Những bậc vĩ nhân thường có tấm lòng bao dung, nhẫn nại lớn lao. Họ chính là biển sâu không chê sông nhỏ mà quy tụ được muôn dòng, núi cao chẳng ngại đất bồi mà dựng nên nghìn trượng. 

Tô Thức (1037 – 1101), còn gọi là Tô Đông Pha, là một văn hào lỗi lạc thời Bắc Tống. Người ta gọi ông là “tam tuyệt”, tức là giỏi tuyệt đỉnh cả về 3 thể: thơ, tản văn và thư pháp. Tô Thức sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương và khoa cử. Cha ông Tô Tuân, em trai ông Tô Triệt cũng đều là những văn hào nổi tiếng trên văn đàn bấy giờ. Trong suốt 7 thế kỷ (từ thế kỷ 7 – 13), Trung Hoa có 8 đại văn hào lớn nhất thì nhà họ Tô đã chiếm 3 người: Tô Thức, Tô Tuân và Tô Triệt.

Được bồi dưỡng trong nếp nhà hiếu học từ thuở nhỏ, thấm nhuần tư tưởng Nho gia, Tô Thức có một lối sống đạm bạc, đơn giản, tính tình phóng khoáng, hào hoa, tấm lòng độ lượng, bao dung. Dù trải qua nhiều sóng gió nhiễu nhương trên chính trường, Tô Thức vẫn giữ một tấm lòng son trung quân ái dân, giữ tròn tiết tháo của người quân tử và phong độ ngời ngời của một mặc khách tao nhân.

Tô Thức (1037 – 1101), còn gọi là Tô Đông Pha. Ảnh en.wikipedia.org

Sóng gió quan trường không mòn chí

Dưới thời trị vì của Tống Thần Tông (1067 – 1085), nhà Tống bắt đầu suy thoái, kinh tế đình đốn, quốc khố trống không. Trước tình thế ấy, Thần Tông đã chuẩn y “Biến pháp” của Vương An Thạch, phong ông làm Tể tướng những mong khôi phục lại phong khí quốc gia. Những biện pháp kinh tế mới mẻ của Vương An Thạch tuy có được hiệu quả nhất thời nhưng càng về sau càng lâm vào khủng hoảng, khiến lòng dân ly tán.

Tô Đông Pha là một trong những người phản đối “Biến pháp” mạnh mẽ nhất. Ông cho rằng triều đình thực hiện các biện pháp này chính là tranh lợi với dân, vơ vét tài vật, tuy có được mối lợi kinh tế nhất thời nhưng đã làm xã hội lung lay tận gốc rễ. Vốn tính cương nghị, thẳng thắn, Tô Thức thậm chí còn mượn thơ để phê phán Vương An Thạch. Trong mắt phe cánh của họ Vương trong triều đình, Tô Đông Pha bỗng trở thành cái gai trong mắt phải nhổ.

Sau khi bị người nhà Vương An Thạch vu cáo, hãm hại, Tô Thức bị Thần Tông nghi ngờ, ghét bỏ. May nhờ có Tư Mã Quang đỡ lời, Thần Tông mới nguôi ngoai, không trị tội Tô Thức mà chỉ biếm trích ông ra Hàng Châu. Năm 1071, Tô Thức rời kinh thành lên đường tới đất trích. Nhưng Hàng Châu không phải là điểm đến cuối cùng của Tô Thức. Ông còn phải chịu thêm nhiều phen bị đối thủ hãm hại, quy tội khi quân rồi bị đày tới những vùng xa xôi, cách trở như Mật Châu, Hoàng Châu (Hồ Bắc ngày nay).

Năm 1084, Tô Thức được vua Thần Tông phục chức và vời về kinh đô giao việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi hoàng đế Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn (bạn thân hồi trẻ của Tô Thức) buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Thức bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực Nam hẻo lánh.

Bằng một sự lạc quan đáng kinh ngạc, Tô Đông Pha đã biến chuyến lưu đày của mình trở thành một cuộc du hí đầy sinh động. Bước chân ông đã đặt lên biết bao núi thẳm hang hoang, con sông ngọn suối. Đi đến đâu, Tô Đông Pha cũng lưu lại dấu tích của mình. Trong suốt thời gian làm quan ở Hàng Châu, ông làm đủ thể loại thơ tả cảnh, tả tình, tả sự đau xót khi thi hành án, tả cảnh trào phúng.

Ông còn làm bạn với các nhà sư, đọc sách Phật. Ông cũng lại rất thích ca nhi, buổi tiệc nào cũng có họ góp vui bằng tiếng cười, điệu hát. Các ca nhi này thường vây quanh xin ông đề thơ lên quạt giấy. Cảnh đẹp tuyệt trần của Hàng Châu chính là mảnh đất màu mỡ để cảm hứng của người tài tử, văn nhân ấy mặc sức sáng tạo. Chính ở nơi đây, Tô Đông Pha đã cải cách thể “Từ”, một loại thơ có thể dùng để phổ thành nhạc, trở thành “Từ gia” bậc nhất đời Tống.

Đến Hoàng Châu, vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn, Tô Thức cũng vẫn biết cách hưởng lấy niềm vui riêng. Ông đóng cửa đọc sách, ngâm thơ, viết thư pháp, lại xin được chục mẫu đất ở trang trại Đông Pha, đích thân làm ruộng, cất nhà, trồng rau, đào giếng, vui cảnh điền viên, thực là ung dung, tự tại.

Một lòng hướng Phật khi đi đến Hoàng Châu. Ông còn làm bạn với các nhà sư, đọc sách Phật. Ảnh blog.udn.com

Tấm lòng khoan dung, độ lượng hiếm có

Dù bị phe cánh của Vương An Thạch hại cho thân bại danh liệt nhưng Tô Đông Pha vẫn giữ một tình bạn thâm giao rất tốt đẹp với Tể tướng họ Vương. Năm 1084, Tô Đông Pha được phục chức, trên đường tới Nam Kinh còn ghé lại thăm Vương An Thạch đã cáo lão về quê từ năm 1076.

Lúc này Vương An Thạch sức khỏe đã suy lắm rồi. Tuy là những người đối địch với nhau trên quan trường nhưng Tô và Vương không đến nỗi thù ghét mà hãm hại nhau. Ngược lại, cả hai còn trọng tài của nhau, biệt đãi nhau bằng cái nghĩa của bậc quân tử. Vương An Thạch cũng là một văn hào lớn thời bấy giờ, xếp cùng hàng “Đường Tống bát đại gia” với Tô Đông Pha.

Lần này gặp Vương An Thạch là đã mười mấy năm trôi qua. Tô Đông Pha bèn ở lại chơi nhà Vương mấy ngày, cùng bàn chuyện sách vở và đạo Phật, ra chiều tâm đắc lắm. Có lúc, Tô Đông Pha trách Vương An Thạch mắc hai lỗi: Đánh Tây Hạ khiến cho sinh linh đồ thán và đầy ải nhiều sĩ phu xuống miền đông nam (trong đó có chính họ Tô). Vương An Thạch giơ 2 ngón tay lên nói: “Hai việc đó đều là do một tay Lữ Huệ Khanh gây nên cả”. Lữ Huệ Khanh trước đây vốn là cánh tay phải dưới trướng Vương An Thạch, sau này khi “Biến pháp” thất bại bèn quay lưng lại với ông.

Tháng 5 năm 1100, Tô Thức được tha án lưu đày, kết thúc 7 năm cuộc đời lưu lạc ở miền nam xa xôi. Trên đường trở về, Tô Thức được chiêu đãi nồng nhiệt ở khắp nơi. Những người thăm hỏi có người là bạn ông, có người vì ngưỡng mộ văn tài của ông. Khi qua Tịnh Giang, rất nhiều bạn bè văn nhân đến thăm hỏi nhưng con của Chương Đôn là Chương Viện lại không có mặt. Năm đó Tô Đông Pha làm quan chủ khảo đã chọn Chương Viện làm thủ khoa. Theo truyền thống khi đó, Chương Viện chính là môn sinh của ông.

Vốn khi đó dân gian có tin đồn Tô Thức sẽ quay về triều làm tướng. Chương Viện, con quan Tể tướng Chương Đôn thời vua Triết Tông (1076 – 1100), lo sợ cha mình trước đây hại Tô Thức nhiều lần sẽ bị trả thù. Viện đã viết một lá thư cho Tô Thức xin tha thứ. Tô Thức vốn xem chuyện ân oán nơi quan trường như mây khói, thẳng thắn đáp lại, đại ý là: “Đọc những lời này cảm thán không dứt. Mỗ và Tể tướng quen nhau hơn 40 năm, tuy thăng trầm khác nhau nhưng giao tình xưa nay vẫn trước sau như một. Hay tin bạn cao tuổi lưu lạc nơi ven biển, lòng này đã thấu. Chuyện xưa nói lại có ích gì!”. 

Lấy Thiện đãi người tấm lòng ấy không phải là bậc vĩ nhân thì không thể có được. Ảnh hanju100.com

Tô Thức đã chủ động gạt bỏ hết mọi ân oán cũ, lại lấy thiện đãi người, vẫn còn thăm hỏi người bạn già năm xưa nay phải chịu cảnh đày đọa. Tấm lòng ấy không phải là bậc vĩ nhân thì không thể có được. Tô Thức và Chương Đôn vốn là bạn cũ của nhau, đỗ cùng khóa thi một năm. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ hai, Tô Thức cùng người em Tô Triệt và Chương Đôn đều yết bảng Tiến sĩ. Trước đó, Chương Đôn và Tô Thức quen nhau ở Thiểm Tây, sau qua lại thân mật, thành bạn chí cốt.

Sau này, Tống Triết Tông Triệu Húc lên ngôi, Tô Thức lập tức đứng ra phản đối “Biến pháp” của Vương An Thạch. Ông còn nhiều lần gửi sớ lên khuyên bảo Triết Tông chăm chỉ học tập, rời xa nữ sắc. Điều đó khiến Triết Tông không vừa ý. Sau khi Chương Đôn và Thái Biện nắm quyền, vì bất đồng với Tô Thức nên đã gán tội danh “nhạo báng tiên triều” rồi bãi quan ông.

Năm 1094, Tô Thức bị điều đến Lĩnh Nam, Huệ Châu. Lĩnh Nam khi đó là nơi hoang vu hẻo lánh, chướng khí trùng trùng, ngôn ngữ phong tục khác biệt. Tô Thức ở Huệ Châu vẫn lấy khổ làm vui, ông viết: “Vị báo thi nhân xuân thụy túc. Đạo nhân khinh đả ngũ canh chung” (Để báo trời sáng cho thi nhân đang ngủ say sưa giấc ngủ xuân. Đạo sỹ gõ nhẹ chuông báo canh 5 trời sáng).

Chẳng bao lâu, thơ này truyền đến kinh thành. Chương Đôn nghe được lại càng thêm phẫn nộ, tức tối vì thấy Tô Thức vẫn ung dung, tự tại trong nghịch cảnh. Năm 1097, Đôn lại giáng chức ông lão 62 tuổi Tô Thức làm Biệt giá Quỳnh Châu, đày xuống huyện Đam (nay là địa phận đảo Hải Nam).

Tể tướng Chương Đôn còn đặc biệt hạ lệnh không cấp cho anh em họ Tô nơi ở, buộc Tô Đông Pha phải thuê nhà dân làm nơi trú thân. Dù vậy, Tô Thức vẫn giữ lòng lạc quan, tuy sống trong căn nhà lá ở Hải Nam ông vẫn viết thơ: “Cửu tử nam hoang ngô bất hối. Từ du kỳ tuyệt quan bình sinh” (Hoang đảo phương nam chết không hận. Kỳ hoa dị thảo lạ chưa kìa).

Sau khi Tống Huy Tông lên ngôi, Chương Đôn thất thế, bị đưa đến Lôi Châu. Tô Thức không thù không oán, vẫn luôn một lòng nhớ về tình bạn đồng khoa thi với Chương Đôn ngày xưa. Khi đó sức khỏe Chương Đôn ngày càng sa sút, một phần cũng vì bị giáng chức. Trong thư trả lời Chương Viện, Tô Thức căn dặn cậu phải chăm sóc cẩn thận cho cha già. Ngoài ra Tô Thức còn gửi cho Chương Đôn một số đơn thuốc và dặn dò Chương Đôn chăm sóc chu đáo bản thân.

Với những người từng hãm hại mình, Tô Đông Pha vẫn đối đãi thật cao thượng. Ông không hề thù ghét họ như cái cách người ta vẫn làm khi phải chịu khuất nhục, oan sai. Là một người tu Phật, Tô Đông Pha có thể lấy tâm từ bi mà thiện đãi chúng sinh, quả thực đã để lại bài học lưu truyền sử xanh, khiến hậu thế đời đời kính phục.

Tất cả thị phi đều cuốn đi như một giấc mơ màng, còn lại là cảnh tượng tuyệt đẹp, mĩ diệu của nhân sinh. Ảnh

Một lần chèo thuyền nhẹ chơi ở Tây Hồ, đúng lúc gặp mưa, Tô Đông Pha tức cảnh sinh tình mà làm bài “Vọng Hồ Lâu túy thư”. Bài thơ chỉ có 4 câu nhưng hầu như đã khái quát được cả cuộc đời ông:

Hắc vân phiên mặc vị già sơn
Bạch vũ khiêu châu loạn nhập thuyền
Quyển địa phong lai hốt xuy tán
Vọng Hồ lâu hạ thuỷ như thiên

Dịch thơ:

Mây đen trút mực chưa nhòa núi
Mưa trắng gieo châu nhảy rộn thuyền
Trận gió bỗng đâu lôi cuốn sạch
Dưới lầu bát ngát nước trời in 

(Bản dịch từ thivien.net)

Cuộc đời Tô Đông Pha chính là gặp biết bao gió dập mưa dồn, phong ba sóng gió, tưởng có lúc tròng trành sắp chìm xuống đáy. Thế nhưng cuối cùng người tốt luôn được hưởng phúc báo, mưa gió cả đêm chẳng u sầu, tất cả thị phi đều cuốn đi như một giấc mơ màng, còn lại là cảnh tượng tuyệt đẹp, mĩ diệu của nhân sinh: “Dưới lầu bát ngát nước trời in”… Thật không có gì lạ khi suốt hàng nghìn năm qua cái tên Tô Đông Pha vẫn in sâu trong lòng người yêu thơ văn Á Đông bao thế hệ như vậy…

Văn Nhược