Người Việt Nam một thời đã không còn xa lạ với một vị hoàng đế Trung Hoa qua bộ phim truyền hình dài tập “Khang Hy vi hành”. Tuy vậy, phim ảnh thời hiện đại đã thêm vào nhiều yếu tố nhân tình, hư cấu, khiến cho diện mạo chân thật của nhân vật lịch sử bị che mờ. Khang Hy thật sự là vị hoàng đế có tấm lòng nhân từ và trí tuệ sáng suốt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc…

Vào tháng 7 năm Khang Hy thứ 6 (1667), vì sự kiện khoanh đất, Ngao Bái đã sát hại 3 vị đại thần, khiến việc này càng thêm trầm trọng. Ông ta còn muốn đẩy phụ thần Tô Khắc Tát Cáp vào chỗ chết. Hoàng đế Khang Hy biết được oan tình trong đó nên đã cố gắng bảo vệ mạng sống cho Tô Khắc Tát Cáp. Đoạt được quyền lực càng lớn, Ngao Bái không thèm để ý đến lễ nghi quân thần, xắn tay áo gào thét, tranh cãi kịch liệt với Khang Hy một lần nữa. Đối mặt với quyền thần tàn bạo, Hoàng đế trẻ Khang Hy cũng thể hiện ra dũng khí phi phàm, kiên định bác bỏ việc Ngao Bái xử trí đối với Tô Khắc Tát Cáp. 

Đây là cuộc đối đầu trực diện giữa một vị vương trẻ trước sự cưỡng ép của quyền thần. Cuộc tranh luận kéo dài suốt một ngày, Khang Hy đế vẫn nhất quyết không nhượng bộ. Tuy nhiên, Ngao Bái dựa vào tập đoàn quyền lực mà ông ta gây dựng trong nhiều năm, cải biến thành bản án treo cổ Tô Khắc Tát Cáp, vẫn là kết cục diệt tộc. Ngao Bái nắm quyền được 6 năm dẫn khởi hai cuộc đổ máu tàn khốc, cuối cùng Hoàng đế Khang Hy đã quyết định tự mình dẹp loạn, chấn chỉnh triều cương. Thế là, màn kịch “Khang Hy trừ Ngao Bái” gay cấn và hấp dẫn trở thành câu chuyện truyền kỳ. 

Hoàng đế Khang Hy khoảng năm 20 tuổi. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Nhân tâm ngự hạ

Ngày Ất Dậu tháng 7 năm Khang Hy thứ 6, Hoàng đế Khang Hy tự mình chấp chính, bắt đầu ở cửa cung Càn Thanh nghe báo cáo và quyết định sự việc. Không lâu sau, phụ thần Ngao Bái tự ý lạm dụng quyền hành đem diệt cả nhà Tô Khắc Tát Cáp. Lúc này Khang Hy ẩn nhẫn bất động, phong cho ông ta làm Nhất đẳng công. 

Sau khi Tô Khắc Tát Cáp bị giết chết, trong triều chỉ còn lại một phụ thần nhu nhược là Át Tất Long và Ngao Bái ở địa vị tương đương. Vì thế Ngao Bái không còn phải lo lắng gì nữa, lời nói việc làm dần dần trở nên hung hăng càn quấy. Lúc vào triều thảo luận chính sự, dù là ngồi hay đứng điểm danh, ông ta công nhiên xếp trước Át Tất Long, nghiễm nhiên coi mình là phụ thần đệ nhất. Đối với các quan đại thần khác mà nói, đứng trước mặt hoàng đế họ đều tỏ ra vô cùng kính sợ, tuy nhiên Ngao Bái lại không như thế, chỉ cần hơi trái ý một chút, ông ta liền cao giọng quát tháo quan viên, hơn nữa còn thường xuyên kháng chỉ bất tuân, khi quân phạm thượng, lần nào cũng khiến hoàng đế phải phục tùng ý muốn của ông ta. 

Đồng thời, khi bổ nhiệm quan viên, ông ta càng tùy ý làm bậy, “Thích thì tiến cử, không thích liền hãm hại”. Trong quá trình thảo luận chính sự, quan viên trong các bộ trọng yếu đều buộc phải nằm trong phe phản bội của ông ta và hình thành mạng lưới quan hệ chặt chẽ, giống như trạng thái “tất cả bá quan văn võ đều là môn hạ”. Ngao Bái thậm chí còn qua mặt hoàng đế, ở nhà thiết lập một “triều đình nhỏ”, gọi các quan chức đến nhà thảo luận chính sự. 

Trước tình huống này, Hoàng đế Khang Hy đã làm thế nào? Kể từ sau cuộc tranh luận lần trước, Khang Hy đã chọn sách lược thu lại mũi nhọn của mình, áp dụng lui để tiến. Ngay sau khi Tô Khắc Tát Cáp bị giết một tháng, Khang Hy liền ban thưởng tước vị Nhất đẳng công cho Ngao Bái, Nhị đẳng công vốn dĩ do con trai ông ta kế thừa. Tháng 8 năm sau (năm 1668), Khang Hy lại ban thưởng tiếp cho Ngao Bái làm Thái sư. Ngao Bái chẳng những không bị hỏi tội, ngược lại còn nhận được nhiều ưu ái hơn. 

Đây không phải bởi Khang Hy sợ Ngao Bái, mà xuất phát từ lòng nhân từ, tôn kính ông ta vì có công với nguyên lão tam triều, có công với xã tắc. Đồng thời Hoàng đế Khang Hy cũng hy vọng, Ngao Bái có thể nhìn vào lời nói và việc làm của tự mình mà thức tỉnh bản thân, sửa đổi, làm được “cảm ơn hối tội, khắc chế bản thân, bảo vệ công danh của chính mình”. 

Bên cạnh những phần thưởng ân huệ, Hoàng đế Khang Hy cũng thường xuyên nói gần nói xa, nhắc nhở Ngao Bái thận trọng từ lời nói đến việc làm, sớm ngày tỉnh ngộ. Ví dụ như trong một lần thảo luận chính sự, nghe được có quan viên hỏi thăm việc Đại học sĩ Lý Úy thả nhầm kẻ phạm tội, chuyện này xử lý như thế nào. Lý Úy cho rằng, việc đã làm rồi, không cần quản việc này nữa. Hoàng đế Khang Hy liền phê bình ông ta: “Đặc xá tội phạm xuất hiện sai lầm, việc này có thể tạm chấp nhận cho qua, nhưng nếu là giết nhầm người cũng mặc kệ sao?” Ý ở ngoài lời, Hoàng đế Khang Hy sẽ không ngồi yên cho qua việc Ngao Bái giết oan đại thần. Lý Úy cũng nghe ra thâm ý của Khang Hy, vui mừng khen ngợi: “Lời nói của Hoàng thượng đủ để giáo huấn muôn đời!”.

Chuyện như vậy còn rất nhiều. Có lần một quan viên kiểm tra xem xét biết được Ngao Bái chặn lại tấu chương mà hoàng đế phê bằng bút đỏ rồi gửi đi bản tấu sao chép, chuẩn bị sửa đổi. Người này lập tức tấu lên Hoàng đế Khang Hy: “Hết thảy tấu chương đã phê bút đỏ, phát đi bản sao, không hề có sửa đổi”. Sau khi nghe được, Ngao Bái tỏ ra vô cùng tức giận muốn trừng trị vị quan viên này. Hoàng đế Khang Hy lại khen ngợi quan viên, cũng dựa vào đó khuyên bảo phụ thần: “Sau này nên cẩn thận hơn”. 

Một lần khác, Hoàng đế Khang Hy và các phụ thần cùng nghe dâng tấu, Ngao Bái ngồi một bên nói chuyện phiếm, không lưu tâm đến việc quốc gia đại sự. Khang Hy lập tức trách mắng: “Đây là vụ án liên quan đến mạng người, không thể không cẩn thận xem xét một cách thiết thực. Các khanh không xem việc giết người là chuyện quan trọng, trẫm nhất định phải điều tra cẩn thận”. 

Trong “Bản thảo lịch sử nhà Thanh” có ghi lại, những năm trước khi Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, rất nhiều lần quốc gia xuất hiện hiện tượng Nhật thực, sao chổi va vào các ngôi sao khác, ban ngày nhìn thấy sao kim, địa chấn, trận mưa kỳ lạ. Khi đất nước có những quyết sách chính trị sai lầm, gian thần nắm quyền, dân chúng lầm than… Thượng Thiên sẽ dùng dị tượng hoặc thiên tai để cảnh báo thế nhân cùng bậc quân chủ. Hoàng đế Khang Hy cũng vì điều này mà nhiều lần hạ chiếu giảm bớt án tù, yêu cầu quan viên xem xét lại khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, Ngao Bái cùng phe cánh của ông ta cũng không tỉnh ngộ. 

Vào tháng 9 năm Khang Hy thứ 7 (1668), Học sỹ Hùng Tứ Lý, thư ký của Viện thị độc, đặc biệt thượng tấu lên Hoàng đế Khang Hy: “Năm gần đây, thiên tai liên tiếp, là Thượng Thiên khiển cáo, cũng là bởi việc con người làm ra”. Ông cũng chỉ ra rằng: “Thiên hạ thái bình hay loạn động có liên hệ với Tể tướng”, “Tệ nạn triều chính lâu ngày không trừ bỏ, kế hoạch quốc gia tiềm ẩn nhiều mối lo”. Những lời nói của ông đúng là đã nói lên sự việc mà phe cánh Ngao Bái đang làm loạn triều đình. Vậy Hoàng đế Khang Hy đã trả lời như thế nào? 

Thản nhiên điềm tĩnh

Trong ‘Khiếu đình tạp lục’ có ghi lại rằng “Thanh sắc bất động nhi trừ cự thắc, tín nan năng dã”, ý tứ là Hoàng đế Khang Hy rất bình tĩnh, diệt trừ Ngao Bái, kẻ đại ác, thực tế đây là việc rất khó làm. 

Người Mãn Châu thượng võ, và Hoàng đế Khang Hy đã luyện tập cưỡi ngựa và bắn cung trong thời gian rảnh rỗi của mình từ khi còn là một đứa trẻ. Bức tranh thể hiện một phần “Bức tranh đi săn của Khang Hy” do Lang Thế Ninh vẽ vào thời nhà Thanh, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Khổng Tử viết: “Duy nhân giả năng hảo nhân, năng ác nhân”, nghĩa là chỉ có người nhân đức mới biết yêu ghét rõ ràng. Ý nói, một người lòng mang nhân ái mới có khả năng phân biệt được thiện ác. Mà Hoàng đế Khang Hy cũng trích dẫn lời này để dạy bảo hạ thần, cho rằng “Pháp của thánh nhân bên trong có nhân”. Trong nhân có sự kết hợp cương và nhu, bậc thánh minh nhân quân, không chỉ có tấm lòng nhân nghĩa yêu thương rộng lớn mà còn có uy nghiêm trừng phạt cái ác và tuyên dương cái thiện. Điều này cũng được thể hiện rõ trên người Hoàng đế Khang Hy. 

Như vậy, Hoàng đế Khang Hy đối đãi với Ngao Bái cũng thể hiện ra sự đại nhân đại nghĩa. Trước khi chính thức trừ Ngao Bái, Hoàng đế Khang Hy cũng chú ý đến những phần thưởng ân huệ và xem trọng việc khuyên bảo, cho thêm cơ hội để ông ta thay đổi bản thân. Nhưng tiếc là, Ngao Bái bị dục vọng quyền lực che lấp tâm trí, nghĩ rằng có thể chèn ép hoàng đế trẻ, một mình nắm giữ triều chính. Do đó, Khang Hy không thể dung thứ một cách dễ dàng và quyết định ra tay bắt Ngao Bái. 

Đối với cặp quân thần này, một người tay nắm binh quyền, là nguyên lão phụ thần có mối quan hệ vô cùng phức tạp, người còn lại là một vị hoàng đế trẻ chấp chính chưa được hai năm, xem ra, muốn lung lay tập đoàn Ngao Bái là việc quá khó khăn. Nhưng trong tâm của một người cơ trí như Khang Hy, ông đã vạch ra kế hoạch hoàn hảo để diệt trừ Ngao Bái. Trước khi Khang Hy chính thức thực hiện hành động đối phó với Ngao Bái, sắc mặt ông không có biểu hiện gì. 

Vì vậy, Hùng Tứ Lý đã nhẹ nhàng đả động đến việc Ngao Bái tự ý lộng quyền, lúc đó ông cũng hy vọng Hoàng đế Khang Hy có thể tự mình chấp chính. Nhưng Khang Hy đế lại cho rằng thời cơ vẫn chưa chín muồi, liền giả vờ trấn an Ngao Bái, trách mắng Hùng Tứ Lý: “Liều lĩnh dâng tấu là hành động ngông cuồng”. Trên thực tế, công việc chuẩn bị bắt Ngao Bái đang được thực hiện một cách âm thầm. 

Một hôm, Ngao Bái vào triều thượng tấu sự việc, ông ta có nghe thấy tiếng đánh nhau trong nội cung, sau khi tìm hiểu mới biết được, gần đây Khang Hy có chọn một nhóm tiểu thị vệ tuổi tương đương mình, mỗi ngày cùng luyện tập võ nghệ với họ. Ngao Bái cũng thường xuyên tận mắt chứng kiến, Hoàng đế Khang Hy đàm luận kỹ nghệ đấu vật “Bố Khố Hí” của người Mãn cùng họ. Nhìn bề ngoài, Hoàng đế Khang Hy có hứng thú đặc biệt với đấu vật, tâm trí không đặt vào việc chính sự. 

Ngao Bái mừng thầm trong tâm, cho rằng hoàng đế tuổi còn trẻ, không ôm chí lớn, chỉ thích ham vui, như thế bản thân có thể thao túng quyền lực không một chút e dè. Nhưng ông ta không thể đoán được, một tấm lưới lớn vô hình đang được chuẩn bị chụp lên chính mình. 

Triều đại nhà Thanh lấy được thiên hạ trên lưng ngựa, người Mãn Châu thượng võ, ngay cả con cái nhà dòng dõi cũng rất có khí thế luyện tập võ nghệ. Ví dụ như Hoàng đế Khang Hy, từ khi còn nhỏ, ngoài thời gian đọc sách, ông cũng dùng thời gian để khổ luyện cưỡi ngựa bắn cung. Thời điểm đó, Hoàng đế Khang Hy lợi dụng đặc điểm này mà trong đội thị vệ chọn ra hơn 100 vị thân tín đến bên mình, trên thực tế họ chính là đội quân chủ lực để bắt giữ Ngao Bái. Nhiệm vụ của họ là mỗi ngày luyện tập đấu vật cùng Khang Hy, vừa để nâng cao võ nghệ vừa tạo ra biểu hiện giả khiến Ngao Bái không nghi ngờ gì. 

Hoàng đế Khang Hy cũng có một trợ thủ đắc lực, người này chính là con trai của Sách Ni, thúc thúc của hoàng hậu, Sách Ngạch Đồ. Khi vừa mới tiến cung, ông là cận vệ tam đẳng của Hoàng thượng, dựa vào tài năng của bản thân mà được thăng lên làm nhất đẳng, Lại bộ Thị Lang. Tháng 5 năm Khang Hy thứ 8 (1669), Sách Ngạch Đồ tự xin cách chức, muốn trở lại làm thị vệ. Cùng tháng đó, đại sự bắt giữ Ngao Bái cũng diễn ra. Trong tiểu thuyết bút ký viết rằng, mấy ngày trước khi bắt đầu sự kiện, Khang Hy mời ông với danh nghĩa đến chơi cờ cùng Hoàng đế, điều này có thể suy đoán rằng, Sách Ngạch Đồ cũng là người quan trọng trong vụ bắt Ngao Bái. 

Trước khi chính thức hành động, Hoàng đế Khang Hy đã phái tay sai của Ngao Bái đến những nơi khác, vừa làm suy yếu lực lượng, vừa giảm thiểu khả năng gây rung chuyển triều đình khi sự kiện này diễn ra. Đến ngày 16 tháng 5, mọi thứ đã chuẩn bị xong. Hoàng đế Khang Hy triệu tập đội thị vệ, hỏi: “Các ngươi đều là thân tín của ta, vậy các người sợ ta hay sợ Ngao Bái?” Câu hỏi khiến mỗi người đều cảm xúc sục sôi, cùng nhau nói: “Chỉ sợ Hoàng thượng!”. Thế là Khang Hy liệt kê tất cả các tội của Ngao Bái, hạ lệnh bắt Ngao Bái ngay trong ngày. 

Cuốn tiểu thuyết ghi chép lại rằng Hoàng đế Khang Hy đã có một kế hoạch thông minh để hàng phục Ngao Bái tại thư phòng phía Nam, nơi ông đang thảo luận về chính sự. Bức “Chân dung Hoàng đế Khang Hy mặc thường phục ngồi viết chữ”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Thần minh thiên tung

Nếu Hoàng đế Khang Hy phái quan viên trực tiếp đuổi bắt Ngao Bái, điều này nhất định sẽ khởi phát sự cố. Thế nhưng, Thần minh thiên tung Khang Hy đế sử dụng phương pháp đặc biệt để diệt trừ Ngao Bái đạt được giống như không có sự việc gì xảy ra. Đây quả là điều mà người bình thường không thể ngờ tới. 

Hôm đó, như thường ngày, Khang Hy đế gọi Ngao Bái đến. Vẫn như lần trước, Ngao Bái vênh váo tự đắc vào triều thượng tấu. Không ngờ, Khang Hy đột nhiên hạ lệnh, đội thị vệ đua nhau tấn công Ngao Bái một cách bất ngờ. Ngao Bái dù có một thân bản lĩnh nhưng không được chuẩn bị, không thể chống đỡ trước sự tấn công của 100 dũng sĩ trẻ tuổi và nhanh chóng bị chế ngự. Tiếp theo đó, Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh bắt vây cánh của Ngao Bái, thế lực mà Ngao Bái gây dựng trong nhiều năm đều bị sụp đổ trong chốc lát. 

Quá trình bắt giữ Ngao Bái được mô tả chi tiết và đặc sắc trong “Nam đình bút ký”. Đầu tiên, hoàng đế Khang Hy bố trí bẻ gãy một chân ghế mà Ngao Bái ngồi thảo luận việc chính sự tại thư phòng phía Nam, tiếp đến sắp đặt thị vệ đứng phía sau giúp đỡ, ngụy trang thành một chiếc ghế tốt, chuẩn bị một ấm trà nóng bỏng, bố trí người có võ nghệ cao cường mai phục ở tất cả các ngóc ngách. 

Sau khi Ngao Bái đến, Khang Hy bố trí ông ta ngồi lên chiếc ghế gãy chân, dùng chén trà nóng bỏng ban thưởng. Ngao bái tiếp nhận chén trà, bỏng quá mà làm rớt xuống, chén trà lăn trên mặt đất, thị vệ đứng phía sau thuận theo đó đẩy ông ta khiến Ngao Bái ngã lăn xuống đất. Hoàng đế Khang Hy thấy thời cơ đã đến liền quát lớn: “Bắt lấy Ngao Bái bất kính!”. Thị vệ đồng loạt xông tới, đánh nhau kịch liệt, chỉ trong chốc lát tấn công đã chế ngự Ngao Bái thành công. 

Kế sách mà Khang Hy sử dụng để chế phục Ngao Bái chủ yếu là “thao quang dưỡng hối” (phép ẩn mình chờ thời) và “ám độ Trần Thương” (ngấm ngầm bí mật, mở lối Trần Thương). Trong quá trình chuẩn bị, ông lấy nhu thắng cương, khiến Ngao Bái buông lỏng cảnh giác. Đợi tới lúc bố trí mọi thứ một cách hoàn mỹ, chớp đúng thời cơ, một cú hạ gục. Toàn bộ quá trình diễn ra nhanh chóng như sét đánh không kịp bịt lỗ tai, đột nhiên xuất hiện, kết thúc đột ngột, không gây rối loạn triều đình. Với tài trí và sự quyết đoán của mình, Hoàng đế Khang Hy được người đời sau gọi là “Thần minh thiên tung”. Ông dẫn đầu các dũng sĩ, cùng nhau diễn một màn lịch sử triều đại nhà Thanh hoàn mỹ đặc sắc vô song, một màn diễn khiến người người thấy hả lòng hả dạ. 

Cùng ngày bắt giữ Ngao Bái, Hoàng đế Khang Hy cũng vạch trần bảy tội lớn của Ngao Bái: kết bè kết cánh, khi quân phạm thượng, ngăn cản ngôn luận, xem thường quốc pháp, …. Khang Hy cũng trách cứ rằng: “Trên phụ sự phó thác của quân vương, dưới thì giết người bừa bãi, đủ loại tội ác, không thể tha được”. Sau khi thảo luận chính sự xong, đại thần Khang Thân Vương phụng chỉ thẩm vấn, liệt kê ra 30 đại tội của Ngao Bái, phán cách chức, lập án xử tử. Mặt khác, những tay chân của Ngao Bái cũng lần lượt bị thẩm vấn. 

Đối với bản xử lý Ngao Bái, hoàng đế Khang Hy cũng chú ý đến một số điểm. Kết cục cuối cùng mà Ngao Bái phải nhận lãnh, căn cứ truyện mà giáo sĩ Bạch Tấn đương thời ghi lại, Ngao Bái vốn bị xử tử nhưng ông ta lại thỉnh cầu gặp Hoàng đế một lần. Khang Hy triệu ông ta tới, Ngao Bái cởi áo để lộ sẹo do bị thương trong quá trình cứu Thái Tông Hoàng Thái Cực. Thêm nữa, sau khi Thái Tông băng hà, Ngao Bái vì ủng hộ việc lập Hào Cách lên ngôi mà đối đầu với Đa Nhĩ Cổn đang nhăm nhe cố gắng đoạt lấy ngôi vị hoàng đế, thậm chí không để ý đến tính mạng mình mà bức bách, khiến cho Đa Nhĩ Cổn từ bỏ mưu đồ tranh đoạt hoàng quyền. Có thể nói, Ngao Bái cũng là người có công giúp cho Hoàng đế Thuận Trị lên ngôi một cách thuận lợi. 

Nhìn vào thị phi và công lao một đời của Ngao Bái, Hoàng đế Khang Hy thương cảm ông là nguyên lão tam triều mà quyết định giảm án thành án tù chung thân. Cuối cùng Ngao Bái cũng chết ở trong tù ngục. 

Tiếp đến, Hoàng đế Khang Hy cũng trừng phạt đối với một vị phụ thần khác là Át Tất Long. Theo lý thì Át Tất Long không tham dự vào vây cánh của Ngao Bái nhưng đã bị uy hiếp bởi quyền thế, trong toàn bộ quá trình, phần lớn thời gian ông đều giữ thái độ im hơi lặng tiếng, thậm chí còn phụ họa theo. Đối với sự việc Ngao Bái cưỡng ép khoanh đất, sát hại đại thần, tự ý lộng quyền, ông không hề khuyên can, có tội xem thường vua và lừa dối đất nước. 

Đối mặt với đúng sai, điều mà Át Tất Long nghĩ đến chỉ là làm sao để bảo vệ bản thân, tránh xa phân tranh, nhưng cũng chính bởi thái độ dung túng và nuông chiều của ông ta đã tiếp thêm sức mạnh để Ngao Bái lộng quyền. Cho nên, sau khi Ngao Bái bị trừng trị, Át Tất Long cũng bị đưa vào ngục để hỏi tội và nhận án tử hình với 12 tội danh. Cuối cùng, Hoàng đế Khang Hy cũng xuất phát từ sự nhân từ của mình, tha tội chết cho ông ta, chỉ bãi bỏ chức vụ và giữ lại tước vị. 

Từ xưa, tà không thể thắng chính, thiện ác hữu báo. Hoàng đế Khang Hy anh minh thần võ, chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất việc xét xử Ngao Bái, quét sạch mây đen trong triều. Hành động trừ Ngao Bái, từ bề ngoài có thể thấy được phẩm chất trầm ổn tỉnh táo cùng dũng cảm túc trí của Hoàng đế Khang Hy. Đến lúc này, cơn phong ba chính trị lớn nhất trong những năm đầu của triều đại Khang Hy cuối cùng đã kết thúc. Thời kỳ phụ chính chính thức chuyển sang thời kỳ mới Hoàng đế Khang Hy đích thân chấp chính. 

(Còn tiếp)

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch