Nếu bạn đọc kỹ những câu chân ngôn chí lý lưu truyền thiên cổ của Gia Cát Lượng, bạn sẽ thu được lợi ích vô tận.

Gia Cát Lượng được người đời sau coi là ‘hóa thân của trí tuệ’, tại sao Gia Cát Lượng lại có ‘sức mạnh’ lớn đến vậy, được người đời sau tôn sùng? Không chỉ vì ông có mưu lược xuất chúng, mà còn nhờ những câu chân ngôn chí lý lưu truyền thiên cổ của ông. Thậm chí Hoàng đế Khang Hy đời nhà Thanh sau khi nghe các câu chuyện của Gia Cát Lượng, cũng đã đánh giá hết sức cao: “Gia Cát Lượng nói: ‘Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi’, là kẻ bề tôi, duy chỉ có Gia Cát Lượng mới được như vậy”.

Xin giới thiệu 10 câu lời vàng tiếng ngọc của Gia Cát Lượng, sau khi bạn đọc mấy câu như sét đánh bên tai này, nhất định sẽ kêu lớn rằng: “Đây thực sự làm phấn chấn lòng người, khiến tôi hiểu ra làm người cần phải lập chí hướng cao xa; Sống trong thế gian nên có ích cho xã hội”.

1. Tạm cầu bảo toàn tính mạng thời loạn thế, không cầu hiển đạt nổi danh chư hầu

(Cẩu toàn tính mạng ư loạn thế, bất cầu văn đạt ư chư hầu)

Thời loạn thế chỉ cầu bảo toàn tính mạng, không mong cầu được nổi danh khắp các nước chư hầu, được hiển đạt hưởng vinh hoa phú quý.

Câu Tiễn thân là bậc quân vương mà chịu chăn ngựa, dọn phân, gánh nước kiếm củi như kẻ nô lệ. Hơn nữa còn nếm phân Ngô Vương Phù Sai, chỉ cốt bảo toàn tính mạng thời loạn thế. Để rồi nhất cử thành danh, khôi phục cựu sơn hà, rửa sạch mối oan thù.

Câu Tiễn chỉ cốt bảo toàn tính mạng thời loạn thế mà chịu bao cay đắng để rồi nhất cử thành danh, khôi phục cựu sơn hà, rửa sạch mối oan thù. (Ảnh: tinhhoa.net)

2. Cao quý mà không kiêu ngạo, chiến thắng, lập công mà không tự mãn, hiền tài mà khiêm hạ giữ lễ với người dưới, cương trực mà bao dung nhẫn nại.

(Quý nhi bất kiêu, thắng nghi bất bội, hiền nhi năng hạ, cương nhi năng nhẫn)

Thân ở ngôi vị cao mà không cao ngạo tự mãn, lập công trác việt mà không kiêu ngạo kiêu căng, có tài năng mà có thể khiêm hạ lễ đãi kẻ hèn kém, tính cương trực mà có thể bao dung, nhẫn nại với mọi người.

Quan Công văn võ song toàn, hào hiệp trượng nghĩa, trung nghĩa tiết tháo, uy dũng mưu lược. Nhưng do cao ngạo, Quan Công không những cự tuyệt Tôn Quyền phái sứ giả cầu hôn con gái Quan Công cho con trai mình, mà còn sỉ nhục Tôn Quyền “Nòi hổ không gả cho giống chó”, khiến Tôn Quyền nổi giận ngầm hàng Táo Tháo giết Quan Công.

3. Trẻ khỏe không gắng sức, già cả chỉ đau thương

(Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi)

Khi trẻ khỏe, không gắng sức tự cường, đến khi tuổi cao, chỉ có thể tự mình đau buồn hối hận mà thôi.

Biết bao người khi trẻ tuổi lòng ôm chí lớn, thân chứa tài cao, bụng bồ kinh luân, người người khen ngợi, đều cho rằng sau này ắt là bậc hiền tài, công danh rạng rỡ. Nhưng có tài không biết quý tiếc tài năng và thời gian, tuổi trẻ nhiều đam mê, nhiều vui thú, mải mê chìm đắm trong yến tiệc, chén thù chén tạc với bằng hữu, thâu đêm cùng cuộc đỏ đen, lao mình vào chốn hoa thiên tửu địa. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ, bao tài năng hoài bão kia như nước chảy về đông. Ngoảnh lại bỗng thấy đã bạc mái đầu, sức tàn lực kiệt, bệnh tật đầy thân, mà công danh sự nghiệp, một việc cũng không thành. Than ôi, giờ đây ôm hận, muốn lại từ đầu thì đã quá muộn.

4. Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi

(Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn)

Con người cần phải điềm tĩnh vô vi, không chạy theo danh lợi mới có thể tỏ rõ chí hướng. Phải thanh tĩnh bình hòa mới có thể đạt đến cảnh giới thâm sâu, xa rộng.

Câu nói này trích từ “Giới tử thư” (Thư răn dạy con) của Gia Cát Lượng. Khi 54 tuổi, ông viết cho con trai là Gia Cát Chiêm lúc đó 7 tuổi, lời lẽ dặn dò ân cần thiết tha. Câu này có thể coi là danh ngôn kinh điển nhất của “Giới tử thư”.  Chúng ta nên cẩn thận học theo, đừng có quên.

Cuộc đời Gia Cát lượng diễn dịch câu danh ngôn này. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nhờ nhà chú. Khi lớn một chút, ông đến Long Trung dựng nhà lá, tự cày cấy trồng trọt nuôi mình, sống đạm bạc lập chí nghiên cứu các kinh điển Nho Đạo và Binh gia. Gia Cát Lượng sống nơi tịch mịnh không người biết đến, chuyên tâm nghiên cứu thiên văn địa lí, thao lược, trở thành bậc kỳ tài trong thiên hạ, khiến một mưu sỹ tài năng nổi tiếng của Lưu Bị là Từ Thứ cũng không tiếc lời ngợi ca rằng: “Tôi so với Khổng Minh như ngựa so với Kỳ lân, như quạ so với Phượng hoàng. Chúa công có Khổng Minh như Văn vương có Lã Vọng, như Hán vương được Trương Lương”.

Con người cần phải điềm tĩnh vô vi, phải thanh tĩnh bình hòa mới có thể đạt đến cảnh giới thâm sâu, xa rộng. (Ảnh: pinterest.com)

5. Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi

(Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ)

Cần mẫn cặm cụi, vắt kiệt tâm can sức lực, cho đến tận khi chết mới thôi.

Câu danh ngôn này cũng là diễn dịch cuộc đời ông, diễn dịch một chữ “trung”, là điển phạm của bậc trung thần suốt hàng ngàn năm lịch sử. Đến như vua Khang Hy cũng phải cảm khái ca ngợi rằng: “Gia Cát Lượng nói: ‘Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi’, là kẻ bề tôi, duy chỉ có Gia Cát Lượng mới được như vậy”.

6. Kết giao quyền thế, lợi ích, khó mà lâu bền

(Thế lợi chi giao, nan dĩ kinh viễn)

Xây dựng kết giao dựa trên quyền thế và tài lợi, khó mà lâu dài được.

Câu nói này cũng giống câu châm ngôn của người xưa ‘Tửu nhục bằng hữu’ (bạn rượu thịt), đúng như câu thơ trong bài ‘Thói đời’ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”

Và:

“Được thời thân thích chen chân đến,

Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi”.

7. Chớ cậy tài mà kiêu ngạo với người, chớ vì được sủng ái mà tác oai tác quái

(Bất ngạo tài dĩ ngạo nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy)

Không được cậy vào tài hoa của mình mà biểu hiện thái độ kiêu ngạo với người khác, không được vì mình được ân sủng mà ép người chế phục người để thể hiện uy phong, ra oai.

Mỗi lời nói, hành động của Gia Cát Lượng đều tinh luyện chắt lọc ra từ chính cuộc đời của ông. Ông một tay gây dựng cơ đồ, đem lại giang sơn cho nhà Thục Hán, thân làm thừa tướng, dưới một người, trên vạn người. Vậy mà vợ con ông vẫn ở vùng núi Long Trung, sống bằng nghề cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải.

Mỗi lời nói, hành động của Gia Cát Lượng đều tinh luyện chắt lọc ra từ chính cuộc đời của ông. (Ảnh: youtube.com)

8. Vui thì không nên vui việc chẳng đáng vui, giận thì không nên giận cái chẳng đáng giận

(Hỷ bất ưng hỷ vô sự chi sự, nộ bất ưng nộ vô nộ chi vật)

Khi vui thích, không nên vui thích vì những sự việc vô duyên cớ, chẳng đáng vui; Khi giận dữ, không nên vì người và sự vật không đáng giận mà giận dữ.

Trừ những bậc tu hành có thành tựu, có thể an nhiên, tự tại, bất động tâm trước những gió gió mưa mưa của thế sự, trước nhân tình thế thái nóng lạnh chốn nhân gian, còn tất cả con người, đều sống bởi chữ tình. Có tình thì ắt có yêu thích, chán ghét, ắt có hài lòng, giận dữ.

Nếu cứ động tí vui cười, động tí nổi giận, thất tình lục dục quấn tấm thân, sống trong sự xoay vần của hỷ nộ ái ố, thì chẳng có nổi thời gian hưởng thụ cuộc sống, thưởng thức sự tươi mát, trong lành của sáng sớm mùa thu, hay những tia nắng ấm áp của vườn xuân ríu rít tiếng chim ca.

Vui cái đáng vui, giận cái đáng giận, giữ tâm thái hòa ái tận hưởng cuộc sống và thiên nhiên tươi đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, đừng để mỗi ngày qua đi là một ngày nhạt nhẽo vô vị, hoặc một ngày nặng trĩu tâm trạng với bao phẫn uất trong lòng.

9. Chí hướng nên cao xa

(Chí đương tồn cao viễn)

Làm người, cần xác lập chí hướng to lớn cao xa.

Câu nói này của Gia Cát Lượng là câu mà cổ nhân đặc biệt coi trọng, vì làm người cần phải xác lập được chí hướng. Chỉ có xác lập được chí hướng to lớn cao xa mới có đủ sức mạnh và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và kiếp nạn, khắc phục các nhược điểm bản thân, đốc thúc mình không ngừng tiến bước hướng tới mục tiêu.

Trong ‘Giới ngoại sanh thư’ (Thư răn dạy cháu ngoại), Gia Cát Lượng đã nói rất tường tận chi tiết về tầm quan trọng của ‘Lập chí’, đồng thời luận thuật sâu từ phía phản diện. Bạn đọc có hứng thú, có thể tìm đọc, để hiểu rõ thêm về bậc kỳ tài thời Tam Quốc Gia Cát Lượng, thật vô tiền khoáng hậu.

Làm người, cần xác lập chí hướng to lớn cao xa. (Ảnh: xuehua.us)

10. Khí khái bậc chí sỹ ôm hoài bão to lớn không nên xem nhẹ mình mà mất tự trọng

(Hôi hoằng chí sỹ chi khí, bất nghi vọng tự phỉ bạc)

Khí khái bậc chí sỹ có hoài bão to lớn thì không nên xem nhẹ bản thân mà quên mất tự trọng.

Lý Bạch có viết ‘Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng’ (Trời sinh ra tài năng của ta ắt có chỗ sử dụng). Con người cùng với Trời và Đất là Tam tài (Thiên – Địa – Nhân), con người là anh linh của vạn vật (vạn vật chi linh), trong vũ trụ sánh cùng Trời Đất. Đạo gia giảng con người chính là tiểu vũ trụ.

Con người còn khả năng vô hạn như vũ trụ mà chưa được khai thác. Các nhà khoa học cho biết, con người mới sử dụng 4, 5% bộ não, những người có thể sử dụng 6, 7% bộ não đã trở thành thiên tài trên thế giới rồi. Nếu mình coi thường mình, nghĩ mình bất tài, kém cỏi, là đã tự tiêu diệt ý chí của mình, tự đóng khung khả năng, giam cầm hoài bão của mình, thì cuối cùng có lẽ chẳng thành công được.

Tự trọng, tự tôn, tin vào khả năng mình, quyết chí  tu dưỡng phẩm chất, trui rèn tài năng. Có tài có chí thì lo gì không có đất dụng võ, không được sử dụng.

Nam Phương