“Hoàng Đế” là danh xưng chưa từng xuất hiện trước thời Tần Thủy Hoàng. Trước danh xưng “Hoàng Đế” thì chỉ có danh xưng “Hoàng”, “Đế”, “Vương” như “Tam Hoàng” và “Ngũ Đế”, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương…

Danh xưng của Quân Vương trước thời Tần Thủy Hoàng là gì?

Trong “Độc đoạn” của tác giả Thái Ung, triều nhà Hán có viết: “Thượng cổ thiên tử: Bào Hy thị, Thần Nông thị xưng Hoàng, Nghiêu, Thuấn xưng đế, Hạ, Thương, Chu xưng vương.” (Tạm dịch: Thời cổ đại, Bào Hy (Phục Hy) và Thần Nông xưng là Hoàng. Nghiêu, Thuấn xưng là Đế. Vua nước Hạ, Thương, Chu xưng là Vương). 

Trong “Nhĩ nhã”, phần Thích cổ cũng có viết rằng, bậc Quân Vương thời cổ đại dùng “Thiên, Đế, Hoàng, Vương, Hậu, Công, Hầu, Quân” để làm danh xưng cho bậc Quân Vương.

“Tam Hoàng” và “Ngũ Đế” được ghi chép lại sớm nhất trong cuốn “Chu lễ”, hay trong “Thi”, phần Chước trong Chu tụng cũng có nhắc đến. Trong “Bạch hổ thông. Tước” của tác giả Ban Cố triều đại nhà Hán cũng viết rằng, “Hoàng” được xưng là Thiên Tử (con của trời). Trong “Thuyết Văn” cũng có nói rằng, “Đế” là danh xưng của bậc Vua trong thiên hạ.

Thời Tây Chu, Chu Vương được xưng là Thiên Tử. Người xưa có câu rằng, làm vua là đại diện cho quyền lực của Thiên Thượng, bậc vua chúa là người phụng mệnh Thiên ý thống trị thiên hạ, cho nên, “Đế Vương” là con của trời. Chính là điều mà người xưa gọi là “Thiên Tử”.

Trong “Lễ kí“, phần Khúc lễ hạ có viết: “Quân thiên hạ viết thiên tử” (Tạm dịch: Vua của thiên hạ được gọi là Thiên tử). Hay trong cuốn “Ấu học quỳnh lâm”, quyển nhất, phần Triêu đình loại có viết: “Thiên tử, thiên hạ chi chủ.” (Tạm dịch: Thiên Tử là vua của thiên hạ). Cho nên, các Đế Vương trước triều đại nhà Chu đều xưng là “Hoàng”, “Đế”, “Vương”, “Thiên Tử” chứ đều không đem Quân vương gọi là “Hoàng đế”.

Vậy việc đem Quân vương xưng là “Hoàng Đế” được bắt đầu từ khi nào?

Danh xưng “Hoàng Đế” bắt đầu từ khi nào?

Trong lịch sử, đem Quân vương xưng thành “Hoàng đế” chính thức là do Tần Thủy Hoàng khai thủy, điều này được xác thực trong cuốn “Sử ký”, phần Tần Thủy Hoàng bổn kỉ. Trong cuốn này cũng nói rằng, Tần Thủy Hoàng tự xưng “Hoàng Đế” là có nguồn gốc từ “Tam Hoàng Ngũ Đế”.

Lịch sử Trung Hoa ghi chép lại xác thực có tồn tại thời kỳ “Tam Hoàng Ngũ Đế”, nhưng lại có nhiều ghi chép khác nhau. Tam Hoàng là gì? Trong cuốn “Bạch hổ thông” của tác giả Ban Cố, triều nhà Hán có viết rằng, “Tam Hoàng” là ba vị vua đầu tiên của Trung Hoa bao gồm Phục Hy, Thần Nông và Toại Nhân.

Phục Hy là vị anh hùng văn hóa của văn minh Trung Hoa. Ông được người đời cho là người phát minh ra chữ viết, nghề đánh bắt cá, và bẫy thú. Ông dạy dân chúng cách làm lưới bắt cá, quan sát hiện tượng thiên văn, địa lý. Từ đó giúp con người hiểu được sự biến hóa của bốn mùa trong năm, con người thực sự trở thành chúa tể của sự sáng tạo cho nên được xưng là Nhân Hoàng (hay còn gọi là Thái Hoàng). Toại Nhân là người sáng tạo ra lửa, đem lại ánh sáng cho con người. Mà ngọn lửa tượng trưng cho mặt trời nên được xưng là Thiên Hoàng. Thần Nông là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế tạo ra cày bừa, trồng trọt ra ngũ cốc nên được xưng là Địa Hoàng.

Trong cuốn “Bạch hổ thông” của Ban Cố cũng viết rằng, Ngũ Đế chính là chỉ năm vị Thánh vương bao gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn.

Chân dung Hoàng Đế. (Hình ảnh dẫn qua zh.wikipedia.org)
Chân dung Hoàng Đế. (Hình ảnh dẫn qua zh.wikipedia.org)

Hoàng Đế hiệu là Hiên Viên. Ông tại vị trong một thời gian dài. Ông phát minh ra chữ viết, lịch, âm nhạc, thuyền, xiêm y và la bàn.

Chuyên Húc tên là Cao Dương, là cháu của Hoàng Đế. Ông là người cao minh, đạo đức cao thượng.

Đế Khốc hiệu là Cao Tân là chắt của Hoàng Đế. Ông có thái độ nghiêm túc, phẩm chất cao thượng, ứng xử hợp tình hợp lý, vừa đức độ lại vừa có tài trong việc trị quốc, do đó ông được dân chúng ủng hộ.

Nghiêu Đế còn gọi là Giao Đường Thị hoặc Đường Nghiêu. Ông là người đơn giản, có đạo đức cao thượng, được dân kính trọng. Sau này ông truyền ngôi lại cho Thuấn Đế.

Thuấn Đế còn được gọi là Ngu Thuấn. Ông là người vô cùng hiếu thảo cho nên được Nghiêu Đế trọng dụng và về sau được truyền ngôi vị.

“Tam Hoàng Ngũ Đế” chính là người vâng lệnh Thiên ý để thi hành thuật cai trị đất nước, dùng đức hạnh để giáo hóa dân chúng. Họ không chỉ được người dân nơi nơi kính trọng sâu sắc mà còn trở thành mẫu hình tiêu chuẩn của bậc Quân Vương cai trị đất nước, có nhiều cống hiến vĩ đại cho sự phát triển của văn minh xã hội nhân loại.

Lý do Tần Thủy Hoàng lấy danh xưng là “Hoàng Đế”

Tần Vương sau khi tiêu diệt 6 nước, thống nhất thiên hạ. Ông thấy công “bình định thiên hạ”, “thống nhất đất nước” của mình vô cùng to lớn và danh xưng “Vương” (Vua) không đủ để nói hết được công lao ấy.

Vạn lý trường thành, công trình mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh dẫn qua greatwallchina.info)
Vạn lý trường thành, công trình mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh dẫn qua greatwallchina.info)

Ông lệnh cho các quần thần bàn bạc để tìm ra một danh xưng xứng đáng cho mình. Sau này thừa tướng Lý Tư đã dâng tấu lên Tần Vương, nói rằng thời cổ có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, trong đó Thái Hoàng được cho là địa vị tôn quý nhất. Ông kiến nghị Tần Vương lấy danh xưng là Thái Vương.

Nhưng Tần Vương lại cho rằng đức hạnh của bản thân là vượt quá Tam Hoàng, công lao là cao hơn Ngũ Đế. Dùng danh hiệu “Thái Vương” vẫn không thể thể hiện hết được công lao của mình. Vì vậy, ông quyết định bỏ chữ “Thái”, giữ lại chữ “Hoàng” trong danh xưng “Thái Hoàng”, kết hợp với danh xưng của Đế của “Ngũ Đế” hợp thành chữ “Hoàng Đế”.

Từ đó, Tần Vương trở thành vị Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa. Ông tự xưng là người khai thủy ra danh xưng Hoàng Đế đồng thời quy định rằng, người kế thừa ngôi vị của ông phải dựa theo thứ tự thứ bậc mà lấy danh xưng là “Nhị Thế Hoàng Đế” (Hoàng Đế nhà Tần đời thứ hai), “Tam Thế Hoàng Đế” (Hoàng Đế nhà Tần đời thứ ba)… cứ như vậy cho đến sau này.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: