Tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Dù ở nhóm tuổi nào, nếu không được điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên thì theo thời gian, sẽ gây ra những biến đổi hoạt động chức năng của nhiều cơ quan, tổ chức để hình thành bệnh lý khác. Trong đó, các thay đổi ở hệ tim mạch mang lại hậu quả nặng nề nhất.

Bệnh tăng huyết áp (THA) ở người cao tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, chỉ khoảng 5% có nguyên nhân. Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa xảy ra sẽ làm biến đổi hoạt động chức năng của các cơ quan, tổ chức, bộ máy cần thiết giúp duy trì sự sống nên một số bệnh lý có thể xảy ra.

Ở người trẻ, tỷ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Nguyên nhân chủ yếu như: bệnh lý mạch máu ở thận, bệnh lý nhu mô thận, bệnh lý cơ quan nội tiết và một số bệnh lý mạch máu khác… Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động), dùng nhiều rượu, bia, béo phì, stress, ăn quá mặn. Những yếu tố nguy cơ này sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh trầm trọng hơn khi đã mắc.

Sự lão hóa của hệ tim mạch ở người cao tuổi

Biến đổi ở tim

Thực tế nếu người cao tuổi không có bệnh lý gì kèm theo thì khối lượng nặng của cơ tim thường giảm đi theo tuổi tác, hệ tuần hoàn nuôi tim cũng giảm hiệu lực làm ảnh hưởng đến sự dinh dưỡng của cơ tim. Trên lâm sàng, sự biến đổi ở tim trái rõ hơn tim phải. Nhịp tim thường chậm hơn lúc còn trẻ do giảm tính linh hoạt của xoang tim. Khi tuổi càng tăng cao, sẽ có suy giảm tim tiềm tàng, giảm dẫn truyền trong tim. Lượng máu cung cấp cho các cơ quan, đặc biệt là cho tim và não bị gảm dần.

Khi tuổi càng tăng cao, sẽ có suy giảm tim tiềm tàng, giảm dẫn truyền trong tim. (Ảnh: axzonshomecare.com)

Biến đổi ở mạch máu

Ở người cao tuổi thường thấy các động mạch nhỏ ngoại biên có đường kính hẹp lại, làm giảm lượng máu cung cấp cho các mô tế bào, làm tăng sức cản, hậu quả là tim phải tăng sức bóp nên bị tiêu hao nhiều năng lượng hơn, thường phải tăng đến khoảng 20% so với lúc còn trẻ. Tình trạng xơ cứng động mạch chủ cũng rất phổ biến. Tĩnh mạch giảm trương lực và độ đàn hồi, do đó dễ giãn ra. Sự tuần hoàn mao mạch giảm hiệu lực do mất một số mao mạch, đồng thời tính phản ứng bù trừ của số mao mạch còn lại cũng giảm đi.

Các bệnh lý tim mạch thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp

Suy tim

Suy tim hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện ở các bệnh nhân trên 65 tuổi, và tỷ lệ bị suy tim đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Với phụ nữ và nam giới khoảng 40 tuổi, nguy cơ bị suy tim khoảng 20% trong những năm còn lại của cuộc đời, một con số cao đáng ngạc nhiên. Nguy cơ tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới có THA so với những người có huyết áp bình thường. 90% số trường hợp mới bị suy tim có tiền sử bị THA.

Suy tim do tăng huyết áp là quá trình diễn ra thầm lặng trong khoảng thời gian dài (nhiều năm). Huyết áp tăng lên khiến tim phải bơm máu vào các động mạch dưới áp lực cao. Do vậy, tim phải tăng lực co bóp, thành cơ tim dày lên theo thời gian, tim sẽ bị phì đại, làm thay đổi cấu trúc của các buồng tim. Cấu trúc tim thay đổi cộng với sự dày lên của thành mạch máu là hệ quả của bệnh tăng huyết áp sẽ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và tăng khả năng tích tụ cholesterol tại động mạch vành.

Từ đó, chức năng tim và hệ thống dẫn truyền của tim gặp phải hàng loạt rối loạn gây ra những cơn đau tim thường xuyên, nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết…

(Ảnh: shutterstock.com)

Phì đại thất trái

Là biến chứng rất hay gặp ở người bị tăng huyết áp lâu ngày, người lớn tuổi, béo phì và người có huyết áp tăng cao không kiểm soát, chiếm tỷ lệ 10 đến 20%.

Huyết áp tăng làm tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm cơ tâm thất trái bị phì đại. Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong ở người bệnh tăng huyết áp.

Rung nhĩ

Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn đẩy máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ. Lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường tại đây gây rung nhĩ. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ “rung” với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim. Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp.

Bệnh động mạch vành (ĐMV)

Khi huyết áp tăng cao, thành cơ tim bị dày lên, khối lượng cơ tim tăng lên, các động mạch vành không thích nghi được, do đó lượng máu tới nuôi dưỡng cơ tim không đủ. Huyết áp cao khiến áp lực lên thành mạch tăng lên, theo thời gian sẽ gây tổn thương thành mạch, mất tính đàn hồi của thành mạch, làm tăng quá trình xơ vữa, hẹp động mạch vành nuôi tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy cứ tăng mỗi 20mmHg huyết áp tâm thu và/hoặc tăng mỗi 10mmHg huyết áp tâm trương thì tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.

Khuyến cáo chính thức trong điều trị bệnh nhân THA có bệnh ĐMV là mục tiêu điều trị huyết áp dưới 140/90mmHg, trong khi giảm HA nhiều hơn có lợi hay gây hại còn đang là vấn đề gây tranh cãi.

(Ảnh: mayoclinic.org)

Phình, bóc tách động mạch chủ

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.

Có tới 80% bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ có THA. Cơ chế gây phình tách động mạch chủ bao gồm kết hợp cả tác động của sóng mạch tăng và tiến triển của vữa xơ động mạch. Huyết áp càng tăng thì bệnh nhân càng có nguy cơ bị phình tách động mạch.

Bệnh mạch máu ngoại biên

THA là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch máu ngoại biên. Một nghiên cứu cho thấy yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là tuổi tác, sau đó là huyết áp và hút thuốc lá. Việc phát hiện bệnh mạch máu ngoại biên nhắc nhở chúng ta cần phải tìm các bệnh vữa xơ động mạch ở các bộ phận khác, ví dụ như trong các bệnh nhân có bệnh mạch máu ngoại biên thì có tới 60% có bị vữa xơ nặng động mạch vành, bệnh mạch máu não, hay cả hai. Trong khi đó có tới 40% bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hay bệnh mạch máu não có bệnh mạch máu ngoại biên.

(Ảnh: healthline.com)

Tai biến mạch máu não

Đột qụy là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nước ta cũng như trên toàn thế giới. Là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu hụt thần kinh vĩnh viễn ở người trưởng thành và là một nguyên nhân quan trọng làm bệnh nhân phải nhập viện cũng như cần phải chăm sóc lâu dài tại nhà. Tỷ lệ tử vong do đột qụy đã giảm đi trong những năm gần đây nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt di chứng do đột qụy rất trầm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

THA là nguyên nhân chủ yếu gây đột qụy. Khoảng 50% trường hợp đột qụy là do THA, huyết áp càng tăng thì nguy cơ bị đột qụy càng cao. Người bị THA có nguy cơ bị đột qụy cao gấp 3 – 4 lần so với người có huyết áp bình thường, ngay cả những người có chỉ số huyết áp ở giới hạn cao của bình thường 130/86mmHg cũng có nguy cơ bị đột qụy tăng gấp 1,5 lần.

BS. Thu Trang