Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ hợp tác với các quốc gia tham gia Hiệp định TPP, đặc biệt là những nước chưa có hiệp định song phương với Mỹ, đang mở ra cho Việt Nam cơ hội ký riêng một thỏa thuận với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo trang tin TheLeader, Chương trình nghị sự về chính sách thương mại 2018 của Mỹ và Báo cáo thường niên của tổng thống Mỹ về Hiệp định thương mại năm 2017 cho biết chính quyền Trump thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù là song phương hay đa phương, đặc biệt là các quốc gia chưa có hiệp định thương mại tự do với Mỹ nhằm tạo ra sự cải thiện lớn cho thị trường.

Trong báo cáo này, chính quyền Trump giải thích Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP với mục đích theo đuổi các hiệp định thương mại tốt hơn và công bằng hơn với các quốc gia thành viên.

Trong số các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP, Mỹ thực tế đã ký hiệp định thương mại tự do với 6 quốc gia thành viên là Canada, Australia, Mexico, Chile, Peru và Singapore.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, tốt hơn và công bằng hơn với 5 quốc gia thành viên TPP còn lại là Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Brunei và Việt Nam.

Báo cáo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) hồi cuối tháng 1 đã ngỏ ý có thể quay lại đàm phán về thỏa thuận TPP. Tuy nhiên, ông Trump lưu ý với các đối tác rằng thương mại cần phải công bằng và có qua có lại mới có thể tạo ra một hệ thống hiệu quả.

Cơ hội cho Việt Nam ký hiệp định thương mại riêng với Mỹ
Tổng thống Trump muốn thương mại phải công bằng và có qua có lại, ảnh Twitter.

Do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, nên việc đạt được một thỏa thuận thương mại với nước này, dù là dưới hình thức đa phương hay song phương, đều có khả năng mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.

Tại Hội nghị Hành động Chính trị phe Bảo thủ của Mỹ (CPAC) ngày 23/2, Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn về một mối quan hệ thương mại “có qua có lại” với Việt Nam. Ông ám chỉ Việt Nam nên mua hàng hóa của Mỹ, như nhập khẩu than, để cán cân thương mại Việt-Mỹ được cân bằng hơn.

Nếu Việt Nam (hay bất kỳ nước nào trong số các thành viên TPP) xúc tiến để ký được một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, điều đó sẽ không khác mấy so với việc ký thỏa thuận TPP gốc, vì 11 quốc gia còn lại trong TPP (ngoài Mỹ) đang xúc tiến để ký một hiệp định mới vào tháng 3 này với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo kế hoạch, Hiệp định CPTPP sẽ được các nước ký vào ngày 8/3 này tại Santiago, Chile, sau khi New Zealand công bố phiên bản cuối cùng của TPP 11 vào ngày 21/2 vừa qua.

Theo một phân tích trên trang tin National Interest, Hiệp định CPTPP gốc có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2%. Nhưng nếu có thêm Mỹ, hiệp định thương mại đó có thể tạo cú huých đẩy kinh tế Việt Nam tăng thêm tới khoảng 8%.

Minh Tuệ