Trung Hoa 5000 năm văn minh huy hoàng, khi tấm màn lịch sử vén lên, trong thay triều đổi đại đã ánh lên vô số các ngôi sao võ tướng chói lọi. Tuy vậy, trên chiến trường nơi thế cục biến hóa ảo diệu, đao kiếm vô tình, những vị tướng suốt một đời thống lĩnh đại quân mà chưa từng thua trận, thật sự chỉ thưa thớt một vài người.

Dưới đây xin được chọn ra bảy vị tướng quân có tính đại biểu nhất được sắp xếp thứ tự theo thời đại:

1. Binh thánh – Tôn Vũ

Tôn Vũ (545 TCN – 470 TCN) tên chữ là Trưởng Khanh, là một danh tướng vĩ đại của nước Ngô ở cuối thời Xuân Thu, nhờ cuốn binh thư của mình mà được tôn là Tôn Tử. (Ảnh: theepochtimes.com)

Tôn Vũ, tự Trường Khanh, người đời gọi ông là Tôn Tử, Tôn Vũ Tử, Binh Thánh, là thầy của binh gia trăm nhà, người sáng lập binh học Đông phương. Sinh vào khoảng những năm 535 TCN, là người Lạc An, nước Tề (huyện Quảng Nhiêu, tỉnh Sơn Đông ngày nay) thời Xuân Thu, không rõ năm sinh năm mất.

Tôn Vũ dâng 13 chương binh pháp lên Ngô vương là Hạp Lư, rất được Ngô vương tán thưởng, lệnh cho làm thượng tướng quân. Ông dẫn binh đánh trận, đánh đâu thắng đó, cùng với Ngũ Tử Tư thống lĩnh quân Ngô công phá nước Sở. Trong 5 trận chiến ông giành chiến thắng cả 5 trận, thống lĩnh 6 vạn binh đánh bại 20 vạn đại quân nước Sở, đánh vào Sính Đô của nước Sở. Bắc uy Tề Tấn, nam phục nước Việt, hiển danh chư hầu. “13 chương binh pháp” của Tôn Vũ được xem là binh pháp sớm nhất của Trung Quốc, được ca ngợi là “Thánh điển binh học”, đứng đầu trong Võ Kinh Thất Thư (tập hợp 7 bộ binh pháp danh tiếng của Trung Quốc cổ đại), được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, trở thành quyển sách binh học điển hình nổi tiếng nhất trên thế giới.

2. Vị tướng dũng mãnh thống nhất sáu nước – Vương Tiễn

Tạo hình đại danh tướng Vương Tiễn trên màn ảnh. (Ảnh: sohu.com)

Vương Tiễn cùng với Bạch Khởi, Liêm Pha, Lý Mục được xưng là “tứ đại tướng quân” thời Chiến Quốc. Còn người mà trong suốt cuộc đời cầm quân của mình chưa một lần bại trận, thiết nghĩ chỉ có một mình ông.

Vương Tiễn ngay từ khi còn nhỏ đã rất yêu thích binh pháp, từng theo Tần Thủy Hoàng chinh chiến. Vào năm Thủy Hoàng thứ 11 (năm 236 TCN), Vương Tiễn đem quân chủ lực đánh thẳng vào Át Dữ (nay là huyện Hòa Thuận, tỉnh Sơn Tây). Sau đó thừa thắng đánh lấy Liêu Dương (nay là Tả Quyền, Sơn Tây), Nghiệp Thành (nay là trấn Nghiệp, huyện Từ, Hà Bắc), An Dương (nay là Tây Nam thành phố An Dương, Hà Nam), liên tục phá được 9 thành của Triệu giành được lưu vực Triệu Chương. Năm thứ 18, ông lại công đánh nước Triệu, Triệu U Mục vương đã phái đại tướng Lý Mục nghênh chiến. Hai bên giằng co cầm cự một năm.

Năm 228 TCN, vua Triệu mắc kế ky gián của Tần, theo lời gian thần Quách Khai mà giết chết Lý Mục. Vương Tiễn thừa cơ tấn công tổng lực Hàm Đan, bắt sống Triệu vương, diệt được nước Triệu. Nước Triệu trở thành một quận của Tần. Năm sau, Thái tử Đan của nước Yên sai Kinh Kha thích sát Tần vương nhưng không thành, Vương Tiễn được lệnh mang quân tấn công nước Yên. Quân Yên hợp binh chống trả. Vương Tiễn đánh tan quân Yên ở Dịch Thủy. Tháng 10 năm sau, Vương Tiễn chiếm được kinh đô Kế của nước Yên. Yên vương phải trốn lên Liêu Đông. Vương Tiễn bình định Yên Kế, đắc thắng trở về.

Tần Thủy Hoàng lệnh cho con ông là Vương Bí tiếp tục cầm quân diệt nốt các nước chư hầu còn thoi thóp. Năm 222 TCN, Vương Bí qua sông Áp Lục, vây phá được thành Bình Nhưỡng, bắt vua Yên là Hỉ đưa về Hàm Dương. Nhân đà thắng lợi, Vương Bí sang đánh đất Đại, bắt sống Triệu Gia, diệt hẳn nước Triệu. Năm 223, Vương Bí từ Yên đánh xuống Tề, bắt sống Tề vương Điền Kiến, hoàn thành thống nhất Trung Hoa. Tần vương Chính lên ngôi hoàng đế, tức là Tần Thuỷ Hoàng.

Trong quá trình chỉ huy quân đội, Vương Tiễn không chỉ giỏi chớp thời cơ tiến đánh bất ngờ mà còn biết liệu thực lực, tùy vào sự biến hóa của quân địch mà tìm ra phương pháp đánh thắng một cách linh hoạt.

3. Phi kỵ Đại Hán – Hoắc Khứ Bệnh

Hoắc Khứ Bệnh (140 TCN – 117 TCN), là người huyện Bình Dương, quận Hà Đông, đại tướng chống Hung Nô của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: theepochtimes.com)

Hoắc Khứ Bệnh là người huyện Bình Dương, quận Hà Đông (tây nam Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây ngày nay), là đại tướng chống Hung Nô của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Sóc (năm 123 TCN), Hoắc Khứ Bệnh được Hán Vũ Đế phong làm Phiêu diêu giáo úy, tước Quan Quân hầu, cùng với cậu là Vệ Thanh dẫn quân chinh phạt Hung Nô ở phía bắc, lúc đó ông mới 18 tuổi. Trong lần cầm quân này, Hoắc Khứ Bệnh chỉ với 800 người đã tiến sâu vào được lãnh thổ Hung Nô, chém tổng cộng 2028 người Hung Nô, buộc quân Hung Nô phải rút chạy. Đồng thời ông còn bắt sống được thúc phụ của thiền vu Hung Nô là La Cô Bỉ và giết được ông nội của thiền vu.

Năm 121 TCN, Hán Vũ Đế thăng Hoắc Khứ Bệnh làm Phiêu kị tướng quân, và ra lệnh ông đánh Hung Nô lần thứ hai. Ông chỉ huy một đội kỵ binh nhẹ gồm 1 vạn phiêu kị quân tiến về phía tây của Lũng Tây và trong vòng 6 ngày đã tiến sâu vào 1000 dặm qua 5 tiểu quốc của Hung Nô, giết 9000 quân Hung Nô và bắt được hơn 1000 người. Chiến thắng ở Hà Tây lần này đã giúp nhà Hán khống chế hoàn toàn khu vực Hà Tây, buộc quân Hung Nô lui về phía bắc. Người Hung Nô bởi vậy bi thống hát rằng: “Mất núi Kỳ Liên, khiến cho lục súc không thể sinh sôi nảy nở; mất núi Yên Chi, khiến đàn bà con gái không còn nhan sắc”.

Sau đó, năm 119 TCN, Hán Vũ Đế lại cử 10 vạn kị binh đánh Hung Nô, giao cho Hoắc Khứ Bệnh và Vệ Thanh mỗi người chỉ huy 5 vạn quân chia làm hai ngả đánh sâu vào địa phận Hung Nô. Hoắc Khứ Bệnh tiến quân theo hướng tây, đuổi người Hung Nô tới tận Lang Cư Tư Sơn, còn Vệ Thanh theo hướng đông đánh vào triều đình Hung Nô. Trong trận chiến này, ông dẫn quân vượt 2000 dặm tiến vào Đại quận, đánh bại quân Hung Nô do Tả Hiền Vương chỉ huy, tiêu diệt 70443 tên địch, từ đó Hung Nô chạy xa không dám quay lại, xóa được nạn Hung Nô uy hiếp triều đình. Do chiến công này, ông cùng Vệ Thanh đều được phong làm Đại tư mã. Năm 117 TCN, ông bệnh mất khi chỉ mới 24 tuổi.

4. Đại tướng bắc phạt – Tổ Địch

Tổ Địch là một tướng lĩnh rất được người dân yêu mến, sau khi ông mất, vùng Dự Châu nơi ông quản lý người người đều đau lòng như cha mẹ đã qua đời vậy. (Ảnh minh họa: art.com)

Tổ Địch, tự Sĩ Trĩ, người huyện Tù, Phạm Dương (phía bắc huyện Lai Thuỷ, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), là đại tướng bắc phạt nổi tiếng thời đầu Đông Tấn. Câu thành ngữ “văn kê khởi vũ” (ý là nửa đêm nghe tiếng gà gáy thì dậy tập múa kiếm) là nói về câu chuyện của ông và Lưu Côn.

Mùa thu năm 314, ông dẫn hơn 100 gia đình trong họ tộc từ Kinh Khẩu lên Giang Bắc. Khi qua sông, Tổ Địch chỉ sóng nước thề rằng: “Tổ Địch nếu không bình định được Trung Nguyên, quyết sẽ không trở về Giang Đông nữa!”.

Tổ Địch sang sông, tự mở lò luyện sắt để làm binh khí, chiêu mộ được 2000 quân triển khai bắc phạt. Đối diện với các bộ tộc phương bắc hung mãnh, quân bắc phạt thế như chẻ tre, đã từng một lần chiếm lại một vùng đất lớn từ Hoàng Hà về phía nam. Nhưng về sau bởi nội loạn triều đình, sau khi ông mất việc bắc phạt sắp thành lại bại. Tổ Địch cũng là một tướng lĩnh rất được người dân yêu mến, sau khi ông mất, vùng Dự Châu nơi ông quản lý người người đều đau lòng như cha mẹ đã qua đời vậy.

5. Cao Trường Cung – trụ cột cuối cùng của Bắc Tề

Lan Lăng Vương một đời đã tham gia vô số trận chiến lớn nhỏ khác nhau. Một lần được ca ngợi nhất trong đó là “đại chiến Mang Sơn” nổi tiếng trong lịch sử. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Lan Lăng Võ Vương Cao Túc, vương thất Bắc Tề thời Nam Bắc triều, lại có tên là Hiếu Quán, tự Trường Cung, là con trai thứ tư của Văn Tương Đế. Lan Lăng Vương một đời đã tham gia vô số trận chiến lớn nhỏ khác nhau. Một lần được ca ngợi nhất trong đó là “đại chiến Mang Sơn” nổi tiếng trong lịch sử.

Năm 564, Đột Quyết ở thảo nguyên phương bắc và Bắc Chu nơi cao nguyên hoàng thổ phát động tấn công Bắc Tề. Lạc Dương, nguyên là thị trấn quan trọng của Bắc Tề, bị 10 vạn đại quân của Bắc Chu bao vây. Võ Thành Hoàng Đế của Bắc Tề vội vàng triệu tập quân đội đi giải vây. Bên ngoài thành Lạc Dương, viện quân của Bắc Tề liên tiếp phát động tiến công, đều bị quân đội Bắc Chu đánh bại, mắt thấy sắp phải đứng trước cảnh toàn quân bị tiêu diệt. Khi ấy thành Lạc Dương bị vây rất gấp, Cao Trường Cung mặc giáp trụ, cầm binh khí, soái lĩnh 500 tinh kỵ xông vào vòng vây, đến dưới thành Kim Dong (là một tòa công sự dùng để đóng quân ở phụ cận Lạc Dương). Người Tề trên thành không nhận ra, ông phải gỡ mặt nạ xuống, quân Bắc Tề trên thành trông thấy lập tức reo hò, quân giữ thành một mặt mở cửa, một mặt bắn tên yểm hộ cho ông vào thành. Sĩ khí của quân Tề lên cao, cùng với đại quân ngoài thành hợp thành một, đánh lui quân địch.

6. Tinh trung báo quốc – Nhạc Phi

Nhạc Phi, tự Bằng Cử, người Hán, thời thiếu niên lòng ôm chí lớn, văn võ song toàn. (Ảnh: wikipedia.org)

Nhạc Phi, tự Bằng Cử, người Hán, thời thiếu niên lòng ôm chí lớn, văn võ song toàn. Năm 19 tuổi xin đầu quân, được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, sau đó tham gia vào liên quân Tống – Kim diệt Liêu, tham gia chiến dịch Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), tác chiến anh dũng. Năm 1127, quân Kim công phá Khai Phong, hai vua Đại Tống là Huy Tông và Khâm Tông bị triều Kim bắt về thành Ngũ Quốc tại Mạc Bắc. Bắc Tống diệt vong. Cao Tông dời đô đến Lâm An (Hàng Châu ngày nay), kiến lập triều Nam Tống.

Nhạc Phi đã vượt cấp dâng sớ cho Cao Tông trách mắng chủ trương của phái chủ hoà, khuyên vua Cao Tông thân chinh thống lĩnh sáu quân vượt lên phía Bắc, khôi phục lại Trung Nguyên. Nhưng Cao Tông bạc nhược lại không nghe những ý kiến này, mà ngược lại Nhạc Phi còn bị những quan lại của phái chủ hoà khép cho tội danh “quan nhỏ vượt chức” mà đòi bãi chức quan của Nhạc Phi.

Nhưng quyết tâm của Nhạc Phi chống Kim không bao giờ thay đổi, ông đầu quân vào Chiêu thảo sứ Hà Bắc là Trương Sở, được Sở đối đãi vào hàng quốc sĩ, nhậm Thống lĩnh trung quân đánh lại quân Kim, nhiều lần lập được chiến công, xây dựng nên một đối “nhạc gia quân” kỷ luật nghiêm minh, chiến đấu anh dũng.

Năm 7 Thiệu Hưng, Nhạc Phi nhiều lần kiến nghị Cao Tông bắc phạt thu phục lại Trung Nguyên, nhưng đều bị từ chối. Năm 9 Thiệu Hưng, Cao Tông và Tần Cối nghị hòa với nhà Kim, triều đình Nam Tống hạ mình xưng thần cống nạp với nhà Kim, khi đó Tần Cối từ sớm đã làm nội ứng cho người Kim, muốn phản bội Nam Tống. Sau đó, Ngột Truật (danh tướng nhà Kim) hủy bỏ hòa ước, lần nữa xâm lược phía nam. Nhạc Phi thống lĩnh “Nhạc gia quân” nhiều lần xuất binh đánh trả. Ông giỏi về mưu lược, trị quân nghiêm minh, trước sau đội quân của ông tổng cộng đã có 126 trận chiến với quân Kim và toàn thắng. Ông là một trong số ít những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cuối cùng Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối hãm hại, trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Trước đó, Tần Cối đã bí mật lệnh cho các tướng lĩnh rút lui, để lại một mình Nhạc Phi cùng quân của ông thâm nhập trận địa, cưỡng lệnh cho Nhạc Phi thoái binh, lấy tội danh “không cần có” hãm hại vào ngục. Ngày 25 tháng 12 âm lịch, năm 1141, Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị Tần Cối hạ độc giết chết tại đình Phong Ba thuộc Đại Lý tự Lâm An. Khi đó, Nhạc Phi chỉ mới 39 tuổi.

7. “Thường Thập Vạn” anh dũng thiện chiến – Thường Ngộ Xuân

Tranh vẽ Thường Ngộ Xuân. (Ảnh: wikipedia.org)

Thường Ngộ Xuân, tự Bá Nhân, người Hán, hiệu Yên Hành, người gò Vĩnh Bình, làng Thường Gia, huyện Hoài Viễn, tỉnh An Huy. Ông là khai quốc công thần của triều Minh. Năm 15 niên hiệu Chí Chính nhà Nguyên (năm 1355), ông tham gia quân khởi nghĩa nông dân, theo Chu Nguyên Chương vượt qua sông Trường Giang, giành được Thái Bình (vùng Tương Đồ, An Huy ngày nay), công hạ Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay), mỗi trận chiến đều dẫn đầu, liên tiếp lập nhiều chiến công, được tấn thăng là Trung Dực Đại nguyên soái. Năm thứ 17, ông tiến đánh Ninh Quốc (tỉnh An Huy ngày nay), thân trúng tên lạc, ông băng bó vết thương rồi tiếp tục tác chiến. Trước sau liên tiếp công phá các thành Ninh Quốc, Trì Châu (vùng Quý Trì, tỉnh An Huy ngày nay), Dự Châu (vùng Kim Hoa, Chiết Giang ngày nay),…

Mùa thu năm 23, trong trận chiến hồ Phàn Dương, ông anh dũng dẫn đầu, cứu ra được Chu Nguyên Chương đang bị quân đội của Trần Hữu Lượng vây khốn. Ông lại dẫn quân phong tỏa Hồ Khẩu, cùng với các tướng tiêu diệt hết 60 vạn quân Trần. Tháng 10 năm 25, ông cùng với phó tướng quân và Từ Đạt dẫn quân tấn công Trương Sĩ Thành, trước chiếm Hoài Đông, sau chiếm Chiết Tây. Tháng 9 năm 27 phá được Bình Giang (Tô Châu ngày nay), bắt được Trương Sĩ Thành cùng với 25 vạn tướng sĩ. Bởi chiến công hiển hách, được tấn phong là Ngạc Quốc Công. Tháng 10, ông lại cùng với phó tướng quân và Từ Đạt dẫn 25 vạn quân đi lên phía bắc giành lại Trung Nguyên; tháng 8 năm sau, phá được Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay), nhà Nguyên diệt vong.

Năm thứ 2 niên hiệu Hồng Vũ triều Minh (năm 1369), ông thống lĩnh đại quân tiếp tục đánh dẹp phương bắc, công chiếm Thượng Đô nhà Nguyên (đông bắc Chính Lam thuộc Nội Mông Cổ ngày nay), bắt Nguyên Tông Vương cùng với hơn vạn tướng sĩ. Tháng 7 cùng năm, trên đường trở về kinh sư, ông bệnh nặng mà mất, được truy phong là Khai Bình Vương, con cháu được ban “binh thiết giản” trên đánh hôn quân, dưới đánh gian thần (về sau có sự tích Khai Bình Vương Thường Bảo Đồng ra sức đánh Nghiêm Tung). Ông anh dũng thiện chiến, dẫn quân có phương sách, tự nhận có thể dùng 10 vạn quân đánh khắp thiên hạ, vậy nên trong quân còn được mọi người gọi là “Thường Thập Vạn”.

Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch