Nhân quả là tồn tại, thiện ác là có báo ứng, cũng giống như chúng ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mọi việc tốt xấu thiện ác chốn nhân gian đều có nhân duyên.

Kỷ Quân (1724-1805), tên tự là Hiểu Lam và Xuân Phàm, là một danh sĩ nổi tiếng và quan lại đời nhà Thanh. Ông giữ chức tổng biên tập “Tứ khố toàn thư”, một công trình biên soạn sách nổi tiếng dưới thời Càn Long. Ông còn nổi tiếng là bậc phong lưu tài tử và là con người đa tài với trình độ học vấn vô cùng uyên bác. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn “Duyệt Vi thảo đường bút ký”, là một trong những tác phẩm nổi tiếng viết vào những năm cuối đời.

Dưới đây là một vài mẩu chuyện nhỏ trích từ tác phẩm “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam.

Giỏi nặn tiền bị quả báo

Ông Vương là quan lại huyện Hiến, giỏi viết hình tụng, nên rất giỏi nặn tiền người khác. Nhưng cứ mỗi lần ông kiếm được tiền tích trữ thì lại gặp phải sự cố tiêu tán.

Ở miếu Thành Hoàng có một tiểu đồng tu đạo, buổi tối nghe thấy hai con quỷ sứ cầm sổ quan bạ tính toán. Một con nói: “Ông ta năm nay bòn rút được rất nhiều tiền, nên dùng cách gì để tiêu hết số tiền đó?”.

Con quỷ này đang trầm tư suy nghĩ thì con quỷ kia nói: “Một mình Thúy Vân là đủ rồi, không phải suy nghĩ nữa”.

Ở miếu này thường có quỷ nên tiểu đồng đã quen, coi là chuyện thường gặp, cũng không sợ hãi, chỉ có điều không biết Thúy Vân là ai, cũng không biết hai con quỷ sứ kia đang tính toán tiêu tán tài sản của ai.

Chẳng bao lâu, một kỹ nữ tên là Thúy Vân đến huyện Hiến, ông Vương rất sủng ái cô ta, đã tiêu tán 8, 9 phần tài sản tích lũy cho Thúy Vân. Sau đó ông ta mọc một cái nhọt độc, tìm thầy tìm thuốc khắp nơi. Đến khi chữa khỏi bệnh thì toàn bộ tài sản tích lũy đã tiêu tán sạch, chẳng còn lại chút gì.

Có người tính toán số tiền cả đời ông Vương nặn bóp kiếm được, khoảng 3, 4 vạn lạng vàng. Chẳng bao lâu, ông Vương phát điên rồi qua đời, nhưng trong nhà lại không có lấy một đồng để mua quan tài.

Ông Vương cả đời kiếm được, khoảng 3, 4 vạn lạng vàng nhưng lúc chết trong nhà lại không có lấy một đồng để mua quan tài. (Ảnh minh họa: rocidea.com)

Người Thần bí nói chuyện nhân quả

Những năm Ung Chính triều Thanh, Tô Đẩu Nam người Giao Hà dự thi hội trở về, đến quán rượu ở bên sông Bạch Câu, gặp một người bạn. Người bạn vừa bị bãi chức quan, khi rượu đã ngà ngà say, tỏ ra u uất nói: “Thiên lý chẳng còn, thiện ác không báo ứng”.

Bỗng nhiên, một người thần bí cưỡi ngựa đến, nói với ông ta rằng: “Ông oán trách nhân quả thế gian không thực thi ư? Xin ông hãy nghĩ: Phường háo sắc, ắt mắc bệnh. Kẻ khát bạc, ắt bần cùng. Phường cướp bóc, ắt bị bắt. Kẻ sát nhân, ắt đền mạng. Đó đều là nhân quả báo ứng. Đương nhiên cùng là háo sắc, nhưng bản tính có phân mức độ mạnh yếu. Cùng là khát bạc, thủ đoạn có phân cao thấp. Cùng là cướp bóc, có khác biệt kẻ thủ ác và tòng phạm. Cùng là sát nhân, có phân biệt cố ý sát nhân và ngộ sát. Báo ứng đối với họ, tự nhiên sẽ có khác biệt. Cho dù có báo ứng, cũng có người là có công chuộc tội, có người thì có báo ứng rõ rệt, có người thì có báo ứng ẩn kín. Tình thế không như nhau, nên dùng lý phân biệt, thật vô cùng huyền diệu tinh vi!

Ông dựa vào những gì mình thấy trước mắt mà oán trách Đạo Trời không minh bạch, nói thật ông không cẩn thận chút nào. Hơn nữa nói về cá nhân bản thân, trong mệnh của ông đáng được làm quan thất phẩm (bậc thứ 7). Nhưng do ông rắp tâm tính kế, a dua phụ họa người quyền thế, nên Trời cắt xuống là bát phẩm (bậc thứ 8). Từ quan cửu phẩm (bậc thứ 9 – thấp nhất) được thăng lên bát phẩm, ông trong lòng mừng thầm, tự coi là mưu kế đã thành. Nào có hay, đó là phúc đức ông không đủ, nên Thần đã cắt đi chức quan thất phẩm đó, do đó ông bị bãi quan”.

Nói xong, người thần bí lại đến gần người bạn của Tô Đẩu Nam, ghé tai thì thầm một lúc, sau đó nói to rằng: “Những việc này của ông, mà ông lại quên hết rồi sao?”.

Người bạn đó nghe vậy sợ quá, mồ hôi ướt đẫm toàn thân, run run hỏi: “Đây là những chuyện bí mật của tôi, làm sao ông biết được?”.

Người thần bí kia nói: “Tất cả việc con người làm, Thần linh đều biết hết, đâu phải mỗi mình ta biết?”. Nói rồi, ông lại leo lên ngựa, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.

Thiện ác cuối cùng rồi sẽ báo, nhân quả không hề sai!

Người thần bí nói xong,chớp mắt đã không thấy đâu nữa. (Ảnh: studiofmp.com)

Mộng gặp cha, tâm trở lại bình hòa

Trong làng có ông họ Thôi kiện một kẻ cường hào. Lẽ phải thuộc về ông nhưng lại bị xử thua, ông Thôi bất bình phẫn uất muốn chết. Đêm về ông mộng gặp người cha đã khuất, người cha nói với ông rằng: “Lừa được người chứ không lừa được Thần. Con người có đồng đảng, nhưng Thần thì không. Oan khuất thế gian càng khổ, thì kêu oan dưới âm phủ càng dễ dàng. Hôm nay những kẻ ngang ngược đắc ý, mười mấy năm nữa, trước tấm gương chiếu nghiệp, họ sẽ kinh sợ run lẩy bẩy chịu tội. Ta ở âm phủ làm Trà lại (viên thư lại lo việc trà nước), đã thấy sổ của Phán ty rồi, con còn tức giận làm gì nữa?”.

Từ đó ông Thôi không còn oán hận, u sầu, phẫn uất nữa, cũng không nói lời nào về chuyện đó nữa.

***

Nhân quả là tồn tại, thiện ác là có báo ứng, cũng giống như chúng ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mọi việc tốt xấu thiện ác chốn nhân gian đều có nhân duyên.

Con người sống ở cõi nhân gian, cũng chỉ trăm năm, chỉ là chớp mắt trong thời gian dài đằng đẵng của vũ trụ, trời đất. Nếu con người đến cõi nhân gian trong chớp mắt đó rồi tan biến, tự nhiên xuất hiện rồi tiêu tan, thì đâu cần sinh mệnh con người là anh linh của vạn vật, là kiệt tác của Tạo hóa làm gì?

Nếu con người chỉ là xương thịt, xuất hiện rồi biến mất, tranh đấu hưởng thụ, buông thả ham dục, thì sẽ không việc ác nào mà không làm để thỏa mãn tham vọng cá nhân. Như thế, con người không bằng cả con vật, vậy đâu cần tạo ra con người, con người làm gì có ý nghĩa để sinh tồn đâu?

Con người đến với thế gian là để tìm đường giải thoát trở về với Thiên quốc. Xuống thế gian là xuống cõi mê, nên không biết được cội nguồn của sinh mệnh, không biết được đến với thế gian để làm gì, ý nghĩa nhân sinh là gì, do đó cứ chìm nổi trong sáu nẻo luân hồi mà trả nợ nghiệp, và tạo nghiệp mãi.

Người xưa để lại lời răn dạy: “Thà tin rằng có, chớ tin là không”. Tin nhân quả, sẽ không làm điều ác, ít nhất cũng có đời sống đạo đức và an hòa. Mà nếu không có nhân quả luân hồi thì niềm tin ấy cũng khiến họ chẳng tổn thất gì. Còn những người không tin nhân quả, ắt sẽ buông thả, phóng túng, chạy theo dục vọng mà trở nên sa đọa, hành ác. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bao nhiêu của cải, danh vọng, người thân cũng đều phải bỏ lại, và để lại tiếng xấu muôn đời. Còn nếu thực sự có nhân quả luân hồi, thì điều chờ đợi họ sẽ khủng khiếp như thế nào.

Kiến Thiện