Lưu Ba tự là Tử Sơ, là người Kinh Châu. Từ thuở thiếu niên, tài năng của Lưu Ba đã được mọi người xa gần biết đến. Nhưng vì tính tình cao ngạo nên Lưu Ba không bao giờ dễ dàng chịu khuất phục trước người khác. Quan thứ sử Kinh Châu, Lưu Biểu đã từng nhiều lần triệu Lưu Ba làm quan nhưng ông một mực không chịu tiếp nhận.

Lưu Biểu vốn đã có quan hệ không tốt với cha của Lưu Ba là Lưu Tường. Hơn nữa, đã nhiều lần cho mời Lưu Ba lên làm quan nhưng lại bị từ chối vì thế mà Lưu Biểu càng bực tức và nổi lên ác ý.

Một lần, Lưu Biểu phái người đến bắt giữ Lưu Ba, rồi lại âm thầm xui khiến thân tín của Lưu Tường nhiều lần hướng đến Lưu Ba mà dụ dỗ rằng: “Lưu Biểu muốn giết ngươi, chi bằng hãy cùng ta chạy trốn.”Lưu Ba sau khi nghe xong, thầm nghĩ: “Chạy trốn vụng trộm là phi quân tử. Ta không thể làm.” Cũng vì thế mà Lưu Biểu đã không giết ông.

Về sau, Tào Tháo dẫn quân chinh phạt Kinh Châu. Lưu Bị chạy trốn đến Giang Nam. Lưu Ba ngược lên phía bắc quy phụ Tào Tháo. Tào Tháo bổ nhiệm Lưu Ba làm Duyện (một chức quan thời xưa). Đồng thời Tào Tháo cũng để cho Lưu Ba tiến đến kêu gọi ba quận là Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương chiêu hàng. Nhưng thật không may là lúc này Lưu Bị đã chiếm lĩnh được ba quận này nên Lưu Ba kêu gọi chiêu hàng không thành công. Lưu Ba đành tìm đường trở về bằng cách xuống phía nam rồi ngược về phía bắc với Tào Tháo.

Lúc ấy, Gia Cát Lượng biết Lưu Ba là bậc kỳ tài nên muốn khuyên Lưu Ba tìm đến Lưu Bị mà nương tựa, nói: “Lưu Huyền Đức (tên tự của Lưu Bị) hùng tài cái thế, chiếm giữ đất Kinh, hợp với thiên ý lòng người, ai cũng quy phục. Túc hạ còn muốn đi đâu?”

Lưu Ba đáp: “Ta phụng mệnh Tào Tháo mà đến, không thể hoàn thành thì nên trở về. Đây là ta hết lòng với chức trách của mình. Túc hạ đừng phí lời mà vô ích.” Lưu Bị sau khi nghe được những lời nói này của Lưu Ba, trong lòng vô cùng tức giận.

Trên đường trở về, Lưu Ba gặp thủ hạ của Lưu Chương, quan cai quản Ích Châu. Lưu Chương mừng rỡ giữ Lưu Ba ở bên, phàm là có quân cơ đại sự gì thì trước tiên đều đến hỏi ý kiến của Lưu Ba.

Khi mưu sĩ của Lưu Bị là Pháp Chính khuyên bảo Lưu Chương thu nhận tập đoàn Lưu Bị để chống Tào thì Lưu Ba khuyên can: “Lưu Bị là kẻ hùng tài, không tầm thường, thu nhận người này tất sẽ là mối họa.” Nhưng Lưu Chương không nghe theo lời khuyên can của Lưu Ba. Lưu Ba tiếp tục can ngăn: “Để Lưu Bị thảo phạt Trương Lỗ, chẳng khác nào thả hổ về rừng”. Lưu Chương vẫn coi những lời này như gió thoảng bên tai. Kết quả cuối cùng, Lưu Bị đánh chiếm được Ích Châu, gặp được Lưu Ba.

Lưu Bị thấy Lưu Ba, không chỉ không quy thuận mình mà còn hết lần này lần khác chỉ điểm cho người khác chống lại mình thì không khỏi nảy sinh tâm oán giận. Nhưng cuối cùng vì lòng ái mộ người tài, đã khiến ông tiêu tan mất loại tâm đó. Hơn nữa, Lưu Ba lại được Gia Cát Lượng nhiều lần biện hộ cho nên trong lúc vây hãm Thành Đô, Lưu Bị đã hô to để ba quân nghe rõ: “Ai giết hại Lưu Ba sẽ bị tru di tam tộc.”

Sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, trước tiên ông bổ nhiệm Lưu Ba làm Tây Tào Duyện, phò tá tướng quân. Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung vương, Lưu Ba được phong làm Thượng thư. Tới lúc Pháp Chính qua đời, ông lại được thăng làm Thượng thư lệnh, phụ trách việc chính vụ hàng ngày.

Lưu Ba thường ngày thanh liêm trong sạch, cung kính, lặng lẽ thủ tĩnh, không “khinh ngôn lạm thuyết” nên rất được Lưu Bị tín nhiệm. Sau khi Lưu Bị xưng Đế, phàm là chiếu cáo Hoàng thiên thượng đế hay là văn tự tế lễ, văn cáo, sắc lệnh đều do Lưu Ba nắm giữ.

Lưu Bị không chỉ buông bỏ tâm oán hận mà còn phong quan chức cho người mình từng oán hận, vì thế mà có được trong tay một nhân tài tận tâm đến Gia Cát Lượng cũng tự “nhận thua”. Kết quả là, Lưu Bị và Gia Cát Lượng vô cùng mừng rỡ, Lưu Ba cũng vô cùng cao hứng. Thật đúng là: Quân thần hai người giống như cá với nước!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: