Mới đây, đề xuất của Bộ Y tế về việc các cặp vợ chồng, cá nhân được tự quyết về thời gian, khoảng cách và số con đã chính thức được Hội đồng thẩm định dự án Luật Dân số của Bộ Tư pháp thông qua. 

Trao đổi với Vnexpress, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, phương án 1 sẽ được áp dụng rất linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài việc trao quyền tự quyết cho các cặp vợ chồng, Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con.

Các cặp vợ chồng được tự quyết định số con
Ảnh minh họa.

“Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Hiểu đúng phương án 1 là điều chỉnh số lượng con phù hợp với mức sinh thay thế (2,1 con) hay nới lỏng mức kiểm soát sinh”, Tiến sĩ Quang giải thích.

Ở mỗi giai đoạn, từng vùng, từng tỉnh thành sẽ có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Điều này đồng nghĩa giảm sinh ở những tỉnh có mức cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít.

Đề xuất này được kỳ vọng tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh. Đây là quy định mở, đáp ứng cho từng nhóm, từng vùng miền. Tất cả địa phương phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế chứ không để sinh thoải mái 3-4 con.

“Hạn chế đẻ 2 con cũng là một trong những sự hạn chế quyền con người. Trước đây, chính sách này phù hợp và rất tốt nhưng bây giờ thì không còn thích hợp nữa”, ông Quang nói.

Theo VTV, trước đó, dự thảo Luật Dân số đưa ra hai phương án mỗi cặp vợ chồng nên có 1 đến 2 con hoặc là tự quyết định số con, trong đó Bộ Y tế đã ủng hộ quyền sinh sản.

Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con, Nhà nước khuyến khích chỉ sinh đến 2 con.

Phương án 2: Quy định như là hiện hành sinh 1 hoặc là 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Bộ Y tế đã lựa chọn phương án 1, quy định quyền sinh sản thay vì quy định cụ thể về số con.

Dự án Luật dân số dự kiến trình Chính phủ vào quý 1 năm 2018; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2018 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2018. Dự thảo vừa được Bộ Y tế chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Phương Nam