Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những câu chuyện mang tính huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ. Các tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống, tín ngưỡng của con người phương Tây. Do vậy, muốn hiểu về văn hóa phương Tây, nhất thiết phải tìm hiểu về Thần thoại Hy Lạp. Ngày nay, người ta thường biết đến mảng đề tài này chủ yếu qua những lời kể rải rác trong các câu chuyện cổ của Hy Lạp.

Chuyên mục Văn Hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết về chủ đề Thần thoại Hy Lạp thông qua hình thức biểu đạt độc đáo: Tiểu thuyết chương hồi, ngõ hầu giúp bạn đọc tiếp cận, khám phá các tích truyện và nhân vật của Thần thoại Hy Lạp dưới một lăng kính mới mẻ, thú vị hơn.

Ban biên tập rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi từ quý độc giả để bài viết của chúng tôi ngày càng thêm hoàn thiện.

Kỳ 1: Truyền thuyết về sự ra đời của người anh hùng Heracles

Zeus bàn tay chống cằm, khuỷu tay ngài tựa lên tay vịn của chiếc ngai vàng đồ sộ làm từ gỗ tuyết tùng, trên có khảm ngà voi, vàng và đá quý lộng lẫy. Những lọn tóc ngài trắng tinh cuộn thành búp mềm mại rủ xuống hai má, gần như hòa lẫn vào những búp râu cũng trắng tinh che kín gần nửa khuôn mặt dưới, chỉ để hở khuôn miệng vuông vức với đôi môi dày cương nghị. Nổi bật trên khuôn mặt đẹp như tượng tạc với sống mũi thẳng và vầng trán rộng là đôi mắt sáng, trong như pha lê và xanh thăm thẳm như nước biển Aegea. Đôi mắt với ánh nhìn uy nghiêm vẫn thường khiến cho các Thần e dè, giờ đây đầy vẻ trầm tư xa vắng.

Ngồi hầu bên Zeus là một chàng trai khôi ngô có râu quai nón với vóc người cường tráng cân đối. Chàng có đôi mắt màu xám thép đầy linh hoạt, ấy là khung cửa sổ mà thi thoảng người ta thấy lọt ra những tia sáng của cả một biển mưu kế bên trong đầu óc chàng. Trên đầu chàng đội một chiếc mũ rộng vành bằng da dê. Chàng đi đôi dép có đôi cánh Thần. Bên cạnh chàng là một cây gậy nạm vàng có đôi rắn quấn quanh, trên đỉnh gậy, phía trên đầu rắn cũng là một đôi cánh bằng vàng. Chàng đang ôm cây đàn Lyre có khung làm bằng gỗ vân sam khảm xà cừ và đá quý. Những ngón tay búp măng thon dài hồng hồng giữ một mảnh vảy cá đang nhẹ lướt trên dây đàn óng ánh màu hổ phách khiến những âm thanh trong lành ấm áp, êm như nước, nhẹ như gió, thánh thót ngân vang khắp cung điện của Zeus trên đỉnh Olympus. Đó là Thần Hermes, con trai của Thần Zeus và nữ Thần Maia.

Hai vị Thần này đang ngồi trong cung điện làm toàn bằng đồng đỏ rực và vàng chói lọi. Trên những hàng cột hùng vĩ là những bức phù điêu khắc họa khung cảnh từ khi khai thiên lập địa cho đến cuộc chiến 10 năm của các vị Thần Olympus với các Titan. Cung điện nguy nga ấy nằm dưới vòm trời mênh mông sáng láng và trong xanh che trên đỉnh núi Olympus. Nơi đây quanh năm mát mẻ tinh khôi trong mùa xuân vĩnh cửu. Ánh nắng ở đây mềm dịu như nhung và vàng như mật ong, chẳng bao giờ gây sạm đen hay bỏng rát làn da nõn nà của các vị Thần như ở dưới cõi trần.

Hai vị Thần này đang ngồi trong cung điện hùng vĩ giữa trời đất. (Ảnh minh họa: ageofempires.com)

Bỗng nghe tiếng Zeus vang rền như tiếng sấm mùa xuân:

– Hỡi Thần Hermes khôn ngoan, con trai ta, ngươi có nhớ về trận chiến của chúng ta với các Titan hay không?

Từ tốn đặt cây đàn Lyre sang bên cạnh, Hermes trả lời:

– Muôn tâu phụ vương Zeus, Thần tạo ra sấm sét, chúa tể của các vị Thần, con làm sao quên được cuộc giao tranh 10 năm rung chuyển cả đất trời ấy. Chúng ta đã thắng, các Titan đã bị tống xuống địa ngục của thần Tartarus. Atlas cũng bị bắt phạt phải gánh đỡ bầu trời. Nhưng đất trời cũng tan nát thảm thương khiến chúng ta tốn bao công sức khôi phục lại. Con thật không thể tưởng tượng được chúng ta và con người sẽ ra sao nếu việc ấy xảy ra một lần nữa.

– Đó chính là việc khiến ta đang lo lắng. Các nữ Thần Số Mệnh đã từng tiên đoán rằng đỉnh Olympus của chúng ta sẽ bị xâm lăng lần nữa bởi các Gigantos – những Đại khổng lồ. Chúng to lớn như những quả núi và có sức mạnh nghiêng sông dốc biển, có phần còn hơn cả các Titan ngày trước.

Hermes khẽ nhíu mày, chàng biết phụ vương Zeus đang muốn nói tới điều gì.

– Thưa phụ vương, con cũng nhớ các nữ Thần Số Mệnh nói rằng chúng chỉ có thể chết với một điều kiện: Chúng cùng lúc bị đánh hạ bởi một vị Thần và một con người. Chắc hẳn phụ vương đang muốn tìm được con người ấy?

Zeus hài lòng nhìn người con trai khôn ngoan mà ngài rất yêu quý, coi như vị cố vấn của mình.

– Đúng vậy. Một người thường thì không thể đủ sức chiến đấu với Gigantos hung dữ. Đó phải là một người mang dòng máu của ta. Ta có nhiều con trai. Nhưng các con đều là các vị Thần, vì mẹ các con đều là nữ Thần. Chỉ có Perseus con trai ta vẫn còn là một người thường, và nó là người dũng mãnh nhất. Nó đã chiến thắng Medusa tóc rắn, chém đầu quái vật khổng lồ Cetus của Poseidon. Chỉ có nó mới có thể sát cánh chiến đấu cùng chúng ta trong trận chiến sắp tới. Nhưng tiếc thay nó đã chết đi như một người thường. Mà lời tiên tri của các nữ thần Số Mệnh sắp đến ngày ứng nghiệm.

– Tâu phụ vương, nhưng dòng máu anh hùng của Perseus vẫn còn lại trên thế gian.

Zeus nheo đôi mắt thấu suốt nhìn Hermes. Ngài biết câu chuyện không chỉ có thế. Hermes nổi tiếng tinh khôn và hiểu biết. Chàng có thể đi khắp cõi trần, xuống cả địa ngục nhanh như chớp với đôi dép có cánh. Từ lúc mới sinh ra, Hermes đã trốn ra khỏi nôi và đi khắp hang cùng ngõ hẻm của đất Hy Lạp không một chút trở ngại. Chàng còn trổ tài nghịch ngợm lấy trộm đàn bò của ông anh cùng cha khác mẹ là Thần ánh sáng Apollon mà Apollon không sao tìm được. Đến khi Apollon được Zeus phân xử cho dắt bò của mình về thì chàng ta lại bị Hermes dùng chiếc đàn Lyre, sáng tạo của chú bé tài năng và tinh nghịch này, làm cho mê mẩn đến nỗi sẵn sàng đánh đổi cả đàn bò để lấy cây đàn làm từ mai rùa và ruột bò đó. Zeus khuyến khích:

– Ta đang lắng nghe câu chuyện của con đây

– Perseus có một người con trai là vua Electryon, trị vì thành Miken. Trong một cuộc chiến tranh giành đất Miken với những người Telebos – con trai của vua Pterelaus, 8 người con trai của vua Electryon đã bị giết. Đàn gia súc đông đúc của ông ta cũng bị cướp đi. Ông ta chỉ còn một con trai tên Lycymnios và một gái tên Alcmene. Ông ta treo giải cho ai lấy lại được đàn gia súc thì sẽ được gả Alcmene. Một chàng trai giỏi võ con vua Alcee của thành Tiryns tên là Amphitryon nhờ vào tài khéo léo đã mang được đàn gia súc về mà không tốn một giọt máu. Nhưng không may, trong lúc lùa gia súc về thành Miken, anh ta đã ngộ sát vua Electryon và phải cùng vợ chưa cưới là nàng Alcmene sang tị nạn ở thành Thebes. Nhờ diệt được con cáo tinh gây bao phiền toái cho vua Creon thành Thebes nên Amphitryon được ông ta cho mượn quân đội sang đánh đảo Taphos của vua Pterelaus, kẻ thù của ông vua xấu số Electryon, coi như một việc nghĩa bù đắp lại cho ông ta. Giờ đây Amphitryon đang vắng nhà…

– Như vậy, Perseus chỉ còn một người cháu gái duy nhất là Alcmene phải không?

– Đúng vậy, tâu phụ vương Zeus vĩ đại.

Zeus lại trầm tư không nói. Những điều ngài cần biết như vậy là đủ. Sẽ có một đứa trẻ nữa mang dòng máu của ngài để thực hiện sứ mạng chống lại bọn khổng lồ Gigantos. Nhưng điều làm ngài e ngại giờ đây, có lẽ không phải là bọn Gigantos, mà chính là người vợ đầu gối tay ấp của ngài – Hera. Một khi Hera biết chuyện và nổi cơn ghen lên thì mọi sự có thể hỏng bét.

Thần Zeus ngồi trầm tư. (Ảnh minh họa: yandex.ru)

Còn Hermes quan sát những thay đổi trên khuôn mặt và đôi mắt long lanh của Zeus rồi nhớ lại về lần ấy, chàng đã phải giải thoát I-o – ý trung nhân của Zeus thật không hề dễ dàng. Zeus yêu thương I-o, con của Thần sông Inachos, nhưng Hera phát hiện ra nên Zeus đành phải biến I-o thành một con bò cái trắng. Hera đoán biết nên xin Zeus tặng lại và giao con bò cái cho tên khổng lồ 100 mắt Argus canh giữ. Và rồi chính Hermes, được Zeus ra lệnh, lại phải dùng kỳ mưu diệu kế khiến cả 100 con mắt của Argus đều ngủ để giải thoát cho I-o. Chàng hiểu Zeus là một vị Thần cao cả và hết sức công minh, nhưng điểm yếu duy nhất của ngài đó là vẫn mềm yếu trước phụ nữ. “Có lẽ Zeus chưa phải là chúa tể của các vị Thần chăng? Và còn có những vị Thần còn cao thượng và hoàn hảo hơn Zeus nữa mà chúng ta không được biết? Phải chăng ngoài vòm trời Olympus này còn có những tầng trời thánh khiết của các vị Thần thánh khiết hơn nữa?” Trí tuệ của Hermes cho phép suy tưởng của chàng lang thang vào một nơi mà có lẽ chính các vị Thần ở đỉnh Olympus cũng chưa từng nghĩ đến.

Hermes vừa xin phép xuống trần để làm việc thì Zeus cũng lập tức hành động. Ngài biến thành Amphitryon, chồng của Alcmene, để tới gặp nàng và cuộc tình duyên ấy kéo dài tới 3 ngày vì Zeus đã lệnh cho Thần mặt trời Helios không được mọc như thường lệ. Thế rồi chỉ ít ngày sau, chàng Amphitryon thật quay trở về và vô cùng ngạc nhiên thấy vợ chẳng hề vồn vã đón tiếp người chồng chinh chiến xa nhà lâu ngày. Alcmene còn kể vanh vách những chi tiết trong cuộc chiến của chàng. Amphitryon lòng đau như cắt thầm nghĩ: Thời gian xa cách đã làm người vợ chưa cưới phản bội lại chàng. Alcmene cần phải bị trừng trị.

Nhưng dàn hỏa thiêu dùng để xử tội Alcmene vừa mới bùng cháy thì Zeus giáng xuống một trận mưa rào dập tắt ngay. Amphitryon vô cùng kinh ngạc và được nhà tiên tri mù Tiresias trấn an. Không rõ ông đã nói gì mà sau đó chàng yên lòng cưới Alcmene. Chỉ ít ngày sau, Alcmene đã có tin mừng. Đó là chuyện dưới trần thế.

Ở trên thiên đình Olympus, trái với suy đoán của Zeus, khi nghe được tin này, Hera lần này lại tỏ ra hết sức mừng rỡ. Bà tập họp các vị Thần lại và nói:

“Hỡi thần Zeus giáng sấm sét và các chư vị Thần linh! Chúng ta sắp sửa chứng kiến một sự việc trọng đại. Một người con thuộc dòng dõi Perseus sắp ra đời, sớm muộn chỉ trong đêm nay. Ta những muốn trước việc vui mừng này, các vị Thần hãy là người bảo hộ không hề chê trách được cho dòng dõi của người anh hùng Perseus. Xin Thần Zeus, bậc phụ vương của các Thần và những người trần thế, hãy ban cho đứa bé dòng dõi của Perseus một ân huệ xứng đáng với vinh quang chói lọi mà người anh hùng diệt trừ ác quỷ Medusa, con của thần Zeus, truyền lại!” [1].

Zeus đưa mắt sang nhìn Hera, khuôn mặt thanh tú trắng như đá cẩm thạch của Hera sáng bừng lên một niềm hạnh phúc, đôi mắt nâu to sáng trong, mơ màng của bà hôm nay chớp chớp cảm động như thể đứa trẻ ấy do chính bà sinh ra. Zeus vui mừng thầm nghĩ: “Ta biết việc này không giấu được Hera, nhưng lần này bà ấy đã biết nhìn về đại cục. Nếu bà ấy đã quyết định như vậy, thì còn gì may mắn hơn cho đứa trẻ khi được bảo hộ bởi chính nữ Thần cai quản chuyện hôn nhân gia đình và việc sinh nở”. Nhưng hình như đứng lấp ló sau lưng Hera là nữ Thần Lầm Lẫn Ate, người có vẻ mặt hoang mang, chốc chốc lại giơ tay lên gãi đầu gãi tai mà chẳng phải vì ngứa. Chi tiết ấy chỉ thoáng qua trong mắt Zeus bởi ngài đang hết sức hoan hỉ.

Trái với suy đoán của Zeus, khi nghe được tin này, Hera lần này lại tỏ ra hết sức mừng rỡ. (Ảnh minh họa: sroneykor.com)

Zeus giơ tay ra hiệu cho chư Thần lắng nghe lời ngài phán bảo:

“Hỡi nàng Hera có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt! Từ trước tới nay ta chưa từng bao giờ được nghe những lời khôn ngoan và chí tình chí nghĩa của nàng như vậy. Nàng đã nói những lời trúng với điều ta nghĩ trong trái tim ta. Đúng, ta sẽ ban cho đứa bé dòng dõi Perseus sau này lớn lên sẽ là một vị vua đầy quyền thế thu phục lại trong tay thiên hạ của khắp đất nước Hy Lạp thần thánh này” [2].

Hera nhỏ nhẹ:

“Hỡi thần Zeus, Thần dồn mây mù và giáng sấm sét! Ta chẳng thể nào tin được vào lời Thần nói. Biết bao việc Thần đã hứa với ta mà Thần chẳng hề làm. Vậy nếu Thần thật tâm yêu quý đứa con của dòng dõi Perseus và muốn ban cho nó ân huệ để xứng đáng với ông cha nó thì xin Thần hãy làm đúng như lời mình đã phán truyền” [3].

Zeus long trọng phán truyền: “Hỡi chư Thần của đỉnh Olympus! Hôm nay ta tuyên bố rằng đứa bé nào thuộc dòng dõi Perseus sinh ra trước nhất sẽ được quyền cai quản Hy Lạp. Ta xin thề trước con sông Styx”.

Nữ thần Iris với đôi cánh rực rỡ, người cai quản con sông Styx dưới âm phủ của Thần Hades đã đặt trước mặt Zeus một cốc nước sông Styx. Đó là lời thề thiêng liêng nhất của thế giới các Thần. Vị Thần nào không tôn trọng lời thề với nước sông Styx thì nữ thần Iris có quyền phạt vị Thần đó không được ăn trong một năm – đồng nghĩa với giấc ngủ một năm, và không được dự cuộc họp của thế giới Thần Thánh suốt 9 năm trời. Zeus, vị Thần tối cao, cũng không được phép là ngoại lệ.

Tan cuộc họp, Hera ngay lập tức rời Olympus bay xuống thành Miken nơi có đôi vợ chồng người con trai của Perseus là Sthenelos và vợ là Nicippe cư ngụ. Nicippe đã mang thai được 7 tháng. Với sự giúp đỡ của Hera, ngay lúc đó Nicippe đã chuyển dạ và sinh ra Eurystheus, cháu nội của Perseus. Sau đó, nàng Alcmene mới sinh đôi ra hai bé trai, đặt tên là Alcide và Iphicles. Rồi Hera lại hối hả bay trở lại đỉnh Olympus.

Khi Hera quay lại đỉnh Olympus, Thiên đình đang mở yến tiệc. Ở giữa cung điện Olympus chói lọi ánh vàng, các Thần đang trổ tài ca múa. Trong tiếng nhạc vang lừng, các nữ Thần Kharit và các nàng Muydo mặc những bộ váy dài quét đất đỏ thắm như lửa và lóng lánh như sao đêm đang uyển chuyển khum tay, xoay mình, lúc phân ra, lúc tụ lại nhịp nhàng, khéo léo như đàn hồng hạc đang múa. Có khi Thần Hermes lại dạo vài khúc nhạc thánh thót trầm bổng đệm cho anh trai là Thần Apollon với chất giọng trong như bạc ngân nga một lời hát ca ngợi Zeus và cõi Thiên đình. Dưới các bàn tiệc ê hề cao lương mỹ vị, nữ Thần Hebe, con của Zeus và Hera, và chàng trai Ganymede đi rót rượu mời các Thần cạn ly. Rượu này không phải rượu thường mà là thứ Thánh tửu giúp cho người uống trẻ mãi không già, mãi mãi vui tươi hạnh phúc. Thi thoảng vị Thần thọt chân Hephaetus, vị Thần thợ rèn khéo léo nhất, lại giúp cho Hebe và Ganymede đi mời rượu và nói những câu hài hước với khuôn mặt tỉnh khô già trước tuổi của mình khiến các vị Thần không nhịn được cười. Hình như các vị Thần, dù không nói ra, nhưng ai cũng biết được lý do thực sự của bữa tiệc này. Họ mừng vì Thiên đình Olympus giờ đây sẽ được cứu bởi sự ra đời của đứa trẻ của nhà Perseus, mà họ biết thực ra là con của Zeus.

Khi Hera quay lại đỉnh Olympus, Thiên đình đang mở yến tiệc. (Ảnh minh họa: pic2.me)

Hera lộng lẫy tha thướt trong chiếc váy dài trắng và ngẩng cao đầu kiêu kỳ lướt qua những hàng cột bằng vàng và đồng của cung điện Olympus, tiến thẳng lên ngai vàng nơi Zeus đang ngồi. Zeus đang cầm một ly rượu bằng ngọc dạ quang đỏ sẫm, nâng cao lên và mời các vị Thần đứng dưới. Nhìn thấy Hera, Zeus đứng dậy, hớn hở bước xuống điện, nghiêng đầu, cầm tay bà và dắt lên ngai vàng rồi nói:

“Hỡi Hera, người vợ hiền của ta! Bà thật vất vả. Ta tin rằng nhà Perseus đã được mẹ tròn con vuông trong vòng tay chăm sóc của bà. Rồi đây, đất nước Hy Lạp sẽ có một người anh hùng, một vị vua hùng mạnh xứng đáng kế thừa sự nghiệp của Perseus và thậm chí còn hiển hách hơn nữa”.

Hera yên lặng chăm chú nhìn Zeus lúc này đang khá thỏa mãn. Bà giơ cao cánh tay trắng muốt lên tỏ ý muốn nói. Các vị Thần im lặng. Hera tuyên bố:

“Hỡi Thần Zeus vĩ đại và các vị Thần! Trong đêm nay đã có ba đứa trẻ của hai gia đình nhà Perseus đã ra đời. Và đứa trẻ ra đời đầu tiên là Eurystheus, con của Sthenelos và Nicippe, cháu nội của Perseus. Như vậy, Eurystheus sẽ được trở thành vị vua hùng mạnh của đất Hy Lạp theo an bài của Zeus”.

Bà quay lại nhìn Zeus lúc này đang sững sờ nghĩ: “Ôi chao, ta đã hai lần bất ngờ về Hera. Ta tưởng bà ấy đã dẹp bỏ lòng tự ái và ghen tị để nghĩ cho việc lớn của Thiên đình. Ta đâu ngờ bà ấy vẫn là Hera ghen tuông mà thôi. Bà ấy quản việc sinh nở, việc sắp xếp cho trẻ ra đời sớm hay muộn đâu có khó khăn gì với bà ấy. Mà tại sao ta không nghĩ rằng Perseus còn có những người con trai khác, những hậu duệ khác? Sao ta không tuyên bố thẳng rằng đứa con của Alcmene là con trai của ta. Nó được sinh ra để gánh vác sứ mệnh giải cứu Thiên đình? Có lẽ ta e ngại Hera sẽ phản đối. Ta đã vui quá mà trở nên hồ đồ mất rồi. Lỗi tại ta lầm lẫn. À, Ate đâu rồi?”

Zeus đưa cặp mắt giận dữ nhìn xuống trung tâm cung điện để tìm Ate lúc đó vẫn đang dở tay gãi đầu gãi tai với khuôn mặt muôn đời ngơ ngác. Zeus giận đến nỗi khuôn mặt màu đồng đỏ trở nên trắng bệch như râu, còn chòm râu ngài rung rung, giọng ngài rung chuyển cả điện Olympus:

“Ate, nữ Thần Lầm Lẫn. Ngươi hãy cút ngay xuống cõi trần. Ngươi không xứng đáng được xuất hiện và can nhiễu các vị Thần Olympus nữa. Đừng bao giờ để ta hay các vị Thần Olympus nhìn thấy mặt ngươi một lần nữa”.

Rồi ngài quay sang Hera, lúc này đang ngấm ngầm hả hê:

“Còn bà, Hera, bà thật không biết nặng nhẹ. Ta đã tưởng bà thay đổi. Bà có biết đã làm gì đối với vận mệnh của Thiên đình chúng ta và với loài người hay không? Ta đã từng không phải với bà, nhưng lần này thì bà sai rồi, sai lắm rồi đấy”.

Rồi ngài lạnh lùng tuyên bố: “Bữa tiệc giải tán”.

Lời vừa dứt, Zeus phất vạt áo, quay ngoắt mình đi vào nội tẩm, để mặc cho Hera và các Thần đứng bần thần. Mọi người còn nán lại một chút, trao đổi thì thào với nhau mấy lời rồi lặng lẽ rút lui. Một lời của Zeus đã nói ra, ai dám không tuân theo?

Ấy là như dân gian đã mô tả:

“Bỗng đâu tan tác cuộc vui

Đám đông lặng lẽ, bùi ngùi tản đi”.

Hera đã phá vỡ an bài của Zeus, dẫn đến những khổ nạn của người anh hùng Heracles sau này. Vì sao Alcide được đổi tên thành Heracles? Heracles đã đối mặt với những nguy hiểm chết người từ khi còn ở trong nôi như thế nào? Thời niên thiếu của Heracles đầy sôi nổi ra sao?… Xin mời bạn đọc đón xem kỳ sau của loạt truyện “Thần thoại Hy Lạp diễn nghĩa”.

Bình Nguyên

Chú thích:

[1] [2] [3]:  Trích Thần Thoại Hy Lạp của Nguyễn Văn Khỏa.