Người xưa thường nói, Đông y là “Nhân thuật“. Muốn trở thành thầy thuốc, trước hết cần phải hiểu rõ được chữ “nhân”. Tuy nhiên, hiểu rõ được chữ “nhân” thật không đơn giản.

Y gia các thời đại từng đưa ra nhiều cách lý giải về con người. Trong số đó có những quan điểm rất đặc biệt và trước hết có lẽ phải nhắc tới cách lý giải của Trần Tu Viên.

Trần Tu Viên (1753 – 1823) tức Trần Niệm Tổ, còn có tự là Lương Hữu, hiệu là Thận Tu, quê ở Phúc Kiến. Mồ côi cha từ sớm, từ nhỏ đã theo ông nội lên kinh đô học. Năm 24 tuổi đã có thể hành nghề, tự nuôi sống mình và chẳng bao lâu đã trở nên hết sức nổi tiếng. Ông không chỉ là một danh y, mà còn là một nhà giáo dục y học kiệt xuất.

Một lần khi đi cứu lụt ở Hằng Sơn, Trần Tu Viên thấy bệnh dịch lưu hành, dân chúng vì không hiểu biết nên uống lầm thuốc và bị chết rất nhiều. Ông đau xót và nhận ra rằng, đó là vì kiến thức y học không được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Từ đó ông tự đặt cho mình nhiệm vụ phổ cập y học, chuyên tâm vào công việc dạy học và viết sách phổ biến kiến thức Đông y.

Ông luôn luôn sử dụng văn tự thông thường, giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu về những vấn đề y lý uyên thâm, để giúp những người dân bình thường có thể nắm được những vấn đề cốt lõi của Đông y học. Ông đã viết rất nhiều sách phổ biến kiến thức, lại thường dùng thể loại “ca quyết” (những bài vè) để cho dễ phổ biến rộng rãi và mau ghi nhớ. Do đó ngay khi mới viết ra, sách đã được sao chép thành nhiều bản, phát đi khắp nơi, thầy thuốc chữa bệnh theo những sách đó thường rất hiệu nghiệm, đã cứu sống được rất nhiều người.

Trong số những cuốn sách được viết dưới dạng ca quyết, “Y học tam tự kinh” đã trở thành cuốn sách giáo khoa thư vỡ lòng của rất nhiều thế hệ thầy thuốc ở Trung Quốc, cũng như Việt Nam từ thế kỷ 18 tới nay. “Y học tam tự kinh” lời văn giản dị mà nghĩa lý lại rất cao sâu. Không những có thể giúp người mới học nắm vững những điều cốt lõi, tránh được sai lầm, mà cũng có thể giúp cho cả những người làm thuốc lâu năm càng thêm tinh thâm.

Đặc biệt, trong sách còn có một phụ lục viết bằng văn xuôi, dùng hình tượng chữ “nhân” để giải thích về quy luật khí hóa của hai khí âm dương ở trong nhân thể. Phụ lục có tựa đề là “Thức nhất tự tiện khả vị y thuyết” – tạm dịch là “Hiểu một chữ là có thể trở thành thầy thuốc“.

Xin thuật lại để cùng thưởng thức:

Có một vị khách hỏi tôi (Trần Tu Viên) rằng: “Đạo làm thuốc, thời xưa thánh nhân biết rõ được bí mật của trời đất, đoạt được quyền năng của tạo hóa, nên có thể cải tử hồi sinh. Nếu không đọc hàng vạn cuốn sách, không thấu hiểu được “lý” của mọi sự mọi vật, thì không sao làm được như vậy. Ngày nay, có người không thông hiểu Nho học, mà cũng chữa được bệnh cho người, và thành nổi danh. Tại sao vậy?”.

– Tôi đáp: “Giữa khoảng trời đất, có lý và có số. Đạo lý có thể thắng số mệnh. Nên người thấy thuốc có học vấn thời xưa, được người đời gần xa kính trọng, mới có thể làm trọn được đạo cứu người.

… Nghề y ngày nay, vô luận người thông hiểu Nho học, chỉ cần biết chữ cũng có thể làm được thầy thuốc. Chẳng kể những người biết nhiều chữ, chỉ cần hiểu một chữ, cũng có thể làm được thầy thuốc”.

– Vị khách hỏi: “Đó là chữ gì vậy?”.

– Tôi đáp: “Chữ đó không đâu xa, đó là chữ “nhân” (?).

Con người do “âm tinh” và “dương khí” hợp thành. Trong trời đất, bên tả (bên trái) là “dương”, phía tay trái con người ứng với ngôi “dương” nên được biểu thị bằng nét “phẩy”. Trong trời đất, bên hữu (bên phải) là “âm”, phía tay phải con người ứng với ngôi “âm” nên được biểu thị bằng nét “mác”.

Người viết chữ, gặp nét phẩy tự nhiên nhẹ tay – phẩy một cái: Dương chủ “khí”, khí có tượng nhẹ, trong. Gặp nét mác tự nhiên nặng tay – nhấn một cái: Âm chủ “tinh”, hình tượng của tinh nặng và đục.

Hai nét ấy không tách rời nhau, đó đạo “âm dương hỗ căn” (âm dương muốn tồn tại phải dựa vào nhau – ND). Hai nét ấy mỗi nét đều có ngôi vị riêng, đó đạo “âm dương đối đãi” (âm dương đối lập – ND). Như nét phẩy ở bên trái mà không thể đổi sang bên phải, còn nét mác ở bên phải mà không thể đổi sang bên trái, đó là vì âm dương không thể lẫn ln.

Người viết nét phẩy ở bên trái, trước nặng tay rồi sau nhẹ tay, đó là vì muôn vật sinh ra từ “thủy”, tức là nghĩa “nam nữ cấu tinh”. “Dương khí” của trời và “âm tinh” của đất giao cảm với nhau, muôn vật đều hóa sinh từ khí Âm Dương. Viết nét mác bên phải, trước nhẹ tay sau nặng tay, đó là ý “hình sinh từ “khí” (khí tụ thành hình – ND). Hai nét phẩy và mác hợp thành chữ “Nhân”. Sách thuốc gọi là “bão” (ấp ủ, nuôi dưỡng), còn Chu Dịch gọi đó là “giao”: âm dương giao ắt sẽ Thái hòa.

Lại hãy lấy hình ảnh con người mà nói: Ở dưới mũi và trên miệng có một đường rãnh, trên đó có một huyệt gọi là “nhân trung”. Con người ta ở giữa trời đất. Dương khí của trời thông với mũi, âm tinh của đất thông với miệng. Trời nuôi dưỡng con người bằng năm thứ khí (ngũ khí) theo đường mũi vào. Đất nuôi sống con người bằng năm loại vị (ngũ vị) do miệng hấp thu. Huyệt ấy nằm ở khoảng giữa mũi và miệng nên có tên là huyệt “nhân trung”.

Từ nhân trung trở lên: Mắt, mũi, tai – đều hai lỗ cả, tức là số chẵn. Từ nhân trung trở xuống: Miệng và nhị tiện (lỗ tiểu tiện và lỗ đại tiện) – đều một lỗ cả, tức là số lẻ. Phía trên ba số chẵn, ứng với ba hào âm, hợp thành quẻ “khôn” (quẻ Dịch, biểu tượng của đất – ND). Phía dưới ba số lẻ, ứng với ba hào dương, hợp thành quẻ “càn” (quẻ Dịch, biểu tượng của trời – ND). Trời và đất giao hòa mà thành quẻ “thái” (quẻ thái có 3 hào âm ở trên, 3 hào dương ở dưới, nghĩa là do quẻ khôn và quẻ càn xếp chồng lên nhau mà thành – ND).

Như vậy, ngay cả hình thái bên ngoài của con người cũng phải phù hợp quy luật âm dương như trong trời đất, có phù hợp mới thành người được. Cái lý của sự sinh thành của con người, đạo làm người to lớn biết bao!

Thời nay, tôi từng gặp nhiều người làm thuốc, ngồi trên xe ngựa lộng lẫy, tự vỗ ngực là bậc lương y, mà không hiểu nổi có một chữ “nhân”.

Vị khách nghe xong, cười hể hả.

Xem ra, học làm thuốc phải bắt đầu từ một chữ “nhân”. Có thấu hiểu đầy đủ được ý nghĩa của chữ “nhân” mới xứng danh là một thầy thuốc.

Theo thuocvuonnha

Xem thêm: