Cổ nhân có câu: “Lưới trời tuy thưa mà khó lọt”, tự cổ chí kim, tất cả những người cầm quyền từng đàn áp Phật Pháp đều gặp quả báo, như Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế, Đường Võ Tông và Hậu Chu Thế Tông. Bốn vị đế vương này đều phát động cuộc đàn áp diệt Phật, được gọi là “Tam Võ Nhất Tông”.

Vậy kết quả việc bức hại Phật Pháp của họ ra sao?

Bắc Ngụy Thái Vũ Đế sau 7 năm bức hại Phật Pháp thì bị một hoạn quan tên Tông Ái giết chết khi mới 44 tuổi, hai người con của ông sau đó cũng lần lượt qua đời.

Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung sau khi bức hại Phật Pháp không lâu thì bị bạo bệnh qua đời khi vừa 35 tuổi. Mấy năm sau đại quyền rơi vào tay Dương Kiên, Dương Kiên xây dựng lên triều đại nhà Tùy diệt Bắc Chu, hầu như giết chết toàn bộ gia tộc Vũ Văn.

Đường Võ Tông Lý Viêm trong những năm Hội Xương hạ lệnh diệt Phật, sang đến năm thứ hai thì chết, khi ấy mới 32 tuổi, giang sơn cũng không thể truyền cho con cái mà rơi vào tay thúc thúc Đường Tuyên Tông.

Đường Võ Tông Lý Viêm vì hạ lệnh diệt Phật và bị chết khi ấy mới 32 tuổi. (Ảnh: youtube.com)

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh sau vài năm hạ lệnh bức hại Phật Pháp cũng bạo bệnh qua đời. Con trai là Sài Tông Huấn lên ngôi không lâu thì bị ép thoái vị truyền cho Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, kể từ đó Hậu Chu bị diệt vong.

Tổ tiên tạo nghiệp, hậu thế gặp quả báo là ứng với câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Ác giả hữu báo đó là điều tất nhiên, không ai có thể tránh được. Sài Vinh diệt Phật đã mang lại cho con cháu tai ương: Sài Tông Huấn bạo bệnh qua đời khi mới 20 tuổi, mấy người con khác của Sài Tông đều sớm ngày ra đi không hình không bóng, gia tộc Sài Vinh cũng đoạn tuyệt từ đấy.

Kỳ thực, không chỉ có bốn vị đế vương nói trên là từng bức hại Phật Pháp, trong lịch sử còn có một vị hoàng đế khác là Tống Huy Tông. Tống Huy Tông tên thật là Triệu Cát (1082-1135) tại vị 26 năm, là vị hoàng đế thứ 8 triều đại nhà Tống. Tống Huy Tông sau khi đăng cơ đã tín nhiệm gian thần Thái Kinh, xem việc quốc gia đại sự như trò chơi con trẻ, cuộc sống xa hoa vô độ. Trong thời gian trị vì của mình, Tống Huy Tông sinh hoạt xa xỉ, dùng nhọc sức triều đình để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, nhất là việc cống nạp “hoa thạch cương” từ những năm Tuyên Hòa. Ông bảo trợ cho nhiều nghệ sĩ tại triều đình, và trong danh lục bộ sưu tập hoàng gia của ông có tới trên 6.000 bức họa đã được biết đến.

Triệu Cát là người phóng túng nhưng lại rất có năng khiếu nghệ thuật, hội họa thư pháp, âm luật, cờ, ông đều tinh thông hơn người. Duy chỉ có việc quốc gia đại sự lại không hề hiểu biết, cũng không quan tâm dân chúng lầm than, cho nên tâm can đều dồn cả vào hưởng lạc và nghệ thuật.

Trên bề mặt, Tống Huy Tông rất tôn kính Đạo giáo, cũng tu bổ một số đạo quán. Nhưng thực tế ông không phải là người tín Đạo chân chính, mà là lợi dụng Đạo giáo để đề cao bản thân. Tống Huy Tông tự phong mình làm “Giáo Chủ Đạo Quân Hoàng Đế”, tâng bốc bản thân không chỉ là hoàng đế nhân gian mà còn là “giáo chủ” của Đạo giáo, phàm những người tu Đạo đều phải nghe lời ông.

Tống Huy Tông tự cho mình là giáo chủ Đạo giáo nên gây khó khăn cho Phật giáo. Những năm đầu tại vị, ông đã thực thi chính sách xem thường Phật giáo, cho rằng Phật giáo không hợp với lòng người nên ra chiếu lệnh coi Đạo giáo ở trên Phật giáo. Đến năm Tuyên Hòa Nguyên (năm 1119) Tống Huy Tông lại hạ lệnh “cải Phật”, lấy danh nghĩa là cải cách Phật giáo để biến tướng bức hại Phật Pháp. Ông hạ chiếu lệnh:

“Từ khi ân trạch của tiên vương không còn, Hồ giáo phát triển ở Trung Quốc, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cần quy về nhất thống với Đạo giáo. Tuy không thể phế nhưng đã làm hại lễ nghĩa Trung Quốc nên không thể không cải đổi. Lấy Phật Thích đổi thành Đại Giác Kim Tiên, mặc đồ Thiên Tôn, Bồ Tát Quan Âm đổi thành đại sĩ, tăng sĩ đổi thành đức sĩ, ni đổi thành nữ đức sĩ, mặc khăn quan, cầm thẻ mộc…”.

Tống Huy Tông mệnh lệnh đổi Phật Thích Ca thành Đại Giác Kim Tiên, đổi Bồ Tát thành đại sĩ, đổi Phật tự thành cung, viện thành quán, hòa thượng, ni cô thống nhất đổi thành đạo đức sĩ, nghĩa là chỉ khác với đạo sĩ một chữ “đức”. Ông cũng không cho phép người dân cạo tóc xuất gia làm tăng ni. Tất cả các tăng ni đổi thành đạo đức sĩ đều phải đọc tụng kinh văn của Đạo giáo, phàm những tăng ni tinh thông kinh điển của Đạo giáo còn được phong quan hưởng lộc.

So với “Tam Võ Nhất Tông” cùng bức hại Phật Pháp thì Tống Huy Tông dùng thủ đoạn âm thầm hơn nhiều. (Ảnh minh họa: afamily.vn)

Đương nhiên những người chân tu trong Phật giáo không đồng ý, một loạt những tăng nhân biện luận việc đúng-sai của “Chiếu Cải Phật” như Nhật Hoa Nghiên, Minh Giác… đều bị đánh chết. Bảo Giác Đại Sư Vĩnh Đạo dâng tấu lên hoàng đế liền bị lưu đày đến Đạo Châu (nay là huyện Đạo tỉnh Hồ Nam). So với “Tam Võ Nhất Tông” cùng bức hại Phật Pháp thì Tống Huy Tông dùng thủ đoạn âm thầm hơn nhiều. Trên bề mặt thì không hủy hoại bất cứ chùa miếu nào, không trục xuất tăng ni nhưng lại hủy đi nội hàm tu hành của Phật giáo, tội càng hung tàn.

Vào tháng 3 (năm 1127) quân Kim khởi nghĩa, bắt hai cha con Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông cùng với cả hậu, phi và gần như toàn bộ Tống thất. Đại đa số hậu nhân của Tống Thái Tông và hàng trăm quan viên, tổng cộng lên tới hàng ngàn người, ngay cả những người quản lý âm nhạc và nghệ thuật đều bị áp tải về phương Bắc làm nô dịch khổ sai. Kinh thành bị cướp đoạt toàn bộ vàng bạc châu báu, triều đại Bắc Tống diệt vong. Tống Huy Tông bị triều đình nhà Kim làm nhục, phong làm Hôn Đức Hầu, còn Tống Khâm Tông làm Trọng Hôn Hầu, sau này cả hai người cùng qua đời ở Đông Bắc.

Theo Renminbao
Minh Vũ biên dịch