Vương Củng thời Bắc Tống bị đày đến vùng Nam Man trong 5 năm, sau khi sống sót trở về thì “đầu tóc đen như mun, sắc mặt hồng như ngọc”. Điều này khiến cho Tô Thức rất ngạc nhiên, rốt cuộc họ Vương ấy đã có phương pháp bí truyền gì?

Vương Củng, tự Định Quốc, hiệu Thanh Hư cư sỹ, là một thi sĩ, họa sĩ thời Bắc Tống, thường hay dâng thư nghị luận về việc triều chính. Ông là bạn thân của Tô Thức.

Tô Thức, tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Vì Tô Thức đã viết một vài bản tấu phàn nàn, bị cho là có ý chê trách triều đình nên bị giam ở Ô Đài để thẩm tra, gọi là “vụ án về thơ ở Ô Đài” (Ô Đài thi án). Sau đó Tô Thức bị tống vào ngục, vài tháng sau thì thoát khỏi hoạ sát thân nhưng bị đày đến Hoàng Châu. Vương Củng cũng liên quan nên bị đày đến nơi còn xa hơn là Tân Châu, Lĩnh Nam.

Đại nạn ập đến, Vương Củng đành bỏ vợ con vì không muốn họ liên lụy rồi cũng bị đày như ông. Nhưng trong nhà có một ca nữ tên là Nhu Nô lại nhất quyết muốn cùng ông đến Lĩnh Nam chịu đày.

Tân Châu Lĩnh Nam lúc bấy giờ là một nơi ẩm thấp, hoang vu và lạnh lẽo. Đây được gọi là “vùng đất sốt rét”. Sốt rét ác tính lưu hành, rất nhiều người bị lưu đày đã chết ở vùng đất ấy.

Tô Đông Pha. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Nơi tâm này yên định, ấy chính là quê hương

5 năm sau, Vương Củng phụng chỉ trở về Bắc mang theo Nhu Nô đến Hoàng Châu gặp người bạn lâu năm là Tô Thức. Tô Thức nhìn họ, hầu như không nhận ra. Vương Cũng lại trông trẻ hơn 5 năm trước, sắc mặt hồng hào, thần thái rực rỡ, tính tình còn khoáng đạt hơn trước, không có chút gì của sự thay đổi thời gian hằn trên khuôn mặt. Nhu Nô cũng không vì thời gian trôi qua mà bị tiều tuỵ đi, trái lại lại còn thanh thoát và mỹ lệ hơn xưa và nụ cười còn mang theo vẻ đẹp và mùi hương của mai trắng vùng Lĩnh Nam.

Tô Thức hỏi Nhu Nô rằng có phải cuộc sống ở Lĩnh Nam hẳn là rất gian khổ phải không? Nhu Nô cười một cách nhẹ nhàng rồi đáp: “Nơi tâm này yên định, ấy chính là quê hương”. Tô Thức rất tán thưởng, hạ bút viết bài từ “Định phong ba: Từ Nam Hải trở về tặng Ngụ Nương – người hầu (đào nương) của Vương Định Quốc”:

Tuấn tú nam nhi đẹp như ngọc
Trời ban duyên quý sánh giai nhân
Miệng cười xinh răng ngà trắng muốt
Lời ca tuyệt diệu mãi vang ngân

Tiếng ca như gió thổi tuyết qua
Ướp lạnh trời hè như biển lửa
Vạn dặm về vẻ càng tươi trẻ
Cười thơm hương mai núi Lĩnh Nam

Dám hỏi Lĩnh Nam núi đẹp chăng?
Mặt hoa lời ngọc thỏ thẻ rằng
Quê nhà nào phải nơi tuyệt mĩ
Bởi chưng phúc địa ở trong tâm

Vương Củng sau khi lưu đày trở về, sắc mặt hồng như ngọc, việc này cũng không phải là chuyện huyền hoặc, trong sách của các văn nhân đương thời cũng có ghi chép lại.

Vương Củng đến Tân Châu Lĩnh Nam, kinh qua thập tử nhất sinh, một người con trai của ông đã chết ở nơi đó, một người khác thì chết ở quê nhà. Ông được gọi là “Người giám sát việc kinh doanh muối, rượu Tân Châu”. Thực tế thì ông là một tiểu thương bán muối và bán rượu, cuộc sống cực kỳ gian khổ. Cảm xúc không được thoải mái, vật chất thì thiếu thốn, làm sao có được “sắc mặt như hồng ngọc”? Vương Củng có bí quyết nào đây?

Thời ấy có người nói rằng đó là kết quả tu hành của ông. Trong bức thư mà Vương Củng gửi cho Tô Thức, ông đã đề cập đến thuật trường sinh của Đạo gia, nói rằng ông đã tu hành ở Tân Châu. Trong “Tố Vấn – Thượng cổ đại chân luận” có viết: Bảo trì tinh thần, bệnh nào dám đến!

Dưỡng sinh cổ đại của Trung Quốc cho rằng: Bài thuốc hay nhất để phòng bệnh trị bệnh là điều dưỡng tinh thần, bảo trì tốt tâm thái. Có thể thấy rằng chính việc tu hành đã khiến Vương Củng không oán trời trách người, trong hoạn nạn vẫn an nhiên tự tại, sau tai hoạ mới sáng sủa rực rỡ, thần đầy khí đủ.

(Ảnh minh họa: sohu.com)

Tô Thức nửa đời bị lưu đày, vẫn một tâm an định

Tô Thức thành danh nhưng nửa đời sau lại bị lưu đày, một đời lấy ba cô vợ nhưng đều chết sớm, những năm cuối lại chịu tang của con trai. Tham gia triều chính 40 năm thì 33 năm bị lưu đày phải lang thang nơi xứ người.

Làm quan khi chìm khi nổi, Tô Thức đã từng vùng vẫy quẩn quanh trong cô tịch, “chọn hết cành cây mà không đậu”, cũng từng cảm thán rằng “khi nào mới hết nhọc nhằn”. Khi bị đày ở Hoàng Châu, hoàn cảnh lúc thuận lúc nghịch, ông thấy rằng: “Không có gió mưa thì không có trời đẹp”. Bị đày lần nữa đến Huệ Châu, ông lấy những điều gian nan khốn khó làm thành ngọt ngào, “mỗi ngày ăn 300 quả vải, chẳng ngại hình dáng giống như người Lĩnh Nam”, lần thứ ba bị đày ra Hải Nam, ông đã nói lên ý chí của mình “nếu chết chín lần ở phía Nam này, ta cũng không hối hận”.

Lần Tô Thức bị đày ra nơi còn xa hơn Hoàng Châu là Huệ Châu và Đam Châu, 3 nơi bị giáng đày, cuối cùng lại trở thành những nơi Tô Thức dùng để thành tựu công lao sự nghiệp.

Bạch Cư Dị cũng từng đề thơ rằng: “Dù đến góc bể chân trời, tâm an định mới chính là nhà”. Nếu nội tâm an định, thì dù nơi khốn khó kia làm ta đau xót cũng chính là cố hương của ta mà thôi!

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mạn Vũ biên dịch