Khổng Tử, Mạnh Tử là nhân vật tiêu biểu của học thuyết Nho gia. Tư tưởng Nho gia có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của các dân tộc Á Đông, nên tất nhiên cũng ảnh hưởng đến khoa học dưỡng sinh.

Tu thân dưỡng tính, trung dung bình hòa, ẩm thực dưỡng sinh, hứng thú đa dạng, là quan niệm dưỡng sinh của Nho gia. Học thuyết Nho gia ra đời vào cuối thời Xuân Thu, đời sau coi Khổng Tử và Mạnh Tử là nhân vật tiêu biểu của học thuyết Nho gia. Tư tưởng Nho gia có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của các dân tộc Á Đông, nên tất nhiên cũng ảnh hưởng đến khoa học dưỡng sinh.

Tu thân dưỡng tính, trung dung bình hòa, ẩm thực dưỡng sinh, hứng thú đa dạng, là quan niệm dưỡng sinh của Nho gia.

Quan niệm dưỡng sinh:

Tu thân dưỡng tính: Nhân đức, hiếu đạo.

Trung dung bình hòa: Hòa vi quý, dục nhi bất tham.

Ẩm thực dưỡng sinh: Ăn ngon, vệ sinh.

1. Tu thân dưỡng tính

Khổng Tử đề ra “Nhân giả thọ”, “Trí giả thọ”. (Tạm dịch: Người có nhân thì sống thọ, người có trí huệ thì sống thọ). Nhân là phẩm đức tu dưỡng, là kết quả của cần mẫn, phấn chấn học tập. Người nhân đức lạc quan độ lượng, không ưu sầu. Khổng Tử bảo cho hậu nhân rất rõ ràng rằng: “Phấn chấn quên ăn, vui vẻ quên ưu sầu, không biết tuổi già đang đến gần”. Phẩm đức cần mẫn, phấn chấn, hiếu học này của Khổng Tử chính là tinh thần tu sửa học tập: “Học mà không nghĩ thì vô ích, nghĩ mà không học thì nguy hiểm” mà Khổng Tử đề xuất.

“Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” (Tạm dịch: Người quân tử bình thản rộng mở, kẻ tiểu nhân lo lắng ưu sầu). “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ” (Tạm dịch: Kẻ trí tuệ thì không bị mê hoặc, kẻ nhân đức thì không lo lắng ưu sầu, kẻ dũng cảm thì không sợ hãi). Người quân tử nhân đức, lòng dạ rộng mở, tích cực vươn lên, tinh thần lạc quan khoáng đạt, khiến bản thân họ luôn ở trạng thái cân bằng.

Điều tra xã hội chứng minh, làm việc thiện cho người khác thì có lợi cho sức khỏe. Nhà bệnh lý học Đại học Yale Mỹ đã tiến hành điều tra theo dõi 7.000 người, kết quả cho thấy, những người làm việc thiện cho người khác thì tỷ lệ tử vong giảm thấp rõ rệt.

Người quân tử chỉ trọng tu dưỡng bản thân coi trọng nhân đức. (Ảnh: Pinterest)

2. Trung dung bình hòa

Khổng Tử nói trong “Luận ngữ” rằng: “Lễ chi dụng, hòa vi quý” (Tạm dịch: Tác dụng của lễ là hài hòa mối quan hệ là đáng quý). “Trung dung” viết: “Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã” (Tạm dịch: Hòa là cái Đạo mà thiên hạ cần đạt đến).

Mạnh Tử đề ra: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” (Tạm dịch: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa).

Tuân Tử đề ra: “Vạn vật các đắc kỳ hòa dĩ sinh” (Tạm dịch: Vạn vật mỗi cái đều đạt đến trạng thái hòa hợp mà sinh ra).

Tư tưởng của “Hòa” là giá trị quan và nhân sinh quan phổ biến của các dân tộc Á Đông. “Hòa” chính là nhấn mạnh, “Con người và thiên nhiên điều hòa”, nó bao gồm các hàm nghĩa hài hòa, hòa mục, hòa bình, hòa ái, tường hòa, trung hòa… Nó chứa đựng triết học xử thế và quan niệm nhân sinh sâu sắc hòa để chung sống, hòa đồng chung sức chung lòng, cùng sinh sống cùng phát triển, chính sự thông đạt nhân tâm hòa thuận, trong hòa ngoài thuận. Tư tưởng của “Hòa” là bộ phận tổ thành quan trọng của văn minh nhân loại, là cái đạo dưỡng sinh kiện thân, cũng là cái đạo kinh doanh phát tài, là cái đạo xã hội phát triển.

Nho gia đề xướng đạo Trung dung, chủ trương cần kiệm tiết dụng, khắc kỷ phục lễ.

Khổng Tử nói: “Dục nhi bất tham, thái nhi bất kiêu” (Muốn mà không tham, thư thái mà không kiêu ngạo). Luôn luôn tu sửa bản thân, khắc chế bản thân, không buông thả dục vọng, chỉ như thế này mới có thể sinh ra tác dụng “Tri túc thường lạc” (Biết đủ thường vui).

Đổng Trọng Thư, đại sư Nho gia thời đầu Tây Hán đã kết hợp tư tưởng trung dung với dưỡng sinh, nhấn mạnh dưỡng khí trung hòa. Ông nói: “Tuân theo Đạo Trời để dưỡng thân; trung là thủy chung của Trời đất; hòa là Trời đất sinh thành. Người lấy trung hòa để dưỡng thân thì sẽ thọ hết mệnh”.

Tư tưởng lấy “người và thiên nhiên cảm ứng” làm trung tâm, lấy đạo trung hòa để dưỡng thân khỏe người là rất có đạo lý.

Khổng Tử căn cứ vào tuổi khác nhau đã tổng kết ra 3 điều tránh để dưỡng sinh như sau: “Quân tử có 3 điều tránh, khi niên thiếu, khí huyết chưa định, tránh sắc dục; đến tuổi tráng niên, khí huyết mạnh mẽ, tránh tranh đấu; đến tuổi già, khí huyết đã suy, tránh đắc được”. Đây thực sự là những lời đầy kinh nghiệm.

Chỉ có tĩnh khí bất biến mới thành người có tu dưỡng. (Ảnh: ĐKN)

3. Ẩm thực dưỡng sinh

Khổng Tử là mỹ thực gia , ông rất chú trọng đề xướng vệ sinh ăn uống, đồng thời đề ra nguyên tắc và kiêng kỵ ẩm thực, đây là những tư liệu ghi chép sớm nhất về vệ sinh ăn uống trong văn hóa dưỡng sinh Á Đông.

Trong “Luận ngữ – Hương đảng” viết: “Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế” (Thức ăn tinh tế càng tốt, thịt thái nhỏ càng tốt).

Trong “Lễ ký – Nội tắc” viết: “Phàm hòa, xuân đa toan, hạ đa khổ, thu đa tân, đông đa hàm, điều dĩ cam hoạt” (Tạm dịch: Để điều hòa, mùa xuân ăn nhiều chua, mùa hạ ăn nhiều đắng, mùa thu ăn nhiều cay, mùa đông ăn nhiều mặn, điều vị bằng ngọt và trơn”. Cách chế biến thức ăn thuận ứng theo 4 mùa này, có thể khiến ăn uống tinh tế và ngon hơn, chế biến món ngon, có thể tăng thêm độ ngon miệng, thúc đẩy hấp thụ, có lợi cho sức khỏe.

“Lễ ký”, một trong những kinh điển Nho gia, văn chương là các tác phẩm của các học trò Khổng Tử và các học giả Nho gia đời Chiến Quốc.

Về vệ sinh ăn uống, Khổng Tử đề ra kiêng kị ăn uống “Bát bất thực” (8 cái không ăn): “Thực phẩm chết mà bốc mùi thì không ăn, cá ươn thịt hỏng không ăn, đổi màu xấu không ăn, đổi mùi vị lạ không ăn, nấu sai cách không ăn, không đúng giờ không ăn, cắt không đúng không ăn, không đúng gia vị không ăn”.

Vệ sinh ăn uống đề ra: “Ăn không nói, ngủ không nói”. Những yêu cầu vệ sinh ăn uống này là có lợi cho sức khỏe.

4. Hứng thú đa dạng

Hứng thú đa dạng: “Lục nghệ” – Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số (Lễ nghĩa, Âm nhạc, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán học).

Cuộc đời Khổng Tử trắc trở lưu lạc, có thể thọ 73 tuổi vào thời đó đã là một kỳ tích. Ngoài những nguyên tắc và phương pháp dưỡng sinh nói trên mà ông đã tuân theo rất khoa học, thì hứng thú đa dạng, đa tài đa nghệ cũng là điều kiện quan trọng đảm bảo cho thân và tâm được mạnh khỏe.

Khổng Tử tự nói về mình rằng, cả đời ông “Chí ư Đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Tạm dịch:Quyết chí học Đạo, bám chắc vào đức, dựa vững vào nhân, du chơi bằng nghệ thuật). Đây chính là tổng kết khái quát cuộc sống cả đời Khổng Tử. Khổng Tử tri thức uyên bác, sở thích rộng, đa dạng, ông không chỉ tinh thông thi, thư, đã để lại cho đời sau tài sản tinh thần quý báu, hơn nữa ông cũng vô cùng hứng thú với “Lục nghệ”, là các hoạt động lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa , thư pháp và toán học. Ông đánh giá rất cao nhạc khúc “Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (Vui vẻ mà không quá mức, bi ai mà không bi thương). Chính vì những sở thích hứng thú đa dạng như thế này, ông đã nuôi dưỡng tính tình, thúc đẩy sống khỏe mạnh trường thọ.

Nam Phương biên dịch