Piano Concerto cung Mi giáng trưởng, WoO 4 của Beethoven là một trong những tác phẩm được viết vào năm 1784 khi ông chỉ mới 14 tuổi. Có lẽ tác giả viết từ lúc còn trẻ nên tác phẩm bộc lộ cảm xúc hết sức trong sáng, thể hiện một cảm hứng thư thái hồn nhiên, yên bình bất tận trong tâm hồn.

Phần piano độc tấu còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù có một số dấu hiệu trong bản thảo cho thấy nó được sáng tác cho dàn nhạc. Vào những dịp mà tác phẩm được biểu diễn, phần dàn nhạc phải được sắp xếp trước. Bản concerto đôi khi được gọi là Bản hòa tấu piano số 0, vì nó xuất hiện trước tất cả các bản hòa tấu piano khác của Beethoven, nhưng nó hiếm khi được trình diễn. Các nghệ sĩ piano Howard Shelley và Ronald Brautigam mỗi người đã tự tạo ra bản soạn lại WoO 4 cho bản concerto.

Tác phẩm này gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Allegro moderato
Chương 2: Larghetto
Chương 3: Rondo Allegretto

Thực tế là mỗi màn trình diễn có một sự phối hợp khác nhau gây khó khăn cho việc mô tả chính xác tác phẩm, nhưng nói chung, bản concerto có phong cách của các nhà soạn nhạc cổ điển vào cuối thế kỷ 18 như Joseph Haydn, người sau này là thầy của Beethoven.

Clip là trọn vẹn tác phẩm biểu diễn bởi dàn nhạc Berlin Chamber Orchestra và nhạc trưởng Peter Gülke, cùng nghệ sỹ solo piano Eva Ander:

Chương 1 với chất nhạc dịu dàng thanh nhẹ của dàn nhạc lướt đi trên nhịp độ hơi nhanh Allegro moderato đón chờ sự xuất hiện của Piano solo để chính thức trở thành một bản piano concerto. Và chương nhạc rất cổ điển gợi nhắc sự trong sáng trong nét nhạc của Mozart, sự phóng khoáng lịch lãm trong nét nhạc của Haydn.

Chương 2 chuyển sang nhịp độ chậm Larghetto rất chuẩn chỉ và lãng mạn. Khi thưởng thức những nét nhạc mà dàn nhạc khắc họa, thính giả được thư thái hồn nhiên, yên bình trong chốn tâm hồn bất tận. Và những câu solo của piano cũng vậy, có thể ví chúng trong sáng như những giọt sương đọng trên lá của buổi sáng sớm. Giữa chương nhạc, tác giả điền vào một điệp khúc giọng thứ tạo nên sự tương phản tinh thần vô cùng đẹp, cũng là để tạo nên sức hút bất tận cho cảm hứng lạc quan và tình yêu cuộc sống.

chia tay
Ảnh: Amazon.com

Chương 3 viết theo hình thức Rondo và nhịp độ nhanh Allegretto nên chất nhạc rất vui tươi. Và đó hiển nhiên là một bố cục chương nhạc chuẩn mực của cổ điển, chương kết luôn là chương nhạc vui tươi và trí tuệ nhất. Nó tổng hòa những tinh hoa của 2 chương nhạc trước nó, và thường được chơi nhanh hơn hẳn, tạo sự hưng phấn cao nhất cho toàn bộ tác phẩm. Như vậy chương 3 đã đem tới cho thính giả một tinh thần trong sáng lạc quan khi thưởng thức.

Ghi chú:

Trong thuật ngữ âm nhạc Opus nghĩa là tác phẩm, số Opus là số thứ tự theo ngày xuất bản của tác phẩm, nghĩa là Opus nào có số thứ tự lớn hơn thì tác phẩm đó được xuất bản sau. Có những tác phẩm vì lý do nào đó đã không được in ra, thất lạc, hay không được chính nhà soạn nhạc lưu tâm tới, người ta đánh dấu nó bằng WoO, có nghĩa là Werk ohne Opuszahi – Work without Opus number…

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương