Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

“Theo luật nước Tần thì ai không có giấy chứng nhận thân phận thì không được ở lại quán trọ”. Thương Ưởng mới biết là ông đã “đào hố tự chôn mình” rồi…

Vệ Ưởng dùng kế đoạt Tây Hà

Năm 350 TCN, Vệ Ưởng cải cách lần thứ hai, dời đô thành nước Tần từ Lịch Dương về Hàm Dương. Năm 341 TCN, nước Ngụy thất bại khi giao tranh với nước Tề, chủ tướng nước Ngụy bị giết, quân đội nước Ngụy chịu tổn thất lớn. Vệ Ưởng cho rằng đây là thời cơ tốt để xây dựng lại bá nghiệp. Thế là ông thỉnh cầu Tần Hiếu công đem quân đánh Ngụy.

Trong “Sử ký – Thương quân liệt truyện” có ghi chép lại rằng, năm 340 TCN Vệ Ưởng nói với Tần Hiếu công: “Tây Hà là vùng đất mang tính chiến lược quan trọng, nhân lúc nước Ngụy thất bại, chư hầu phân tâm, chúng ta hãy nhanh chóng đoạt lại nơi này”.

Bởi vì hễ chiếm được Tây Hà, biên giới nước Tần sẽ kéo dài về hướng đông sang đến bờ của sông Hoàng Hà. Sau khi chiếm được Hoàng Hà, nước Tần dựa vào sự hiểm trở của sông Hoàng Hà và núi Hào Sơn (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), không chỉ xưng bá khu vực phía tây, mà còn có thể đợi khi Trung Nguyên có biến động chỉ cần vượt sông Hoàng Hà là một bước thống nhất thiên hạ. Tần Hiếu công nghe những lời như vậy từ Vệ Ưởng, cảm thấy rất có đạo lý, thế là ông bổ nhiệm Vệ Ưởng lãnh binh công hạ nước Ngụy.

Người lãnh binh nước Ngụy chống lại Tần khi đó là ai? Chính là Công tử Ngang. Nhớ năm đó khi còn ở nước Ngụy thì mối quan hệ giữa Vệ Ưởng và Công tử Ngang rất tốt. Công tử Ngang từng tiến cử Vệ Ưởng cho Ngụy Huệ Văn vương. Sở dĩ lần này khi lãnh binh nghênh chiến, Công tử Ngang không nghĩ đến việc thăm lại người cũ, bởi nếu ông vì tình cảm bạn bè mà đàm phán thì sẽ tiêu hao mất ý chí chiến đấu. Trong tâm Vệ Ưởng cũng rất rõ, thế là Vệ Ưởng mới tương kế tựu kế, viết một lá thư đưa cho Công tử Ngang.

Vệ Ưởng viết rằng: “Năm đó ở Ngụy, chúng ta là bạn bè tốt, nhưng hiện tại người nào chủ nấy. Chúng ta đánh nhau trên chiến trường, tôi nghĩ đến cảnh đó cảm thấy rất đau lòng. Chi bằng thế này, chúng ta mặc triều phục (lễ phục) thay cho giáp trụ, sau đó tìm nơi phong cảnh hữu tình rồi cùng ăn thịt, uống rượu, thưởng nhạc, hàn huyên… rồi ký một hiệp ước hòa bình. Ông thấy thế nào?”.

Vốn dĩ Công tử Ngang cũng dự tính như vậy, nghe Vệ Ưởng nói những lời như thế, cảm thấy như Vệ Ưởng đã nói hộ những điều trong lòng ông vậy. Cho nên Công tử Ngang bèn viết thư đáp ứng yêu cầu của Vệ Ưởng. Sau đó Vệ Ưởng hẹn ngày giao ước với Công tử Ngang.

Đến ngày, Công tử Ngang dẫn theo một ít binh lính khoảng 300 người, mang một ít bộ nhạc cụ, một ít rượu thịt đến chỗ Vệ Ưởng để cùng ăn uống, thưởng nhạc. Chủ khách phân ngôi sau đó vào chỗ ngồi. Họ ăn uống vui vẻ… Bỗng nghe tiếng pháo nổ, Công tử Ngang nhìn Vệ Ưởng hỏi: “Chuyện gì vậy?”. Vệ Ưởng nói: “Lừa ngươi lần này, xin lượng thứ”. Thế là một tốp quân Tần xông ra, bắt toàn bộ người của Công tử Ngang, không một ai trốn thoát.

Vệ Ưởng để binh sĩ của mình mặc y phục của binh sĩ nước Ngụy, rồi ra lệnh quân Tần quay về thành của Công tử Ngang. Thành này do Ngô Khởi xây nên được gọi là Ngô thành. Quân Tần đến dưới thành nói: “Công tử Ngang vừa mới ký hiệp ước hòa bình với Vệ Ưởng, nay đã về, hãy mở cửa ra”. Người ở trên thành lúc đó cũng không thấy rõ mặt mũi binh sĩ là nước Tần hay Ngụy. Sau khi quân Ngụy mở cửa, quân Tần một mạch xông vào thành, chiếm được dễ như trở bàn tay. Công tử Ngang không còn cách nào khác, phải đầu hàng nước Tần.

Lúc đó Ngụy vương cảm thấy không còn ai có thể lãnh binh chống lại nước Tần, nên đành quyết định cắt toàn bộ vùng đất Tây Hà giao lại cho Tần. Như vậy, biên cương nước Tần đã kéo dài đến bờ sông Hoàng Hà.

Ngũ Cổ Đại phu Bách Lý Hề

Sau khi Vệ Ưởng trở về, Tần Hiếu công phong thưởng cho ông đất Thương, Ư, tổng cộng 15 thành. Từ đó về sau Vệ Ưởng mới trở thành Thương Ưởng, bởi vì đất Thương được phong cho ông.

Thương Ưởng rất đắc ý. Có một lần trước các tân khách (khách mời) trong đại yến tiệc ông đã nói rằng: “Mọi người hãy xem xem, năm đó ta chỉ là thứ dân nước Vệ, mang theo sách lược làm vương bá đến giúp nước Tần, giúp Tần quốc nước mạnh binh cường. Sau đó nắm được một phần chính trị nước Tần, hiện nay lại lấy được Tây Hà khiến Tần quốc mở mang bờ cõi. Quân vương thưởng cho ta một vùng đất lớn như thế, mọi người xem xem, đại trượng phu cả đời liệu có được như thế không?”. Đây chính là “đại trượng phu đắc chí, nói những lời cao ngạo”.

Đang lúc tân khách bên dưới lần lượt chúc mừng bỗng một người đứng dậy nói: “Nghìn người vâng vâng dạ dạ, không bằng một người nói lời thật tâm. Nếu ông muốn nghe lời chân thật, tôi sẽ đáp ứng. Dù tôi có nói thế nào, nếu ông không giết hoặc trừng phạt tôi, thì tôi sẽ nói lời từ tận đáy lòng của tôi cho ông”.

Thương Ưởng thoạt nhìn, thì ra là Triệu Lương. Thương Ưởng nói: “Có lời gì ngươi cứ nói, dù nói trực ngôn (thẳng thắn), ta sẽ không trừng phạt ngươi. Ta muốn hỏi ngươi, ngươi cảm thấy ta với Ngũ Cổ Đại phu (五羖大夫), người nào hiền minh hơn?”.

Ngũ Cổ Đại phu là ai? Ngũ Cổ Đại phu là Bách Lý Hề, người mà năm đó phò tá Tần Mục công xưng bá trong thời Xuân Thu. Chúng ta biết rằng thời Xuân Thu có năm bá chủ (ngũ bá) là Tề Hoàn công, Tống Tương công, Tấn Văn công, Tần Mục công và Sở Trang vương. Khi Tần Mục công xưng bá thời Xuân Thu, Ngũ Cổ Đại phu là Tướng quốc nước Tần thời ấy.

Bách Lý Hề vì sao lại gọi là Ngũ Cổ Đại phu? “Cổ” (羖) ở đây chỉ tấm da dê màu đen. Năm đó Bách Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt được và giam giữ. Tần Mục công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước, nhưng sợ nếu người nước Sở biết Bách Lý Hề là người giỏi thì sẽ không cho chuộc, nên chỉ dùng năm tấm da dê để chuộc. Do đó người ta gọi ông là Ngũ Cổ Đại phu. Ngũ Cổ Đại phu lúc làm Tể tướng nước Tần đã lấy được Tây Hà chỉ trong một trận đánh. Cho nên Thương Ưởng sau khi lấy được Tây Hà cũng muốn sánh mình với Bách Lý Hề.

Triệu Lương nói rất nhiều với Thương Ưởng: “Năm đó Ngũ Cổ Đại phu làm Tướng quốc nước Tần, ra ngoài trời nóng cũng không mang ô, lúc mệt cũng không ngồi trên xe nghỉ. Lúc ông mất, bách tính khóc ông như khóc phụ mẫu đã qua đời, trẻ con không vui chơi ca hát, nông dân ngừng giã gạo, mọi người đều tưởng nhớ ông. Bởi vì ông rất được lòng dân.

Nhưng Thương Ưởng ông thì hoàn toàn trái lại. Ông gặp được quốc vương thông qua tên hoạn quan được sủng ái, đây không phải là con đường chính. Hơn nữa sau khi nắm chính trị nước Tần, ông lại chọn cách tàn hại bách tính. Qua 20 năm thống trị của ông, cuối cùng bách tính sợ chứ không phục ông, nghĩa là ‘thấy uy hiếp chứ không thấy đạo đức’, để rồi đạo đức người dân băng hoại ‘nhìn lợi ích mà không nhìn đạo nghĩa’.

Còn nữa, ông lạm sát vô cớ, đem hai thầy của Thái tử, một người cắt mũi, một người bị thích chữ lên mặt, nên Thái tử hận ông đến tận xương tủy, dân chúng cũng oán hận ông. Ông cũng biết mình không được lòng dân nên mỗi lần ra ngoài đều có võ sĩ bảo hộ, ngồi trên xe mà cung tiễn đều lắp sẵn, kiếm tuốt khỏi vỏ, đi đường lại chạy nhanh chứ không dám đi chậm. Nếu không có bảo hộ, ông đâu dám ra ngoài, chỉ có thể ở nhà. Ông làm sao sánh với Ngũ Cổ Đại phu! Ngũ Cổ Đại phu ngồi trong xe đều có thể nói chuyện với bách tính.

Trong “Thư kinh” giảng rằng: “Người được lòng dân thì hưng thịnh, người làm mất lòng dân thì sụp đổ”. Còn có một cách nói nữa là: “Người cậy đức thì hưng thịnh, kẻ cậy bạo lực thì diệt vong”. Hiện tại ông không xảy ra vấn đề gì là vì có Tần Hiếu công che chở. Nhưng một khi quốc vương mất, mệnh ông chẳng khác gì giọt sương ban mai bị mặt trời buổi sáng phơi khô, chỉ trong nháy mắt là bốc hơi không còn tung tích.

Ông lẽ nào không biết rõ, còn tham lam phú quý ở đất Thương, Ư sao? Cách bảo toàn mạng duy nhất cho ông bây giờ là đem 15 thành giao hết cho quốc gia, sau đó tiến cử hiền tài phò tá Tần Hiếu công. Bản thân ông thì từ quan ấn về nơi thôn dã làm dân thường. Như thế mới tránh được tai họa”.

Triệu Lương khuyên vậy nhưng Thương Ưởng không làm theo. Thương Ưởng vốn không suy nghĩ về những lời nói của Triệu Lương. Chính lúc ấy thì có một sự việc bất ngờ xảy ra. Tháng Năm năm sau đó, Tần Hiếu công tạ thế. Thái tử Doanh Tứ kế vị, đây là Tần Huệ Văn công.

Thái tử lên ngôi trả thù xưa

Năm đó Thương Ưởng đã trừng phạt hai người thầy dạy học của Tần Huệ Văn công, nên lúc này Công tử Kiền (người bị cắt mũi) và Công Tôn Giả (người bị thích chữ lên mặt) bước ra nói với Tần Huệ Văn công: “Chúng thần nghe nói ‘đại thần nắm quyền lực nhiều quá thì quân vương gặp nguy hiểm’. Hiện nay ở nước Tần dù là người dân nào, hễ nói đến pháp luật thì họ không nói là pháp luật nước Tần mà nói là pháp luật của Thương quân. Bách tính chỉ biết có Thương Ưởng chứ không biết quốc vương. Đến một ngày, hễ Thương Ưởng tạo phản, chẳng phải sẽ dễ dàng đoạt lấy giang sơn của ngài hay sao?”.

Doanh Tứ vốn rất căm hận Thương Ưởng, sau khi nghe hai vị thầy nói như vậy cảm thấy rất có đạo lý, bèn hạ lệnh cho Thương Ưởng từ bỏ ấn tướng không làm quan nữa. Lúc này Thương Ưởng vẫn không cảm thấy nguy hiểm, vẫn xếp đặt tiệc đãi khách, sau đó chuẩn bị về đất Thương, Ư. Khi ông đãi khách lại sử dụng lễ nghi bậc vương giả, điều này tương đương với tiếm quyền (lạm quyền).

Thời đó việc sử dụng lễ nghi vượt quá giới hạn là vấn đề rất nghiêm trọng, tương đương với việc mưu phản. Cho nên Doanh Tứ, tức Tần Huệ Văn công, đã hạ lệnh truy bắt Thương Ưởng. Lệnh xuất ra, bách tính đô thành Hàm Dương khi đó hầu như ai ai cũng xông ra bắt Thương Ưởng.

Thương Ưởng nghe thấy phía sau có tiếng hét liền biết rằng mọi người đến bắt, ông sợ quá bỏ cả quan phục, mặc đồ của dân thường rồi chạy trốn. Ban đêm ông chạy đến một quán trọ. Lúc này chủ quán nói: “Căn cứ theo pháp luật của Thương quân nước Tần thì ai không có giấy chứng nhận thân phận thì không được ở lại quán trọ”. Thương Ưởng nói: “Tại sao ta đã định ra luật pháp để rồi tự đào hố chôn mình thế này!”. Ông không trú lại được đành phải chạy tiếp.

Ông lại chạy tiếp sang nước Ngụy (Ngụy giáp Tần). Kết quả quốc vương nước Ngụy nghe nói Thương Ưởng đến bèn phái người truy bắt, bởi vì Thương Ưởng đã lừa tướng của nước Ngụy là Công tử Ngang để chiếm đoạt Tây Hà, cho nên vua Ngụy cũng căm hận ông ta.

Thương Ưởng không còn cách nào khác, đành chạy về đất được phong là Thương, Ư. Ông tính tập hợp binh mã tạo phản. Khi đó Công Tôn Giả đuổi theo và bắt được ông áp giải về đô thành. Tần Huệ Văn công liệt kê tội trạng của Thương Ưởng, sau đó sai người dắt ông ra ngoại thành để ngũ mã phanh thây. Ông đã nhận phải kết cục bi thảm.

Cải cách của Thương Ưởng đã làm hại nhân dân và hại cả ông. Những phân tích và bài học rút ra từ “Thương Ưởng biến pháp” sẽ được đề cập trong phần tiếp theo, kính mời quý độc giả đón xem.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV