Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc và đang tiến gần đến các tỉnh biên giới Việt Nam, trở thành một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất cho ngành chăn nuôi lợn hiện nay.

Trước tình hình lây lan lây lan nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) ở Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cảnh báo nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh này tại Việt Nam là rất cao do. Nguyên nhân theo Cục Thú ý là do Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới rất rộng nên hầu như ở Trung Quốc có dịch bệnh gì thì ở Việt Nam cũng xuất hiện dịch bệnh đó. Đây là điều rất đáng lo ngại khi ngành chăn nuôi Việt Nam mới chỉ phục hồi sau cơn bão giá.

Cục Thú y cho biết Việt Nam hiện chưa cho phép nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do giá lợn hơi Việt Nam liên tục sốt giá nên xảy ra tình trạng thương lái nhập lậu lợn sống giá rẻ từ Trung Quốc thông qua các cửa khẩu phía Bắc về thị trường trong nước tiêu thụ.

Bên cạnh đó, từ cuối tháng 7/2018, hàng ngày có một lượng lợn Thái Lan vào Campuchia, sau đó được vận chuyển về các tỉnh biên giới Tây Nam như Long An, An Giang… Cộng thêm yếu tố lây lan qua đường du lịch, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và kịp thời, đại dịch ASF sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo Cục Thú y, ASF gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao nhưng hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Vì vậy, các đơn vị phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi lợn đang phát triển tốt, chiếm tỷ trọng cao, nếu có biến cố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Bên cạnh đó, dịch này tuy không gây bệnh trên người nhưng để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

Ngoài ra, theo công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh ASF vào Việt Nam ban hành ngày 30/8, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương. Nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh ASF, hoặc nghi là lợn và sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), bệnh ASF được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Kenya (châu Phi) vào năm 1921 và sau đó lây lan ra nhiều nước. Tính đến ngày 10/9, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo xuất hiện ổ dịch bệnh lây nhiễm. Tại Trung Quốc, hiện đã có 14 ổ dịch được phát hiện tại 6 tỉnh và đang tiếp tục lây lan xuống các tỉnh phía Nam của nước này (giáp Việt Nam).

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng cảnh báo dịch ASF đang hoành hành ở Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã qua hoặc chưa qua chế biến. Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát dịch rất khó khăn bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, giá lợn hơi Việt Nam trong ngày 12/9 đồng loạt tăng trên cả nước. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Nam tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với ngày 11/9 lên mức 52.000-52.000 đồng/kg. Tại miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, lên mức cao nhất là 54.000 đồng/kg.

(Tổng hợp)