Từ những động thái của chính quyền Hoa Kỳ, chuyên gia nhận định rằng Washington đang dần lấy lại tầm ảnh hưởng và gia tăng thêm quyền lực ở Biển Đen. Điều này chắc chắn không khiến Nga an lòng. Bài phân tích của chuyên gia quân sự sẽ cho thấy cách Hoa Kỳ tập hợp sức mạnh của các quốc gia trong khu vực để gia tăng thêm sức ép cho Nga như thế nào.

Sự can dự của Washington ở Biển Đen đã giảm dần trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Việc thiếu sự tập trung nhất quán đã góp phần gây ra tình trạng mất an ninh tương đối ở các quốc gia ven biển và khuyến khích sự xâm lược của Nga. Đó là nhận định riêng của Arnold C. Dupuy, một thành viên cấp cao không thường trú của Hội đồng Đại Tây Dương tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông là giảng viên của Trường sau đại học Hải quân Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch SAS-183 của Tổ chức Khoa học và Công nghệ NATO. Mới đây ông đã có bài xã luận, phân tích các cách tiếp cận tích cực mà Mỹ có thể áp dụng đối với an ninh Biển Đen, phục hồi lại tầm ảnh hưởng và răn đe tại đây. Sau đây là phần chuyển ngữ bài viết của ông.

Tại sao cách tiếp cận của Washington đối với an ninh Biển Đen có thể sắp thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

Khi khu vực tiếp tục bất ổn bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraina, đã có một dấu hiệu cho thấy giai đoạn thờ ơ của Mỹ có thể sắp kết thúc. Dấu hiệu này xuất hiện dưới dạng Mục 1247, của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho Năm tài chính 2024 (NDAA), được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ngày 22/12 năm ngoái, cho phép tổng ngân sách an ninh quốc gia là 886 tỷ USD.

Mục 1247 chỉ thị Hội đồng An ninh Quốc gia xây dựng chiến lược phát triển và an ninh Biển Đen cho các cơ quan chính phủ. Nhưng cho đến khi chiến lược đó được ban hành, Mục 1247 nêu ra năm cách mà Hoa Kỳ sẽ hướng tới để hỗ trợ khu vực: “(1) tăng cường phối hợp với [NATO] và [Liên minh Châu Âu (EU)]; (2) tăng cường quan hệ kinh tế; (3) tăng cường an ninh năng lượng; (4) hỗ trợ các nỗ lực củng cố khả năng phục hồi dân chủ của họ; và (5) tăng cường hỗ trợ an ninh với các đối tác trong khu vực phù hợp với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ”.

Những mục tiêu này sẽ đòi hỏi cách tiếp cận toàn chính phủ, bên cạnh sự tham gia của khu vực tư nhân, chẳng hạn như thông qua đầu tư tư nhân vào các dự án trên khắp các đối tác khu vực Biển Đen mà NDAA liệt kê là: Bulgari, Gruzia, Moldova, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. 

Có thể đưa ra một số đánh giá ban đầu về năm mục tiêu của Hoa Kỳ.

Sự phối hợp của Mỹ với NATO và EU

Mối lo ngại cấp bách nhất của khu vực Biển Đen là Ukraina, nước đang chật vật chống đỡ Nga. Mặc dù Ukraina đã nhận được hỗ trợ kinh tế và quân sự đáng kể từ phương Tây, khoản viện trợ này sẽ tiếp tục dưới hình thức gói 50 tỷ euro được EU phê duyệt gần đây. Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc về viện trợ bổ sung. Cuối cùng, vai trò của Ukraina như một bức tường thành chống lại sự xâm lược của Nga là quá quan trọng khiến Washington và Brussels không thể bỏ qua.

Về lâu dài, cần có năng lực quân sự và khả năng tương tác cao hơn, cũng như cơ sở hạ tầng quân sự-dân sự kiên cường hơn trên khắp khu vực Biển Đen. Trong khi tất cả các quốc gia ven biển sẽ được hưởng lợi từ sự hiện diện lớn hơn của Hoa Kỳ, hai quốc gia sẽ đặc biệt quan trọng để đạt được các mục tiêu phối hợp của Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nơi có quân đội lớn thứ hai trong NATO; nước này cũng là nước bảo vệ các eo biển nối Biển Đen với Biển Địa Trung Hải (và xa hơn nữa), vì vậy bất kỳ chiến lược nào của Mỹ đều phải có sự tham gia của Ankara. Do đó, việc nối lại quan hệ giữa Ankara, Washington và Brussels sẽ là cần thiết. Quy mô, vị trí chiến lược và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ của Rumani đã giúp nước này trở thành trung tâm quân sự và kinh tế cho khu vực, đặc biệt khi ngày càng có nhiều khí tài của NATO được khai triển ở đó.

Làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế

Mục 1247 kêu gọi tăng cường quan hệ kinh doanh của Hoa Kỳ với các đối tác khu vực Biển Đen, một phần để giảm tác động của “sự ép buộc kinh tế” của Nga và Trung Quốc. Đây là nơi các phòng thương mại khác nhau—cũng như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan phát triển khác của chính phủ Hoa Kỳ—có thể đóng góp bằng cách phối hợp với các bên liên quan, tổ chức cho vay và doanh nhân.

Tham nhũng và bộ máy quan liêu cố hữu phổ biến trong khu vực đã cản trở tăng trưởng và đầu tư, đồng thời làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các thể chế quốc gia. Tuy nhiên, đã có những tiến bộ. Hy vọng rằng sự chú ý ngày càng tăng từ Washington sẽ tạo động lực cho các quốc gia trong khu vực thực hiện và thực thi các biện pháp chống tham nhũng nghiêm túc hơn.

Tăng cường an ninh năng lượng

Cần phải tăng cường an ninh năng lượng ở khu vực Biển Đen rộng hơn, bằng cách tăng cường đa dạng hóa nguồn và giảm hoặc loại bỏ sự phụ thuộc vào Nga. Do vị trí địa lý và mối quan hệ lịch sử với Nga, hầu hết các nước trong khu vực đều phụ thuộc vào Nga trong việc nhập khẩu dầu khí. Với mức trần giá dầu của Nga – được thiết kế để giảm dòng tiền chảy vào Mát-xcơ-va – các quốc gia này đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc của mình. Tuy nhiên, vì các quyền miễn trừ, kiểm soát lỏng lẻo hoặc các hoạt động giao dịch bất hợp pháp, tiền từ khắp nơi trên thế giới vẫn chảy vào kho bạc của Điện Kremlin.

Những nỗ lực của Moldova nhằm loại bỏ năng lượng của Nga đã đạt được một số thành công, với sự hỗ trợ đáng chú ý của Rumani. Ankara đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình – mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một thỏa thuận đã ký với Nga, cho phép công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom xây dựng, sở hữu và vận hành một nhà máy điện hạt nhân ở Akkuyu, khiến các chuyên gia phương Tây chỉ trích. Hơn nữa, năng lượng của Nga vẫn chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai của Nga.

Cuối cùng, việc NATO thiếu cơ sở hạ tầng đường ống ở Đông Âu là một điểm dễ bị tổn thương tiềm tàng, có nghĩa là NATO không thể nhanh chóng vận chuyển nhiên liệu đến các lực lượng được khai triển ở khu vực Biển Đen. Việc giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương đó sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn, bao gồm tăng cường sản xuất dầu khí ở các quốc gia Biển Đen, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và mở rộng mạng lưới phân phối thông qua cơ sở hạ tầng đường ống, đường bộ, đường sắt và sà lan mở rộng. Điều này sẽ tốn kém, gây tranh cãi và tốn thời gian, đòi hỏi nguồn tài chính, ngoại giao mạnh mẽ và sự kiên nhẫn.

Tăng cường khả năng phục hồi dân chủ

Rất khó để chống lại các chiến dịch gây ảnh hưởng tiêu cực không ngừng nghỉ của Nga, các quốc gia nhỏ không có nguồn lực dồi dào để làm điều đó. Cần có một phản ứng toàn diện, đa quốc gia để ngăn chặn tuyên truyền và thông tin sai lệch của Nga ở khu vực Biển Đen. NDAA ủng hộ việc tăng cường các sáng kiến ​​truyền thông độc lập và do Mỹ hỗ trợ trong khu vực, bên cạnh các sáng kiến ​​do Bộ Ngoại giao và USAID dẫn đầu, nhằm “chống lại ảnh hưởng xấu của nước ngoài trong khu vực”. Điều này cũng mang đến cơ hội tận dụng mạng tin tức thuộc sở hữu của Hoa Kỳ, là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và tổ chức truyền thông do Hoa Kỳ hỗ trợ mang tên Đài tiếng nói Châu Âu Tự do. Hoa Kỳ có thể tìm cách kết hợp các nguồn lực khác, chẳng hạn như cánh tay truyền thông chiến lược của NATO, bao gồm cả Trung tâm Truyền thông Chiến lược Xuất sắc có trụ sở tại Riga, Latvia.

Tăng cường hỗ trợ an ninh với các đối tác khu vực

Sự ngờ vực lâu nay giữa các quốc gia ven biển tạo ra một vai trò không thể thiếu của Hoa Kỳ. Thật vậy, Hoa Kỳ đã khuyến khích sự hợp tác về an ninh Biển Đen giữa các quốc gia trong khu vực. Sự hợp tác như vậy đang gia tăng, gần đây nhất là vào tháng 1 khi Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Rumani đồng ý tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn ở Biển Đen, sau khi cuộc chiến của Nga ở Ukraina kết thúc. Gruzia đang định vị mình là một bên tham gia chủ chốt ở hành lang giữa – tự quảng bá mình là đối tác đáng tin cậy trong hệ thống thương mại của Đông Âu – bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng cảng và cơ sở hạ tầng phụ trợ. Gruzia cũng là nguồn được đề xuất cung cấp điện và cáp Internet tiềm năng dưới biển tới Rumani. Ngoài ra, chiến lược kêu gọi đánh giá các giải pháp an ninh lương thực “bền vững, lâu dài”. Sự hợp tác giữa Ukraina và các quốc gia dọc hành lang vận chuyển Biển Đen (như Rumani, Bulgari và Thổ Nhĩ Kỳ) đã cho phép vận chuyển, bao gồm hàng triệu tấn hàng nông sản như ngũ cốc, tiếp tục dọc theo bờ biển phía tây của Biển Đen, trong vùng lãnh hải của mỗi quốc gia. Mục đích của Hoa Kỳ – nhằm tăng cường hỗ trợ an ninh với các đối tác khu vực này – là cơ hội để Washington củng cố vai trò của mình, với tư cách là bên thứ ba đáng tin cậy trong sự hợp tác đó.

Mục 1247 của NDAA dường như là bước khởi đầu, cho nỗ lực mang lại sự ổn định cho cam kết truyền thống không thể đoán trước và không đồng đều của Hoa Kỳ nhằm tập trung vào khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, Nga sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho khu vực. Do đó, Hoa Kỳ phải củng cố các kế hoạch can dự của mình, nhằm thay đổi nhận thức của Nga về cái giá phải trả về chính trị và kinh tế cho các hoạt động của nước này, và cuối cùng là để ngăn chặn Điện Kremlin.