Là một khối phong thủy bảo địa tuyệt đẹp, nhưng vì sao các vương triều đóng đô ở đây đều không tồn tại được lâu? Chôn vàng để trấn yểm long mạch có đáng tin không?

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Trong các tập trước, chúng tôi đã giới thiệu với bạn về Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Tử Cấm Thành, cũng là cố cung hiện nay, được xây dựng bởi hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ của nhà Minh. Tuy nhiên, năm đó khi nhà Minh kiến quốc, đô thành được đặt tại Nam Kinh.

Nam Kinh là nơi đất tốt, tương truyền trong trận chiến Xích Bích, Tôn Quyền đã dẫn Gia Cát Lượng đến thăm quan Nam Kinh, Gia Cát Lượng nói nơi này phong thủy rất tốt, “Núi Chung rồng cuốn, Thạch Đầu hổ chầu, đây là đất đế vương” (theo Tấn – Trương Bột “Ngô lục”). Tôn Quyền nghe lời, ba năm sau, lặng lẽ dời đô thành từ Trấn Giang về Nam Kinh, xây dựng đô thành mới trên núi Thạch Đầu ở ngoại thành, gọi là thành Thạch Đầu. Đông Ngô cũng từ đó hùng bá Giang Nam, mở ra bức tranh lịch sử về thời kỳ Tam Quốc. 

Đây là lý do Nam Kinh có biệt danh là “Thành Thạch Đầu”. Ngày nay ở công viên Thanh Lương Sơn ở Nam Kinh có một dốc trú ngựa, tương truyền chính là nơi năm đó Gia Cát Khổng Minh bình luận về Nam Kinh. Bình luận này sau đó đã diễn biến thành một thành ngữ gọi là “rồng cuộn hổ chầu”, và bốn chữ này đã trở thành dấu hiệu vàng của thành Nam Kinh.

Kể từ đó, khối phong thủy bảo địa Nam Kinh không ngừng được mọi người nhắm tới, đến thời nhà Minh, nơi đây đã là cổ đô của sáu triều đại. Điều kiện địa lý ưu việt, nhân văn và kinh tế phát đạt, chỉ cách Phụng Dương, quê hương của Chu Nguyên Chương không xa, theo lý thuyết, đây là sự lựa chọn tốt nhất để làm thủ đô. Nhưng vì sao Chu Đệ sống chết nhất định phải dời đô về Bắc Kinh? Ông thậm chí còn không ngần ngại tháo dỡ hoàng cung mà vua cha Chu Nguyên Chương đã mất mười năm xây dựng, tiêu tốn một khoản chi phí di dời khổng lồ để tiến hành dời đô đến cùng. Vấn đề là gì? Vẫn là hai chữ: phong thủy.

Đầu tiên chúng ta hãy xem tại sao phong thủy của Nam Kinh lại tốt như vậy, tại sao lại được Gia Cát Lượng khen ngợi?

Tứ tượng hữu tình

Núi “Chung Sơn” mà Gia Cát Lượng nhắc đến nằm ở phía đông Nam Kinh, nhấp nhô khởi phục như một con rồng xanh. “Tảng đá hổ chầu” chỉ núi Thanh Lương ở phía tây Nam Kinh, trông giống như một con hổ lớn chầu trên một tảng đá. Phía nam thành Nam Kinh có một khu vực rộng lớn, về phong thủy gọi là Chu Tước Minh Đường, phía bắc là núi Kê Lộng và hồ Huyền Vũ, rùa và rắn hợp thể, đối ứng là thần thú Huyền Vũ mà Đạo gia nói đến.

Điều tuyệt vời hơn nữa là rồng xanh ở phía đông, cũng chính là núi Chung Sơn cao lớn hùng vĩ, với đỉnh chính cao hơn 400 mét, còn hổ trắng, tức là núi Thanh Lương ở phía tây tương đối thấp, đỉnh chính chỉ cao hơn 100 mét, cấu thành bố cục rồng xanh áp hổ trắng. Trong giới phong thủy có câu: Không sợ rồng xanh cao vạn thước, chỉ sợ hổ trắng ngóc đầu lên. Chính là nói, khi xây dựng một thành phố hoặc nhà ở, ngọn phía đông phải cao hơn phía tây thì mới có phong thủy tốt. Bố cục phong thủy này được gọi là “Vua sáng tôi hiền”, thể hiện bầu không khí tường hòa.

Vì vậy, rồng xanh ở bên trái, hổ trắng ở bên phải, chim chu tước ở phía trước và Huyền Vũ ở phía sau, tứ đại thần thú gia trì, cấu thành bố cục lý tưởng trong phong thủy, gọi là “Tứ tượng hữu tình”. Rồng xanh uốn khúc, hổ trắng thấp đầu, huyền vũ rủ đầu, chu tước vỗ cánh, thành Nam Kinh lạc giữa tự nhiên ẩn ẩn hiện hiện khí vương giả.

Khí long mạch

Tuy nhiên, xây dựng một hoàng thành có phong thủy tốt thôi chưa đủ, điều quan trọng nhất là cần có thể dẫn khí của long mạch. Vậy long mạch đối ứng của Nam Kinh ở đâu?

Người ta thường tin rằng dãy núi Côn Lôn là nơi khởi nguyên của long mạch trên đại địa Trung Hoa, kéo dài về phía đông hình thành ba long mạch là bắc long mạch, trung long mạch và nam long mạch. Bắc Kinh, một trong tứ đại cổ đô của Trung Quốc chính là dẫn khí long mạch từ bắc long mạch. Thế còn Nam Kinh thì sao?

Nam Kinh được thấm khí long mạch của cả trung long mạch và nam long mạch. Trung long mạch từ dãy núi Tần Lĩnh bắt đầu đi về phía đông, một nhánh trong đó chảy dọc theo dãy núi Đại Biệt về phía nam, cuối cùng kết thúc ở sông Trường Giang. Mà Nam Kinh nằm tại đâu? Chính là ngay bên sông Trường Giang.

Còn Nam long mạch thì sao? Nam long mạch bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, chạy xuyên qua Hoa Nam, từ núi Mân Sơn bắt đầu phân ra một nhánh, đi qua dãy núi Dữu Lĩnh, núi Hoàng Sơn, đến Thiên Mục ở Hàng Châu rồi lại đi về phía bắc đến dãy núi Ninh Chấn ở Giang Tô, cuối cùng dừng lại bên ngoài thành Nam Kinh tại núi Chung Sơn, nơi được Gia Cát Lượng khen ngợi. 

Hơn nữa, Nam Kinh không chỉ tiếp nhận hai dòng khí long mạch này, mà còn có cách bố cục vô cùng tốt. Một bên có sông Trường Giang cuồn cuộn chảy qua, ba mặt còn lại là núi bao bọc, đó là một bố cục hoàn hảo trong phong thủy, gọi là “sơn hoàn thủy bao”.

Cho nên, dù xem phong thủy của thành Nam Kinh thế nào cũng đều tốt. Chẳng trách nơi đây được nhiều triều đại sủng ái như vậy. Tuy nhiên, điều kỳ dị là các triều đại định đô ở đây đều không trường cửu.

Vương triều đoản mệnh

Đầu tiên hãy nói về Đông Ngô của Tôn Quyền, Đông Ngô cuối cùng đã không thành tựu bá nghiệp đế vương, bị đại quân của Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm tiêu diệt 51 năm sau khi chuyển đến “thành Thạch Đầu”. Không ngờ phong thủy luân lưu chuyển, 37 năm sau, gia tộc Tư Mã cũng mất quyền kiểm soát Trung Nguyên, lưu lạc đến Nam Kinh, nơi họ kiến lập một vương triều nhỏ Đông Tấn.

Đông Tấn là triều đại trường thọ nhất trong sáu vương triều định đô tại Nam Kinh, nhưng cũng chỉ tồn tại được một trăm năm. Sau đó, Trung Quốc bước vào thời kỳ Nam Bắc triều u ám. Trong số đó, bốn triều đại phía nam là Tống, Tề, Lương, Trần đều lấy Nam Kinh làm kinh đô, nhưng không ai trong số họ có thể thoát khỏi số phận đoản mệnh. Người trường thọ nhất trong số họ là Lưu Tống diệt Đông Tấn, nhưng cũng chỉ tồn tại chưa đầy 60 năm.

Sau đó, Tùy Văn Đế Dương Kiên lên nắm quyền. Dương Kiên rất thông minh, khi thấy tình hình không ổn, ông đã ra lệnh hủy thành Nam Kinh, san bằng thành bình địa, toàn bộ đất đai đều cải tạo thành đất nông nghiệp. Sau đó, ông chạy đến Tây An và xây dựng hoàng thành tại đây. Lần huy hoàng thứ nhất của thành Nam Kinh trong lịch sử cũng kết thúc tại đây.

Làm thế nào mà một khối phong thủy bảo địa như vậy lại có kết cục như thế? Chẳng lẽ lúc đầu Gia Cát Lượng đã nhìn lầm? Nếu không thì vì sao. Có tin đồn rằng đó là do ai đó đã can thiệp vào phong thủy ở đây. Nói cụ thể chính là đã hai lần trảm long mạch.

Hai lần trảm long mạch

Lần đầu tiên xảy ra gần 500 năm trước Gia Cát Lượng, do Sở Ủy Vương gây ra.

Bạn có biết tại sao Nam Kinh được gọi là “Kim Lăng” không? Điều này có liên quan đến lần cải tạo phong thủy này. Địa phương chí sớm nhất của Nam Kinh, “Cảnh Định Kiến Khang chí” được xuất bản vào những năm Cảnh Định thời Nam Tống, có nói thế này: “Vì sao có cái tên Kim Lăng này? Khảo sát tiền sử, thời Sở Uy Vương, thấy đất này có vương khí, chôn vàng để trấn yểm, từ đó gọi là Kim Lăng.”

Và câu chuyện cơ bản như thế này:

Ngày hôm đó Sở Vương đi tuần du đến vùng núi gần Nam Kinh để ngắm phong cảnh. Sông Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, mỹ cảnh như họa khiến người say lòng, Sở Uy Vương đang ngắm cảnh rất cao hứng, nhưng bên cạnh lại có người nói: Đại vương ơi, xứ này vương khí quá thịnh, e là bất lợi đối với nước Đại Sở chúng ta. Sở Uy Vương nghe thấy liền không còn hứng thú du ngoạn nữa. Cần biết rằng mảnh đất Nam Kinh này nguyên lai không phải là lãnh thổ của nước Sở, năm đó Chu thiên tử đã phân phong đất này cho nước Ngô. Chỉ là vào thời kỳ xuân thu chiến quốc, việc mọi người tranh đoạt lãnh thổ đã thành chuyện bình thường, nên sau đó Nam Kinh bị thu về bản đồ nước Sở. Nhưng đất bị cướp luôn khiến người ta tâm lý có chút bất an. Điều này lẽ nào là nước Ngô đã diệt quốc sẽ hồi tử phục sinh, cuỗm lại đất này? 

Không được, chúng ta phải phòng họa hoạn khi nó còn chưa đến. Dưới sự chỉ điểm của cao nhân, Sở Uy Vương đã bí mật chôn vàng dưới một ngọn núi ở Nam Kinh để áp chế vương khí. Vậy vẫn chưa đủ, ông ấy còn xây dựng một thành trì trên núi Thạch Đầu và đặt tên là ấp Kim Lăng. Đây chính là nguồn gốc của hai chữ “Kim Lăng” – núi chôn vàng.

Phương pháp này quả nhiên hữu dụng, Ngô quốc không còn có thể hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, một trăm năm sau, nước Sở vẫn bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt.

Vậy người thực hiện sự cải tạo phong thủy lớn thứ hai là ai? Chính là vị quốc vương diệt Sở, Tần Thủy Hoàng.

Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ông rất thích xuất ngoại tuần du, khi đi đến những nơi rất xa xôi, ông luôn mang theo bên mình rất nhiều phương sĩ. Nghe nói ông tuyệt đối không phải là đi du sơn ngoạn thủy, mà khả năng cao là đi tuần tra long mạch của sáu nước, phát hiện ra liền phá hoại, để ngăn cản những quốc gia này hồi sinh. Những phương sĩ bên cạnh Tần Thủy Hoàng đều là cao thủ, chỉ cần liếc mắt là có thể thấy khí vương giả của Kim Lăng. Họ nói nơi đây “Bảo kiếm dưới đất, khí xạ đấu trâu, quang quái chiếu trời, dưới có bảo bối” (Theo “Cảnh định kiến khang chí”)

Để trảm đứt long mạch, các phương sĩ cũng đưa ra phương án giải quyết tương tự là chôn vàng dưới lòng đất. Nhưng lần này thực sự không có vàng nào được chôn. Sở Uy Vương đã chôn vàng rồi. Lần này sách lược đã được thay đổi, đó là tung tin rằng có rất nhiều vàng được chôn dưới những ngọn núi xung quanh Nam Kinh. Người dân nghe tin sẽ lũ lượt kéo nhau đi đào vàng. Theo thời gian, núi Sư Tử gần Nam Kinh bị đào thành hai ngọn núi là núi Lư Long và núi Mã Yên. Khi đào đứt núi, khí long mạch tự nhiên sẽ rỉ ra ngoài. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến các triều đại định đô ở nơi này không tồn tại được lâu, bởi vì long mạch đã rỉ ra, phúc khí cũng bị rỉ ra.

Ngoài ra còn có một phiên bản khác của câu chuyện đang lưu hành trong dân gian, kể rằng thời đó có một con sông gần Nam Kinh, tên là bến Long Tàng, vì tên này có ý tứ là có một con rồng ẩn tàng trong đó, nên Tần Thủy Hoàng không thích, đã hạ lệnh đào kênh để đổi hướng sông, chuyển hướng dòng nước về phía bắc, đi xuyên qua thành Nam Kinh, nói là nó sẽ cuốn trôi vương khí của Nam Kinh. Vì bị cải tạo vào thời nhà Tần nên sau này người ta gọi dòng sông này là sông Tần Hoài. Điều này vẫn chưa đủ, Tần Thủy Hoàng thậm chí còn hủy cái tên Kim Lăng, đổi thành Mạt Lăng. Chữ ‘Mạt’ “秣” là thức ăn cho ngựa.

Chúng ta thực sự không thể biết được câu chuyện này có bao nhiêu tính chân thực, nhưng việc Tần Thủy Hoàng đã đổi tên Kim Lăng thì đúng là sự thật, mặc dù không rõ nguyên nhân. Hướng đi của sông Tần Hoài quả thực có chút kỳ lạ. Ở Trung Quốc, các con sông đều chảy từ tây sang đông hoặc từ bắc xuống nam, riêng sông Tần Hoài thì chảy theo hướng ngược lại, chảy từ đông sang tây ở thượng nguồn, rẽ một góc ở hạ lưu từ nam ra bắc, rất khác thường. Vậy bạn có nghĩ rằng dòng sông này đã được biến đổi một cách nhân tạo? Thật sự rất khó nói.

Tuy nhiên, dù có động thái lớn như vậy, nhà Tần vẫn bại vong trong tay Hạng Vũ người Giang Tô. Tú Thiên, quê hương của Hạng Vũ cách Nam Kinh bao xa? Chỉ có 500 dặm, cũng không xa lắm.

Dời đô về Bắc Kinh

Vậy với thành tích lịch sử đổ vỡ như vậy, tại sao Chu Nguyên Chương năm đó lại muốn kiến đô ở Nam Kinh?

Trên thực tế, Chu Nguyên Chương ban đầu muốn xây dựng thủ đô ở quê cha Phụng Dương, nhưng ông không trụ được trước sự thuyết phục kiên quyết của quốc sư Lưu Bá Ôn, nói rằng Phụng Dương thực sự không thích hợp, nên sau đó đã đổi qua Nam Kinh. Lưu Bá Ôn đã nhìn thấy một số khuyết điểm trong phong thủy Nam Kinh, đưa ra một số chỉ điểm. Trong đó quan trọng nhất là hoàng cung được xây dựng trên hồ Yến Tước dưới chân núi Phú Quý ở phía đông thành.

Làm thế nào để xây dựng một cung điện trên hồ? Hoàng đế luôn có cách, đó là lấp hồ nước. Không chỉ lấp hồ mà còn đóng những cọc gỗ dưới nhiều cung điện lớn, dùng những tảng đá khổng lồ để đặt móng, gia cố móng bằng các phương pháp như đất vôi, gạch vỡ trộn với hoàng thổ và đầm chặt, công trình rất lớn.

Tuy nhiên, cao thủ phong thủy không nhất định là bậc thầy về kiến ​​trúc. Vài năm sau, phần móng phía bắc của cung điện bắt đầu chìm xuống. Những cung điện này đều tọa Bắc chầu Nam, cửa mở về phía Nam. Phía Bắc bị sụt lún đồng nghĩa với việc địa hình ở đây đã trở thành trạng thái “tiền cao hậu thấp”, theo cách nói của phong thủy học, thì sẽ rất bất lợi cho con cháu. Vậy thì giang sơn nhà đại Minh sẽ không trường cửu. Chu Nguyên Chương không thể ngồi yên nên đã tính dời đô.

Tuy nhiên, điều đầu tiên ông nghĩ đến không phải là Bắc Kinh mà là Tây An, đô thành của nhà Đường. Hoàng đế không thể rời thành, nên Chu Nguyên Chương đã phái hoàng thái tử Chu Tiêu đi khảo sát. Thật bất ngờ, sau khi khảo sát trở về liền xảy ra chuyện.

Chu Tiêu bị nhiễm phong hàn, lâm bệnh rồi qua đời không lâu sau đó, lúc đó mới 38 tuổi. Chu Nguyên Chương đau buồn đến mức viết trong một bài văn tế tưởng nhớ con trai mình: “Cung thành trước nghiêng sau lún, hình thế không cân xứng. Ta muốn dời đô, nhưng nay tuổi tác đã già, tinh lực đã kiệt, thiên hạ mới ổn định, không muốn dân lao khổ. Mà hưng phát có số, chỉ phải nghe Trời. Chỉ mong Trời soi xét tâm này của trẫm, để con cháu được ban phúc.” (Theo “Sát quang lục tự xã thần văn”)

Sau khi minh bạch đạo lý “hưng phát có số, chỉ phải nghe Trời”, Chu Nguyên Chương không bao giờ còn nhắc đến chuyện dời đô nữa. Con cháu tự có phúc con cháu, hãy tùy theo đó. Chu Nguyên Chương vốn là người khoát đạt, nhưng điều ông không bao giờ ngờ tới là, không biết có phải là thực sự có vấn đề phong thủy hay không, mà chỉ nội trong vài năm ngắn ngủi, trong hoàng cung đã liên tiếp xảy ra những sự tình bất hạnh.

Đầu tiên, con trai thứ hai và con trai thứ ba của Chu Nguyên Chương, trong đó bao gồm cả Chu Nguyên Chương đã lần lượt qua đời, sau đó hoàng thái tôn Kiến Văn Đế lên ngôi, đoạt quyền lực của chú, Yến Vương Chu Đệ bất phục phản kháng, cho nên trong cung khó tránh khỏi một phen sát phạt, Kiến Văn Đế cuối cùng đốt lửa thiêu hoàng cung, bản thân không rõ chạy đi đâu.

Đương nhiên Chu Đệ không muốn ở lại Nam Kinh với quá nhiều hồi ức bất hạnh như vậy. Ngay khi lên ngôi, ông đã lên kế hoạch dời đô bất chấp mọi sự kháng nghị. Sau khi học được bài học từ Nam Kinh, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đã được xây dựng rất thành công, vương triều nhà Minh cuối cùng đã an định tại đây. Nhà Minh cũng trở thành triều đại duy nhất từng định đô ở Nam Kinh mà vẫn có quốc vận lâu dài.

Sau thời nhà Minh, Thái Bình Thiên Quốc và Trung Hoa Dân Quốc đều từng định đô ở Nam Kinh. Thái Bình Thiên Quốc nhanh chóng bị tiêu diệt. Thời Trung Hoa Dân Quốc, Nam Kinh là nơi bị quân Nhật thảm sát, sau này chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nhờ rút về Đài Loan mới có được cảnh tượng vinh hoa như hiện nay.

Trên thực tế, Nam Kinh là thành thị từng hứng chịu nhiều kiếp nạn nhất trong số tứ đại cổ đô của Trung Quốc, chết rất nhiều người, oán khí cũng trọng, các loại sự kiện linh dị cũng thường phát sinh, chẳng hạn một xe buýt giữa thanh thiên bạch nhật tông vào tường, một ông lão y phục trắng xuất hiện giữa đêm v.v. Hiện tại trên mạng, Nam Kinh thậm chí còn được phong là thành thị linh dị số một Trung Quốc.

Không có cách nào để xác minh tính xác thực của những sự kiện này, tuy nhiên, liên quan đến phong thủy của Nam Kinh, hoàng đế Khang Hy năm đó khi đến thăm lăng mộ Chu Nguyên Chương từng đưa ra đáp án như thế này, viết trong bia văn rằng: “Sự hưng vong của quốc vận luôn gắn liền với sự tốt đẹp của đạo đức người lãnh đạo. Thiên thượng giáng gương, duy đức là khen ngợi. Người có đức thịnh vượng, người vô đức sẽ vong, nó không liên quan đến nguyên nhân phong thủy.” (Theo “Thánh tổ nhân hoàng đế ngực chế kim thái tổ Thế tông lăng bi văn” 

Một số cư dân mạng cho rằng những lời này của hoàng đế Khang Hy là cách thuyết minh tốt nhất về phong thủy Nam Kinh. Vậy bạn nghĩ như thế nào?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch