Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Khi kế hoạch giết hại thái tử Kiến bất thành, Phí Vô Cực lại tìm cách lừa bắt Ngũ Xa giam vào ngục. Nhưng vì lo sợ hai người con của Ngũ Xa sẽ báo thù, Phí Vô Cực lại thuyết phục Sở Bình Vương yêu cầu Ngũ Xa viết thư triệu hai con trở về…

Vừa nghe nói đến chuyện viết thư, Ngũ Xa hiểu ngay rằng Sở Bình Vương muốn trừ khử cả ba cha con ông. Ngũ Xa nói: “Bởi đây là mệnh lệnh của bệ hạ nên thần sẽ nghe theo. Lá thư này thần cũng có thể viết, nhưng thần vẫn muốn thưa trước với bệ hạ rằng con trai cả của thần sẽ đến, nhưng đứa con thứ hai thì tuyệt đối sẽ không đến”. Sở Bình Vương nói: “Đến hay không là chuyện của họ, còn lá thư thì nhà ngươi hãy cứ viết”. Ngũ Xa đành lòng buộc phải viết một bức thư gửi đến Thành Phụ.

Nhận được thư, Ngũ Thượng nói: “Phụ thân gọi chúng ta về. Chỉ cần chúng ta trở về thì phụ thân sẽ được tha tội, vậy hai anh em ta hãy về đi”. Ngũ Tử Tư nói: “Tuyệt đối không thể về. Sở Vương không dám giết phụ thân chính là vì còn e ngại huynh đệ chúng ta ở nơi này. Nếu chúng ta quay về thì chính là đẩy phụ thân vào chỗ chết, vậy nên, hai ta tuyệt đối không thể về. Còn nếu Sở Vương dám giết hại phụ thân, hai anh em ta sẽ báo thù rửa hận”.

Ngũ Thượng nói: “Phụ thân gọi chúng ta về, nếu anh em ta không về thì là bất hiếu. Còn như phụ thân chết rồi mà chúng ta lại không thể báo thù, thì chính là bất hiếu gấp bội. Về phần huynh mà nói, năng lực so với đệ quả thật là thua kém quá xa. Như thế này đi, huynh sẽ trở về đô thành, coi như tận trọn đạo hiếu. Nếu như huynh và phụ thân chẳng may bị giết hại, mong đệ hãy báo thù cho chúng ta”. Nói xong, hai huynh đệ lạy nhau bốn lạy thay cho lời vĩnh biệt.

Con người cõi nhân thế, có những lúc tiếp tục sống còn khó hơn cả cái chết. Nếu như vì nghe lời cha mà bị người ta giết hại, thì dù sao cũng đã tận trọn đạo hiếu rồi, một cái là coi như xong hết, rất đơn giản vậy. Nhưng nếu sống chỉ để báo thù thì thật sự còn khó khăn gấp vạn lần.

Trong Sử Ký Tư Mã Thiên có câu chuyện “Triệu thị cô nhi”, kể rằng sau khi cứu được đứa con côi nhà họ Triệu, hai môn khách của Triệu Thuẫn là Trình Anh và Công Tôn Chử Cữu đã bàn tính với nhau rằng: một người sẽ khảng khái đi chết, còn người kia sẽ phải che chở cho đứa trẻ mồ côi, nuôi nó khôn lớn thành người, cuối cùng báo thù. Thử nghĩ xem con đường nào dễ hơn đây? Trình Anh nói: “Đương nhiên khảng khái mà chết là dễ dàng hơn cả”. Chử Cữu nói: “Vậy thì tôi nguyện được chết, còn huynh hãy gắng sống tiếp, cuối cùng phò tá con côi họ Triệu báo thù”. Trình Anh đã nhẫn nhục sống tiếp 15 năm, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ để nuôi dưỡng Triệu Vũ thành người. Đó là một việc vô cùng gian nan vậy.

Về phần Ngũ Thượng mà nói, ông có thể bình thản ra đi để cùng chết với cha. Nhưng đối với Ngũ Tử Tư, trước mặt ông giờ đây là một vấn đề hết sức nan giải.

Cứ như vậy, Ngũ Thượng theo chân sứ thần về đến đô thành. Còn Ngũ Tử Tư thì vội vàng thay đổi y phục, lên đường trốn chạy. Khi đó, sứ giả được cử đến tên là Võ Thành Hắc, vì biết rằng Ngũ Tử Tư đã chạy trốn nên ông ta liền dẫn binh sĩ đuổi theo. Ngũ Tử Tư đứng ở bên đường, trong tay cầm cung tên, ông giương cung rồi nhắm thẳng vào xe của sứ giả. Võ Thành Hắc sợ đến mức phải thúc xe bỏ chạy mất hút. Vì sao vậy? Bởi vì Ngũ Tử Tư vô cùng anh dũng. Mọi người đã từng đọc Đông Chu Liệt Quốc sẽ thấy Ngũ Tử Tư là người vùng Giám Lợi, thân cao một trượng, cao lớn uy phong, anh dũng vô cùng.

Hãy thử nghĩ xem một trượng là bao nhiêu đây? Một trượng chính là 10 thước. Thời nhà Chu thước đo có hai độ dài khác nhau, một thước có thể là 19,91 cm, hoặc cũng có thể là không đến 23 cm. Chúng ta hãy nói từ số nhỏ nhất, nếu như 19,91 cm một thước, thì một trượng chính là 1,99 m. Trong sách miêu tả Ngũ Tử Tư “thân cao một trượng, lông mày dài một thước”, cho dù đó chỉ là cách nói ước lệ thì cũng là để thể hiện rằng Ngũ Tử Tư vô cùng cao lớn, lông mày cũng rất dài, mắt giống như ánh điện vậy. “Có dũng nhổ núi vác đỉnh, có tài văn võ tinh thông”, ông là bậc anh hùng văn võ song toàn. Vậy nên, khi thấy một thân hình khổng lồ giương cung nhắm về phía mình, sứ thần liền sợ hãi bỏ chạy.

Ngũ Thượng vừa về đến đô thành liền bị áp giải cùng phụ thân ra pháp trường. Trước khi bị chém đầu, Ngũ Xa nói: “Than ôi, ta đã biết trước là con trai út của ta sẽ không đến mà. Từ đây e rằng vua quan nước Sở sẽ ăn không ngon ngủ không yên với nó”.

Ngũ Tử Tư cứ thế bước trên con đường mênh mang vô định. Vấn đề thứ nhất là ông sẽ phải trốn đến đâu đây? Câu hỏi này không quá khó trả lời, bởi thái tử Kiến đã trốn sang nước Tống, vậy nên Ngũ Tử Tư quyết định đến Tống quốc gặp thái tử. Chính ngay lúc này khi vẫn còn ở trong lãnh thổ nước Sở, Ngũ Tử Tư thấy từ đằng xa có một nhóm quân đi đến. Ông rất lấy làm lo lắng, liền núp ở bên đường. Khi quân đội đến gần, ông nhận ra người dẫn đầu chính là anh bạn vô cùng thân thiết của mình – Thân Bao Tư. Ngũ Tử Tư liền bước ra. Thân Bao Tư lấy làm lạ, bèn hỏi: “Sao anh lại ở đây?”. Ngũ Tử Tư đem hết tất cả kể lại một lượt. Thân Bao Tư nói: “Thế bây giờ anh dự tính thế nào?”. Ngũ Tử Tư trả lời: “Tôi nhất định phải đến một nơi nào đó, mượn binh quay về giết chết Sở Bình Vương”.

Thân Bao Tư liền khuyên rằng: “Từ thời tổ phụ của anh, mấy đời đều nhận bổng lộc triều đình. Sở Vương tuy đã làm điều có lỗi với gia đình anh, nhưng dẫu sao đó vẫn là quân vương, giết chết quân vương chẳng phải là bất trung hay sao?”. Thân Bao Tư đã từ góc độ của một trung thần mà khuyên nhủ Ngũ Tử Tư như vậy.

Ngũ Tử Tư trả lời thế nào? Ông nói Sở Vương đã làm bốn việc bất nghĩa: chiếm đoạt con dâu, dứt bỏ con trưởng, tin theo lời sàm, hãm hại trung lương.

“Chiếm đoạt con dâu” – ấy là đã cướp vợ của con trai mình, đây chính là việc loạn luân. “Dứt bỏ con trưởng” – ấy là muốn bãi bỏ thái tử mà bản thân đã lập, giết chết con ruột của mình. “Tin theo lời sàm” – ấy là nghe theo lời của Phí Vô Kỵ, từ đó làm ra những việc thương thiên hại lý. “Hãm hại trung lương” – ấy là giết người vô tội, hại chết bề tôi trung thành, cũng chính là phụ thân và huynh trưởng của Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư nói với Thân Bao Tư rằng, nếu tôi dẫn binh tiến vào đất Sính (đô thành của Sở quốc) thì có thể quét sạch đám rác rưởi, đó mới là nghĩ cho giang sơn xã tắc. Sở Vương đã làm bốn việc bất nghĩa, thì sao tôi có thể để cho kẻ đạo đức bại hoại như vậy làm quân vương được? Vậy nên Ngũ Tử Tư là giảng từ phương diện đại nghĩa rằng bản thân không phải là kẻ loạn thần tặc tử.

Thân Bao Tư cũng nghĩ ngợi một hồi, nói: “Nếu tôi đồng ý việc anh báo thù, thì tôi là kẻ bất trung với quân vương. Còn nếu tôi không cho anh báo thù, thì lại đẩy anh vào cảnh bất hiếu, bởi vì anh sẽ không cách nào tận tròn chữ Hiếu với phụ thân mình”.

Thân Bao Tư nói tiếp: “Với tôi mà nói, đó thật sự là việc khó cả đôi đường. Nhưng tôi có một giao ước: Xuất phát từ cái nghĩa bạn bè, tôi sẽ không tiết lộ hành tung của anh, tôi cũng sẽ không bắt giữ anh. Anh có thể dẫn quân về tiêu diệt nước Sở, nhưng sau khi anh tiêu diệt nước Sở rồi, tôi nhất định sẽ khôi phục lại nước Sở. Anh muốn đẩy nước Sở vào tình cảnh nguy hiểm, còn tôi sống chết cũng phải xả thân bảo vệ xã tắc an nguy. Anh có thể tận tròn chữ Hiếu, còn riêng tôi sau cùng có thể tận tròn chữ Trung”.  

Cứ như vậy, Thân Bao Tư giã biệt Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư cũng rời khỏi nước Sở mà sang Tống.

Ngũ Tử Tư lúc này muốn báo thù cho phụ thân và huynh trưởng, thì sẽ phải đối mặt với ba vấn đề khó khăn: Thứ nhất là cần phải trốn thoát khỏi nước Sở để bảo toàn tính mạng. Thứ hai là phải nắm được quyền bính của một quốc gia để có thể điều động quân đội. Thứ ba là khi điều động quân tác chiến với nước Sở, thì cần phải nắm chắc phần thắng. Ba việc này thật đúng là khó khăn chồng chất khó khăn.

Ngũ Tử Tư đứng trước nỗi lo làm sao thoát khỏi sự bao vây của quân Sở (Ảnh minh họa: VĐH).

Chúng ta biết nước Sở là một quốc gia vô cùng rộng lớn. Vào thời Xuân Thu từng có năm quốc vương lần lượt xưng Bá là: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Vương — gọi là “Xuân Thu Ngũ Bá”. Trong Ngũ Bá thời Xuân Thu thì Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công đã từng giao chiến với nước Sở. Ấy là nói, ngay cả với danh xưng Bá chủ một thời như vậy, đã phối hợp với rất nhiều liên quân các nước để tác chiến, vậy mà mới chỉ đánh một trận với Sở quốc họ đã buộc phải dừng lại. Bởi vì lúc ấy, ở Trung Nguyên không một quốc gia nào có đủ thực lực để tiêu diệt Sở. Nước Sở chính là lợi hại như vậy!

Nếu Ngũ Tử Tư muốn báo thù cho phụ thân và huynh trưởng thì cần phải tiêu diệt nước Sở, đó quả là việc khó khăn vô cùng.

Còn một vấn đề nữa, chính là làm sao có thể chắc chắn rằng khi Ngũ Tử Tư đến nơi xứ người thì quốc vương nước này sẽ xuất binh giúp ông rửa hận? Cách nói kiểu như “dọc đường thấy chuyện bất bình thì quát lên một tiếng, lúc cần ra tay thì ra tay” chỉ có thể đúng với những người như Lý Quỳ hoặc Lỗ Trí Thâm mà thôi, còn quân vương của một nước tuyệt đối sẽ không hành xử như vậy.

Huống hồ, ngày xưa còn có một câu nói là: “Vạn thừa chi vương, bất vi thất phu hưng sư”. Câu nói ấy có ý gì?

“Vạn thừa”, chính là vào những năm thời Xuân Thu – Chiến Quốc, quân đội thường dùng xe chiến để tham đấu. Thời đó người ta không cưỡi ngựa mà ngồi trên xe để tác chiến. Mỗi chiếc xe gọi là một ‘thừa’. Một chiếc xe thì ngồi được 3 giáp sĩ, chính giữa là “ngự giả” (người đánh xe). “Ngự” là một trong lục nghệ được nhắc đến trong Nho giáo, chính là chỉ người điều khiển xe. Võ quan tác chiến thì ở bên phải, chủ tướng thì ở bên trái, khi hai xe giáp mặt nhau võ tướng sẽ dùng giáo để tác chiến. Đương nhiên vẫn có những vũ khí bắn từ xa như cung tên, đồng thời cũng có vũ khí để phòng ngự, như áo giáp, tấm chắn, v.v. đều là làm từ da thú. Vậy nên, kinh phí để làm một chiếc xe chiến vô cùng tốn kém. Thời đó trong mỗi cỗ xe thì ngoài 3 người tác chiến ở phía trước, phía sau còn có 72 bộ binh, cộng thêm 25 nhân viên hậu cần phụ trách bảo vệ an toàn. Vậy nên, mỗi cỗ xe chiến tương đương với 100 binh sĩ. Câu nói “Vạn thừa chi quốc” nghĩa đen là chỉ quốc gia có đến 100 vạn quân tác chiến.

“Vạn thừa chi chủ, bất vi thất phu hưng sư”, ý tứ là một quốc gia có thực lực to lớn nhường ấy không thể chỉ vì báo thù cho một kẻ thất phu mà động chạm đến nhiều tài nguyên như vậy. Vậy nên, với Ngũ Tử Tư mà nói, trước mắt ông là một vấn đề vô cùng nan giải. Với những vấn đề nan giải này, Ngũ Tử Tư đã phải khổ tâm trù tính suốt 16 năm ròng, sau cùng mới có thể giải quyết từng vấn đề một, cuối cùng đã hoàn thành được tâm nguyện thôi thúc trong lòng.

Vậy ông đã trốn khỏi nước Sở như thế nào? Xin hãy đón đọc tập tiếp theo với tiêu đề: “Ma nạn trùng trùng”.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên NTDTV
Vũ Dương biên dịch