Theo hãng thông tấn TASS, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã công bố dữ liệu kiểm tra đối với 32 đội bóng ở World Cup 2018, khẳng định tuyển Nga không sử dụng doping.

Sau trận Nga-Croatia, tờ Bild của Đức đã viết: “Trên sân Ficht ở Sochi (nơi diễn ra trận Nga-Croatia, thành phố của Nga) có thoang thoảng mùi của chất amoniac. Chất này có tác dụng nâng cao khả năng hoạt động cơ bắp về thời gian và sức mạnh, cũng như cải thiện trao đổi oxy”. Hay như một số bài viết khác có tiêu đề tương tự: “Đội tuyển Nga dùng thứ doping gì để chạy nhanh?”.

Các nghi vấn được đặt ra khi “các chú gấu Nga” chạy như “xe bus mất phanh” ngay cả trong hiệp phụ, và là đội chạy nhiều nhất World Cup.

Ban huấn luyện của tuyển Nga đã phải nhận nhiều công kích, và đối mặt với loạt câu hỏi về các chỉ số “khó thuyết phục” của các tuyển thủ và đặc biệt sức mạnh được hồi phục 100% để lọt vào tứ kết World Cup 2018.

Trước các thông tin cáo buộc, bác sĩ trưởng của đội Nga, ông Eduard Bezoglov cho biết, các cầu thủ đã sử dụng chất amoniac trên cơ sở đủ liều lượng cho phép. Chất này được hàng nghìn VĐV trên khắp thế giới sử dụng nhiều thập niên qua và được bán phổ biến trong các tiệm thuốc Tây, theo Sport Express.

FIFA nhiều lần tuyên bố rằng, để kiểm tra việc các vận động viên sử dụng doping, phải có mặt các bên liên quan nhằm công bố kết quả ngay lập tức.

Các mẫu sẽ được gửi đến phân tích tại các phòng thí nghiệm ủy quyền của Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA). Chúng được đựng trong các thùng bảo vệ, loại thường được các ngân hàng dùng để vận chuyển tiền và chỉ có thể mở bằng chìa khóa điện tử. Đây là lý do vì sao người hâm mộ phải chờ thông tin này khá lâu.

Từ tháng 1/2018 đến nay, FIFA và WADA đã tiến hành tổng cộng khoảng 2.000 mẫu kiểm tra doping, trong đó có 626 mẫu thử tại World Cup 2018.

Chương trình xét nghiệm doping ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay có quy mô lớn nhất các kỳ World Cup. Trong đó, mỗi cầu thủ bắt buộc phải trải qua phần kiểm tra doping trước giải và cả những lần ngẫu nhiên, không báo trước.

Hồng Hạnh