Cháo là món ăn dễ nấu, dinh dưỡng phong phú và dễ tiêu hóa, dù ngọt hay mặn đều được, thích hợp cho bữa sáng và ăn khuya. Đây là món ăn truyền thống bình dân của người Châu Á. Không những vậy đây còn là bài thuốc trị bệnh hiệu quả của Đông y.

Từ cổ xưa tới nay, mọi người đều biết đây là món ăn giàu dinh dưỡng và tốt nhất cho sức khỏe. Theo Phổ tế phương, Mặc dù cháo là thức ăn đơn giản được nấu từ gạo, nhưng lại như một nguồn sống, là chế độ ăn uống có công dụng trị bệnh khi dùng thuốc. Công thức nấu cháo cũng có những thay đổi sáng tạo vô tận, có thể bổ sung thêm các loại đậu, rau xanh, thịt, thậm chí các loại  quả… từ đó đạt được hiệu quả bổ dưỡng khác nhau.

Nguồn gốc của cháo

Ảnh: Shutterstock

Ngược dòng tìm hiểu ghi chép về nguồn gốc của món ăn bổ dưỡng này, có thể xuất hiện khoảng từ năm 2697 – 2597 TCN. Tương truyền, khi đó Hoàng Đế đã rất trân trọng dùng hạt ngũ cốc nấu thành cháo. Trong Thương Hàn Tạp Bệnh Luận của thánh y Trương Trọng Cảnh, công dụng trị liệu của cháo cũng được miêu tả rất tỉ mỉ. Nói đến cháo, đối với những người Phật Giáo là phải nhắc đến một chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng vào thời kỳ bình minh của Phật Giáo. 

Ngày 8/12 âm lịch hằng năm là lễ hội cháo Laba (còn được gọi là Ngày bồ đề). Đây là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ đề khai công khai ngộ. Tương truyền, khi Đức Phật nhập định tu hành dưới cội bồ đề 49 ngày, không ăn uống, từng có một tín đồ tên Sujata dùng trái cây và ngũ cốc nấu cháo dâng lên Phật Đà. Để kỷ niệm ngày Đức Phật khai ngộ, hằng năm vào ngày này, các ngôi chùa Phật giáo đều nấu cháo dâng Phật và phân phát cho khách thập phương. Có lẽ bát cháo đã giúp sức cho Ngài và nó đã trở thành món ăn quan trọng trong tăng đoàn, được xem như là một thứ dược phẩm và thường được Đức Phật nhắc đến trong kinh điển.

5 lợi ích của cháo

Ảnh: kknews.cc/ The Epoch Time

1. Cháo có thể điều chỉnh khẩu vị và kích thích thèm ăn

Cháo có hương vị ngon và lành, thanh đạm và dễ ăn, đặc biệt thích hợp cho những người chán ăn hoặc mệt mỏi.

2. Cháo có thể kiện Tỳ ích Vị, dưỡng âm và sinh tân

Ăn cháo có thể nuôi dưỡng Tỳ Vị, nhuận Vị khí, dưỡng âm sinh tân, nhu dưỡng xương cốt tứ chi. Cháo nhỏ mịn vị ngọt và dễ tiêu hóa, hỗ trợ mang lại đầy đủ dinh dưỡng và hồi phục thể lực cho cơ thể. Khi mệt mỏi hoặc già yếu, cháo là lựa chọn tốt nhất, giúp cơ thể nhanh chóng bổ sung năng lượng và tăng cường thể lực.

3. Cháo có thể thúc đẩy cơ thể đổ mồ hôi và giải độc

Cháo nóng có thể tiếp thêm sinh lực, làm ấm cơ thể, giúp toát mồ hôi và loại bỏ tà khí thâm nhập cơ thể ra bên ngoài. Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn cháo để hỗ trợ giúp cơ thể đổ mồ hôi là một cách giải độc lành mạnh và hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những người bị cảm lạnh.

4. Cháo có thể tăng cường hiệu quả trị liệu của thảo dược

Thánh y Trương Trọng Cảnh từng đề cập, sau khi uống thuốc, căn cứ vào tình trạng bệnh nhân mà ăn bổ sung cháo nóng hoặc nguội… để hỗ trợ tác dụng của thuốc. Ví dụ trong khi dùng Thập táo thang, bệnh nhân cần dùng cháo kê để bồi bổ. Nguyên nhân vì Thập táo thang dược lý rất mạnh, dễ tổn thương Vị khí; khi Vị khí tổn thương, những tạng phủ khác cũng theo đó mà ảnh hưởng, từ đó bất lợi cho quá trình hồi phục bệnh. Ăn cháo vào lúc này có thể hỗ trợ dưỡng Vị khí, giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt hơn.

5. Cháo là món ăn đầu tiên nên cho vào thực đơn bữa sáng

Bởi vì nó có thể thúc đẩy tuần hoàn lưu thông năng lượng trong cơ thể. Sáng sớm sau khi tỉnh giấc, thân thể của chúng ta cũng dần dần tỉnh lại, một bát cháo ấm có thể giúp cung cấp đủ nhiệt lượng cho cơ thể, từ đó thúc đẩy khí Tỳ Vị trở nên ấm áp, và đưa tinh chất của ngũ cốc nuôi dưỡng toàn thân, thúc đẩy năng lượng cơ thể lưu thông tuần hoàn.

Cháo làm từ các loại ngũ cốc và nguyên liệu khác nhau có tác dụng chữa bệnh khác nhau. Bác sĩ Đông y Hồ Nãi Văn tới từ phòng khám Đông y Đồng Đức Đường, Thượng Hải, Đài Bắc chia sẻ, trong Bản thảo cương mục có ghi chép, cháo nấu từ các loại ngũ cốc có công dụng hỗ trợ trị chứng Tỳ Vị hư hàn, cháo nấu từ lúa mì có tác dụng hỗ trợ trị tiêu chảy. Cháo nấu từ gạo nếp, gạo cao lương, hạt kê có tác dụng lợi tiểu. Cháo nấu từ gạo tẻ, ngô, gạo giống nhật japonica… có tác dụng hỗ trợ loại bỏ phiền muộn. Có những loại khác, một số là cháo nấu từ ngũ cốc, các loại rau, các loại thịt ví dụ cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo rau bina, cháo rau tỏi tây, cháo cần tây, cháo rau quỳ… đều có hiệu quả hỗ trợ trị bệnh khác nhau.

Mặc dù cháo tốt cho sức khỏe, nhưng nên ăn đúng cách. Đối với bệnh nhân bị đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, ăn cháo có thể làm triệu chứng càng tồi tệ hơn. Ngoài ra, nếu ăn cháo để bồi bổ thân thể, nên căn cứ vào thể trạng thực tế để lựa chọn loại phù hợp, chẳng hạn hội chứng cảm hàn phù hợp với các loại cháo có tính ôn, hội chứng nhiệt thích hợp với các loại cháo lạnh…

Học cách nấu cháo dưỡng sinh đơn giản cho bữa sáng

(Ảnh: kknews.cc)

Thành phần:

Đậu xanh 50g, đậu lăng (có thể thay thế bằng đậu trắng hạt to) 50g, hạt sen 50g, lúa mạch 50g, Đại táo 30g, Kỷ tử 10g, (nguyên liệu này dùng cho 1 người chia ra ăn trong 5 ngày).

Hoàng kỳ 250g để nấu lấy nước.

Cách thực hiện:

Đun Hoàng kỳ trong 15 phút, rót nước đã đun ra bát, tiếp tục thay nước khác đun tiếp 15 phút để chắt lấy nước lần 2. Lấy nước dùng từ 2 lần đun trên để nấu cháo thay cho nước trắng thông thường.

Rửa sạch và ngâm các loại hạt trên và nấu chín trong vòng khoảng 40 phút. Đun nhỏ lửa cho đến khi các loại hạt chín mềm. Khi các thành phần trên đã chín thì cho quả Kỷ tử vào đun thêm 10 phút. Không nên nấu Kỷ tử lâu vì sẽ làm hỏng món ăn, mất tác dụng tốt nhất của nguyên liệu. Nấu chín và ăn khi cháo nóng ấm, mỗi ngày ăn 1 lần vào bữa sáng hoặc bữa phụ trong ngày.

Tác dụng:

Món cháo này có sự khác biệt so với các món cháo khác chính là nước nấu cháo có thành phần Hoàng kỳ.

  • Hoàng kỳ là 1 trong 5 dược liệu tốt nhất trong Đông y được các thầy thuốc vô cùng ưu ái. Dược liệu này không chỉ có tác dụng bổ khí rất rõ rệt mà còn nâng cao khả năng miễn dịch, sức đề kháng, giảm mệt mỏi, chống lão hóa. Không những thế, Y học hiện đại nghiên cứu cho thấy dược liệu này có chứa nhiều selen, có khả năng phòng chống ung thư hiệu quả.
  • Đậu xanh có tác dụng chữa nhiều bệnh quan trọng như giải độc, làm mát cơ thể, bổ sung dinh dưỡng. Trong khi đậu trắng lại giải nhiệt tốt, hạn chế các bệnh về dạ dày, chán ăn, tiêu chảy phân lỏng, tiết dịch âm đạo quá nhiều, nôn mửa, đau thắt ngực, đầy bụng.
  • Hạt sen là món quà quý từ thiên nhiên, có vị ngọt, bổ Tâm, Tỳ, Thận; tránh tiêu chảy, an thần, chữa mất ngủ, giảm tiêu chảy mãn tính, thải khí hư, tim đập nhanh…
  • Lúa mạch có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, cân bằng lá lách, giảm nhiệt, dễ hấp thụ vào cơ thể, giải tỏa mệt mỏi, chán ăn, bất kỳ ai cũng có thể ăn để tăng cường và bổ sung dinh dưỡng.
  • Đại táo vốn là một vị thuốc bổ trong Đông y, nuôi dưỡng các dây thần kinh, có vai trò lớn tác động tới Tỳ và Vị. Khi các bộ phận này suy nhược, thiếu máu, mệt mỏi, mất ngủ và các bệnh khác xuất hiện, Đại táo sẽ là vị “cứu tinh” tiện lợi.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

videoinfo__video3.dkn.tv||60c162dc7__