Thị trường bất động sản châu Á cần đẩy nhanh tiến độ nâng cao tính minh bạch để bắt kịp với các đối tác toàn cầu nhằm nhận được một phần lớn hơn của chiếc bánh đầu tư.
 

Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản luôn được coi là những thị trường bất động sản đắt giá và năng động nhất thế giới. Nhưng tất cả 3 thị trường này đều tụt hậu khá nhiều so với các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ khi nói đến tính minh bạch. Phần còn lại của châu Á, bao gồm các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn còn ở phía xa.

Theo Nikkei, giới đầu tư toàn cầu, bao gồm cả các tổ chức tài chính, đang tìm kiếm các thị trường bất động sản có tính minh bạch cao, từ chi phí giao dịch đến các tiêu chí về môi trường và an toàn.

Châu Á tuy đã đạt được những tiến bộ nhất định về lĩnh vực này trong những năm gần đây, nhưng thị trường này cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn giành ngôi vị cao trên bảng xếp hạng các thị trường bất động sản hàng đầu thế giới.

Có 5 mức độ để đánh giá một thị trường: siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, minh bạch thấp và kém minh bạch.

Báo cáo mới nhất về chỉ số minh bạch toàn cầu của tổ chức JLL chỉ ra những điểm đến đầu tư hàng đầu cho các nhà đầu tư bất động sản đều thuộc top những thị trường “siêu minh bạch” như Úc, New Zealand, Mỹ và Anh.

Tại châu Á, việc sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực bất động sản (3 mảng chính: thông tin, giao dịch, quản lý) đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tất nhiên, để đạt được mức độ phổ biến như thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu thì cần thêm thời gian.

Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản đang dần tiến lên xếp hạng các nước “siêu minh bạch” khi lần lượt đứng ở vị trí 12, 13, 14.

Các thành phố, chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới đều hiểu được tính minh bạch của thị trường có mối tương quan trực tiếp đối với đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp vì nó cho phép giới doanh nghiệp quốc tế vận hành và đưa ra quyết định đầu tư.

Trong 20 năm qua, châu Á đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tính minh bạch. Các chỉ số về tính minh bạch trong thị trường bất động sản của Trung Quốc và Ấn Độ luôn ở mức kém minh bạch và yếu trong giai đoạn những năm 1980. Nhưng trong bảng xếp hạng của năm 2018, hai quốc gia này đã lần lượt nhảy lên vị trí 33 và 35.

Việc ứng dụng công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản, không chỉ giúp các thị trường vốn đã minh bạch, mà còn cải thiện tính minh bạch cho các thị trường “bán minh bạch” như Trung Quốc.

Myanmar là quốc gia có chỉ số cải thiện cao nhất toàn cầu, tăng 15 hạng lên vị trí thứ 73 và tham gia vào nhóm “kém minh bạch”. Quốc gia này tiếp tục mở cửa kinh tế khi ngày càng nhiều nhà đầu tư mong muốn dịch chuyển sang các thị trường thông minh hơn.

Trong khi các nền kinh tế đang phát triển của châu Á tiếp tục cải thiện và nâng cao thứ hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số thị trường bất động sản đã trưởng thành ở khu vực này vẫn nằm ngoài nhóm siêu minh bạch, trong số đó có Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản vì tính quản trị doanh nghiệp và chi phí của người thuê nhà kém.

Đánh giá chỉ số quản trị doanh nghiệp áp dụng cho các phương diện gồm công tác chỉ đạo và kiểm soát các quy tắc, thực tiễn và quy trình. Khu vực châu Á thường có xu hướng tiết lộ chi tiết về số liệu hoạt động, số liệu tài chính và hạn chế quyền lực của hoạt động của cổ đông dưới sự kiểm soát của người sáng lập hoặc công ty mẹ.

Việc theo đuổi tính minh bạch bất động sản đang ngày càng quan trọng đối với nhiều quốc gia khi 11 thị trường đứng đầu trong bảng xếp hạng này đã chiếm tới gần 75% tổng đầu tư bất động sản trực tiếp trên thế giới.

Chỉ số minh bạch thay đổi thúc đẩy Châu Á không ngừng thu hút đầu tư.

Theo báo cáo mới nhất “Dòng vốn Toàn cầu” của JLL, lượng giao dịch bất động sản tại Châu Á – Thái Bình Dương đạt 42 tỷ USD trong quý II/2018, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch đạt 81 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước đó và là mức cao nhất ghi nhận từ trước đến nay.

Biện pháp cải thiện

Giới đầu tư luôn chú trọng vào các vấn đề an toàn nơi làm việc, chăm sóc sức khỏe, bảo mật dữ liệu, tính bền vững và tính pháp lý. Do vậy, châu Á cần phải nắm rõ và tập trung cải thiện những yếu tố này nếu muốn giành được nhiều cơ hội đầu tư trong tương lai.

Khi các thành phố bỏ qua việc cải thiện tính minh bạch bất động sản, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ xa lánh từ các nhà đầu tư toàn cầu. Không chỉ vậy, họ sẽ bị bỏ lại khi môi trường kinh tế xã hội trên toàn cầu thay đổi cộng thêm các chính phủ và doanh nghiệp luôn đòi hỏi về sự toàn vẹn và rõ ràng hơn. Và người dân cũng đang tìm kiếm sự đảm bảo tương tự.

Thay vì chờ đợi, châu Á nên chủ động để đạt được lợi thế cạnh tranh và nhanh chóng nắm quyền hoạt động của thị trường bất động sản trên thế giới.

Kiều Ngọc