Trong lịch sử thế giới nghệ thuật, họa sĩ người Pháp Gustave Jean Jacquet (1846-1909) được coi là một trong những học sinh xuất sắc nhất chủ nghĩa cổ điển của William Bouguereau. Chủ đề hội họa của Jacquet không phải là phụ nữ nông dân hay một cảnh tượng thần thoại, điểm này khác với giáo viên của ông và nhiều họa sĩ đồng lứa khác. Mặc dù vậy, kỹ thuật sơn dầu tinh tế của Jacquet cộng với hình ảnh của người phụ nữ giàu có thanh lịch và những bức tranh miêu tả lịch sử cổ đại (thế kỷ 16) đã mang lại cho ông danh tiếng cao trong cuộc đời.

Gustave Jean Jacquet (1846-1909)

Jacquet rất giỏi trong việc mô tả những nhân vật đang độ tuổi mới lớn, ông lại càng thích vẽ những hình ảnh nhỏ nhắn trên tấm ván lớn. Nhân vật mẫu vẽ của ông không cần có những nét đẹp cổ điển, nhưng phải luôn luôn tràn đầy sức sống.

“Trầm tư – Gustav Jean Jacquet, KT: 40 × 30 cm. (The Art Renaissance Center) (Ảnh: OLYMPUS DIGITAL CAMERA)

Sự nghiệp sớm thành công

Jacquet sinh ngày 25 tháng 5 năm 1846 tại Paris, Pháp. Năm 1865, ở tuổi 19, ông tham gia triển lãm Salon lần đầu tiên, hai tác phẩm trưng bày là “La Modestie” (Nhún nhường) và “La Tristesse” (Đau thương). Sự nghiệp nghệ thuật của ông bắt đầu từ đây mà cất cánh. Hai năm sau, ông đã thu hút sự chú ý của thế giới nghệ thuật bằng tác phẩm “Call to Arms” (Kêu gọi chiến đấu).

Tạp chí nghệ thuật “The Art Journal” năm 1907 có nhắc tới ông; khoảng năm 1867, nhà phê bình nghệ thuật M. Edmond nói, “Hãy nhìn xem, hôm nay vị này là một nghệ sĩ vô danh, nhưng mai này sẽ trở thành một tên tuổi lớn”. Bài báo nhắc tới không lâu sau đó, bức tranh của Jacquet là “Sortie de Lansquenets” (Quân bộ binh Đức xuất chinh) đã được chính phủ mua và đưa vào lâu đài Chateau de Blois, trải qua nửa thế kỷ nó vẫn được treo ở đó.

Năm 1868, Jacquet, 22 tuổi, đã giành giải ba của triển lãm Paris Salon với tác phẩm “Sortie d’ armée au XVI siècle” (Tướng sĩ thế kỷ 16). Tuy nhiên, sự tham gia của ông trong quân đội không chỉ trong lĩnh vực hội họa mà ông còn là một kỵ binh nhiệt huyết, đã gia nhập quân du kích ở hạ lưu sông Seine trong cuộc Chiến tranh Đức-Pháp (1870–1871).

Trong cuộc vây hãm Paris ngày 21 tháng 10 năm 1870, Jacquet từng theo tướng Ducor chinh chiến, người được cho là đã mang vũ khí và áo giáp từ phòng tranh. Trên chiến trường, ông đã chứng kiến cái chết của nhà điêu khắc Louis-Alfred-Joseph Cuvelier.

“Đoạn nhạc” – Gustave Jean Jacquet, 1873, KT: 88 × 63 cm. (Ảnh: epochtimes)

Như nước thủy triều dâng

Sau chiến tranh, Jacquet trở lại công việc nghệ thuật của mình. Năm 1875, ông đã giành giải nhất tại Salon Paris, tác phẩm đoạt giải là “La Reverie” (Trầm tư), (thường được gọi là “Red Girl”), tác phẩm được đánh giá là “xuất sắc, có sức mê hoặc, có nội lực”. Năm 1892 một bài báo của Mỹ “Illustrated American” mô tả nhân vật chính trong tác phẩm “Red girl” là “một người phụ nữ trầm tư, lo lắng trong chiếc váy nhung đỏ thẫm với trang trí bằng da lộn ngồi trên ghế bành.”

“Cô gái trẻ trong chiếc váy đỏ” – Gustave Jean Jacquet, KT: 118 x 76 cm (Ảnh: epochtimes)

Bức họa ngay sau đó được trưng bày tại triển lãm Thế giới năm 1878, nó cũng giành được lời khen ngợi từ nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Edward Strahan: “Bức tranh này vừa ngọt ngào vừa chuẩn xác, cân bằng hai thời đại”

Jacquet lấy sự hấp dẫn trên cơ thể con người, vẻ đẹp của làn da từ trường phái Venetian, ông đã học được những đường cong sắc nét và tông màu ấm áp từ người Tây Ban Nha. Ánh sáng thanh lịch và màu sắc hoa, ông mượn kỹ thuật từ tất cả các bậc thầy cho đến khi ông gặp William Adolphe Bouguereau; từ đó ông đã bước vào phòng vẽ của Bouguereau để được thụ giáo.

“Biểu diễn độc tấu” – Gustave Jean Jacquet, vẽ năm 1898, KT: 99 × 124 cm. (Ảnh: epochtimes)

Trong cùng năm đó, bức “Joan of Arc Praying for France” của Jacquet đã được tham gia triển lãm Salon Paris, điều này đã mang lại cho ông vinh dự lớn hơn. Hai kiệt tác từng đoạt giải thưởng này, cộng thêm chiến công năm xưa của cuộc chiến tranh, có thể đó là lý do tại sao ông giành được huy chương quân đoàn của Pháp năm 1879.

Họa sĩ nổi tiếng William Schaus đã mua cả hai bức tranh. “La Reverie”, một bức được treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. Theo tạp chí Mỹ thuật, Schaus đem bức còn lại đưa tặng cho chính phủ Pháp.

Con đường nghệ thuật của Jacquet luôn luôn rất ổn định, ông luôn luôn tham gia triển lãm Salon Paris trước khi qua đời vào năm 1909. Ngay cả vào năm 1910, sau khi ông qua đời, hai tác phẩm “Portrait de Mme B.” và “À la Santé!” vẫn được trưng bày trong triển lãm. Rất có thể đó là nhờ tâm ý của vợ ông, người thấu hiểu trái tim ông mà đem hai tác phẩm cuối đời ông tới trưng bày, hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông.

“Chân dung quý bà B.” – Gustave Jean Jacquet, 91 × 77 cm (Ảnh: epochtimes)
“Người chơi đàn Cello” – Gustave Jean Jacquet, 150 × 95 cm (Ảnh: epochtimes)
“Cô gái trong bộ đồ màu đỏ” – Gustave Jean Jacquet, 118 x 76 cm (Ảnh: epochtimes)

Sự hiểu lầm của người hiện đại

Các bức tranh của Jacquet được cất giữ trong nhiều bộ sưu tập ở Bắc Mỹ và các tổ chức châu Âu, trong đó có Cung điện Blois và Chateau, cung điện Rouen ở Paris và các tổ chức nghiên cứu. Tại Anh, tác phẩm của ông cũng được nhìn thấy trong bảo tàng ở Sheffield, Manchester, Brighton và Bảo tàng Hove. Tại Hoa Kỳ, Bảo tàng Brooklyn, Bảo tàng Nghệ thuật Chrysler, Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati, và Đại học Harvard v.v.

Đáng tiếc rằng, một số công trình của Jacquet bị các bảo tàng đem ra đổi bán; điều này có liên quan tới người phụ trách bị dẫn dắt biến đổi theo xu hướng cho rằng các tác phẩm của Jacquet không còn trọng yếu hay đối với người đời sau không có giá trị. Nhiều bức tranh của ông đối với hội họa thế kỷ 19 cực kỳ trọng yếu, vậy mà trong những năm 1960 và năm 1970, một số trong những bức tranh đó bị “đẩy ra khỏi cửa”.

Gần đây nhất là vào năm 2007, Bảo tàng Nghệ thuật Chicago cũng bán một kiệt tác của Jacquet. Trong những năm 1960, bảo tàng bỏ đi bức tranh như vậy cũng có thể là do sai lầm thời đó, bây giờ, bức tranh châu Âu thế kỷ 19 là một trong những sự quan tâm phát triển nhanh nhất để tăng cường bộ sưu tập nghệ thuật trong khu vực.

Ngày 23 Tháng 10 năm 2007, bức họa có tựa đề “Welcome” (Chào mừng) của Jacquet bị bán đi với giá 361,000 đô la Mỹ tại Sotheby.

“Chào mừng” – Gustave Jean Jacquet, 180 × 128 cm (Ảnh: epochtimes)

Giác ngộ và di sản

Jacquet rất thích thu thập vũ khí và áo giáp cổ, bộ sưu tập của ông được cho là hoàn hảo nhất ở Pháp vào thời điểm đó. Sau khi ông qua đời, hầu hết các di tích của ông đã được bán đấu giá tại Georges Petit Gallery ở Paris, bao gồm bộ sưu tập của hơn 300 trang phục thế kỷ 18, cũng như áo giáp và vũ khí.

Jacquet là một nghệ sĩ thực sự đã để lại khá nhiều tác phẩm. Từ giữa những năm 1980, những tác phẩm đã được bán đấu giá công khai là vào khoảng 200 bức. Đáng ngạc nhiên là, thế giới biết rất ít về người nghệ sĩ có năng suất cao và thành tựu đáng nể này.

“Chiếc khăn xanh” – Gustave Jean Jacquet, 26 × 20 cm (Ảnh: epochtimes)

Trong một trang báo viết về Jacquet được công bố trên báo Le Figaro 1909, nhà phê bình nghệ thuật Arsène Alexandre nói rằng: “Chúng ta đã mất đi một họa sĩ ưu tú, một nghệ thuật gia tinh xảo. Trong một thời đại như vậy, sự ra đi của ông là niềm tiếc nuối. Ông là một bậc thầy vĩ đại của quá khứ hiếm khi được xuất hiện, lại không được công nhận bởi các bậc thầy ngày nay.“

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch