Khoảng thời gian giữa những năm 800 tới năm 200 trước Công nguyên, đó là thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Trong khoảng thời gian này, ở cả phương Đông và phương Tây, một số vị thánh nhân đã xuất hiện, kiến lập ra thể hệ tín ngưỡng cho hậu thế, bao gồm cả những nhân vật chính trong bài báo này – Lão Tử và Socrates.

Hai vị thánh nhân này, một vị đã kiến lập thể hệ tín ngưỡng của Đạo giáo cho nền văn minh Trung Hoa, và một vị đã đặt định ra hệ thống triết học Hy Lạp, là nền tảng cho nền văn minh cổ điển phương Tây.

Đáng tiếc, hai vị thánh nhân này chưa bao giờ tìm được tri kỷ tại đất nước của mình. Lão Tử lưu lại năm nghìn câu chân ngôn, cũng không hy vọng thế nhân có thể chân chính liễu giải được lời của ông, liền rời Hàm Cốc Quan ly khai Trung Nguyên đi tha phương viễn xứ. Còn Socrates thì bị hoạch tội chỉ vì lời giảng của ông, và bị giới quyền quý của Athens (Hy Lạp) kết án tử hình. Trước khi lâm hình, ông vẫn giảng cho các đệ tử về chân lý mà ông ngộ được.

Giả sử, nếu hai vị thánh nhân này có duyên tương ngộ, liệu họ có trở thành tri kỷ của nhau và cùng nhau khám phá những bí ẩn của vũ trụ? Chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại trí huệ uyên thâm của hai vị thánh nhân trong một cuộc hội thoại giả tưởng này.

* * *

Khi nhìn thấy một số người đang bon chen mặc cả chút tiền ở chợ, trong khi những người khác đổ xô mua hàng giá rẻ, Socrates đã cảm thán nói: “Người hài lòng là người giàu có nhất, bởi vì sự hài lòng bản thân nó chính là sự giàu có”.

Lão tử vuốt râu cười nói: “Đúng vậy, tri túc giả phú!”

Nhìn thấy những người bán rong ồn ào bán hàng trong phố, xe cộ giao thông đông đúc, tiếng huýt sáo khắp nơi, người ta tiệc tùng, nhảy múa trong tửu quán và hát những bài ca thanh bình, nhưng những cuộc ẩu đả cãi vã xảy ra khắp nơi, Socrates nói: “Trong tất cả những thanh âm ồn ào huyên náo, sự tĩnh lặng là giai điệu huyền bí nhất”.

Lão Tử nói: “Căn tuyệt dục niệm tựu năng thanh tĩnh, thiên hạ tương hội tự nhiên an định” (tạm dịch: Từ bỏ dục vọng liền có thể thanh tĩnh, thiên hạ sẽ tự nhiên yên bình).

Socrates nói: “Những người này cần nhận thức chính bản thân mình”.

Lão Tử nói: “Đúng vậy, có thể lý giải người khác là thông minh, và có thể nhận thức chính mình mới là tâm minh”.

Lúc này, một thanh niên giàu có đi ngang qua, nghe được cuộc đối thoại giữa hai vị thánh nhân, cảm thấy những lời nói này đầy trí huệ. Người này tuy giàu có nhưng luôn bị cảm giác bi thương chi phối. Vì vậy, anh mua sắm nhiều đồ đắt tiền hơn, gặp nhiều giai nhân xinh đẹp hơn mong thoát khỏi nỗi buồn này. Anh bước đến chỗ hai vị thánh nhân, hy vọng có thể nghe thấy một bí quyết để có hạnh phúc.

Lão Tử thở dài nói: “Những thứ quý hiếm của Đông Tây, có thể khiến người ta hành vi thất thường, từ đó mà dẫn đến bị thương tổn”.

Socrates đã nói: “Bí mật của hạnh phúc, không nằm ở chỗ tìm cầu được nhiều hơn, mà nằm ở chỗ có thể vui mừng ngay cả khi bạn chỉ nhận được rất ít”.

Chàng trai trẻ trầm ngâm chìm trong suy nghĩ, hồi tưởng lại nửa đầu đời mình, lập tức ngộ ra.

Socrates nói tiếp: “Con người truy cầu càng ít, thì càng tiếp cận trí huệ của Thần”.

Lúc này, một học giả tôn giáo đi ngang qua, nghe Socrates bàn luận về trí huệ của Thần, không nén được đã cao giọng thuyết giảng hết kiến thức của mình về nguồn gốc, lịch sử, giáo lý của các tôn giáo trên thế giới trước hai vị thánh nhân.

Hai vị thánh nhân nghe và mỉm cười với nhau.

Socrates nói: “Tôi không thể giáo huấn người khác bất cứ điều gì, tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ”.

Lão Tử nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (Tạm dịch: Người biết không nói, người nói không biết).

Vị học giả tôn giáo dường như nhận thấy rằng hai người này có nền tảng trí huệ, không thể bị ông ta giáo huấn, vì vậy liền rời đi.

* * *

Trong dòng trường giang của lịch sử, có vô số học giả đã đọc qua hàng vạn cuốn sách, cũng không thể lưu lại một dòng nào trong lịch sử. Tuy nhiên, những lời nói của bậc minh triết chân chính, dù trải qua ngàn năm mưa gió phôi pha, cũng không thể xóa nhòa ánh quang huy của nó.

Theo Epoch Time, Hương Thảo biên dịch

Từ Khóa: