Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Chuyên đề “Nhân vật anh hùng thiên cổ”

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm: Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5Kỳ 6 Kỳ 7Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10

Bình Trương Lỗ, tấn phong Ngụy Vương

Trương Lỗ tự là Công Kỳ, người huyện Phong nước Bái. Tổ phụ Trương Lăng của ông học Đạo trong núi Hạo Minh, sáng lập ra phái Ngũ Đấu Mễ Đạo. Sau Trương Lăng và cha của Trương Lỗ mất, ông kế thừa ngôi vị thủ lĩnh của Ngũ Đấu Mễ Đạo. Trương Lỗ sống ở Hán Trung, dạy dân chúng đạo Ngũ Đấu Mễ, tự đặt hiệu “Sư Quân”.

Tháng ba Kiến An năm thứ 20 (năm 215), Tào Tháo khi ấy là Ngụy Công đích thân dẫn theo đại quân công đánh Trương Lỗ. Đến tháng bảy, Tào quân đến Dương Bình. Thấy quân Tào khí thế mạnh mẽ, Trương Lỗ có ý muốn đầu hàng nhưng em trai của ông là Trương Vệ lại phản đối. Khi Tào Tháo quyết định tiến quân công thành, Trương Lỗ mang quân chạy về hướng nam, tiến vào nước Thục, rồi đến huyện Ba Trung.

Thủ hạ dưới trướng muốn đốt tất cả hàng hóa quý giá, kho lương và kể cả vũ khí, Trương Lỗ nói: “Ta vẫn còn hy vọng trở lại đây, vì vậy không có ý định đốt hết tất cả. Ngày hôm nay phải bỏ đi, là để tránh mũi nhọn của Tào quân, chứ không có ác ý. Hàng hóa quý giá, lương thực và vũ khí là thứ mà quốc gia cần có”.

Vì vậy, cuối cùng Trương Lỗ quyết định niêm phong tất cả kho tàng. Sau khi Tào Tháo tiến vào Nam Trịnh, khen ngợi việc Trương Lỗ không đốt kho tàng. Hơn nữa nhìn thấy Trương Lỗ có thiện ý, bèn sai người đến tìm và an ủi. Cuối cùng, Trương Lỗ quyết định “trữ vi Ngụy Công nô” (nguyện làm thuộc hạ dưới trướng của Ngụy Công) nâng cờ hiệu vào doanh trại của Tào quân.

Tào Tháo phong cho Trương Lỗ làm Trấn Nam Tướng Quân, dùng lễ đối đãi, phong làm Lãng Trung Hầu, Ấp Vạn Hộ. Ngoài ra, Tào Tháo còn phong cho năm người con trai của Trương Lỗ và Diêm Phố làm Liệt hầu. Sau đó Tào Tháo còn kết thông gia với nhà họ Trương, cưới con gái Trương Lỗ cho con trai của mình. Năm 216, Trương Lỗ qua đời và được truy tặng tước hầu, con trai của ông tiếp tục kế thừa sự nghiệp.

Tư Mã Ý từng khuyên Tào Tháo: “Lưu Bị giả vờ yếu thế để bắt sống Lưu Chương, lòng dân đất Thục không phục, lại thêm cuộc chiến ở vùng Giang Lăng, cơ hội này ta không thể để mất. Nay quân ta đã chiếm được Hán Trung, khiến cho Ích Châu chấn động, ta thừa thắng xông lên, thế địch tất sẽ tan vỡ. Cũng như thánh nhân từng dạy, thời cơ không thể bỏ lỡ”.

Tuy nhiên, Tào Tháo có suy nghĩ khác, đáp rằng: “Lòng người tham lam không đáy, đã bình định được đất Long, lại muốn chiếm Thục”. Lưu Diệp cũng khuyên: “Hôm nay không diệt, sẽ để lại hậu họa ngày sau”. Tào Tháo không nghe lời khuyên, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp và Đỗ Tập trấn thủ Hán Trung.

Tào Tháo quyết định về Nam Trịnh, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên trấn thủ Hán Trung. (Ảnh: dkn.tv)

Tháng 12, Tào Tháo về Nam Trịnh, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên trấn thủ Hán Trung. Đối với hành động này của Tào Tháo, nhà thơ Vương Xán đã làm một bài thơ ca ngợi:

Tòng quân thi ngũ thủ (kỳ 1)

Tòng quân hữu khổ lạc,

Đãn vấn sở tòng thùy.

Sở tòng Thần thả vũ,

An đắc cửu lao sư?

Tướng Công chinh Quan Hựu,

Hạch nộ chấn thiên uy,

Nhất cử diệt Huân Lỗ,

Tái cử phục Khương Di,

Tây thu biên địa tặc,

Hốt nhược phủ thập di.

Trần thưởng việt sơn nhạc

Tửu nhục du xuyên chỉ,

Quân trung đa nhiêu ứ,

Nhân mã giai dật phì,

Đồ hành kiêm thừa hoàn,

Không xuất hữu dư tư.

Thác thổ tam thiên lý,

Vãng phản tốc như phi,

Ca vũ nhập Nghiệp Thành,

Sở nguyện hoạch vô vi

Dịch thơ:

Tòng quân có sướng khổ,

Chỉ hỏi rằng theo ai,

Theo người uy Thần vũ,

Ắt chẳng mãi mệt quân.

Tướng Công đánh Quan Hựu,

Nổi giận hiển thiên uy,

Vung tay diệt Huân Lỗ,

Thu tay tóm Khương Di,

Biên cương Tây thu phục,

Như cúi xuống nhặt đồ.

Thưởng quân bày như núi,

Rượu thịt tựa sông hồ,

Sỹ tốt đều giàu mạnh,

Người ngựa thảy béo no.

Tướng sỹ thắng trận về,

Tài vật thưởng lặc lè.

Quan Tây ba ngàn dặm,

Trở về vùn vụt bay.

Nghệp Thành tràn ca múa,

Nguyện ước được thực thi.

Trương Lỗ đến Ba Trung, Hoàng Quyền nói với Lưu Bị rằng: “Nếu như mất Hán Trung, Ba Trung sẽ càng khó mà phục hưng, như vậy giống như cắt đi một cánh tay của nước Thục ta”. Lưu Bị bèn phong cho Hoàng Quyền chức Hộ Quân, dẫn đầu các tướng đón đánh Trương Lỗ. Trương Lỗ phải quay về Nam Trịnh đầu hàng Tào Tháo.

Hoàng Quyền rút quân về đánh Phác Hồ, Đỗ Hoạch, Nhậm Ước. Tào Tháo sai Trương Cáp đốc thúc quân sĩ đoạt lấy Tam Ba, tiến đến Ba Tây sơ tán người dân trở về Hán Trung, tiến quân vào Đãng Cừ. Lưu Bị phái Thái Thú Ba Tây – Trương Phi lãnh binh nghênh chiến với Trương Cáp. Hơn năm mươi ngày trôi qua, cuối cùng Trương Phi cũng đánh bại Trương Cáp, khiến Trương Cáp phải bỏ chạy về Nam Trịnh. Lưu Bị cũng trở về Thành Đô.

Tháng hai, Kiến An năm thứ 21 (năm 216), Tào Tháo về Nghiệp Thành. Đến tháng năm, Hán Hiến Đế phong cho Tào Tháo tước vị Ngụy Vương.

Tào Tháo ba lần dâng sớ từ chối, nhưng ba lần Hoàng Đế đều không đồng ý: “Hôm nay khanh làm trái lệnh, kiên quyết từ chối sự thành khẩn của trẫm, không chấp nhận vương vị để tiếp tục dạy bảo cho hậu thế. Điều này sẽ khiến cho sự nghiệp và chí hướng của khanh bị hạn chế, không được cố chấp từ chối một lần nữa”.

Sau đó, Tào Tháo nhận mệnh, tiếp nhận tước vị Ngụy Vương, ban thưởng 3 vạn hộ, địa vị cao hơn các Hầu Vương, lên triều không xưng thần, nhận chiếu lệnh không cần quỳ bái, đội mũ có tua dành riêng cho Vua, trang phục, xe kiệu, cờ nước, nghi lễ… đều dùng ngang hàng với Hoàng Đế, ra vào có người dẹp đường. Tào Tháo lập Nghiệp Thành làm kinh đô, các Vương Tử của mình đều phong làm Liệt hầu. 

Tháng giêng Kiến An năm thứ 22 (năm 217), Tào Tháo lãnh quân đến Cư Sào, Tôn Quyền bảo vệ Nhu Tu, đến tháng hai Tào Tháo tấn công. Mùa đông, tháng mười, Hiến Đế ban cho Ngụy Vương đội mũ có 12 tua dành riêng cho Vua, đi xe sáu ngựa kéo. 

Mùa hè, tháng tư Kiến An năm thứ 23 (năm 218), bộ tộc Ô Hoàn ở đông bắc nổi dậy làm phản, Tào Tháo lệnh cho con trai là Yên Lăng hầu – Tào Chương lãnh binh đi chinh phạt. Tào Chương là một người giỏi thiện xạ, có sức mạnh hơn người. Tào Tháo từng nói với Tào Chương rằng: “Ở nhà là phụ tử, gặp chuyện là quân – thần, làm việc gì cũng phải có vương pháp, ngươi phải cẩn trọng”. 

Tào Chương tác chiến thuận lợi, nhanh chóng đánh bại quân Ô Hoàn.

Tào Tháo lệnh cho con trai là Yên Lăng hầu – Tào Chương lãnh binh đi chinh phạt. (Ảnh minh họa: web.4399.com)

Cuộc chiến Hán Trung

Kiến An năm thứ 24 (219), Hạ Hầu Uyên và Lưu Bị cầm cự lẫn nhau, Lưu Bị vượt sông Miện Thủy từ cửa ải Dương Bình, đóng quân hạ trại tại núi Định Quân. Hạ Hầu Uyên dẫn toàn binh đến đánh doanh trại của Lưu Bị, Pháp Chính nói: “Có thể đánh”. Lưu Bị liền lập mưu, để Hoàng Trung từ trên cao đánh xuống vào sườn quân Tào, Hạ Hầu Uyên hoàn toàn bại trận.

Hạ Hầu Uyên cùng Thứ sử Ích Châu của Tào Tháo là Triệu Ngung đều bị trảm. Trước khi trận đánh này diễn ra, mặc dù Hạ Hầu Uyên đã từng đánh thắng vô số trận, nhưng Tào Tháo cũng cảnh báo ông: “Là một tướng lĩnh nhất định sẽ có những lúc lo sợ, suy yếu, không thể lúc nào cũng một lòng háo thắng. Một tướng lĩnh thật sự là biết dùng sự dũng mãnh làm gốc, dùng mưu trí sách lược hành quân đánh trận. Hữu dũng vô mưu suy cho cùng cũng chỉ là một thất phu mà thôi”.

Trước thất bại của Hạ Hầu Uyên trong chiến dịch ở núi Định Quân, Tào Tháo đặc biệt đưa ra “Quân Sách Lệnh”: “Hôm nay Hạ Hầu Uyên bị giặc chém chết ở Lộc Giác. Lộc Giác cách bản doanh mười lăm dặm, Hạ Hầu Uyên dẫn theo bốn trăm binh sĩ muốn chỉnh đốn Lộc Giác. Nhưng bị giặc từ trên cao nhìn thấy mà mai phục ám hại, bốn trăm binh sĩ cũng chỉ có thể liều chết phá vòng vây, tuy nhiên chủ soái đã không còn. Hạ Hầu Uyên vốn là người không giỏi dụng binh, trong quân được xưng là “Bạch địa tướng quân” quả không sai. Thân là một Đốc Soái lẽ ra không nên tự thân lên tiền tuyến, huống chi là tự mình dẫn binh đến sửa Lộc Giác, một việc vô cùng nhỏ nhặt đây?”

Trương Cáp dẫn binh về Dương Bình, đúng lúc Ngụy quân vừa mới mất đi Nguyên soái, lòng quân rối loạn, không biết nên làm gì. Đốc quân Đỗ Tập và Quách Thái Nguyên dự tính thu kiếm, giải tán quân đội, Trương Cáp được tiến cử làm chủ quân đội. Từ khi Trương Cáp tiếp nhận quân đội, lòng người ổn định, bách tính cũng không còn hoang mang, ngoài ra còn có mưu sĩ họ Quách, vì vậy càng thêm kiên định. Sau đó Tào Tháo nghe được tin tức này đã khuyến khích và khen thưởng Trương Cáp, ngoài ra còn thu nhận Quách Hoài làm Tư mã.

Tháng ba, Tào Tháo tự mình dẫn quân từ Trường An qua hang Tà Cốc đến Hán Trung. Lưu Bị nói: “Cho dù Tào Tháo có đến cũng không có khả năng thay đổi được gì, ta nhất định sẽ có được Hán Xuyên”. Lập tức Lưu Bị tập hợp ba quân, trấn thủ hiểm địa nhưng không giao chiến với quân Tào. Hai bên kéo dài tình trạng thủ mà không chiến, trong khoảng thời gian này chỉ diễn ra một cuộc chiến do Triệu Vân tướng quân đột ngột chạm trán với quân Tào. Cho đến mùa hè tháng năm, Tào Tháo dẫn toàn bộ binh lính trở về Trường An, Lưu Bị đúng như ý muốn có được Hán Trung.

Tào Tháo sợ sau khi rút binh Lưu Bị sẽ thừa thắng mà công đánh Vũ Đô, vì vậy lệnh cho Thứ sử Ung Châu Trương Ký đến Vũ Đô, dẫn theo năm vạn người di cư đến các khu vực xung quanh Phù Phong và Thiên Thủy. Bên cạnh đó Tào Tháo còn phái Tào Chân đến Vũ Đô đón Tào Hồng về Trần Thương, đồng thời áp chế Lưu Bị và Gia Cát Lượng.

Mùa thu, tháng bảy, Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương, phong Quan Vũ làm Tiền tướng quân và ban cho cờ tiết, lưỡi phủ việt.

Quan Vũ giao cho My Phương giữ Giang Lăng, Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An, còn mình dẫn đại quân Bắc phạt đánh Tào Tháo. Ông vây hãm thành Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ. Tào Tháo sai Tả Tướng quân Vu Cấm và Lập nghĩa Tướng quân Bàng Đức cùng nhau cứu viện Phàn Thành.

Nhưng đến tháng 8 năm đó, mưa to triền miên. Nước sông Hán Thủy dâng cao, tràn ra ngoài đê, Phàn Thành bị nước lũ vây kín, khiến cho quân đội của Vu Cấm người bị chết đuối, người bỏ chạy. Vu Cấm cùng chư tướng phải chạy lên cao tránh lũ, lúc này Quan Vũ dùng thuyền lớn mang quân đến đánh, Vu Cấm quẫn bách, chỉ có thể đầu hàng.

Riêng Bàng Đức thì vẫn ngoan cường chiến đấu từ sáng tới xế chiều, bắn hết tên lại dùng dao ác chiến với quân Quan Vũ, càng đánh càng hăng. Cho đến khi không chống nổi, quân sĩ kẻ chết người hàng, Bàng Đức mới dùng một chiếc thuyền nhỏ chèo về phía doanh trại của Tào Nhân, nhưng đi giữa dòng thì thuyền bị lật.

Bàng Đức một mình bám vào thuyền dưới nước một lúc thì bị quân Quan Vũ bắt sống. Tuy nhiên, Bàng Đức khí thế hiên ngang, quyết đứng không quỳ. Quan Vũ bảo rằng: “Lúc ở Hán Trung, ta muốn thu ngươi làm tướng, vì cớ gì không sớm đầu hàng?”. Bàng Đức đáp: “Tặc tử, tại sao phải hàng! Ngụy Vương dẫn dắt mấy trăm vạn quân, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị của nhà ngươi ngu si, tầm thường há có thể địch được. Ta thà vì nước mà thành quỷ, cũng không muốn làm tướng cho giặc”. Quan Vũ nghe xong liền giết chết Bàng Đức.

Bức hoạ miêu tả lại cảnh Bàng Đức ác chiến cùng Quan Vũ trong “Tam Quốc Chí”- “Đại Khôi Đường Tàng bản”, được cải chính vào đầu nhà Thanh (Ảnh: epochtimes.com)

Nghe được tin tức ở Phàn Thành, Tào Tháo đã bật khóc nức nở nói rằng: “Ta biết Vu Cấm 30 năm, tại sao lúc lâm nguy gặp nạn, hắn còn không sánh bằng Bàng Đức đây!”. Sau đó, ngài phong cho con trai thứ hai của Bàng Đức làm Liệt hầu.

Quan Vũ gấp rút công phá Phàn Thành, thành bị ngập nước, tứ bề hư hỏng đổ nát, mọi người đều sợ hãi. Chúng tướng đề nghị Tào Nhân nói “Hôm nay gặp nạn, vô lực chống trả, nhân lúc quân Quan Vũ còn chưa tập hợp đủ người vây thành, chúng ta nên ngồi thuyền nửa đêm tẩu thoát”. Trong lúc Tào Nhân do dự thì Thái thú Nhữ Nam là Mãn Sủng động viên Tào Nhân rằng: “Nước lên nhanh sẽ rút nhanh. Hiện nay bách tính hoảng loạn, quân của Quan Vũ không dám tiến đánh chỉ sợ là vì còn kiêng dè quân ta tập kích từ phía sau. Nay nếu bỏ Phàn Thành thì bờ nam Hoàng Hà sẽ mất theo, vĩnh viễn không thể phục quốc, cho nên lúc này ngài nên ở lại”. 

Tào Nhân đáp: “Nói hay lắm”. Bèn cùng quân sĩ tuyên thệ, đồng tâm cố thủ Phàn Thành. Trong thành chỉ có tầm nghìn người ngựa, lực lượng mỏng manh. Quan Vũ ngồi thuyền đến, lập tức vây thành nhiều lớp, trong ngoài đoạn tuyệt đường đi. Trước tình thế đó, các tướng Tào khác gồm thứ sử Kinh châu là Hồ Tu, thái thú Nam Hương là Trù Phương đều đầu hàng Quan Vũ. Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ. 

Tào Tháo nghe tin hai thành Tương – Phàn bị cô lập và uy hiếp, bèn bàn việc đưa Hán Hiến Đế rời khỏi Hứa Xương, dời kinh đô. Tuy nhiên Tư Mã Ý và Tưởng Tế can ngăn, cho rằng: “Vu Cấm là vì lũ lụt mà thất thế chứ không phải do chiến đấu thất bại, như vậy thì chưa tổn hại đến đại kế của quốc gia. Tôn Quyền và Lưu Bị ngoài mặt là thân nhau, nhưng bên trong bất hòa, muốn thôn tính nhau. Nay Quan Vũ đắc thế, Tôn Quyền nhất định sẽ không chịu để yên mà trở mặt. Chúng ta có thể cho người đến tìm Tôn Quyền, khuyên nhủ hắn, hứa cắt đất Giang Nam ban cho hắn. Đến lúc đó Phàn Thành tự nhiên sẽ được giải vây”. Tào Tháo nghe theo. 

Quan Vũ công đánh Phàn Thành, tướng Ngô là Lã Mông dùng kế giả ốm, Tôn Quyền sai người ít tên tuổi là Lục Tốn lãnh binh, chiêu này quả nhiên khiến cho Quan Vũ lơ là cảnh giác, càng ra sức tấn công Phàn Thành. Bởi vì Quan Vũ thu được mấy vạn binh sĩ của Vu Cấm, vì vậy mà lương thảo thiếu hụt. Tôn Quyền nghe tin, bèn cho người tập kích Quan Vũ. 

Bên cạnh đó, bởi vì My Phương và Phó Sĩ Nhân vẫn bất mãn với Quan Vũ, cho nên vừa nghe Lã Mông chiêu dụ đã đầu hàng, hai tay giao nộp Giang Lăng và thành Công An. Về phía Phàn Thành, Quan Vũ đại chiến cùng Từ Hoảng, hai bên chiến đấu ác liệt. Cuối cùng Quan Vũ mắc mưu nên bị thua nặng, Quan Vũ kéo về mới biết ngay cả thành Công An và Giang Lăng đều đã không còn.

Quan Vân Trường đại chiến Từ Hoảng, “Tam Quốc Chí” – “Đại Khôi Đường Tàng bản”, được cải chính vào đầu nhà Thanh. (Ảnh: epochtimes.com)

Tôn Quyền phong cho Lã Mông làm Nam Quận Thái Thú, Sàn Lăng Hầu, mười vạn tiền, trăm cân hoàng kim. Lục Tốn được phong làm Nghi Đô Thái Thú.

Quan Vũ chạy về Mạch Thành, Tôn Quyền sai Chu Nhiên, Phan Chương chặt đứt đường lui của ông. Tháng mười hai, Quan Vũ bị Ti Mã của Phan Chương là Mã Trung bắt được và bị chém đầu. Tôn Quyền chuyển đầu của Quan Vũ cho Tào Tháo, Tào Tháo dùng hậu lễ mai táng ông theo nghi thức an táng chư hầu. Từ đây cũng kết thúc mối nhân duyên được lưu truyền thiên cổ giữa Tào Tháo và Quan Vũ về một tấm lòng thương tiếc, quý trọng, nhận biết và báo đáp anh hùng.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch