Thời cổ đại, các bậc Thánh hiền như đều răn dạy con người phải đề cao đạo đức, sống hợp với Thiên lý thì mới tồn tại lâu dài và mong được bình an. Ngẫm lại thì đó vẫn là một chân lý bất biến, chẳng đổi thay. 

Có lần, học trò của Khổng Tử là Tử Trương hỏi ông: “Thưa thầy, phải như thế nào mới có thể dễ dàng đi lại được?”. 

Khổng Tử trả lời: “Một người mà lời nói trung thực thành tín, hành động ngay thẳng cung kính thì cho dù là ở nước mọi rợ vẫn có thể dễ dàng đi lại được. Còn người mà lời nói không có tín, hành động không cung kính thì cho dù ở ngay quê hương cũng khó đi lại vậy. Lúc nào cũng phải ghi nhớ kỹ trong đầu “lời nói phải có tín, hành động phải cung kính” thì mới có thể đi lại được!”. 

“Trung tín” và “cung kính” là phù hợp với đạo lý của Trời Đất và luân lý làm người, là chính Đạo. Lời nói và hành vi của một người nếu tuần hoàn theo Thiên lý, chính Đạo thì Thần Phật đều sẽ trợ giúp, che chở, mở một lối đi cho họ. Còn nếu đi ngược lại Thiên lý thì ắt là sẽ bị tiêu vong. 

Bậc Thánh hiền xưa đều răn dạy con người phải đề cao đạo đức, sống hợp với Thiên lý thì mới tồn tại lâu dài và mong được bình an. Ảnh dẫn theo chanhkien.org

Chuyện kể rằng, vào triều nhà Đường, ở Sơn Đông có hai người bạn rất thân thiết nhau. Một người tên là Sử Vô Úy, người còn lại là Trương Tòng Chân. Sử Vô Úy có gia cảnh nghèo khổ, dù anh ta làm việc quần quật từ sáng đến tối mà vẫn thường xuyên túng thiếu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. 

Ngược lại, nhà Trương Tòng Chân lại rất giàu có, dù không phải làm việc vất vả cũng có cái ăn cái mặc. Cuộc sống của anh nhàn nhã, gần như không phải lo nghĩ gì. 

Thấy Sử Vô Úy gia cảnh khó khăn, Trương Tòng Chân nói với bạn rằng: “Anh mỗi ngày làm đồng từ lúc mặt trời chưa mọc đến lúc mặt trời đã lặn cũng chưa nghỉ, vừa mệt vừa khổ cực như vậy mà cái ăn cái mặc vẫn thiếu. Chi bằng, tôi cho anh mượn 1.000 xâu tiền, theo tôi đi buôn bán, chắc chắn là lãi sẽ hơn số thu nhập làm ruộng của anh bây giờ. Đến lúc ấy, anh chỉ cần trả lại tôi tiền vốn là được rồi”. 

Sử Vô Úy vô cùng cảm động, biết ơn không ngớt. Sau khi được Trương Tòng Chân giao cho 1.000 xâu tiền, Sử Vô Úy dẫn theo con trai đến địa phương khác kinh doanh. Chỉ mấy năm sau, cha con họ buôn bán tốt, kiếm được rất nhiều tiền. 

Sau khi Trương Tòng Chân cho Sử Vô Úy mượn tiền thì liên tiếp chịu bất hạnh giáng xuống. Đầu tiên là nhà anh gặp hỏa hoạn, tuy không cháy rụi nhưng tài sản bị vơi đi khá nhiều. Một thời gian ngắn sau, nhà của Trương lại bị trộm đến khoắng hết tài sản, trong nhà gần như đã không còn gì. 

Trương Tòng Chân lúc này cơm không đủ ăn, khổ sở vô cùng. Khi biết được Sử Vô Úy giờ đây đã giàu có, tiền bạc đầy nhà, không còn cách nào khác, liền tìm đến Sử gia. 

Trương Tòng Chân nói với Sử Vô Úy: “Giờ đây gia đình tôi đã không còn chút tài sản nào, gạo cũng không có mà ăn. Kỳ thực, tôi cũng không muốn đòi lại 1.000 xâu tiền trước đây đã cho anh mượn, chỉ muốn anh có thể đưa cho tôi hai, ba trăm xâu là được rồi!”. 

Không ngờ, Sử Vô Úy vừa nghe xong liền lớn giọng hỏi lại: “Anh nói tôi mượn tiền của anh? Vậy hãy mang biên lai đến đây cho tôi xem nào?”. 

Trương Tòng Chân vừa nghe những lời vong ân phụ nghĩa này của người bạn thì như chết đứng, trong lòng vô cùng uất ức, nghẹn không nói nên lời. Anh ta về đến nhà, ra sân thắp một nén hương, rồi chảy nước mắt giàn giụa, hướng lên Trời kể sự tình oan ức của mình. 

Những người vong ân phụ nghĩa thì tất Trời xanh có mắt, anh ta bị như vậy là quả báo, làm ác phải gặp ác báo. Ảnh dẫn theo ĐKN

Không ngờ, chẳng bao lâu sau, Sử Vô Úy phải chịu đại nạn. Buổi chiều hôm ấy, mây đen kéo đến đầy trời, cuồng phong nổi lên và sấm sét nổ vang trời. Sau trận cuồng phong ấy, người ta thấy Sử Vô Úy đã bị sét đánh chết dù đang ở ngay trong nhà mình. 

Người dân quanh vùng biết chuyện Sử Vô Úy bội tín, vong ân phụ nghĩa đều nói rằng: “Trời xanh có mắt, anh ta bị như vậy là quả báo, làm ác phải gặp ác báo!”. 

***

Cổ nhân nói: “Thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong”, ý nói rằng, người sống thuận theo lý của Trời thì sẽ ngày càng hưng thịnh, người chống lại lý của Trời thì tất sẽ bị tiêu vong. Làm người nhất định phải giữ vững đạo đức, chớ làm việc ác, trái với luân thường. Nguyên lý thiện ác hữu báo luôn hiện hữu.

Người xưa hiểu rõ thiên lý, hiện tượng thiên văn, càng hiểu rõ rằng Thiên lý là không thể làm trái. Nên họ luôn suy xét đến hành vi, lời nói của mình. Một người có suy nghĩ, tư tưởng, quan niệm đạo đức và lời nói, hành vi không phù hợp Thiên lý, thậm chí còn chống lại Thiên lý thì tất sẽ bị Thiên thượng cảnh báo, trừng phạt. Đó cũng chính là điều mà chúng ta vẫn thường gọi là báo ứng. Bản thân một người không thuận theo Thiên lý thì chính là đang tự chiêu mời vận rủi cho mình.

Người xưa hiểu rõ thiên lý, hiện tượng thiên văn, càng hiểu rõ rằng Thiên lý là không thể làm trái họ luôn suy xét đến hành vi, lời nói của mình. Ảnh dẫn theo ĐKN

Rất nhiều người hiện đại đã không còn tin vào sự tồn tại của Thần Phật nữa, cũng không tin tưởng rằng làm việc ác sẽ phải chịu ác báo. Cho nên, họ không chú trọng đạo đức, làm ra rất nhiều việc xấu cho bản thân, người khác và xã hội.

Bởi vì trong tư tưởng của họ đã không tin rằng làm việc ác cho dù có thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật nơi con người, nhưng vẫn sẽ bị Thần trừng phạt nên họ dám làm tất cả. Người như thế sao có thể thoát khỏi nguy hiểm đây?

Chân Tâm