Bát Kỳ, tám lá cờ hiệu đại diện cho quân đội nhà Thanh, với truyền thuyết về nguồn gốc là một câu chuyện thú vị. Mỗi lá cờ thêu hình một con rồng nhỏ, trang trí với mây và lửa, tượng trưng cho các trận chiến chống nhà Minh.

Hệ thống Bát Kỳ là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng được thành lập bởi Cao Hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân cuối đời nhà Minh. Ông là người xây dựng nền móng và con trai ông là Hoàng Thái Cực sau này đã trở thành hoàng đế đầu tiên của triều đại Mãn Thanh.

Hệ thống Bát Kỳ là đội quân hùng mạnh trong lịch sử Trung Hoa đã đóng góp công lao to lớn trong cuộc chiến giữa nhà Thanh và nhà Minh. Câu chuyện đằng sau tám lá cờ của đội quân này mang màu sắc Thần thánh để nhắc nhở thế nhân rằng sự ra đời hay sụp đổ của một triều đại nào trong văn hóa thần truyền Trung Hoa đều là do Trời định đoạt.

Theo quy định của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, mọi người dân trong các bộ lạc Nữ Chân đều quy thuộc biên chế tổ chức nhân sự vào một trong tám nhóm bộ lạc, được gọi là các “Kỳ” mà mỗi kỳ này là tập hợp tổ chức các bộ lạc, vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Về sau, khi thống nhất hoàn toàn các bộ lạc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tổ chức tăng thêm bốn kỳ nữa.

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết, Hoàng Thái Cực về danh nghĩa là Đại Hãn – Thống soái tối cao của Bát Kỳ. Sau này, ngoài Bát Kỳ là người Mãn Châu, Hoàng Thái Cực còn tổ chức thêm Bát Kỳ người Mông Cổ, Bát Kỳ người Hán và Lục doanh người Hán để nhằm tăng cường thêm quân số của nhà Thanh để đủ lực lượng thực hiện các cuộc viễn chinh, đặc biệt là cuộc xâm lược Trung Hoa.

Đội quân Bát Kỳ. (Ảnh: Blog.Sina)

Như vậy, chế độ Bát Kỳ về mặt quân sự là tám cánh quân, về mặt dân sự là tám nhóm bộ tộc, phân biệt bởi tám hiệu cờ chỉ huy bao gồm: Tương Hoàng kỳ (Cờ Vàng có viền), Chính Hoàng kỳ (Cờ vàng chính), Chính Bạch kỳ (Cờ Trắng chính), Chính Hồng kỳ (Cờ Đỏ chính), Tương Bạch kỳ (Cờ Trắng có viền), Tương Hồng kỳ (Cờ Đỏ có viền), Chính Lam kỳ (Cờ Xanh chính) và Tương Lam kỳ (Cờ Xanh có viền).

Và truyền thuyết về nguồn gốc của tám lá cờ này là câu chuyện thú vị nhắc nhở rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa thần truyền với mỗi biểu tượng, dù chỉ là lá cờ hay mỗi ký tự trong tiếng Trung cũng đều ẩn chứa trong đó nội hàm thâm sâu.

Huyền thoại về tám con rồng

Ban đầu, tám con rồng này không có sự đoàn kết, chúng thường chiến đấu với nhau để giành lấy ưu thế và hạ thấp những con khác. Sau khi Ngọc Hoàng biết được điều này, ông đã triệu hồi Long Vương đến và nói:

“Con người thế gian đang kêu than vì Mặt trời và Mặt trăng dính lấy nhau, dẫn đến một nửa mặt đất tràn ngập ánh sáng, trong khi nửa còn lại luôn chìm trong bóng tối. Điều này không chỉ làm cho con người cảm thấy không thoải mái, mà còn làm mất đi ham muốn ăn uống và ảnh hưởng tới giấc ngủ của họ.”

“Nó cũng khiến cho mùa màng bị thất thu. Họ cảm thấy lo lắng và muốn chúng được tách ra, Ta lệnh cho ngươi sai Bát Long giải quyết chuyện này”.

Sau khi nhận được lệnh, mỗi con rồng đều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập. Chúng cạnh tranh với nhau và cố gắng dịch chuyển Mặt trời và Mặt trăng theo cách riêng của mình, tuy nhiên, dù có nỗ lực bao nhiêu chúng vẫn thất bại.

Sau khi Bát Long đã thử mọi cách có thể, Long Vương hỏi chúng: “Tại sao các ngươi không hoàn thành nhiệm vụ Ngọc Hoàng giao cho?”

Bát Long phân trần rằng: “Mặt trời và mặt trăng quá nặng. Bất kể chúng tôi sử dụng bao nhiêu sức lực, chúng tôi cũng không thể tách được chúng ra. Ngay cả khi chúng tôi bắt kịp chúng, chúng tôi cũng không thể khiến chúng dừng lại. Thậm chí thỉnh thoảng chúng tôi còn bị hất văng sang hai bên.”

Long Vương hỏi: “Các ngươi đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào?” Những con rồng trả lời: “Chúng tôi thử từng người một!”

Khi nghe điều này, Long Vương đã tức giận và quở trách chúng: “Các ngươi thật cố chấp. Các ngươi thậm chí còn thua kém hơn các chúng sinh trên Trái đất. Ít nhất bọn họ còn biết làm thế nào để di chuyển Núi Thái Sơn bằng cách chung sức với nhau. Các ngươi có thể làm được miễn là tất cả các ngươi hợp tác với nhau. Một bó tên sẽ không dễ dàng bị bẻ gãy như từng mũi riêng lẻ, đúng không? Lý do cho thất bại này là sự chia rẽ”.

Sau khi nghe điều này, những con rồng đã được giác ngộ, ngay lập tức trở lại Thiên Thượng và bắt đầu hợp tác với nhau. Chúng tạo thành một đội hình có hình thái tương tự như chữ “Thanh” (青) trong tiếng Trung Quốc, gồm tám nét, mỗi nét tượng trưng cho một con rồng (nếu thêm bộ Thủy (氵) sẽ tạo thành chữ 清, tức nhà Thanh).

Bản thân tên nhà Thanh cũng ẩn chứa nội hàm trong đó. Tên của nhà Minh (明) được cấu thành từ các bộ “nhật” (日, mặt trời) và “nguyệt” (月, Mặt Trăng), đều liên quan tới hỏa mệnh. Chữ Thanh (清) được cấu thành từ bộ thuỷ (水, nước) và từ chỉ màu xanh (青), cả hai đều là mệnh thuỷ. Trong thuyết Ngũ hành, thì thủy khắc được hỏa, ám chỉ việc nhà Thanh sẽ đánh tan toàn bộ nhà Minh.

Quay lại với tám con rồng, sau khi tạo thành chữ Thanh, với đầu nhọn bên trên ký tự được hình thành bởi hai con rồng. Chúng hoàn toàn hợp tác với nhau và đầu nhọn giống như một cái nêm sắc nhọn. Chúng sử dụng nêm để chèn vào giữa Mặt trời và Mặt trăng rồi tách chúng ra. Sau khi được phân tách ra, Mặt trời đã đi trước Mặt trăng.

Khi nhiệm vụ đã hoàn thành, Bát Long kiệt sức và rơi xuống đất. Vào lúc đó, một cơn gió thổi từng con rồng lên những miếng vải màu khác nhau trên mặt đất. Sau đó chúng được gắn cố định trên mỗi miếng vải.

Đó chính là những cờ hiệu được sử dụng làm quân kỳ trong quân sự dưới thời kỳ nhà Thanh. Bởi vì màu sắc của tám con rồng và tám miếng vải khác nhau, màu sắc của mỗi đơn vị quân đội cũng khác nhau. Do Bạch Long, Thanh Long, Hoàng Long và Hồng Long rơi vào các miếng vải với màu sắc tương ứng nên chúng lần lượt trở thành Chính Bạch kỳ, Chính Lam kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Hồng kỳ.

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Chính Hoàng Kỳ, Chính Hồng Kỳ, Chính Lam Kỳ, Chính Bạch Kỳ (Ảnh: Wikipedia)

Trong khi đó, bốn con rồng khác lại rơi trên các mảnh vải vàng viền đỏ, trắng viền đỏ, đỏ viền trắng và xanh viền đỏ, nên chúng trở thành Tương Hoàng kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ và Tương Lam kỳ.

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Tương Hoàng Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ, Tương Lam Kỳ (Ảnh: Wikipedia)

Mỗi chiếc cờ có một con rồng nhỏ được trang trí bằng những đám mây và ngọn lửa, tượng trưng cho những cảnh chiến đấu chống lại triều đại nhà Minh.

Sự hợp lực của Bát Long phản ánh sức mạnh tổng lực của đội quân Bát Kỳ bao gồm cả người Mãn Châu, người Mông Cổ, Hán Tộc và Lục Doanh (tàn quân nhà Minh). Bên cạnh quân Bát kỳ Mãn Châu tinh nhuệ là các chiến binh Mông Cổ với sở trường cơ động thiện chiến và các đội quân người Hán mạnh mẽ về bộ binh và công thành.

Chính sự kết hợp này đã khiến Bát Kỳ trở thành một đội quân hùng mạnh thiện chiến với những chiến công như: đánh bại triều Minh; Bình Triều Tiên; Nô dịch Mông Cổ, Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương; Đánh Sa hoàng Nga; Thống nhất Trung Hoa. Đội quân này có thể nói là niềm huy hoàng cuối cùng trong quân sự cổ đại của mảnh đất Thần Châu này.

Lịch sử dựng nước của nhà Thanh gắn liền với nhiều câu chuyện về phong thủy của mộ Tổ nhà Thanh cũng như tuân theo Thiên mệnh (mệnh lệnh của Trời). Ý nói về tính chính danh của bậc quân vương.

Theo lẽ đó thì Trời là đấng giao quyền chỉ cho một người để làm vua cai quản thiên hạ, nhưng nếu người này là một kẻ bạo ngược, thất đức và không xứng đáng thì có thể đánh mất Thiên mệnh và Trời sẽ trao cho người khác. Lúc này là sự thay triều đổi đại.

Nhà Minh đến lúc bại hoại thì ắt phải bị thay thế, và việc nhà Thanh đánh bại nhà Minh là thuận theo Thiên mệnh. Vậy nên truyền thuyết về Bát Kỳ cũng là để nói rằng Trời đã cử Bát Long xuống hỗ trợ nhà Thanh dựng nước.

Theo Vision Times
Thiên Uy – Thu Hiền

Xem thêm: