch: Dưới sự dụ dỗ của Triệu Cao, Lý Tư đã phát động chính biến ở Sa Khâu để bảo toàn công danh lợi lộc của mình. Đối với người âm hiểm và ham muốn quyền lực như Triệu Cao, thì ông ta phải trừ khử Lý Tư. Nhưng rốt cuộc Lý Tư là nguyên lão hai triều, là khai quốc công thần của nhà Tần, Triệu Cao muốn trừ khử Lý Tư cũng không phải chuyện dễ. Rốt cuộc kết cục của Lý Tư như thế nào?

Lý Tư nghe tin Triệu Cao điều tra, bèn viết một bức thư cho Hoàng đế. Bức thư này trên thực tế không phải do một mình Tả Thừa tướng Lý Tư viết, mà còn có Hữu Thừa tướng Phùng Khứ Tật và Ngự sử Đại phu Phùng Kiếp (con trai của Phùng Khứ Tật). Điều này nghĩa là hai Chính phủ Tổng lý và Giám sát Bộ trưởng cùng viết thư cho Tần Nhị Thế nói: ‘Hoàng thượng à, hiện nay thiên hạ đại loạn, một nửa đất đai đều không thuộc về nước Tần nữa rồi. Lúc này ngài muốn bình định thiên hạ, thu phục nhân tâm, thì phải làm những việc này: 

Thứ nhất là dừng lại việc lao dịch xây dựng Cung A Phòng.

Thứ hai là giảm thuế cho người dân.

Thứ ba là giảm điều động quân đội và chiến tranh bên ngoài.

Nếu ngài không làm như thế, Đại Tần đế quốc sẽ vô cùng nguy hiểm’.

Sau khi bức thư này đưa đến tay Tần Nhị Thế, Hồ Hợi đại nộ nói: ‘Ta xây dựng Cung A Phòng không dễ dàng, hiện nay các người lại phản đối ta’. Thế là Tần Nhị Thế bắt Lý Tư giam lại, còn hai người kia bị bức tự sát.

Lý Tư không tự sát là vì Lý Tư cho rằng mình có tài biện luận, cho nên ông vào ngục trước, sau đó chờ cơ hội phân minh. 

Nhưng sau khi vào ngục thì mọi chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát. Triệu Cao sai người thẩm vấn Lý Tư, đánh hơn ngàn gậy, đánh đến độ Lý Tư không còn miếng da nào nguyên vẹn trên thân. Lý Tư chịu không nổi nói: ‘Ngươi nói ta mưu phản thì ta thừa nhận vậy’. Vì sao Lý Tư thừa nhận? Bởi vì Lý Tư cho rằng việc ông mưu phản là việc không thể, Tần Nhị Thế sẽ tin ông, Hoàng thượng nhất định sẽ phái người điều tra lại. Chỉ cần Hoảng thượng phái người điều tra thì ông còn cơ hội lật lại vụ án. 

Trong ngục, Lý Tư lại viết thêm một lá thư đưa cho Tần Nhị Thế nói: ‘Thần đã vì nước Tần lập được nhiều công lao như thế, năm đó là thần đã đề xuất sách lược thống nhất thiên hạ, sau đó đưa kiến nghị phế phân phong, trí quận huyện… thần đã làm nhiều việc, gồm cả rất nhiều công trình đều là do thần quản. Hy vọng Bệ hạ suy nghĩ lại’. 

Sau khi bức thư viết xong phải đến tay Triệu Cao thì mới đến tay Tần Nhị Thế, Triệu Cao thấy bút tích của Lý Tư bèn vứt ngay bức thư nói: ‘Phạm nhân như ngươi lại dám viết thư cho Hoàng thượng ư’. Triệu Cao thấy trong thư Lý Tư không cam tâm, ông nghĩ: ‘Nếu tương lai Hoàng đế thật sự hỏi lại, Lý Tư phản cung thì sao?’. 

Thế là Triệu Cao phái mười mấy người giả mạo chức Ngự sử (phụ trách công tác giám sát quốc gia), Yết giả (phụ trách công tác tiếp đãi tân khách bên cạnh Hoàng đế), Thị trung (phụ trách một số công tác hành chính bên cạnh Hoàng đế)… để thẩm vấn Lý Tư.

Lý Tư thấy thì tưởng Hoàng thượng phái người, chứ không phải do Triệu Cao làm giả, Lý Tư bắt đầu phản cung. Nhưng hễ Lý Tư phản cung thì bị đánh, hễ phản cung là bị đánh, cuối cùng đánh đến mức Lý Tư không dám phản cung. Lúc này Triệu Cao mới dừng thẩm vấn, rồi mời Hoàng thượng đến xem. Tần Nhị Thế phái người đến xem thấy Lý Tư không dám phản cung mới nói rằng: ‘Ai dà, nếu không có Triệu Quân (Triệu Cao) thì trẫm đã bị Thừa tướng Lý Tư lừa rồi’. Thế là Tần Nhị Thế hạ lệnh chém ngang lưng Lý Tư. 

Lý Tư biết trước cái chết của mình, bởi vì ‘Vật cấm thái thịnh’

Trước khi Lý Tư chết, ông cũng biết mình sẽ chết. Điều này không phải khi bị giam vào ngục ông mới ý thức tới, mà là khi quyền thế gia tộc đạt cực thịnh, ông biết được mình sẽ chết…

Khi đó gia tộc của Lý Tư hưng vượng đến mức độ nào? Mỗi người con trai của Lý Tư đều lấy công chúa (con gái của Tần Thuỷ Hoàng), mỗi người con gái của Lý Tư đều lấy con trai của Tần Thuỷ Hoàng, Lý Tư là một trong Tam công, con trai Lý Do của ông là Thái thú quận Tam Xuyên (tương đương với tỉnh trưởng). 

Trong một lần Lý Do từ Tam Xuyên về quê thăm nhà, Lý Tư đã thiết đặt đại yến tiệc để nghênh tiếp con trai. Khi ấy Lý Tư nhìn thấy toàn bộ bài trí mới than thở rằng: ‘Thầy ta là Tuân Tử (còn gọi là Tuân Khanh) từng nói rằng: Vật cấm thái thịnh, sự việc kỵ ở chỗ quá hưng thịnh. Hiện nay gia tộc ta hưng vượng như vậy, đã đạt đến đỉnh cao rồi, như thế sẽ đi dần về hướng suy bại’. Trung Quốc cổ đại có những câu tương tự như vậy: Thịnh cực tất suy, Bĩ cực thái lai, Bác cực tất phục… 

Tuân Tử và câu nói: ‘Vật cấm thái thịnh’ (Sự vật kỵ đi về hướng quá cường thịnh).

Lúc đó Lý Tư nói: ‘Tư này là kẻ áo vải đất Thượng Sái, một tên đầu đen ở nơi làng xóm, nhà vua không biết ta hèn kém, cất nhắc lên đến thế này. Nay ta ở địa vị bầy tôi không thua kém ai, có thể nói là giàu sang cùng cực rồi vậy. Phàm sự vật đến cùng cực rồi thì sẽ suy, ta không biết sau này sẽ chết ở đâu’. Kết quả vào tháng 7 năm Nhị Thế thứ hai, Lý Tư bị chém ngang lưng, trước đó còn bị ngũ hình. Ngũ hình là trước khi chết còn bị thích chữ lên mặt, cắt ngón chân, cắt mũi v.v. 

Do đó Lý Tư chết vô cùng thảm. Trước khi chết, con trai Lý Do của ông cũng chết trận ở Tam Xuyên. Lý Tư cùng con trai thứ hai là Trung Tử bị chém ngang lưng ở bên ngoài đô thành Hàm Dương. 

Khi đó Lý Tư nắm tay con trai nói: ‘Ta còn nhớ năm đó nắm tay con khi còn nhỏ, dẫn theo chó vàng từ cửa đông đất Thượng Sái đi bắt thỏ. Đây là niềm vui gia đình. Những ngày như thế đã không còn nữa rồi’. Thế là phụ tử ôm nhau khóc, cuối cùng hai cha con bị chém ngang lưng…

*** 

Đến đây đã kết thúc ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 mà Giáo sư Chương Thiên Lượng cho xem miễn phí. Nếu quý độc giả nào biết tiếng Trung và có hứng thú với lịch sử Trung Hoa, thì hãy đăng ký mạng thành viên landofhope.tv để tiếp tục xem thêm loạt bài ‘Tiếu đàm phong vân’ này và Trung Hoa văn minh sử của Giáo sư Chương. Chúc quý độc giả xem và học hỏi được nhiều, chúc Giáo sư Chương Thiên Lượng có nhiều sản phẩm văn hoá chất lượng hơn nữa.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 4: Hoạ khởi tiêu tường (Hoạ khởi âm thầm).

(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 4.