Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, giữa biển đời mênh mông này, chí nguyện thuở ban sơ như ngọn đèn chỉ lối cho ta khỏi bị mê lạc, vững vàng qua sóng gió mà đi tới bờ bên kia vậy…

Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một người làm thuê nghèo khổ. Ngày nọ, một vị Sa-môn thấy anh đang đi trên đường, vai vác cái cày, trên người chỉ vỏn vẹn một chiếc khố rách. Vị Sa-môn khuyên anh xuất gia tu hành để thoát khổ, anh vô cùng mừng rỡ đồng ý ngay. Thế là, anh chàng cày thuê được đưa về tinh xá Kỳ Hoàn, tắm rửa sạch sẽ và trở thành Sa-di. Vị Sa-môn bảo chú Sa-di mới hãy treo chiếc khố rách với cái cày trên một nhánh cây gần tịnh thất. Từ đó, chú có tên là Na-nga-la-kula, nghĩa là Tôn giả “Thợ Cày”.

Sau một thời gian sống trong tu viện, giữ gìn giới luật và xa rời các thú vui phàm tục, Tôn giả “Thợ Cày” bắt đầu cảm thấy bất mãn và không thể chống chọi nổi với sự dày vò. Thầy thậm chí có ý định vứt bỏ y bát và hoàn tục. Thế rồi, thầy đến dưới gốc cây, tự sỉ nhục mình: “Mi thật xấu xa, không thành tâm chút nào! Bộ mi muốn mặc chiếc khố rách này, trở về thế tục để làm thuê hay sao?”. Sau khi tự cảnh tỉnh mình, Tôn giả Thợ Cày lại trở về tu viện, hăng hái tu hành.

Vài hôm sau, cơn bất bình lại kéo đến. Thầy cũng ra gốc cây nhìn chiếc khố rách và tự khiển trách như trước. Cứ thế, mỗi khi buồn bực, thầy đều đến gốc cây để lấy lại ý chí.

Các vị Sa-môn để ý thấy thầy thường lui tới gốc cây, bèn hỏi:

– Này huynh Thợ Cày, huynh đến đó làm gì thế?

– Thưa chư vị, tôi đến viếng vị giáo thọ của tôi.

Vài hôm sau, Tôn giả Thợ Cày chứng quả A-la-hán. Khi biết chuyện này, Đức Phật nói rằng: “Thầy ấy đã tự khuyên răn mình và đã đạt được Thánh quả”.

Đức Phật khen ngợi Tôn giả Thợ Cày. (Ảnh minh họa: tyrekeh.blogspot.com)

***

Phật Gia có câu: “Bất vong sơ tâm, phương đắc thủy chung”, ý tứ là: Không quên nguyện ban đầu, mới có thể vẹn toàn trước sau. Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, giữa biển đời mênh mông này, chí nguyện thuở ban sơ như ngọn đèn chỉ lối cho ta khỏi bị mê lạc, vững vàng qua sóng gió mà đi tới bờ bên kia vậy.

Những lúc khó nạn, do dự mất phương hướng, xin đừng quên con đường ta đã đi qua.

Những khi bị cám dỗ níu chân, xin đừng quên vì sao ta xuất phát.

Nếu cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc, xin đừng quên sinh mệnh ta đã tới vì điều gì.

Trong lúc bị hiểu lầm, hắt hủi và cô đơn, xin đừng quên có Người vẫn chờ ta phía trước.

Chỉ cần ta kiên định với chí nguyện ban đầu, nhất định sẽ có thể thành công.

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame)