Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những câu chuyện mang tính huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ. Các tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của con người phương Tây. Do vậy, muốn hiểu về văn hóa phương Tây, nhất thiết phải tìm hiểu về Thần thoại Hy Lạp. Ngày nay, người ta thường biết đến mảng đề tài này chủ yếu qua những lời kể rải rác trong các câu chuyện cổ của Hy Lạp.

Chuyên mục Văn Hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết về chủ đề Thần thoại Hy Lạp thông qua hình thức biểu đạt độc đáo: Tiểu thuyết chương hồi, ngõ hầu giúp bạn đọc tiếp cận, khám phá các tích truyện và nhân vật của Thần thoại Hy Lạp dưới một lăng kính mới mẻ, thú vị hơn.

Ban biên tập rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi từ quý độc giả để bài viết của chúng tôi ngày càng thêm hoàn thiện.

Kỳ 2: Chiến công trong nôi của Heracles

Hermes lo lắng đi đi lại lại trên đỉnh Olympus. Sáng nay, Zeus vừa yêu cầu chàng làm một việc mà chàng không muốn. Thực ra, nếu là trước đây thì Hermes còn khoái chí nhảy cẫng lên đi làm là đằng khác. Nhưng Hermes ngày nay có cái đầu đã bớt nóng và hành sự thận trọng trầm ổn hơn rồi. Tuy vậy, cái tiếng Hermes “vua trộm” đã truyền khắp dân gian và cả cõi Thiên đình. Phiền thay, Zeus đang nhắm vào bản lĩnh ấy của chàng cho nhiệm vụ lần này.

Kể ra việc này cũng chẳng có gì khó. Hermes chỉ cần bế Alcide, con của Zeus, là một trong hai đứa trẻ mà Alcmene sinh ra – mang lên Thiên đình để cho nó bú sữa Hera. Điều ấy đảm bảo cho Alcide trở thành bất tử. Có vậy anh chàng mới đảm đương được sứ mệnh tiêu diệt Gigantos.

Hermes bất giác mỉm cười, chàng nhớ về thời niên thiếu của mình với các trò nghịch ngợm bao phen khiến các vị Thần dở khóc dở cười. Khi còn là một chú nhóc quấn tã, chàng đã ‘xoáy’ cả đàn bò của Apollon mà ông anh đành chịu chết không tìm được. Càng lớn, Hermes càng khôn ngoan tinh quái. Có lần Hermes nảy ra ý định ăn trộm cây vương trượng bằng vàng của phụ vương Zeus – một biểu tượng quyền lực của ngài. Anh chàng giấu biến đi khiến cho Thiên đình Olympus náo loạn lung tung một phen, rồi lại lén đặt cây trượng vào chỗ cũ. Zeus đoán được thủ phạm nhưng ngài lại cười khà khà mà không truy cứu, vì ngài biết thằng con nghịch ngợm chỉ đang khám phá năng lực bản thân mà không có ác ý. Nghịch chán trên Thiên đình Olympus, Hermes lại xuống biển ‘xoáy’ cây đinh ba của ông bác Poseidon. Đến khi ông bác muốn ra oai tạo bão tố sóng thần thì hỡi ôi, cây đinh ba đã biến mất tăm mất tích. Rồi đến lượt anh trai của chàng là Ares – Thần chiến tranh, có lần sờ đến gươm thì chỉ còn mỗi vỏ. Ông anh Apollon bị trêu chọc đến hai lần, lần trước thì bị trộm bò, lần này bị trộm cả cung và tên… Các vị Thần lúc đầu khá bực mình, họ rủa: “Lại cái gã Hermes quỷ sứ!” Nhưng sau lại thấy buồn cười vì những trò đùa vô hại của anh chàng tinh nghịch. Hermes cũng ngay lập tức trả lại đồ vật cho các Thần với nụ cười hết sức dễ thương. Người ta dần dần đã quen với những trò đùa của Hermes. Nhưng lần này thì…

Hera đang ghen. Cho Alcide bú trộm Hera là Hermes sẽ đắc tội với bà. Dù lệnh ấy là của Zeus nhưng có lúc “lệnh ông không bằng cồng bà”. Dẫu sao, Hera có quyền lực chỉ đứng sau Zeus trong thế giới các Thần tối cao ở Olympus. Đó là điều làm Hermes băn khoăn nãy giờ.

“Thôi, mặc kệ. Mình phải nghĩ đến cho việc lớn của Thiên đình và loài người hơn là phiền toái của bản thân. Nếu Hera mà nổi giận, thì ta sẽ dông tuốt xuống địa ngục ở với thần Hades hay xuống biển với Thần Poseidon, hay chốn nào đó mà chỉ có ta biết. Hera làm sao bì được với ta khoản này. Rồi êm chuyện thì ta lại về”.

Suy nghĩ kĩ Hermes quyết định sẽ làm theo lời cha. (Ảnh minh họa: haikudeck.com)

Thế là Hermes lẹ làng xỏ chân vào chiếc dép có cánh bay xuống cung điện của Amphitryon. Chàng dùng cây gậy Thần trỏ vào Alcmene và các nhũ mẫu trông nom hai cậu bé Alcide và Iphicles, vậy là họ lăn kềnh ra ngủ. Khi đã bị gậy Thần có cánh của Hermes trỏ vào thì cả Thần cũng phải ngủ nữa là người! Chàng tức tốc ôm Alcide bay lên thiên đình.

Hera đang trang điểm. Vị nữ Thần của hôn nhân và hạnh phúc gia đình ngắm mình trong gương thoáng vẻ tự hào. Người phụ nữ trong gương có mái tóc đen nhánh như than đá làm nổi bật lên nước da trắng muốt và mịn màng như mỡ đông. Đôi môi đẹp không hề trang điểm mà lúc nào cũng đỏ thắm như màu hoàng hôn. Còn đôi mắt thì thực sự là hai ngôi sao mới mọc, nó lóng lánh mơ màng tình tứ. Bất giác bà cảm thấy chua xót. “Nghìn năm, vạn năm nữa ta vẫn là Hera yêu kiều trẻ trung xinh đẹp, mà sao có kẻ đầu gối tay ấp vẫn bỏ ta đi tìm những niềm vui mới lạ. Mỉa mai thay, ta lại là vị Thần quyết định hôn nhân và hạnh phúc gia đình”.

Bà nghĩ đến những cơn ghen kinh khủng của mình với những tình nhân trước đây của Zeus. Nào là với I-o, con gái Thần sông Inachos; với hoàng hậu Libya; với Leto, mẹ của Thần Apollon và Artemis, đó đều là những lần bà không kiểm soát được bản thân. Hình như có một sinh mệnh nào đó có tên là Đố Kỵ khiến bà không thể kìm được giận dữ trước các tình địch. Cũng như có một sinh mệnh duy nhất có thể kiểm soát Zeus, đó là thói trăng hoa.

Nhưng lần này có vẻ như Zeus đã đúng. Bà đã không nhìn về đại cuộc. Hera thở dài, ngồi trên giường tư lự. Hình như đâu đây có tiếng sáo trời du dương, thanh thản, bình hòa nhẹ nhàng an ủi bà hãy bình tâm. Hera quyết định sẽ làm lành với Zeus và giúp đứa con mới sinh của ông chồng thực hiện sứ mạng của nó… trước khi chìm vào giấc ngủ.

Một bóng người lẹ làng tiến vào giường ngủ của Hera, trên tay ôm một vật gì đó, anh ta khẽ khàng đặt vật đó xuống chân giường. Đó chính là Hermes và chú bé Alcide. Chú bé thật mập mạp, hồng hào và xinh đẹp, nhưng chú có vẻ ít lời hơn các bạn cùng tuổi. Chú đang đói và bình sữa tự nhiên thì ở ngay trước mặt. Alcide lồm cồm bò tới rúc vào lòng Hera như rúc vào lòng mẹ. Và mắt chú lim dim mơ màng hưởng thụ những dòng sữa ngọt ngào vô tận từ một nữ Thần bảo hộ, chăm sóc trẻ em. Còn Hera thì vẫn ngủ, Hermes đã thổi sáo thì đến cả khổng lồ 100 mắt Argus còn phải nhắm hết mắt lại mà ngủ kia mà!

Thế là, Hermes không phải sử dụng đến gậy Thần. Tuy nhiên, có lẽ chàng đã hơi chủ quan. Giá mà dùng gậy Thần thì Hera đã ngủ say như chết. Nhưng cảm giác nặng nề trên ngực khiến bà choàng tỉnh dậy, nhìn chằm chằm vào chú bé háu đói đang rít lấy rít để những dòng sữa quý giá và chợt hiểu ra âm mưu của Zeus. Hera hất văng Alcide ra góc giường. Alcide bú gần no rồi. Chú không khóc, chỉ trố mắt nhìn Hera và dòng nước trắng đục văng khắp bầu trời biến thành một dòng sông màu trắng sữa. Sau này, người ta gọi nó là Ngân Hà. Hermes nhanh chóng chạy vào ôm Alcide bay vụt đi mất, để lại Hera trong nỗi giận hờn bẽ bàng của một đệ nhất phu nhân bị phụ bạc.

Cảm giác nặng nề trên ngực khiến Hera tỉnh dậy, bà hất văng Alcide ra, dòng nước trắng đục văng khắp bầu trời biến thành một dòng sông màu trắng sữa. (Ảnh minh họa: fineartamerica.com)

Khi Hermes quay lại cung điện của Amphitryon thì mọi người vẫn ngủ lăn ngủ lóc. Chàng đặt lại Alcide vào trong nôi cùng với Iphicles rồi lập tức quay ngược đầu gậy trỏ vào Alcmene và các nhũ mẫu. Rồi chàng vắn tắt truyền lệnh của Zeus rằng: Từ nay đứa trẻ sẽ không còn tên là Alcide – tức “người hùng cường tráng” mà sẽ là Heracles – tức “vinh quang của Hera”. Tất nhiên, ai nấy đều biết Hermes là vị Thần đặc phái viên của Zeus và phát ngôn viên của thiên đình Olympus nên họ kính cẩn lắng nghe dù không hiểu lắm nguyên nhân của sự việc.

Trưa hôm sau.

Nàng Alcmene xinh đẹp dịu dàng vừa cho hai chú bé Heracles và Iphicles bú no. Nàng âu yếm nhìn hai thiên thần bé nhỏ mới được 10 tháng tuổi. Chúng là anh em sinh đôi mà sao chẳng giống nhau chút nào hết. Iphicles phát triển như một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, nhưng nàng chưa bao giờ thấy một đứa bé kỳ lạ như Heracles. So với anh trai, chú ít lời hơn và chẳng bao giờ khóc. Chú cũng cực kỳ khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi, Alcmene phải hết sức khó khăn mới bắt được chú ngồi yên trong nôi vì chú luôn muốn bò ra ngoài thám hiểm thế giới. Trong đôi mắt xanh trong veo kia tưởng như ẩn chứa nghị lực tiềm tàng của một chàng dũng sĩ trong tương lai.

“Ngủ đi nhé, hai thiên thần của mẹ”. Alcmene thì thầm và bước ra ngoài phòng. Đã đến bữa trưa.

Alcmene vừa đi khỏi thì trong gầm giường có một âm thanh xì xì cất lên. Từ đó nhô ra hai cái đầu tam giác của một cặp hổ mang chúa to cỡ cổ tay của Heracles. Hai cái đầu ngẩng cao, đôi mắt thao láo nhìn hai đứa trẻ và cặp lưỡi chẻ đôi đen nhánh thò ra thụt vào liên tục đầy đe dọa.

Chúng nhanh chóng trườn vào trong nôi. Iphicles sợ hãi khóc thét lên. Từ trên Thiên đình, Hera tay khoanh trước ngực nhìn xuống lạnh lùng. Bà yên tâm quay đi. Vậy là xong. Chân dợm bước nhưng để chắc chắn, Hera vẫn muốn nhìn thấy phút lâm chung của đứa con kẻ tình địch. Bà lại ngoảnh đầu lại.

Bằng linh cảm người mẹ, Alcmene cảm thấy một nỗi sợ hãi khiến nàng lạnh toát cả người. Không kịp gọi nhũ mẫu, nàng cuống cuồng chạy vào phòng ngủ. Nhưng chuyện gì thế kia! Ở một góc nôi, Iphicles đang gào lên hoảng hốt, mũi dãi đầm đìa. Còn Heracles đang ngồi thẳng lưng, chân khoanh lại, hai bàn tay bóp chặt cổ cặp hổ mang chúa đang quằn quại. Chúng quấn vào hai tay cậu bé xiết chặt, nhưng Heracles nhất quyết không buông. Rồi hai cuộn chão màu xanh đen như thép ấy lỏng dần, lỏng dần rồi xuội xuống. Heracles buông rơi hai con rắn xuống đất đánh “bạch” một cái, đôi mắt trong veo bình thản nhìn mẹ Alcmene đang sững sờ không thể tin nổi vào những gì đang xảy ra trước mắt mình!

Lúc ấy, ở trên Thiên đình, cũng có một vị khác đang sững sờ và cay đắng.

(Còn tiếp…)

Bình Nguyên