Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, rượu là con dao hai lưỡi, có thể thành sự mà cũng có thể hỏng sự. Đó có thể là chén rượu trung nghĩa trong kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu Bị; là chén rượu khí phách trong cuộc thưởng mơ nấu rượu luận anh hùng của Tào Tháo; là chén rượu hào hùng trong buổi rượu ấm trảm Hoa Hùng của Quan Vũ; đó còn là chén rượu trí tuệ khi Trương Phi giả say đánh Trương Cáp…

Nhưng kẻ nấu rượu mổ heo Trương Phi thành cũng do rượu, bại cũng lại do rượu, cuối cùng chết không toàn mạng, cũng nằm trong một chữ “rượu” này.

Trương Phi yêu ghét phân minh, tính tình ngay thẳng; uống rượu cũng vậy, khi quá chén thường không giữ được bình tĩnh. Ông không những yêu rượu, mà còn nghiện rượu, đã uống tất say, không say không nghỉ. Kỳ thực, việc Trương Phi say rượu đến mức hỏng việc cũng không phải lần một lần hai, chỉ cần thấy rượu ông liền quên sạch mọi chuyện. Lưu Bị cùng Tào Tháo chinh phạt Viên Thuật, trước khi xuất phát đi Nam Dương, đã giao lại Từ Châu cho Trương Phi. Chưa tới 3 ngày, Trương Phi đã quên lời dặn hạn chế rượu của Lưu Bị, thiết yến mời thuộc hạ lần lượt nâng chén, một mình cốc lớn tự rót, được mấy chục cốc mà không nhận ra rằng mình đã quá say, đã đánh Tào Bảo 50 trượng vì tội cự tuyệt không uống.

Bát Xà Mâu của Trương Phi. (Ảnh: Internet)
Nhân vật Trương Phi. (Ảnh: Internet)

Có câu nói “yêu quân như con”, nhưng với Trương Phi thì thuộc hạ chỉ như lợn gà để người cầm binh có quyền tuỳ ý giết mổ – một vị tướng lĩnh như vậy hỏi có ai dám phục tùng? Quả nhiên, Tào Bảo nửa đêm sai người đưa mật thư cho Lữ Bố, trong ứng ngoài hợp, khiến cho Trương Phi vẫn còn đang nồng nặc mùi rượu phải chạy chốn nơi đồng hoang, Tào Bảo báo được mối nhục bữa tiệc rượu. Ban đầu, nếu Trương Phi vì chuyện đó mà hạn chế rượu thì sẽ không có việc mất đi tính mạng sau này. Sau khi Quan Vũ đại bại chạy đến Mạch Thành rồi bị giết, Trương Phi đau buồn tuyệt vọng, uống rượu thay cơm, không kể sáng tối đều lấy rượu giải sầu. Sau khi say không phân biệt quân trượng đánh thuộc hạ, kết quả bị hai tướng dưới quyền là Phạm Cương, Mạnh Đạt giết chết. Anh hùng nhất thế vì một chút hồ đồ mà chết trong cơn say, trở thành trò cười thiên cổ. Kỳ thực, thời Trung Quốc cổ đại, việc say rượu hỏng chuyện để rồi mất đi tính mạng không phải là hiếm có.

Trần Thọ, tác giả cuốn “Tam Quốc chí” nhận xét về Trương Phi như sau: “Trương Phi… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan… có phong độ quốc sĩ. Nhưng… Phi bạo mà vô ơn, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”. Cũng có thể nói rằng, một vị tướng quân dũng mãnh vô song, nhưng chỉ vì chén rượu mà vô ý chuốc họa vào thân.

Không chỉ Tam Quốc Diễn Nghĩa, mà trong “Hán Thư” cũng có không ít điển cố cho thấy chén rượu là mở đầu của tai họa. Trong đó có chuyện kể về Trần Tuân rằng: “Tuân thèm rượu, mỗi lần tiệc lớn, khách đến đầy nhà, liền khoá cửa, lấy chốt xe của khách vứt xuống giếng, tuy rằng có việc gấp, cuối cùng lại không thể đi”. Những năm cuối thời Ai Đế – Tây Hán, xuất thân tầng lớp quan lại như Trần Tuân vừa có tài lại có khả năng, sau đó Vương Mãng chuyên quyền cũng nhìn ông ta với con mắt khác. Nhưng Trần Tuân có một cái tật, chính là coi rượu như mạng sống, không say không nghỉ. Mỗi lần tổ chức Trần Tuân đều ăn uống linh đình, say lướt khướt. Tự mình uống thì không sao, một khi có quan lại địa phương đến thăm, vì để giữ khách, ông thường xuyên đóng chặt cửa lớn, tháo bánh xe vứt xuống giếng, giống như ngày nay rút chìa khoá xe để giữ khách. Sau đó vì tiệc rượu quá đà mà ảnh hưởng tới chức vị, sau khi bị bãi miễn chức vụ đi làm thái thú Hà Nam, Trần Tuân vẫn không hối cải, muốn gì làm nấy, sau cùng bị giết trong lúc say.

11732811_194733178000_2
Rất nhiều bài học vì rượu mà vong mạng, uổng phí cuộc đời… (Ảnh: Internet)

Theo “Sử ký” ghi lại, tướng môn Hổ Tư Quán Phu coi rượu như mạng sống, còn thường xuyên mượn rượu giải sầu, chỉ cần có hơi rượu, liền chửi mắng những hoàng thân quý tộc và thậm chí cả bọn a dua nịnh hót. Ngay đến quyền uy như Điền Phấn cũng không bỏ qua. Cuối cùng tự chuốc hoạ vào thân, bị kéo vào tội “nói lời thất kính”, ”sỉ nhục thái hậu” bị xử trảm, đồng thời tại hoạ đến toàn gia, một người cũng không còn.

Có thể nói, con người cho dù đoàn tụ hay chia ly, mừng vui hay ai oán, thảy cũng đều bầu bạn với một chén rượu này. Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết bằng bài thơ dưới đây:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng,
Thị phi thành bại theo dòng nước,
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không.
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh triều hồng,
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi,
Vốn đã quen gió mát trăng trong,
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ,
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng… 

Nam Nguyễn biên dịch

Xem thêm: