Socrates (470-339 TCN) là triết gia Hy Lạp cổ đại, được coi là người đặt nền móng cho triết học phương Tây. Cùng với Plato và Aristotle, ông là người đứng đầu trong Hy Lạp Tam Hiền (ba nhà hiền triết vĩ đại nhất Hy Lạp). Cuộc đời Socrates đã để lại rất nhiều câu chuyện được người đời truyền tụng. 

Những trải nghiệm phong phú trong đời

Cha của Socrates làm nghề gốm, mẹ là một nữ hộ sinh. Socrates thường nói: “Mẹ tôi đỡ đẻ cho sản phụ, còn tôi đỡ đẻ cho những bộ óc”. Bởi vậy ông đã cống hiến cả cuộc đời cho việc đi tìm chân lý, giúp đỡ mọi người tìm về lẽ phải và đức hạnh.

Tương truyền, Socrates không viết sách, cũng không để lại tác phẩm triết học nào. Rất nhiều câu chuyện kể về ông đều do hai môn đệ Plato và Xenophon biên soạn thành sách lưu truyền lại. Ông đã từng ba lần tham gia phục vụ trong quân ngũ, và trong mỗi lần ấy ông đều thể hiện ý chí kiên cường và lòng dũng cảm xuất sắc.

Ngoài ra, ông cũng từng nhậm chức quan bồi thẩm ở đại hội đồng nhân dân Athens. Sau khi Athens khôi phục, Socrates bị gán cho các tội danh như coi thường tôn giáo truyền thống, đưa vào những vị Thần mới, làm hư hỏng thanh thiếu niên và phản đối dân chủ mà bị tuyên phán tử hình. 

Socrates bác học đa tài, thích đàm luận về các chủ đề chiến tranh, chính trị, hòa bình, nghệ thuật và luân lý đạo đức ở những nơi công cộng. Ông cho rằng, sự sinh tồn, phát triển, và hủy diệt của các loại sự vật trên trời và trên mặt đất đều là an bài của Thần, Thần là chủ tể của thế giới. Rất nhiều người vẫn thường đến nghe ông giảng dạy.

Cho tới những năm 40 tuổi, ông đã trở thành nhân vật nổi tiếng gần xa của thành Athens. Socrates sống một cuộc đời túng thiếu. Người ta nói rằng, không kể là tiết trời giá lạnh hay nóng nực, ông đều mặc một chiếc áo đơn cũ kỹ, không mang giày, cũng không chú trọng tới việc ăn uống. Nhưng ông dường như không chú ý đến những điều này, chỉ chuyên tâm với việc nghiên cứu học vấn của mình. 

Học cách “ngậm miệng” cũng phải đóng học phí 

Tranh vẽ Socrates và các môn đệ. Ảnh qua: somkhann.com

Socrates cho rằng khiêm tốn là điều kiện đầu tiên để có được tri thức. Một lần nọ, có một chàng thanh niên trẻ tuổi đến gặp Socrates thỉnh giáo thuật diễn thuyết. Anh ta đã thao thao bất tuyệt thể hiện tài hùng biện và tri thức của bản thân. Mặc dù Socrates chưa bao giờ thu học phí, nhưng lần này ông lại yêu cầu anh ta đóng học phí gấp đôi.

Chàng trai trẻ kinh ngạc hỏi rằng: “Tại sao lại bắt tôi đóng học phí gấp đôi?”. Socrates nói: “Bởi thầy phải dạy trò hai bài học, một là ngậm miệng như thế nào, sau đó mới là diễn thuyết”. Kỳ thực, Socrates rất xem trọng sự khiêm tốn, ông thường nói: “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”.

Sau tiếng sấm nổ trời ắt sẽ đổ mưa

Tượng Scorates. Ảnh qua: coachfederation.org

Tương truyền, vợ của Socrates là người đàn bà đanh đá và rất dễ nổi giận. Một lần, có người hỏi Socrates tại sao ông lại lấy người đàn bà như vậy, ông trả lời một cách dí dỏm rằng: “Người am hiểu thuật cưỡi ngựa luôn muốn chọn con ngựa cứng đầu mà cưỡi. Sau khi cưỡi quen con ngựa cứng đầu đó rồi thì việc kiểm soát những con ngựa khác không còn là vấn đề nữa. Nếu như tôi có thể nhẫn chịu được bà ấy thì không còn sợ thiên hạ có người không thể ở cùng được nữa”.

Một lần nọ, Socrates đang cùng các môn sinh thảo luận về triết lý, lúc đó tiếng tranh luận qua lại khá lớn làm vợ ông nổi giận. Vợ ông đùng đùng đi vào phòng mắng chửi Socrates một chập, thấy vẫn chưa nguôi giận, liền xách thùng nước tạt thẳng vào người ông ngay trước mặt mọi người.

Đám học trò lúng túng không biết nói sao cho phải, sợ rằng trong nhà sẽ xảy ra một trận ẩu đả. Nào ngờ Socrates sờ vào quần áo ướt nhẹp khắp người, hài hước nói rằng: “Thầy biết sau khi tiếng sấm vang lên, trời sẽ đổ cơn mưa lớn”, khiến cho mọi người cười ầm lên. Cứ như vậy, mâu thuẫn không những đã được hóa giải, mà còn cho đám học trò một bài học làm người.

Lẽ nào anh cũng đá trả con lừa một cái hay sao?

Khoan dung rộng lượng cũng là một trong những mỹ đức được các học trò của Socrates truyền tụng. Một ngày, Socrates và một người bạn cũ đang đi dạo trong thành Athens, hai người vừa đi vừa trò chuyện hăng say. Bỗng nhiên một người lạ mặt không biết từ đâu xông đến đánh một gậy lên người Socrates, sau đó bỏ đi. Bạn ông thấy vậy toan quay đi tìm kẻ đó cho hắn ta một bài giáo huấn, sao lại dám vô lễ với bậc Thánh hiền như vậy?

Nhưng Socrates vẫn điềm nhiên vui vẻ, kịp thời ngăn cản bạn mình. Người bạn kinh ngạc hỏi rằng: “Anh sợ hắn ta ư?”. “Không, tôi tuyệt không khiếp sợ hắn ta”. “Người khác đánh anh, anh không đánh trả lại ư?”. Socrates cười nói: “Người bạn cũ, anh đừng giận. Lẽ nào có con lừa đá anh một cái, anh cũng phải chạy đến đá lại nó một cái ư?”. Người bạn nghe xong giật mình tỉnh ngộ, vô cùng tâm đắc.

Ngạn ngữ có câu: Biển lớn dung nạp trăm nghìn sông, có tấm lòng rộng mở nên mới thành vĩ đại. Đúng vậy, một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể bao dung vạn vật được! Còn nếu như quá so đo được-mất vinh-nhục, đường đời có thể sẽ phải trắc trở gian nan, chìm sâu trong vũng bùn. Với những mâu thuẫn bất ngờ kéo đến, ứng đối của Socrates thật khiến người ta không khỏi cảm thán và suy tưởng không nguôi về lẽ nhân sinh và đạo xử thế của người trí tuệ trong cuộc đời này.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm: