Hàng chục hộ dân trồng ớt ở Hà Tĩnh đang phải “ngậm đắng nuốt cay” khi ruộng ớt của họ đang chín đỏ cánh đồng mà không có ai thu mua vì doanh nghiệp “bội tín”.  

Theo ghi nhận của báo Nông nghiệp, hơn 20 hộ dân tại thôn Ngụ Phúc và Ngụ Quế (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) vào tháng 9/2017 đã liên kết với Công ty TNHH Anh Thôi (Thanh Hóa) để trồng ớt cay theo lời giới thiệu của một người quen biết.

Khi Công ty Anh Thôi về Hà Tĩnh vận động dân trồng ớt, doanh nghiệp này hứa sẽ xây dựng thành chuỗi sản xuất, từ cung ứng giống, ni lông, phân bón đến bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Tin vào lời hứa “cửa miệng” của doanh nghiệp, người dân ở đây đã bắt tay vào trồng 2,8 ha ớt.

Sau hơn 8 tháng chăm chút từng sào ớt, loại cây trồng mới này đã đến hồi thu hoạch và cho năng suất khá cao. Khi ớt bắt đầu chín, người dân liên hệ với Công ty Anh Thôi để cho người vào thu mua.

Tuy nhiên, sản lượng mà doanh nghiệp bao tiêu chỉ được 800 kg với giá chỉ 5.000–6.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường.

Sau chuyến gom hàng cách đây hơn 1 tháng, Công ty Anh Thôi cũng “bặt vô âm tín” cho đến nay, bỏ mặc nông dân nhìn ruộng ớt chín rụng đỏ gốc cây.

Người trồng ớt ‘nuốt cay’ vì tin lời ‘hứa suông’ của doanh nghiệp, lại chờ giải cứu
Ớt chín rộ nhưng doanh nghiệp không đến thu mua. (Ảnh: Nông nghiệp)

Một hộ trồng ớt ở thôn Ngụ Quế cho biết bình quân đầu tư 1 sào ớt hết khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy tính giá trị kinh tế không lớn nhưng người dân ở đây không nghĩ lời hứa của doanh nghiệp lại không có trọng lượng như vậy.

Chị Nguyễn Thị Phượng, cũng ở thôn Ngụ Quế cho biết gia đình chị trồng 2 sào ớt. Đợt vừa qua Công ty Anh Thôi vào mua 96 kg nhưng còn nợ tiền. Nay ớt chín ngày càng nhiều nhưng doanh nghiệp “bội tín”, không vào thu mua nên gia đình chị chỉ còn cách hái đem ra chợ bán mỗi ngày một ít mong vớt vát đồng vốn.

Nhiều hộ dân ở Cẩm Vịnh chán nản trước vụ ớt “cay” nên bỏ mặc đồng ớt chín thối.

Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Ngụ Quế, chia sẻ: “Nhìn ớt chín rụng tôi xót của nên thu hoạch về chất trong nhà, hết làm tương lại đem ra phơi, một số đem ra chợ nhưng cũng rất khó bán. Bây giờ biết chắc là lỗ vốn rồi nhưng chúng tôi vẫn hy vọng phía công ty kịp thời về thu mua diện tích ớt chín còn lại, giá rẻ bao nhiêu bà con cũng chấp nhận. Nếu không thì một thời gian nữa đành phải hủy cây, cải tạo đất để trồng giống cây trồng khác”.

Trưởng thôn Ngụ Quế, ông Nguyễn Trọng Quế, cho biết sau khi Công ty Anh Thôi về họp bàn, người dân hào hứng bắt tay vào sản xuất. Do tin tưởng công ty và chưa có kinh nghiệm hợp tác sản xuất nên bà con không đặt nặng vấn đề hợp đồng. Trước tết, Công ty Anh Thôi có gửi bản thảo hợp đồng vào cho dân hoàn tất, song vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thể ký kết.

Theo lãnh đạo xã Cẩm Vịnh, chủ trương của xã là trồng khoai lang chất lượng cao trong vụ đông 2017 chứ không phải trồng ớt. Thế nhưng, khi Cty Anh Thôi vào đặt vấn đề trồng ớt, nông dân vẫn quyết tâm làm. Xã cũng đã khuyến cáo người dân nên làm hợp đồng cụ thể, nhưng đến nay vẫn không thấy hợp đồng đâu.

Lãnh đạo xã cho biết thêm rằng xã đã liên hệ với doanh nghiệp, nhưng họ nói do thời tiết bất lợi nên chưa thể thu mua. Hiện ớt đang vào kỳ chín rộ, trong khi không có cơ sở chế biến nên người dân phải để quả chín rụng ngoài đồng.

Và khả năng một cuộc vận động “giải cứu” khác đối với nông sản lại sắp được đưa ra, và lần này là ớt cay.

Minh Tuệ