Triều đại nhà Thanh, trạng nguyên Lý Bàn huyện Từ Châu tỉnh Giang Tô, lúc tuổi còn trẻ, tài văn chương của ông đã nổi tiếng tại quê nhà, có chút dương dương tự đắc, nhà ông cách Châu Thành một, hai dặm đường. Đương thời có một ông lão họ Triệu, ở thôn khác liền kề với thôn của Lý Bàn, hai người họ sớm tối thường xuyên qua lại, trước giờ không hề gián đoạn.

Nhà lão Triệu rất giàu, có hơn mười ngôi nhà nhỏ, bên ngoài được bao quanh bởi tường viện, chính giữa là một con đường trúc chia đôi khu vườn ra làm hai, một nửa không có người ở. Nửa không có người ở ấy có nhiều lan can gấp khúc, với cây cối rậm rạp. Có một ngày, bỗng nhiên xuất hiện một ông lão râu đẹp như tiên từ phòng không đi ra, tự xưng là “Báo Tiên”, tóc bạc mặt hồng hào, áo mũ mang phong cách cổ xưa.

Ông ta vái lão Triệu một cái thật sâu, rồi dẫn lão Triệu vào chiếc phòng không. Bên trong có hoa lệ bình phong, màn che, bàn trà tinh xảo, bàn ghế… đều không phải đã có từ trước đó. Lão Triệu nhìn khắp bốn phía, vô cùng kinh ngạc.

Báo Tiên nói: “Lão già cổ hủ này từ nhỏ đã không có thị tộc (gia tộc họ hàng), cũng không có quê nhà, phàm những nơi đã đi qua, nơi đâu yên ổn thì nơi đó chính là quê hương. Hôm qua dời về phía bắc, từ Thiên Mục Sơn đến Thiên Thai Sơn, tìm kiếm nơi tĩnh mịch vắng vẻ để ở, nhưng vẫn không tìm được chỗ hợp ý. Vừa rồi thấy ngài có chỗ ở bỏ trống, lại xa rời chốn huyên náo ồn ào, cho nên tạm thời bố trí nhà ở tại chỗ này. Tương lai nhất định sẽ sắp đặt một phần hậu lễ, để tạ ơn ngài đã nhường chỗ ở, mong là ngài sẽ không kinh ngạc.” Lời còn chưa dứt, một đám cơ thiếp xinh đẹp theo thứ tự đi ra bái kiến, rồi dâng hương, pha trà, thay nhau hầu hạ, thật là một màn đón tiếp rực rỡ.

Báo Tiên cười, chỉ vào các tỳ thiếp nói: “Đây đều là công cụ dưỡng sinh của lão phu.” Lão Triệu cáo lui ra ngoài, trong tâm thấy bọn họ có lễ có tình lại chu đáo, ăn nói cao nhã, nên không để mắt đến sự quái dị của bọn họ, cũng có ý qua lại thân thiết hơn. Từ đó về sau, mỗi khi rảnh rỗi liền qua lại với họ.

Từ chỗ xã giao cho đến khi thân thiết, Báo Tiên nói hắn đã đắc đạo từ triều Hán, qua nhiều lần triều đại thay đổi, trong nháy mắt không ngờ đã một nghìn năm. Hắn vẫn một mực dựa vào 8 con hồ ly hầu hạ cuộc sống hằng ngày. 8 cô chia làm 4 nhóm, đặt tên là “Âm Liệp”, mỗi một tháng phái một nhóm đi 300 trăm dặm mê hoặc người lấy tinh huyết, lấy bao nhiêu chia sẻ bấy nhiêu, cộng đồng tu luyện, vận khí vệ thần. Đây cũng là bí quyết trường sinh của bọn chúng.

Lão Triệu đoán hắn nhất định có bản lĩnh tiên tri, cho nên thường nhờ xem một ít sự tình cát hung họa phúc, không chỗ nào hắn nói không rõ ràng. Sự tình dần dần truyền ra, kinh động làng xóm láng giềng xung quanh, đều xem ông lão râu đẹp này như một vị Tiên để cung phụng.

Lý Bàn không tin những thứ này, một đêm trời tối ông uống say không còn biết gì, trực tiếp đi vào chỗ Báo Tiên ở, hô to “Yêu Thú”, rồi liệt kê từng tội danh mê hoặc dân chúng của nó. Báo Tiên sớm đã tránh đi, trong phòng không một bóng người. Nhưng Lý Bàn vẫn chửi to không ngừng. Lão Triệu ở cách tường viện nghe được tiếng mắng chửi của ông, vội bước lên khuyên nhủ, còn cho người hầu thừa dịp trăng sáng đưa ông về nhà.

Ngày hôm sau, Báo Tiên lại xuất hiện. Lão Triệu an ủi: “Người bạn này của ta thật hư hỏng, đã làm tổn thương lão Tiên nhiều. Nhưng khi đó hắn đã uống say, nên tha thứ, không nên để trong lòng.”

Báo Tiên nói: “Người này phúc trời rất lớn, một nhà lão phu lẽ ra nên tránh đi. Chờ sau khi hắn 30 tuổi, sẽ thành trạng nguyên thiên hạ. 46 tuổi, làm đến Tam Công. Nhưng, hắn lúc nhỏ đã làm 2 việc không đáng làm người, nên đã tổn hao âm đức, đến nỗi phải chịu trời phạt. Hơn nữa, hắn trời sinh gân cốt mềm yếu, công danh tuy hiển hách, nhưng khó tránh khỏi phải gặp chướng ngại, có khi còn bị giáng chức.

Về phần lão phu thì vốn đã phiêu bạc khắp nơi, khen chê tùy người, không so đo với họ, nếu đã bị hắn khiển trách xua đuổi, thì không cần phải ở lại đây nữa.” Dứt lời, hắn cáo từ đi ra ngoài. Chỉ chốc lát sau lão Triệu qua nhà hắn thăm hỏi, chỉ nghe thấy tiếng chim dưới mái hiên, hoa hồng rơi đầy đất, lại trở thành một tòa viện trống không.

Qua vài ngày, lão Triệu hỏi Lý Bàn có phải đã làm 2 việc không nên người, Lý Bàn á khẩu không trả lời được, vẻ mặt mất vui, còn giống như xấu hổ muốn trốn tránh. Khoa thi Đinh Sửu (1697) năm Khang Hi thứ 36, Lý Bàn quả nhiên thi đỗ trạng nguyên. Hai năm sau, quả nhiên vì nghi án trường thi mà bị đóng giữ nơi quan ngoại.

Phần này viết lại “Báo Tiên”, rõ ràng là động vật dựa vào lấy tinh huyết người để tu luyện, cho nên Lý Bàn nhìn thấu tâm bọn chúng, một mình ông không tin nó. Chúng cũng không dám đắc tội Lý Bàn, bởi vì từ không gian khác, chúng cũng nhìn ra Lý Bàn có thiên phúc rất lớn, ngày sau sẽ đỗ trạng nguyên, lại làm đến Tam Công.

Nhưng hắn cũng nhìn ra nhược điểm của Lý Bàn: đã từng làm 2 việc không nên người, cho nên tổn hao âm đức, phải chịu trời phạt. Cũng nhìn ra Lý Bàn trời sinh gân cốt mềm yếu, công danh tuy hiển hách, nhưng không tránh khỏi chướng ngại, có lẽ còn bị giáng chức. Sự tình phát triển sau này, quả giống như Báo Tiên đã dự đoán: Khoa thi Đinh Sửu (1697) năm Khang Hi thứ ba, Lý Bàn quả nhiên thi đỗ trạng nguyên, nhận tu soạn Hàn Lâm Viện, toàn tâm tu sửa “Đại Thanh Nhất Thống Chí”, và trở thành thị độc (hầu đọc sách cho Hoàng Thượng).

Hai năm sau, năm Khang Hi thứ 38 (1699), đảm nhận quan chủ giám khảo khoa thi Hương, Khương Thần Anh nhận phó giám khảo, sau đó nghe đồn do gian trá, khiến sĩ tử phẫn nộ, viết văn vạch trần dán khắp kinh thành, sĩ tử lập ca dao “Gừng già không cay, mận nhỏ lại ngọt”, quan Ngự Sử xem xét. Hoàng Đế Khang Hi đem Lý Bàn, Khương Thần Anh bỏ tù, Khương Thần Anh chết trong tù, Lý Bàn bị lưu vong đến Thẩm Dương, vĩnh viễn không được bổ nhiệm.

Ba năm sau, Lý Bàn được miễn xá trở về cố hương. Lúc Hoàng Đế Khang Hi tuần du phía Nam, có muốn đề bạt Lý Bàn, nhưng Lý Bàn không còn muốn làm quan nữa, nên thôi. Đầu tháng 4 năm Ung Chính thứ 6 (1728) ông qua đời, thọ 74 tuổi. “Báo Tiên” sở dĩ có thể tra được tương lai của Lý Bàn, là vì cuộc đời một người tại không gian khác đã sớm tồn tại.

Tác giả: Thái Nguyên

Biên dịch: Minh Quân, Biên tập: Tuệ Minh