Sau khi bị đơn phương cắt hợp đồng đầu năm học 2019-2020, gần 90% giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây được nhà trường mời thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/tiết.

Sau hơn 3 tháng kể từ ngày bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, công việc của thầy Nguyễn Viết Tiến – người giáo viên có 17 năm công tác vẫn rất long đong, lận đận. Thầy Tiến chia sẻ trên trang Giáo Dục Việt Nam: Sau khi thị xã Sơn Tây đơn phương chấm dứt hợp đồng với toàn bộ giáo viên hợp đồng trong huyện, gần như 90% số giáo viên này được mời hợp đồng thỉnh giảng.

Thầy Tiến hiện đang thỉnh giảng tại trường 12 tiết/ tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm. Số tiền này chỉ bằng ¼ số tiền trả cho 1 công phụ hồ/ ngày (khoảng 200.000 đồng). 

Không chỉ có thầy Tiến mà gần như 90% giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây cũng đang thỉnh giảng với mức thu nhập như vậy. Đáng nói, trong khi các trường đều thiếu giáo viên để giảng dạy thì số giáo viên hợp đồng lại bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ đầu năm học. Điều này gây khó khăn rất lớn cho chính các trường và cho cuộc sống của nhiều thầy cô.

Thầy Nguyễn Viết Tiến tâm sự: “Cuối cùng người chịu khổ nhất vẫn là giáo viên. Trong 17 năm tôi công tác tôi không được tăng lương, không được phụ cấp hay chế độ gì. Mức lương giáo viên nhận được cũng chỉ bằng mức lương cơ bản. Trong khi tôi vẫn là giáo viên dạy giỏi và được nhà trường phân công ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Khi chúng tôi công tác đã chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp. Nay bị cắt hợp đồng trước khi có cơ hội được xét đặc cách. Nhà trường thiếu giáo viên lại thuê chúng tôi thỉnh giảng với mức công rẻ mạt như vậy.  Như vậy đến thời điểm này chúng tôi chịu thiệt đơn, thiệt kép: Lương thấp, nguy cơ cao không được xét đặc cách, bị cắt hợp đồng, bị mời thỉnh giảng, danh không có, phận cũng không. Tôi tự hỏi đến bao giờ giáo viên hợp đồng mới hết khổ?”.

Hiện tại các trường giải quyết bằng cách “thuê lại” với mức thu nhập 50.000 đồng/tiết (ảnh: Vietnamnet).

Theo thông tin phóng viên Giáo Dục Việt Nam có được: Hiện nay tại một số huyện, thị xã như Phúc Thọ, Hoài Đức, Sơn Tây… nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng. Trong khi đó giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn chưa được đóng bảo hiểm.

Nếu căn cứ theo công văn số 3037/SNV-XDCQ, số giáo viên này sẽ không được xét đặc cách. Trong công văn nêu rõ điều kiện xét đặc cách bao gồm tiêu chí: Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Như vậy đối với giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm và bị cắt hợp đồng sẽ không đủ điều kiện. Trong khi đó trên danh nghĩa số giáo viên này vẫn hàng ngày miệt mài công tác như một giáo viên bình thường nhưng điều đáng buồn là họ không được công nhận.

Thầy Nguyễn Viết Tiến đặt câu hỏi: “Nếu các trường thiếu giáo viên tại sao còn cắt hợp đồng của chúng tôi ngay trước năm học mới. Sau đó lại thuê chính chúng tôi về để dạy. Đến nay khi xét đặc cách có thì chúng tôi lại không đủ tiêu chuẩn. Mà việc ký hay cắt hợp đồng không do giáo viên quyết định mà là một quyết định đơn phương”.

“Thật sự chua xót khi phải thỉnh giảng và đếm từng tiết dạy mỗi tuần tại chính ngôi trường mà mình đã gắn bó suốt gần 20 năm. Nhưng chúng tôi vẫn còn chấp nhận, bởi chúng tôi quá yêu nghề, mến trẻ. Và cũng có thể, chúng tôi đang mong đợi một tia hy vọng nào đó từ phía các cấp lãnh đạo, để những giáo viên đã cống hiến thanh xuân như chúng tôi không bị thiệt thòi”, thầy Tiến nhấn mạnh.

Một trường hợp khác tại huyện Ba Vì, thầy Phùng Đức Tăng, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán – Tin tại trường THCS Phú Sơn, cũng đã phải chạy theo rất nhiều nghề lao động chân tay sau khi bị “cắt” hợp đồng.

Thầy Phùng Đức Tăng chạy theo nhiều nghề lao động chân tay để trang trải gia đình (ảnh: Người Đưa Tin).

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, thầy Tăng cho biết trên báo Người Đưa Tin, thầy đang phụ việc nhôm kính để có thu nhập: “Huyện Ba Vì chúng tôi có 341 giáo viên hợp đồng thì chỉ có hơn 100 giáo viên mầm non được giữ lại, còn hơn 200 giáo viên bậc tiểu học và THCS đều ngậm ngùi rời bục giảng khi bị “cắt” hợp đồng.

Trong đó, chỉ có một số ít các thầy cô được các trường mời dạy thỉnh giảng, còn như chúng tôi, hoàn toàn thất nghiệp, chỉ còn biết “chạy đua” với đủ nghề bên ngoài, ai thuê gì thì làm đó, từ sửa điện nước, đến làm nhôm kính, hàn xì… để trang trải cuộc sống. Mà đây cũng đâu phải nghề mà tôi được học hỏi gì từ trước, đang từ cầm phấn chuyển sang tay ngang, cầm cờ lê, tua vít… nhưng vẫn phải cố gắng”.

Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, một giáo viên THCS tại huyện Ba Vì cũng thỉnh giảng 10 tiết/tuần môn Tiếng Anh tại trường, sau suốt 18 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Sau hàng chục năm “trồng người”, những người thầy, người cô ấy trở thành thất nghiệp, từng ngày đang phải “vật lộn” với cuộc sống thật khó khăn và chờ đợi có một tia hy vọng để nối duyên với nghề.

Video xem thêm: Điều gì đã làm nên những vũ công chuyên nghiệp hàng đầu thế giới?

videoinfo__video3.dkn.tv||5bb74ccc6__