Bạn muốn ghi điểm với sếp và đang suy nghĩ xem làm cách nào có thể đạt được điều đó? Hãy cùng chúng tôi suy ngẫm về tâm lý các nhà lãnh đạo, xem xem khi dùng người chủ yếu họ nhìn vào những điểm nào?

Người xuất hiện nhiều nhất trong các câu chuyện nơi công sở là “sếp”, “sếp” và “sếp”. Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng muốn thể hiện mình là một người có năng lực và có thể đảm đương những công việc quan trọng, cùng chia sẻ gánh nặng với sếp và đáng được tín nhiệm.

Nhưng năng lực giỏi không đủ để lãnh đạo trao trọn niềm tin cho bạn. Điều quan trọng là sếp phải cảm thấy thực sự yên lòng về bạn. Bạn thử đoán xem ngoài năng lực ra còn những yếu tố nào?

Lãnh đạo biết nhìn người không chỉ dán mắt vào bằng cấp và năng lực của một người. Bởi lẽ năng lực chỉ là nền tảng cho sự phát triển sau này mà thôi.

Thử hình dung ra bạn là sếp và dày công đào tạo ra một nhân viên có năng lực giải quyết công việc rất tốt. Nhưng khi đã đủ lông đủ cánh thì nhân viên của mình lại “đứng núi này trông núi nọ”, muốn “đổi chủ” và “cất cánh bay xa”?

Lãnh đạo biết nhìn người không chỉ dán mắt vào bằng cấp và năng lực của một người. (Ảnh: indeed.com)

Điều thứ 3: Năng lực chỉ là nền tảng cho sự phát triển sau này mà thôi

Khi đánh giá và quyết định hợp tác với một người, các vị lãnh đạo thường không chỉ nhìn vào năng lực của họ. Bởi lẽ năng lực chỉ là điều kiện cần cho sự phát triển sau này mà thôi.

“Nhập gia tùy tục”, mỗi một công ty đều có văn hóa và đặc thù riêng. Để có thể bước chân vào ngưỡng cửa của công ty họ ắt hẳn bạn phải trải qua một cuộc phỏng vấn và kiểm tra kỹ năng.

Vậy nên có được một tấm bằng danh tiếng, một bảng điểm cao chót vót và một bộ hồ sơ kinh nghiệm dày dặn là lợi thế của các ứng cử viên trong vòng loại đầu tiên.

Hầu hết mọi người khi hòa nhập vào một công ty mới sẽ được rèn luyện một thời gian. Nên trong thời gian thử việc ấy, sếp không chỉ quan sát năng lực cá nhân của bạn mà còn để mắt tới rất nhiều kỹ năng mềm khác và nhân cách của bạn.

Sếp không chỉ quan sát năng lực cá nhân của bạn mà còn để mắt tới rất nhiều kỹ năng mềm khác và nhân cách của bạn. (Ảnh: tuhoconline.net)

Điều thứ 2: Thái độ làm việc có trách nhiệm và sự đồng điệu với sếp và đồng nghiệp

Một số người cho rằng những người có năng lực giỏi, trình độ rất cao sẽ dễ dàng hợp tác hơn. Nhưng trên thực tế nhiều khi không phải vậy.

Mai khá tự tin với năng lực của mình thông qua tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi tại trường đại học Quốc gia. Sếp cũng khá ưng ý khi tuyển được một cô nhân viên trẻ trung, xinh đẹp và giỏi giang.

Mai khá nhanh nhẹn và sáng tạo trong công việc. Nên chỉ sau một thời gian ngắn ngủi Mai đã giành được sự tín nhiệm của sếp. Đi đâu sếp Mai cũng tự hào khen với bạn bè và khách hàng của mình về cô thư ký xinh đẹp, dịu dàng và năng động.

videoinfo__video3.dkn.tv||f3e61d62b__

Nhưng sau lưng sếp Mai lại trở thành một người hoàn toàn khác. Ỷ thế được sếp cưng chiều, Mai lấn lướt đồng nghiệp và muốn “vải thưa che mắt Thánh”, “một tay che cả bầu trời”, có công thì cô nhận, có tội cô lại đẩy cho người khác. Cô rất khắt khe và hống hách trước mặt đồng nghiệp, đúng như câu “Diêm vương dễ dây, tiểu quỷ khó đùa”.

Càng ngày đồng nghiệp càng cố ý lánh xa cô để được yên thân. Khi không có được sự ủng hộ của mọi người, mâu thuẫn trong công việc tăng lên và hiệu quả giảm đi rõ rệt.

Sếp bắt đầu để ý tới thái độ ứng xử của cô trong văn phòng và tìm ra được nguyên nhân then chốt. Sau cùng Mai đành phải xách va ly ra khỏi công ty trước sự thờ ơ của mọi người như một bài học đắt giá dành cho cô.

Vậy nên, cùng là phận đi làm thuê, khi đắc ý cũng chớ kiêu ngạo mà đánh mất nhân cách và sự tin yêu, ủng hộ của đồng nghiệp. Đời người khi thăng lúc trầm. Sếp có thể cất nhắc và ưu ái bạn, thì cũng có thể đưa bạn trở lại với con số 0 tròn trĩnh.

Chỉ có sự ủng hộ, thấu hiểu giữa đồng nghiệp mới khiến mọi người cùng tiến bộ và đề cao. (Ảnh: dankinhte.vn)

Chỉ có sự ủng hộ, thấu hiểu giữa đồng nghiệp mới khiến mọi người cùng tiến bộ và đề cao. Bạn có một ý tưởng, tôi có một ý tưởng, chúng ta sẽ có 2 ý tưởng. Một đốm lửa chẳng thể đứng vững trước cơn gió thoảng. Nhưng nhiều đốm lửa gộp lại lại có thể trở thành ngọn đuốc lớn bừng bừng trước gió xuân.

Trong khi một số người có thể năng lực về một phương diện nào đó không giỏi lắm, nhưng họ lại giúp đỡ và ủng hộ tích cực cho sếp và các đồng nghiệp, thì cũng có thể trở thành một ứng viên tốt.

Ngoài ra trong khi làm người, làm việc thường có những lúc thất bại hoặc khốn đốn. Nếu có thể kiên cường kiên trì đến cùng với tâm thái có trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi mới có cơ hội thành công. Điều khiến nhiều người thông minh không thể thành đại sự là do thiếu thái độ làm việc chăm chỉ, cần lao, tìm tòi nghiền ngẫm.

Chúng ta nhìn nhận một người không chỉ nhìn dáng vẻ bên ngoài của họ như thế nào mà cần xem xét thái độ làm người, làm việc của họ. Những kẻ đầu cơ trục lợi khi thuận lợi thì là bạn, lúc hoạn nạn lại trở mặt thành thù.

Khi sếp phán đoán xem một ứng viên có tiềm năng phát triển hay không họ còn quan tâm tới cả cá tính, hoàn cảnh gia đình và lối tư duy của bạn. Những người từ nhỏ đã trải qua sự tôi luyện càng dễ chống chọi với khảo nghiệm trước sóng gió của cuộc sống.

Không phải là những người cùng đường sẽ không thể sánh bước bên nhau, lựa chọn những người bạn tâm đầu chí hợp mới có thể thực sự kết tâm giao.

Vậy nên khi tuyển ứng viên, ngoài năng lực làm việc ra, lãnh đạo còn nhìn vào thái độ làm việc, khả năng chung sống hài hòa với đồng nghiệp và đặc biệt là chí hướng của bạn trong tương lai.

Điều này thể hiện sự gắn kết lâu dài và lòng trung thành của bạn với công ty. Những ứng viên như vậy mới xứng đáng được công ty đào tạo và giữ chân.

Điều thứ nhất cũng là điều then chốt bậc nhất: Nhân phẩm là nhân tố quyết định

Người có nhân phẩm tốt sẽ biết cách chung sống hài hòa với mọi người, họ “hòa nhưng không đồng”. Họ sẽ không quá để tâm hay toan tính đến việc được mất cá nhân, mà chỉ dốc lòng phối hợp, khích lệ, động viên và khơi gợi tiềm năng của mọi người.

Họ có thể góp phần tạo ra một môi trường làm việc hòa ái, thân mật, nơi các thành viên có thể mở lòng chia sẻ với nhau về cuộc sống riêng tư của mình. Khi mọi người thấu hiểu nhau thì sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Người có nhân cách cũng rất trung thành với công ty. Họ có thể thông cảm với sự vất vả của lãnh đạo mà lựa lời phân tích hòa giải mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên cấp dưới. Họ cũng có thể suy xét tới lợi ích chung của công ty và đồng nghiệp mà khéo léo gợi ý cho sếp đồng cảm hay khen thưởng cho nhân viên…

Những người vừa có năng lực vừa có nhân cách sẽ là ứng viên sáng giá và tiềm năng trong mắt lãnh đạo. Sự xuất hiện của họ cũng đủ tạo ra sức mạnh mềm gắn kết và truyền cảm hứng trong nội bộ công ty.

Những người vừa có năng lực vừa có nhân cách sẽ là ứng viên sáng giá và tiềm năng trong mắt lãnh đạo. (Ảnh: shutterstock.com)

Ngược lại những người có năng lực nhưng tâm địa không tốt, thường có thể sẵn sàng bán đứng người khác khi động chạm đến lợi ích cá nhân của họ. Vậy nên năng lực càng lớn lại càng có thể dễ dàng gây tổn hại cho người khác.

Có những người bôn ba khắp nơi, tận dụng hết thảy thời cơ, kết bè kết phái, đùa giỡn với quyền lực, nịnh nọt bợ đỡ, đều là vì lợi ích cá nhân của bản thân như quyền lực, tiền tài, địa vị… Người như vậy có thể năng lực rất khá, giỏi mê hoặc lòng người.

Đôi khi họ giống như bậc chính nhân quân tử miệng luôn nói lời đạo đức, nhân nghĩa. Kỳ thực trong tâm lại nhơ nhớp, dơ bẩn. Người như vậy chỉ nên giữ khoảng cách đứng nhìn từ xa, quyết không thể trở thành bạn bè hoặc đối tác.

Mặc dù chúng ta không thể làm được chí lớn ôm trọn thiên hạ, chí công vô tư như bậc thánh nhân. Nhưng mỗi người có một cái tâm lương thiện, nhân ái và chân thành thì mới có thể cùng công ty đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua hoạn nạn.

Khi gặp những người bạn đến từ Đài Loan, họ thường hỏi tôi đã gắn bó với công ty bao lâu rồi. Tôi cũng khá ngạc nhiên khi nhiều người trong số đó đã gắn bó với sếp của mình tới 20, 30 năm. Khi nói về công ty mình, tôi cảm nhận được rõ tình yêu công việc, trách nhiệm và những kỷ niệm đẹp về sếp và các đồng nghiệp trong đôi mắt sáng lấp lánh của họ.

Dường như đối với họ công ty giống như mái nhà thứ hai vậy. Họ làm việc không chỉ vì kiếm kế mưu sinh, mà thực sự đã đặt trọn tâm huyết vào công việc và rất mực trung thành với lãnh đạo của mình. Ngược lại họ cũng nhận được sự tán dương và trọng vọng từ các sếp và đồng nghiệp, giống như một mối quan hệ khăng khít đến từ 2 phía.

Vậy nên ngoài việc có được một bộ hồ sơ đẹp và nỗ lực học hỏi để hoàn thiện kỹ năng của bản thân ra, chúng ta cũng cần tu dưỡng nhân cách của mình. Ứng viên tiềm năng trong mắt lãnh đạo luôn là những người có khả năng kết nối và phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong công ty.

Bởi lẽ một đội bóng toàn các ngôi sao mà không có sự phối hợp nhuần nhị thì cũng chẳng thể mang về chiếc cúp vô địch. Một nhân viên giỏi nhưng không thể kết nối với mọi người thì cũng chẳng thể khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong công việc.

Hiểu Mai