Một vương quốc bí ẩn bên trong Trung Quốc, dùng công nghệ cao để ẩn tàng nền văn minh, dùng UFO để giám sát nhân loại?! Rất nhiều người đã khổ công tìm kiếm nó mà không thấy, nhưng có một người tìm thấy mà bỏ cuộc, không bước vào thiên đường nơi hạ giới. 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Vương quốc Shambhala thần bí là một điều cấm kỵ mà thế nhân khó chạm tới, tương truyền, Shambhala được kết giới bảo vệ, là nơi các thần tiên cư trú, toàn bộ vương quốc đều được ẩn tàng khỏi thế giới phàm trần. Nơi đây cảnh vật quanh năm xanh tươi, chim hót hoa thơm, không có thống khổ, không có ưu sầu… là một thiên quốc lý tưởng. Trong khi mọi người cho rằng đây chỉ là một thế giới tưởng tượng của người Tây Tạng, thì trong Phật giáo Tây Tạng tương truyền từ đời này qua đời khác, nó đã nhiều lần được đề cập đến.

Thượng sư Phật giáo Tây Tạng cận đại Khejok Rinpoche đã viết trong cuốn sách “Sinh tử tự tại” của mình như sau:

“Giống như ngọn núi màu đồng, đất nước Shambhala là địa phương kỳ diệu, dù nằm trên Địa cầu phàm tục, mà lại là tịnh thổ. Shambhala trên thực tế là một quốc thổ có quân chủ, có thần dân, sẵn có khoa học kỹ thuật cực kỳ tiên tiến. Những cư dân cư ngụ trong đó, thậm chí ngay cả súc sinh, kỳ thực đều là những tu hành giả hữu duyên vãng sinh. Mặc dù Shambhala là một địa phương thực thực tại tại đồng thời trên cùng một Địa cầu với chúng ta, nhưng do họ có công nghệ tiên tiến hơn chúng ta rất nhiều, quốc dân của họ có biện pháp dùng công nghệ để che giấu toàn bộ đất nước, khiến chúng ta tìm không thấy, nhìn không thấy, và không biết đến sự tồn tại của nó.”

Vương quốc Shambhala xác thực đã được ghi lại trong sách sử ngay từ thế kỷ 12. Năm 1775, Ban Thiền Lạt Ma thứ sáu, La Tang Hoa Đan Ích Hy (Blo-bzang Dpal-ldan Ye-shes), căn cứ kinh điển trong “Kinh Đại Tạng”, đã viết cuốn sách nổi tiếng “Kim chỉ nam về Vương quốc Shambhala”. Bộ sách này cũng được các học giả Tây Tạng ca ngợi là sách thần.

Theo “Kim chỉ nam về Vương quốc Shambhala”, nếu muốn vào xứ sở Shambhala, cần phải đi qua rất nhiều ngọn núi cao và sa mạc, chinh phục vô số đỉnh núi hiểm trở quanh năm tuyết phủ và các sông hồ lớn nhỏ, còn phải có được sự ủng hộ và bảo trợ của Thần, thì cuối cùng mới có thể thuận lợi đến nơi.

Trong hàng trăm năm kể từ thế kỷ thứ 11, những người yêu thích Shambhala, bao gồm cả các cao tăng Tây Tạng, đã luôn nỗ lực tìm kiếm, thử nghiệm mở ra cánh cửa của Shambhala. Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì? Lẽ nào Shambhala thực sự tồn tại như là một thiên đường của nhân gian?

“Người tuyết Yeti” – sứ giả bảo vệ Shambhala 

Năm 1951, khi nhà leo núi người Anh Eric Earle Shipton mở lộ tuyến thứ hai để leo lên đỉnh Everest, ông vừa lên sườn phía nam ở độ cao 5.800m thì tình cờ phát hiện trên tuyết có một chuỗi dấu chân dài, dấu chân cực lớn, dài khoảng 36cm, ngón cái đặc biệt khổng lồ.

Dấu chân khổng lồ trên tuyết

Dấu chân giống nhân loại này khiến Shipton bỗng liên tưởng đến người tuyết. Bởi vì ông chưa bao giờ nhìn thấy một loài động vật linh trưởng nào giống như tinh tinh ở vùng núi tuyết hoang dã không người ở trong nhiều năm, Shipton đã lần theo dấu chân đó, nhưng chưa đầy một km thì dấu chân bỗng biến mất, ông chỉ có thể chụp lại một bộ ảnh làm bằng chứng.

Người tuyết do Shipton chụp kỳ thực rất nổi tiếng trong truyền thuyết Tây Tạng, trong Phật giáo Tây Tạng luôn lưu truyền truyền thuyết rằng người tuyết chính là sơn thần bảo vệ của Shambhala. Người Tây Tạng tin rằng, người tuyết là một loài bí ẩn giữa vượn người và người hiện đại, toàn thân nó được bao phủ bởi lớp lông dày, thân cao ít nhất 2 mét, người Tây Tạng gọi nó là “Yeti”. Theo truyền thuyết, nếu bạn may mắn nhìn thấy “Yeti”, bạn có thể bí mật đi theo nó và có thể tìm thấy thiên quốc lý tưởng – Shambhala.

Có một người khác đã tiếp xúc khoảng cách gần với “Yeti”, đó là đạị sư Phục Tạng Đồ Nhĩ Thư Khắc ở Tây Tạng. Ông đã đến Shambhala vào năm 1963, nhìn thấy vẻ mỹ diệu của thiên quốc Shambhala cùng với một trong những đệ tử của mình.

Câu chuyện của Đồ Nhĩ Thư Khắc

Nguyên lai trong Phật giáo Tây Tạng luôn lưu truyền một tập tục, đó là Phật sống và Ban Thiền trong Phật giáo Tây Tạng được coi là hóa thân của thần linh, đợi sau khi cao tăng viên tịch, sẽ tái sinh ở kiếp sau, các cao tăng thông qua pháp sư truyền thống và nhiều chư thần dẫn dắt, có thể tìm được Phật sống và Ban Thiền chuyển sinh ở kiếp sau. Hơn nữa, các cao tăng Phật giáo Tây Tạng trong tu luyện sau khi đã đạt đến cảnh giới nhất định, họ trong u minh có thể nhận được khải thị của Thần, từ đó tìm được đáp án họ mong muốn. 

Những cao tăng này còn được gọi là đại sư Phục Tạng, họ trong một thời điểm đặc định sẽ có được một loại trí nhớ thâm tầng, sẵn có tri ​​thức Phật học thâm hậu nào đó. Điều này cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền thừa Phật giáo Tây Tạng.

Đồ Nhĩ Thư Khắc là một đại sư Phục Tạng, ký ức Phục Tạng của ông đã giúp ông mở ra cánh cửa đến Shambhala. Ông đã từng, trong một lần nhập định, nhận được sự khải thị của Không Hành Mẫu, từ đó vẽ ra một địa đồ dẫn đến bí cảnh Shambhala. Theo ông nói, bí cảnh Shambhala thần thánh nằm trong sông băng của đỉnh cao thứ ba thế giới, đỉnh “Kanchenjunga”.

Và câu chuyện này sau đó đã được ghi lại trong một cuốn sách có tên “Cách Thiên đàng một bước” (A Step Away From Paradise), tác giả của cuốn sách này là Thomas K. Shor. Ông đã dành hơn 5 năm để tìm kiếm những người sống sót trong hành trình đến Shambhala. Tư liệu trong cuốn sách chủ yếu đến từ con trai của Đồ Nhĩ Thư Khắc và nhiều đệ tử khác đã theo ông lên đỉnh Kanchenjunga.

Cuốn sách ghi lại rằng vào mùa thu năm 1962, Đồ Nhĩ Thư Khắc bắt đầu hành trình đến Shambhala, ông phát hiện theo thời gian trôi, những hình ảnh mà ông nhìn thấy khi nhập thiền càng ngày càng tiếp cận hiện thực, thời gian và địa điểm cũng dần dần trùng hợp.

Cuối cùng, vào đầu mùa xuân năm 1963, Đồ Nhĩ Thư Khắc đã đến dưới sông băng, dẫn theo một số đệ tử chuẩn bị leo núi, khi lên đến lưng chừng núi, ông nhìn thấy một hang động, ông tin rằng từ hang động này xuất phát, trên dốc núi tiếp theo chính là cánh cổng huyền thoại của Shambhala trong truyền thuyết, nhưng do nguồn cung không đủ, ông chỉ có thể để đệ tử nghỉ ngơi trong sơn động.

Lúc này, những hình ảnh về Shambhala cứ không ngừng hiện lên trong đầu ông, linh cảm trong tâm ông càng lúc càng mãnh liệt, như thể có một sức mạnh vô hình thúc giục ông tiếp tục leo lên. Sau đó, Đồ Nhĩ Thư Khắc dẫn một đệ tử đi trước dò đường, họ giẫm lên tuyết trắng, từng bước từng bước trèo lên đỉnh núi.

Ngay khi họ đang tiến lên, đột nhiên, một cảnh tượng khác xuất hiện trên sông băng, hình thành sự tương phản rõ nét với những đỉnh núi tuyết trắng, lọt vào tầm mắt là một vùng đất trù phú, quanh năm tứ tiết đều như xuân. Cùng lúc đó, theo tiếng nhạc êm dịu, ẩn hiện rất nhiều bóng người cao lớn đi về phía hai người với tốc độ cực nhanh, trong nháy mắt dung mạo của họ càng lúc càng rõ ràng. Vị đệ tử đi theo vừa nghĩ muốn bước vào, thì Đồ Nhĩ Thư Khắc đã ngăn lại, ông cho rằng không thể bỏ mặc các đệ tử khác trong sơn động, nên đã quyết định quay lại.

Nhưng điều kinh dị là, ngay khi hai sư đệ quay người rời đi, ngọn núi tuyết nguyên bản đang yên bình bỗng đột nhiên sụp đổ, bầu trời trong nháy mắt biến trở nên xám xịt, Đồ Nhĩ Thư Khắc không may bị tuyết trôi nhấn chìm. Khi chúng đệ tử tìm thấy ông từ trong tuyết, ông đã không còn hơi thở của sự sống.

Kỳ thực, Đồ Nhĩ Thư Khắc khi xuống núi đón đồ đệ, ông đã bàn tọa trên tảng đá tụng kinh, lúc đó trên bầu trời xuất hiện một chùm ánh sáng trắng, chiếu thẳng xuống bao phủ thân ông, mây ngũ sắc cũng xuất hiện trên thiên không, còn có một vài con chim bồ câu trắng không ngừng bay quanh ông, nhưng trong nháy mắt, tất cả cảnh tượng đều tiêu biến. Đương thời, vị đệ tử đã hỏi Đồ Nhĩ Thư Khắc là dấu hiệu gì, nhưng ông chỉ tỏ vẻ nghiêm nghị mà không nói gì.

Sau đó, một số người suy đoán rằng có thể vì Đồ Nhĩ Thư Khắc chấp ý muốn xuống núi đón chúng đệ tử, nên đã bỏ lỡ thời cơ đẹp nhất để tiến vào Shambhala, cũng có người nói, là do các đệ tử của Đồ Nhĩ Tư Khắc nội tâm, tinh thần còn chưa đủ thuần tịnh, tu chưa đạt đến yêu cầu, khiến cánh cổng của Shambhala bị đóng lại và không được mở ra nữa.

Hình bóng cao lớn mà Đồ Nhĩ Thư Khắc và đệ tử của ông nhìn thấy rất có thể chính là “Yeti”, chủ nhân của dấu chân mà nhà leo núi Shipton nhìn thấy, người tuyết cao nguyên trong truyền thuyết, người bảo vệ Shambhala.

Dự ngôn Shambhala: Năm 2500 nhân loại đại chiến

Vậy tại sao vương quốc Shambhala tồn tại? Truyền thuyết kể rằng, vào thời đại mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, người đầu tiên tiếp thụ truyền thừa bí pháp của Phật đà chính là vị quốc vương đầu tiên của Vương triều Shambhala. Cả Đức Phật và đại sĩ Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) đều dự ngôn về thế giới tương lai: nhân tâm tham lam, dục vọng tuôn trào, Phật Pháp sẽ gặp pháp kiếp nạn. Vì để cho chính pháp của Phật đà vĩnh viễn trường tồn, do đó Phật đà đã mang rất nhiều Mật pháp, Tạng pháp trọng yếu cấp cho vùng tịnh thổ Shambhala. Bởi vì trong tương lai, Vương triều Shambhala sẽ thống trị Trái đất của chúng ta và đại chấn hưng Phật giáo.

Theo kinh điển Tây Tạng, có sáu vương triều ở Thiên quốc Shambhala, và hiện nó thuộc về vị quốc vương thứ 21 của vương triều đệ nhất. Khi đến vị quốc vương thứ 25, tức là sau năm 2500 sau Công nguyên, tịnh thổ Shambhala sẽ được con người phát hiện.

Cả Phật đà và Liên sư đều dự ngôn rằng thế giới lúc bấy giờ sẽ bị thống trị bởi các cường quốc công nghệ và kinh tế, nhưng vì sinh mệnh trên Địa cầu đã bước vào giai đoạn “giảm kiếp”, do đó thọ mệnh bình quân của nhân loại không cao, cũng không nhờ văn minh công nghệ mà được kéo dài, trái lại dần dần bị rút ngắn.

Các loại vi rút tràn lan, môi trường Trái đất bị ô nhiễm, vì con người trường kỳ chỉ chú trọng truy cầu hưởng thụ vật chất, bỏ qua tích thiện tích đức, tạo nghiệp lực cuồn cuộn, do đó sẽ có hàng trăm hàng ngàn loại vi rút mạnh hơn cả AIDS lan rộng khắp thế giới trong tương lai. Cùng với ảnh hưởng của khí hậu bất thường, hiệu ứng nhà kính cho đến các chủng các loại ác nghiệp do vũ khí binh đao chiêu đến, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng ngắn lại.

Nhưng con người vẫn bị trầm mê trong công nghệ vật chất, mỗi cá nhân tuy mang theo thể xác, nhưng dường như không có linh hồn, họ giống như người máy, về mặt tinh thần bị hãm nhập vào thống khổ cực đại, tính hung hãn, hiếu chiến ngày càng ăn sâu.

Lúc đó, loài người sẽ dùng công nghệ cực kỳ tiên tiến làm công cụ, dùng bản tính nguyên thủy cướp bóc hung tàn làm tư tưởng của mình, dùng vô số âm mưu quỷ kế với quân đội hùng hậu và vũ khí, phát động chiến tranh xâm lược Vương triều Shambhala.

Trong “Kim chỉ nam về Vương quốc Shambhala” được viết bởi Ban Thiền đại sư thứ sáu, La  Tang Hoa Đang Ích Hi (Blo-bzang Dpal-ldan Ye-shes), có đoạn mô tả về cuộc chiến này: “Hàng triệu hùng binh màu sắc sặc sỡ, 40 vạn voi chiến phẫn nộ điên cuồng, những chiến xa màu vàng chất đầy vũ khí chiến binh, nhất tề hành quân đến chiến trường bất khả chiến bại.”

Vì vậy, quân đội (thần binh) của Vương triều Shambhala không lúc nào ngừng theo dõi những vụ nổ thử nghiệm hạt nhân, công nghệ vũ trụ và các hoạt động sinh thái của con người trên Trái đất. Bất cứ khi nào có những vũ khí hoặc thử nghiệm mới ở Châu Âu, Mỹ hoặc nước Nga Xô Viết, Vương triều Shambhala đều giám sát chúng chặt chẽ. Nhân loại trên Trái đất lầm tưởng rằng toàn bộ những vật thể phát sáng bí ẩn đó đều là UFO do người ngoài hành tinh điều khiển, kỳ thực, một bộ phận trong đó là tàu bay của Vương triều Shambhala.

Tàu bay của Vương triều Shambhala là thế nào? Có ai thực sự nhìn thấy nó? Nhà thám hiểm người Nga Nicholas Roerich và con trai ông đã nhìn thấy nó ở Tây Tạng vào mùa hè năm 1926. Vị Lạt Ma địa phương nói với họ, rằng vật thể hình cầu sắc vàng kim là biểu tượng của xứ sở Shambhala.

Khi đó, họ đang cắm trại với một số hướng dẫn viên người Mông Cổ gần núi Hoành Bác Đức giữa Mông Cổ và Tây Tạng, chuẩn bị khai quang một ngôi chùa màu trắng mà họ vừa mới xây dựng, phụng hiến cho Shambhala.

Roerich đã viết trong nhật ký của mình: “Vào tháng 8, một số Lạt Ma nổi tiếng đã được mời đến thánh địa, tại thánh địa cử hành một nghi thức tụng Kinh trang nghiêm, sau khi hoạt động kết thúc, hướng dẫn viên Buryat dự trắc sẽ sớm có sự tình tốt lành nào đó xảy ra. Quả nhiên, một hai ngày sau, người ta quan sát thấy một con chim lớn màu đen bay qua đoàn người. Ngoài đó ra, trên bầu trời không một gợn mây, mọi người bất ngờ nhìn thấy một quả cầu khổng lồ màu vàng kim, quay tròn và tỏa sáng dưới ánh Mặt Trời. Qua ba cặp ống nhòm, các du khách đã thấy nó bay tới từ phía bắc, từ Altai tấn tốc bay ra, sau đó ngoặt gấp về phía tây nam, và biến mất sau dãy núi Hồng Bảo.”

Sự tình Roerich nhìn thấy “UFO vàng kim” đương thời cũng thu hút sự chú ý lớn ở châu Âu, đây được coi là bằng chứng cụ thể đầu tiên được mang về phương Tây, chứng minh trên lục địa Á-Âu có thể tồn tại một số thứ khiến mọi người khó lý giải.

Hãy quay trở lại với lời dự ngôn. Kỳ thực Phật đà khi còn tại thế, sớm đã dự ngôn về loại nghiệp lực cộng hưởng của toàn thế giới hơn 3000 năm sau, vì vậy Vương triều Shambhala đã bắt đầu chuẩn bị từ hàng ngàn năm trước để chống lại sự xâm lược và cướp bóc của các dân tộc dã man từ bên ngoài, cũng như các hạo kiếp khác. Người dân Shambhala sớm đã tu luyện thành thân thể cầu vồng, không có bất kỳ công nghệ vật chất nào có thể làm tổn thương họ, họ đã tập thể tu trì rất nhiều phương pháp bí mật và thần chú để hàng phục công nghệ vật chất, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thế giới bên ngoài, giải cứu tâm linh và sinh mệnh của nhân loại. Vương triều Shambhala cuối cùng sẽ thống trị Địa cầu đất của chúng ta, Phật pháp sẽ đại chấn hưng trên thế giới.

Liệu Shambhala có chân thực tồn tại?

Có hai mô tả về vị trí của quốc gia bí ẩn này ở Tây Tạng, một là cho rằng nó ẩn mình trong những ngọn núi phủ tuyết trắng, hai là cho rằng nó ẩn tàng dưới lòng đất. Mặc dù nhiều kinh điển ghi chép minh xác rằng Shambhala là một quốc gia lý tưởng tồn tại bên ngoài trần thế, nhưng khi thời cơ chưa đến, nhân loại trong thế giới vật chất khó có thể phát hiện ra nó. Tuy nhiên, hàng ngàn năm qua, con người chưa bao giờ ngừng tìm kiếm Shambhala.

Nhà thám hiểm người Nga Roerich mà chúng tôi vừa đề cập cũng là một người bị mê hoặc bởi việc tìm kiếm Shambhala. Chúng tôi đã đề cập đến câu chuyện thám hiểm của ông trong một tập trước đây về “Tìm thấy ‘vương quốc khổng lồ’ dưới lòng đất tại cao nguyên Thanh Tạng?” Nhưng vương quốc Shambhala mà ông phát hiện là một thế giới điạ tâm với nền văn minh siêu kỹ thuật, bản thân ông đã tiến nhập vào bên trong Shambhala và chứng kiến ​​​​đủ loại cảnh tượng khó tin… Các bạn quan tâm có thể nhấn vào đây để xem.

Liệu thiên quốc lý tưởng Shambhala có thực sự tồn tại? Các thượng sư Tây Tạng khẳng định nó tồn tại, xác thực tồn tại. Mặc dù có rất nhiều hướng dẫn về việc đi đến Shambhala trong kinh điển Tây Tạng, nhưng sẽ phải trải qua thiên nan vạn hiểm, mà bản thân ắt phải trải qua tu luyện, có chứng ngộ tương đối, mới hy vọng có thể được vào thánh cảnh Shambhala.

Có một câu chuyện cổ Tây Tạng, kể rằng một chàng trai trẻ lên đường tìm Shambhala, vượt qua trùng trùng ngọn núi, đến hang động của một ẩn sĩ già. Vị ẩn sĩ hỏi anh: “Cậu đi đâu mà muốn xuyên qua cánh đồng tuyết này?” Người thanh niên trả lời: “Đi tìm Shambhala.”

“À, tốt rồi, không cần phải đi đâu xa”, vị ẩn sĩ trả lời. “Vương quốc Shambhala nằm trong tâm của chính cậu.”

Thay vì tìm kiếm Thiên quốc Shambhala, có lẽ nên đề cao cảnh giới tinh thần của bản thân chúng ta, đó mới là ý nghĩa chân chính của sự tồn tại của Shambhala. 

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch