Trong dân gian lưu truyền một câu nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Có quan điểm cho rằng câu nói này xuất phát từ “văn hoá truyền thống” vốn đặt mọi trách nhiệm nuôi dạy con trẻ lên người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, khi khảo cứu văn hoá truyền thống phương Đông chân chính, chúng tôi nhận ra một sự thật tốt đẹp hơn…

Thiên chức của người phụ nữ là nuôi dạy con cái

Napoléon nói: “Tương lai của con là công trình của mẹ”. Một đứa trẻ có được thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn lương thiện chính trực là nhờ phần lớn vào công lao dạy dỗ của người mẹ. Có thể nói, nuôi dạy con cái là thiên chức, cũng là vinh dự lớn lao của người phụ nữ.

Trong tiếng Hán, chữ “Hảo” (好) nghĩa là tốt lành, may mắn, ví như: hảo sự (việc tốt), hảo ý (ý tốt). Chữ “Hảo” này do hai ký tự ghép thành: một người phụ nữ (女) đứng bên cạnh một đứa trẻ (子). Có thể nói, theo quan niệm của người xưa, hình ảnh người phụ nữ bồng con, nuôi dạy đứa con của mình là một bức tranh tươi đẹp mỹ hảo nhất.

Trong lịch sử có ghi chép không ít câu chuyện “hiền mẫu sinh hiền thần”, mà mẹ của Mạnh Tử là một trong số đó.

Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?”. Mạnh mẫu nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói nhỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Có một hôm Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Mẹ ông đang ngồi dệt bên khung cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Sau này, Mạnh Tử trở thành một bậc đại hiền, được người đời tôn làm “Á Thánh” của Nho gia, mà công lao to lớn thuộc về người mẹ nhân đức trí tuệ của ông.

Xoay trở lại mà nói, nếu đứa con trở nên biếng nhác, gian dối, hẹp hòi, thì người mẹ khó chối bỏ trách nhiệm. Trong gia đình, ngoài cha mẹ còn có ông bà, vậy nên nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thiết nghĩ cũng không có gì quá phận.

Theo quan niệm của người xưa, hình ảnh người phụ nữ bồng con, nuôi dạy đứa con của mình là một bức tranh tươi đẹp mỹ hảo nhất (ảnh: vietvanhoctro.com).

Cha là người soi đường chỉ lối cho con

Nếu mẹ là suối nguồn mát trong mãi chẳng bao giờ vơi cạn, thì cha là vầng thái dương ấm áp soi đường chỉ lối cho con. Trái với quan niệm cho rằng văn hoá truyền thống đổ mọi trách nhiệm nuôi con lên người phụ nữ, thực ra, vai trò giáo dục con cái của người cha cũng được nhấn mạnh trong các thư điển truyền thống.

“Tam Tự Kinh” là một kinh điển nổi tiếng, được sử dụng trước tiên trong giáo dục tại gia trong suốt triều Tống. Mỗi câu trong “Tam Tự Kinh” chỉ có 3 chữ, dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng mang chở những đạo lý sâu sắc. Trong “Tam Tự Kinh” có đoạn:

“Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá,

Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa.

Tử bất học, Phi sở nghi,

Ấu bất học, Lão hà vi.”

Dịch nghĩa:

“Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha,

Dạy trò mà không nghiêm, là do thầy bê trễ.

Con trẻ không học tập, là điều không nên,

Lúc còn nhỏ không học, khi già biết làm gì?”

Người cha cũng là người đóng góp chủ yếu trong việc nuôi dạy trẻ (ảnh: Getty Images).

Qua việc nói rõ: “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha”, tác phẩm khẳng định rằng cả cha và mẹ đều có nghĩa vụ, trách nhiệm giáo dục con cái thành người hiền đức, thông hiểu lễ nghi.

Quả thực, người cha trong xã hội truyền thống luôn là tấm gương về đạo đức cho con cái. Trong lịch sử, Gia Cát Lượng (181 – 234) là bậc anh hùng cái thế, chí tại thiên hạ, nhưng ít ai biết ông cũng là một người cha, người ông luôn chăm do dạy bảo con cháu. Gia Cát Lượng viết riêng một lá thư cho con trai Gia Cát Kiều (“Giới tử thư”), một lá thư cho cháu trai để khuyên nhủ đạo làm người. Trong “Giới tử thư” có đoạn:

“Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung thì không thể phấn khởi tinh thần. Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?”

Một người cha nổi tiếng khác trong lịch sử là Tăng Tử (505-432 TCN), một trong những học trò lỗi lạc của Đức Khổng Tử. “Tăng Tử làm thịt heo” là câu chuyện mô tả việc Tăng Tử đã dạy dỗ con trai mình về tính trung thực bằng cách giữ lời hứa.

Một ngày nọ, vợ của Tăng Tử đi ra chợ. Cậu con trai của ông vừa đi theo mẹ vừa quấy khóc. Bà vợ cảm thấy rất khó chịu và muốn đứa trẻ đi về nhà, nên bà nói: “Con quay về đi – rồi mẹ sẽ làm thịt heo cho con ăn”.

Vợ Tăng Tử trở về nhà sau khi đi chợ và Tăng Tử đã lấy con heo ra giữa sân để mổ thịt. Khi ông chuẩn bị xuống tay giết con heo thì vợ ông ngăn lại và nói: “Tôi chỉ nói vậy để dỗ dành con thôi; đừng nghiêm trọng hóa nó lên”.

Tăng Tử không tán thành nói:

“Không có trò đùa nào cho cha mẹ dùng để hứa với con của họ. Trẻ con vẫn chưa có khả năng nhận thức đúng đắn, và chúng sẽ học từ cha mẹ. Chúng sẽ làm theo sự chỉ bảo của cha mẹ. Nếu bà lừa dối thằng bé, sau đó bà sẽ dạy thằng bé cách lừa dối. Nếu người mẹ mà lừa dối một đứa trẻ, thì đứa trẻ đó sẽ không còn tin mẹ nó nữa”. 

Trẻ con là bản sao của cha mẹ, vì vậy những hành động của cha mẹ luôn được bé học hỏi theo (ảnh: Đăng Trần)

Cha và mẹ đều cần là người làm vườn cần mẫn

Có người ví đức hạnh như rễ cây, còn tài năng và danh tiếng như thân cây và cành lá. Một người có nhiều tài năng và danh tiếng như một cái cây cao, xum xuê cành lá, nếu không có một bộ rễ chắc khoẻ thì càng dễ đổ. Nuôi dạy con trẻ cũng như vun trồng một cái cây, rễ có vững thì cây mới cao, con trẻ có đức hạnh cơ bản làm người thì tài năng, danh tiếng sau này mới có ý nghĩa.

Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử về phẩm đức của một người toàn tài. Khổng Tử nói “Chỉ cần nhìn thấy lợi thì trước hết hãy nghĩ đến nghĩa, gặp việc nguy nan không tiếc thân mình, lời hứa ngày thường dù lâu cũng không bao giờ quên, được như vậy xem như là một người toàn tài rồi”. Khổng Tử nói về người toàn tài, dường như lại đang nói về người đức hạnh.

Mà giáo dục trong gia đình lại là khởi nguồn của mọi đức hạnh, cũng chính là “cội rễ của cội rễ”. Cha và mẹ đều cần phải là người làm vườn cần mẫn, không quản khó nhọc mỗi ngày thì nhất định sẽ thu được trái ngọt về sau.

Bạn đang đọc bài viết: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà: Có thật vậy chăng?” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__